Tiểu luận ASEAN - Chỗ đứng mới của Việt Nam trong một thế giới hậu chiến tranh lạnh
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tiểu luận ASEAN - Chỗ đứng mới của Việt Nam trong một thế giới hậu chiến tranh lạnh", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận ASEAN - Chỗ đứng mới của Việt Nam trong một thế giới hậu chiến tranh lạnh
BỘ NGOẠI GIAO HỌC VIỆN NGOẠI GIAO KHOA CHÍNH TRỊ QUỐC TẾ VÀ NGOẠI GIAO Tiểu luận nhóm Bộ môn: Chính sách đối ngoại Đề tài: ASEAN – CHỖ ĐỨNG MỚI CỦA VIỆT NAM TRONG MỘT THẾ GIỚI HẬU CHIẾN TRANH LẠNH Thành viên nhóm: Nguyễn Thị Ngọc Minh (Nhóm trưởng) – CT36B Nguyễn Anh Thư – CT36B Lương Phan Khánh Linh – CT36B Hoàng Tuyết Nga – CT36A Bùi Huyền Mi – CT36A Hà Nội, ngày 17 tháng 3 năm 2011. MỤC LỤC LỜI NÓI ĐẦU Đầu thập niên 90, trước sự thay đổ của tình hình thế giới, chính sách đối ngoại Việt Nam trước đây không còn phù hợp nữa. Là một nước trong hàng ngũ phe xã hội chủ nghĩa trong thời kì chiến tranh lạnh, Việt Nam chịu ảnh hưởng rất lớn từ hai cường quốc Liên Xô và Trung Quốc. Vậy trong một thế giới hậu chiến tranh lạnh, khi phe khối chủ nghĩa xã hội đã tan rã, Việt Nam sẽ chọn cho mình con đường nào để tiếp tục? Lịch sử đã chứng minh tính đúng đắn của câu trả lời mà Việt Nam đã chọn. Việt Nam đã đổi mới, mở cửa đất nước, nỗ lực tham gia vào các diễn đàn, tổ chức khu vực và quốc tế. Bằng việc gia nhập ASEAN, Việt Nam đã đặt bước chân đầu tiên lên con đường đi tìm vị trí và chỗ đứng mới cho bản thân. Đây được đánh giá là một trong những quyết định đúng đắn nhất của Việt Nam trong trong thập niên 90. Chúng tôi giới hạn bài viết của mình trong 5 năm đầu (1991-1995), nghiên cứu chính sách đối ngoại của Việt Nam trong từng bước gia nhập ASEAN. Bài viết sẽ trả lời cho câu hỏi Tại sao Việt Nam lại chọn ASEAN làm bước đột phá trong chính sách đối ngoại của mình? Bài viết đề cập đến ba vấn đề chính xoay quanh câu hỏi nghiên cứu: Những yếu tố tác động đến quyết định của Việt Nam; Chính sách đối ngoại Việt Nam hướng tới việc trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN; Đánh giá của cộng đồng quốc tế và cá nhân trước sự kiện này. Với mỗi phần lớn sẽ có những phân tích đánh gia cụ thể cũng như những trích dẫn có liên quan. Cụ thể như sau: Trong phần Những yếu tố tác động đến quyết định của Việt Nam, chúng tôi chủ yếu xem xét sự biến chuyển trong tình hình thế giới, Đông Nam Á và ở ngay trong lòng Việt Nam. Trong đó đi vào xu thế khu vực hóa trên thế giới lúc bấy giờ; vấn đề Campuchia cũng như thái độ của Mỹ và Trung Quốc, những điều đã tạo thuận lợi cũng trong quá trình Việt Nam gia nhập ASEAN. Đồng thời bài viết cũng sẽ phân tích sâu vào góc nhìn từ hai bên: Việt Nam và ASEAN. Đối với phần những chính sách của Việt Nam trên con đường trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN, bài viết sẽ nêu ra chính sách cụ thể và việc triển khai chính sách đó thể hiện qua những văn kiện Đảng cũng như các chuyển thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước và những sự kiện liên quan. Trong phần cuối cùng: Đánh giá của cộng đồng quốc tế và cá nhân, cô và các bạn sẽ tìm thấy những phản ứng của báo chí và các “nhân vật sự kiên” cũng như những đánh giá của tập thể tác giả đối với sự kiện này. Vì nhiều lý do, bài viết có thể còn những sơ suất, rất mong bạn đọc góp ý và lượng thứ . Chân thành cám ơn cô và các bạn đã theo dõi bài viết! TẬP THỂ TÁC GIẢ NHỮNG YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN LỰA CHỌN CỦA VIỆT NAM Xu thế khu vực hóa Chiến tranh lạnh kết thúc mang theo đó là những nghi kị và sự không tin tưởng lẫn nhau giữa các quốc gia dần được xoá bỏ. Đồng thời nó cũng mang đến những cơ hội và cả những thách thức khác nhau cho tất cả các nước trên thế giới một lần nữa “trở mình sống dậy”. Bức tường Béc lin bị phá bỏ năm 1989, như là biểu tượng của sự cáo chung những tường rào ngăn cản trong quan hệ quốc tế. Sự kiện này cho phép chúng ta giờ đây có thể nhìn thế giới như một thể thống nhất với xu hướng hợp tác, liên kết diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ không lường đươc. Năm 1991, chấm dứt sự tồn tại của Liên bang Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết, chiến tranh Lạnh kết thúc, trật tự thế giới hai cực kết thúc, đây không còn là thời điểm mà mọi động thái của Xô Mỹ đều quyết định đến kết cục của quan hệ quốc tế, và các nước nhỏ, bằng cách này hay cách khác, đều chịu chi phối từ quyết định của Xô-Mỹ. Cơn sóng liên kết khu vực lan ra toàn thế giới và Đông Nam Á cũng không nằm ngoài quy luật đó. Một thế giới đa cực đang hình thành, và đương nhiên, các nước ASEAN cần nhanh nhạy nắm bắt xu thế đó để đưa ra những quyết sách hợp lý, đảm bảo lợi ích của mình. Sự hình thành thế giới đa cực đã tạo nên nhiều cơ hội cho những nước nhỏ bé như Việt Nam vươn lên tìm chỗ đứng chính trị cho mình: cơ hội thoát khỏi các cuộc xung đột nảy sinh từ các cuộc cạnh tranh mang tính địa chiến lược và những bất đồng về hệ tư tưởng; cơ hội để bắt đầu thực hiện nhiệm vụ cấp bách là thiết lập một nền hòa bình bền vững và lâu dài cũng như vun đắp cho tình hữu nghị và thịnh vượng chung ở khu vực; cơ hội để khởi xướng, tăng cường và phát triển sự hợp tác vì sự tiến bộ chung, chuẩn bị để bước vào thiên niên kỉ mới, thế kỉ XXI. Chớp được những cơ hội này sẽ tạo đà cho đất nước phát triển ngày càng cao. Để tận dụng những cơ hội này, Việt Nam cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong chính sách đối ngoại. Quyết sách của những người đứng đầu trong thời điểm nhạy cảm này sẽ ảnh hưởng tới vận mệnh và chiều hướng phát triển sau này của đất nước. Từ chạy đua vũ trang đến chạy đua kinh tế. Chiến tranh lạnh kết thúc không chỉ kết thúc một giai đoạn khủng hoảng tinh thần và nghi kị sâu sắc giữa các nước mà còn là động cơ để thay đổi tiêu chuẩn đánh giá và vị thế của các nước. Không còn lấy chạy đua vũ trang làm tiêu chuẩn để đánh giá sức mạnh của một nước nữa mà sức mạnh kinh tế quyết định hết thảy. Phát triển kinh tế đã và đang trở thành cuộc đua mà tất cả các nước đều tham gia. Kinh tế sẽ quyết định vị thế cũng như tiếng nói của quốc gia trên trường quốc tế. Kinh tế lên ngôi cũng đồng nghĩa với việc biên giới giữa các quốc gia hầu như không còn. Đóng cửa sẽ khiến nền kinh tế trì trệ kém phát triển, chỉ có mở cửa và hội nhập mới giúp nền kinh tế của các nước phát triển được. Sau nhiều thập kỉ chạy đua vũ trang, nhiều nước kiệt quệ về kinh tế và suy giảm vị thế của mình. Nếu như sau chiến tranh thế giới thứ hai, Mỹ là bá chủ thế giới, chủ nợ của châu Âu và Nhật Bản với những khoản viện trợ khổng lồ thì ở đầu thập niên 90, Mỹ đứng trước nguy cơ bị EU và Nhật Bản vượt mặt về kinh tế. Nhưng quốc gia phải trả cái giá đắt nhất là Liên Xô. Thành trì vững chắc của hệ thống xã hội chủ nghĩa, cường quốc duy nhất có thể đối trọng với Mỹ trong quá khứ, đã sụp đổ sau hơn 70 năm tồn tại. Việc tập trung đầu tư quá lớn cho quân sự đã khiến nền kinh tế vốn chứa đựng nhiều bất ổn của Liên Xô ngày càng xuống dốc, dẫn đến những khủng hoảng không thể cứu chữa. Chính sách cứng nhắc đã kéo lùi nền kinh tế của một số nước xã hội chủ nghĩa xuống vài chục năm, thậm chí hàng trăm năm, hậu quả đến ngày hôm nay vẫn còn thấy rõ, điển hình là Bắc Triều Tiên. Liên Xô sụp đổ được coi như là chiến thắng to lớn của nước Mỹ, tuy nhiên, người chiến thắng thực sự là những nước không bị cuốn quá sâu vào cuộc chạy đua quân sự và biết tận dụng thời cơ tập trung phát triển kinh tế. Đại diện tiêu biểu có thể kể ra ở đây là Nhật Bản – nước đã vươn lên trở thành trung tâm tài chính thứ 2 sau Mỹ, Singapore – con hổ của châu Á, cộng đồng EU – một thực thể nắm vai trò quyết định tới kinh tế - chính trị thế giới. Đặc biệt ở Đông Nam Á, các nước ASEAN như Singapore, Malaysia, Thái Lan đã nhạy bén thích ứng sớm với xu thế này. Để phát triển kinh tế còn cần một môi trường thuận lợi và ổn định. Vậy làm thế nào để các nước nhỏ yếu có thể lấp đẩy sự thiếu hụt này và tự tin phát triển kinh tế. Cách giải quyết mà các nước đó đang theo đuổi lúc này là “bắt tay với nhau” để cùng phát triển. Xu hướng hợp tác khu vực cũng phát triển mạnh mẽ từ đó. Các nước nhỏ yếu sẽ cùng kết hợp với nhau hình thành tổ chức khu vực với mục đích cùng nhau phát triển kinh tế và giành được tiếng nói lớn hơn trên cộng đồng quốc tế cũng như tạo sức cạnh tranh lớn hơn với các nền kinh tế phát triển. Và những nước ở gần nhau cùng trong một khu vực sẽ ưu tiên kết hợp với nhau bởi sự tương đồng về địa lý, khí hậu, văn hóa cũng như nền kinh tế tương đồng sẽ có chung nhiều điều kiện cùng phát triển. Đấy là lý do vì sao Việt Nam cần tìm đến một cộng đồng mới để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế. ASEAN chính là câu trả lời đúng đắn cho Việt Nam. Tuy nhiên, có một trở ngại lớn trên con đường Việt Nam gia nhập tổ chức này. Vấn đề Campuchia: Khúc mắc được giải quyết Sau năm 1975, vấn đề Campuchia được coi như là vấn đề nổi cộm nhất chi phối đến quan hệ giữa Việt Nam và các nước ASEAN. Về phía Việt Nam, chúng ta coi đưa quân vào Campuchia là làm nghĩa vụ quốc tế, cứu nhân dân Campuchia khỏi thảm họa diệt chủng. Tuy nhiên, đối với các nước ASEAN, đây đơn giản là một hành động xâm lược. Chính vì thế, trong vấn đề Campuchia, các nước ASEAN chủ trương đấu tranh đòi Việt Nam rút quân, quyết liệt lên án hành động của Việt Nam. ASEAN lo sợ Việt Nam sẽ đe dọa trực tiếp đến an ninh khu vực. Thêm vào đó, những bất đồng trong ý thức hệ càng khiến cho mối quan hệ này thêm căng thẳng. Cần nói thêm rằng, việc tiến quân vào Campuchia của Việt Nam chỉ nhận được sự ủng hộ từ các nước xã hội chủ nghĩa như Liên Xô, Lào và Đông Âu. Do vậy, các nước ASEAN tin rằng, đây là sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản. Sau 1978, có rất nhiều cuộc gặp mặt giữa đại diện ngoại giao hai bên nhằm hòa dịu mối quan hệ và ổn định tình hình khu vực, tuy nhiên, phải đến 1991 với dấu mốc là hiệp định Paris về vấn đề Campuchia, quan hệ giữa Việt Nam và ASEAN mới có được những bước chuyển mạnh mẽ. Hiệp định Paris 1991 đã đặt Campuchia dưới sự bảo trợ và kiểm soát của Liên Hợp Quốc, chấm dứt hoàn toàn dính líu của các lực lượng quân sự nước ngoài ở Campuchia. Hiệp định này cùng với việc rút quân năm 1989 đã cho thấy thiện chí của Việt Nam trong vấn đề Campuchia, kết thúc những căng thẳng đối đầu giữa Việt Nam và các nước trong khu vực. Hiệp định Paris 1991 chính thức đưa ra giải pháp hòa bình cho Campuchia đồng thời cũng gỡ nút thắt trong quan hệ Việt Nam ASEAN. Việc xóa đi những căng thẳng trước đây, cùng hợp tác, duy trì hòa bình, ổn định khu vực chính là nhiệm vụ mới cho ASEAN. Hiệp định Paris không chỉ chấm dứt những bất đồng hai bên về vấn đề Campuchia, mà còn mở ra một nền hòa bình mới cho các nước trong khu vực. Nền hòa bình mong manh này cần có sự đoàn kết của các nước để cùng duy trì. Chính vì thế, nối lại quan hệ với Việt Nam là một yêu cầu cần thiết đối với các nước ASEAN trong thời điểm này. ASEAN: một góc nhìn mới ASEAN là tên viết tắt của Association of South East Asian Nations , Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Thành lập vào năm 1967 với tư cách là một tổ chức an ninh – chính trị bao gồm 5 nước thành viên là Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Singapore (Brunei gia nhập vào năm 1984). Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, ASEAN dần trở thành một tổ chức hợp tác tòan diện trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa. Để làm được điều đó, từ đầu thập niên 90, ASEAN mở rộng kết nạp thêm các quốc gia Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar. Kết nạp các thành viên có thể chế chính trị đối lập và một nền kinh tế kém phát triển là một quyết định không hề dễ dàng. Nhưng, đây lại là bước đi chiến lược cho quá trình đảm bảo an ninh khu vực và xây dựng một hình ảnh mới cho tổ chức ASEAN. Liệu quyết định mở rộng có phải xuất phát từ động lực kinh tế không? Trước những năm 90 hoạt động của ASEAN bị cuốn vào các xung đột chính trị, ví dụ như vấn đề Campuchia. Mặt khác, về hoạt động kinh tế các nước ASEAN hướng ra bên ngoài và chưa chú trọng hợp tác với các nền kinh tế trong khu vực, do giai đoạn này tiềm lực kinh tế của các nước ASEAN còn thấp. Từ đầu những năm 90 sức mạnh kinh tế của các nước ASEAN gia tăng rõ rệt và họ đã trở thành những nước công nghiệp mới hoặc công nghiệp phát triển. “Trong bối cảnh đó và đứng trước những thách thức và cơ hội mới do quá trình cơ cấu lại nền kinh tế thế giới dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học-công nghệ mới cũng như xu thế quốc hóa khu vực hóa đã đặt ra, Hội nghị cấp cao họp ở Singapore tháng 1/1992 đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử ASEAN, chuyển mạnh sang hợp tác kinh tế với hai quyết định quan trọng: hình thành khu vực mậu dịch tự do AFTA và kí Hiệp định khung về Hợp tác Kinh tế” Thứ trưởng ngoại giao Vũ Khoan, Việt Nam và ASEAN, Tạp chí Cộng sản (11/1994), tr.328-329 . Như vậy, kết nạp Việt Nam, một thị trường rộng lớn chưa được khai thác, và một nguồn tiềm năng kinh tế hứa hẹn, là một bước đi logic. Câu nói của Thủ tướng Thái Lan Chatichai: “Biến Đông Dương từ chiến trường thành thị trường” đã thể hiện rõ hơn quyết tâm của ASEAN cho mục tiêu này. Về an ninh – chính trị, như đã trình bày ở phần trước, thời điểm năm 1991 còn xảy ra nhiều biến động chi phối đến tình hình ASEAN. Liên Xô tan rã, Mỹ giảm bớt sự có mặt của các lực lượng quân sự. Những điều này đã tạo nên một khoảng trống quyền lực ở khu vực. Các nước ASEAN lo ngại về nguy cơ can thiệp của một vài cường quốc khác, tiếp tục tạo ảnh hưởng và chi phối Đông Nam Á, đặt Đông Nam Á dưới những mục tiêu chính trị. Bên cạnh đó, vẫn còn những nguy cơ tiềm tàng bất ổn như xung đột ở biển Đông. Hơn thế nữa, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, các nước ASEAN cần một môi trường hòa bình và ổn định. Vì vậy, ASEAN đã đưa sáng kiến về một diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), nơi mà không chỉ các thành viên của ASEAN mà còn có các nước lớn và các nước quan sát viên cùng thảo luận về những biện pháp đảm bảo an ninh khu vực. Cũng trong bối cảnh đó, đã xuất hiện khái niệm về một “ASEAN mở rộng”, nhằm tranh thủ sự tham gia của các nước Đông Nam Á khác, mà mở đầu là Việt Nam. Mặt khác việc để Việt Nam gia nhập ASEAN cũng giống như một lời tuyên bố về sự độc lập chính trị của Đông Nam Á, rằng Đông Nam Á hôm nay, không phải là một khu vực để các nước lớn tranh giành ảnh hưởng, Đông Nam Á đang muốn hướng đến một cộng đồng hợp tác, phát triển dựa trên lợi ích của các quốc gia thành viên. Hội nghị Pari về vấn đề Campuchia (1991), Tuyên bố ASEAN về Biển Đông (1992), ký Hiệp ước khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ) năm 1995 là những nỗ lực của ASEAN thể hiện vai trò ở khu vực. Các nhà Lãnh đạo ASEAN còn quyết định xúc tiến một tiến trình đối thoại đa phương trong khu vực về hợp tác chính trị - an ninh trên cơ sở mở rộng cơ chế Hội nghị sau Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN (AMM-PMC), mời Liên Hợp Quốc làm đối tác đối thoại của ASEAN. ASEAN đã thiết lập Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào năm 1994 nhằm lôi kéo tất cả các nước lớn ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương tham gia đối thoại và xây dựng lòng tin cùng với ASEAN. Với ARF, ASEAN đã thực sự tạo ra một diễn đàn để ASEAN bàn cùng các nước lớn các vấn đề an ninh chính trị của khu vực. Việt Nam: Sự cần thiết của việc gia nhập ASEAN Nếu như năm năm đầu tiên của công cuộc đổi mới, chúng ta thực hiện cải cách kinh tế ở trong nước và bước đầu đạt được những thành tựu đáng kể, thì từ 1991 trở đi, chúng ta chú trọng hơn vào việc hướng ra thế giới và phát triển quan hệ hợp tác với các nước trong khu vực. Trước đây, Việt Nam coi ASEAN như công cụ của Mỹ, nhưng giờ đây, chúng ta đã nhận ra được những tiềm năng hứa hẹn trong việc gia nhập tổ chức này. Về kinh tế, việc gia nhập ASEAN là một sự tiếp nối của chính sách mở cửa đất nước, tìm kiếm vốn đầu tư và thị trường. Không những thế, khối thị trường chung Đông Nam Á là thử thách đầu tiên cho nền kinh tế thị trường non trẻ của Việt Nam. Một điểm quan trọng khác không thể không nói tới, các nước ASEAN có xuất phát điểm giống Việt Nam, từng là thuộc địa của các nước phương Tây. Các nước đó đã áp dụng thành công các biện pháp cải cách kinh tế mà Việt Nam có thể học hỏi. Với các yếu tố đó, Việt Nam hy vọng có thể đuổi kịp và hòa nhập với làn sóng phát triển kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Về chính trị, nỗ lực gia nhập ASEAN của Việt Nam thể hiện mong muốn tạo sự độc lập tương đối với người láng giềng khổng lồ Trung Quốc. Mặc dù trên danh nghĩa, Trung Quốc với Việt Nam là đồng minh đứng cùng hàng ngũ xã hội chủ nghĩa, nhưng những bài học đắt giá trong lịch sử đã dạy cho Việt Nam phải luôn đề phòng cảnh giác, hợp tác nhưng không được quá phụ thuộc. Mặt khác, Việt Nam cũng cần thể hiện thiện chí “làm bạn với tất cả các nước trên cộng đồng thế giới”. Gia nhập ASEAN, một tổ chức khác biệt về hệ thống chính trị, cho thấy Việt Nam đã vượt qua rào cản về ý thức hệ và thực sự sẵn sàng hợp tác, cùng phát triển. Thiện chí này của Việt Nam cũng thúc đẩy quá trình bình thường hóa với Mỹ, xóa bỏ bao vây, cấm vận nền kinh tế. ASEAN là cầu nối để Việt Nam mở rộng con đường hội nhập với thế giới và tư cách thành viên của tổ chức này sẽ nâng cao vị thế cũng như tiếng nói của Việt Nam trên trường quốc tế. Như vậy, cả ASEAN và Việt Nam đều cần nhau. ASEAN thấy sức mạnh của Hiệp hội được tăng cường trên các phương diện an ninh, chính trị và kinh tế nếu kết nạp Việt Nam. Việt Nam thấy việc tham gia vào ASEAN sẽ góp phần tạo dựng môi trường thuận lợi cho việc triển khai chính sách khu vực, phục vụ nhiệm vụ chiến lược của Việt Nam và xây dựng và bảo vệ đất nước, đồng thời góp phần tạo dựng một vị thế quốc tế và một hình ảnh mới cho đất nước. Mặt khác, dứng trước những cơ hội và muốn vượt qua được thách thức, hai bên phải cùng nhau hợp tác, chuyển từ đối đầu sang đối thoại và cùng xây dựng một mối quan hệ quốc tế mới tại khu vực vì lợl ích chung là hoà bình và phát triển. Thái độ của Mỹ và Trung Quốc Xét về bối cảnh quốc tế trong thời kì Việt Nam gia nhập ASEAN, chúng ta không thể không nói tới thái độ của các nước lớn, mà ở đây là Hoa Kì và Trung Quốc. Trong thập kỉ sau chiến tranh Lạnh, mặc dù thế giới đang tiến tới một trật tự đa cực, các nước nhỏ ngày càng độc lập hơn, nhưng không thể phủ nhận, thái độ, quan điểm của các nước lớn này vẫn ảnh hưởng rất nhiều tới quá trình gia nhập ASEAN của Việt Nam. Cùng những tính toán lợi ích của riêng mình, Mỹ và Trung Quốc đã ủng hộ ASEAN có thêm một thành viên mới. Việt Nam là nhân tố quan trọng trong cân bằng chiến lược ở Đông Á của Hoa Kỳ. Mỹ lo ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc trong khu vực, cũng như ảnh hưởng ngày càng to lớn lên các nước châu Á- Thái Bình Dương. Một Trung Quốc lớn mạnh rõ ràng là một mối đe dọa tới vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ trong tương lai. Trong bối cảnh đó, Mỹ coi Việt Nam và các nước ASEAN có khả năng đối trọng với Trung Quốc. Như đã nói, việc Việt Nam gia nhập ASEAN và việc ASEAN xúc tiến cho đối thoại hai bên thể hiện sự độc lập trong quyết sách của các nước khu vực Đông Nam Á. Đấy cũng là điều mà Mỹ nhắm đến. Một Đông Nam Á độc lập với Trung Quốc cũng là điều mà Mỹ mong muốn hơn hết. Bên cạnh đó, Hoa Kỳ đang nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Việt Nam nhằm đạt được những mục tiêu nhất định. Trong một bình luận của tạp chí Time, xuất bản năm 1995, đã khẳng định: “Để ngăn chặn Trung Quốc, chúng ta phải bắt đầu với những nước láng giềng của Trung Quốc, đặc biệt là Việt Nam. Việt Nam là kẻ thù truyền thống của Trung Quốc (họ đã có một cuộc chiến vào năm 1979), vì thế, chúng ta cần làm bạn với Việt Nam” Charles Krauthammer, WE MUST CONTAIN CHINA, Tạp chí Time (31/7/1995) . Bên cạnh lý do Trung Quốc, Mỹ còn muốn thúc đẩy việc tìm kiếm những người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam, muốn nhắm đến một “diễn biến hòa bình” xảy ra ở Việt Nam, và cơ hội ở một thị trường kinh doanh đầy tiềm năng, chính vì thế, Hoa Kỳ không có lý do gì để ngăn cản việc Việt Nam gia nhập ASEAN. Ủng hộ Việt Nam tham gia diễn đàn khu vực cũng là ủng hộ cho những lợi ích của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á. Về phần Trung Quốc, đối đầu với Việt Nam không còn phù hợp với chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc lúc này nữa. Các nước tư bản phương Tây như Mỹ, ASEAN đang có thiện chí hợp tác với Việt Nam, sẽ là bất lợi nếu Trung Quốc chậm chân trong xu hướng này. Trong khi đó, các nước ASEAN vẫn còn lo ngại về ý đồ bành trướng của Trung Quốc. Phản đối Việt Nam gia nhập ASEAN sẽ không khác gì sự áp đặt của một nước lớn lên một nước nhỏ trong khu vực, từ đó làm gia tăng thêm những căng thẳng, mâu thuẫn không đáng có giữa Trung Quốc và ASEAN. Tính toán đến lợi ích của mình như vậy, Trung Quốc cũng gần như bật đèn xanh, không gây khó khăn gì trong quá trình Việt Nam gia nhập. CHÍNH SÁCH ĐỐI NGOẠI CỦA VIỆT NAM TRÊN CHẶNG ĐƯỜNG TRỞ THÀNH THÀNH VIÊN THỨ BẢY CỦA ASEAN Chính sách đối ngoại Việt Nam: tiếp nối và kế thừa Đại hội VII Đảng Cộng sản Việt Nam (họp từ 17 - 22/6/1991) trên cơ sở đánh giá những nguyên nhân tạo nên những thành tựu - hạn chế của việc thực hiện nghị quyết Trung ương (6, 7, 8) Đại hội VII chỉ ra những vấn đề mới nảy sinh. Đại hội thông qua cương lĩnh phương hướng cơ bản về thời kỳ qúa độ đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và chiến lược ổn định phát triển kinh tế - xã hội (đến năm 2000) của Việt Nam. Căn cứ vào mục tiêu chặng đường đầu thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội là "vượt qua khó khăn thử thách ổn định và phát triển kinh tế - xã hội tăng cường ổn định chính trị, đẩy lùi tiêu cực - bất công xã hội đưa nước ta cơ bản ra khỏi tình trạng khủng hoảng hiện nay" Đảng xác định nhiệm vụ đối ngoại bao trùm là: "giữ vững hoà bình, mở rộng quan hệ hữu nghị hợp tác, tạo điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc, đồng thời góp phần tích cực vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội " Đại hội còn nhấn mạnh yêu cầu nhiệm vụ của chính sách đối ngoại là "cần nhạy bén nhận thức và dự báo được những diễn biến phức tạp thay đổi sâu sắc trong quan hệ quốc tế, sự phát triển mạnh của lực lượng sản xuất và xu thế quốc tế hóa của nền kinh tế thế giới để có chủ trương đối ngoại phù hợp". So với Đại hội VI đây là bước phát triển mới của Đảng, về nhận thức chính sách đối ngoại trước những biến chuyển của tình hình thế giới. Đặc biệt trong xác định nhiệm vụ chính sách đối ngoại là:"Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển" mà Đại hội VII đã đề ra. Để thích ứng với sự chuyển biến các quan hệ quốc tế đáp ứng những yêu cầu của chính sách đối nội Đầu 1991 Đảng xác định: “ Hợp tác bình đẳng và cũng có lợi với tất cả các nước không phân biệt chế độ chính trị xã hội khác nhau với nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình" Cụ thể đối với các nước ASEAN, Đại hội đảng VII đã nhấn mạnh tới việc phát triển quan hệ hữu nghị với Đông Nam Á và Châu Á Thái Bình Dương, phấn đấu cho một Đông Nam Á hòa bình hữu nghị hợp tác. Sự phát triển, hoàn chỉnh đường lối đối ngoại được thể hiện trên luật pháp của Nhà nước. Tháng 4/1992 Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới của Việt Nam. Sự ra đời của Hiến pháp mới khẳng định Đảng - Nhà nước ta nhận thức rõ vị trí, tầm quan trọng của chính sách đối ngoại. Điều 14 Hiến pháp khẳng định: “Việt Nam thực hiện hòa bình, hữu nghị hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị xã hội khác nhau tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thỗ của nhau, không can thiệp vào nội bộ của nhau, bình đẳng và các bên cùng có lợi”. Chủ trương này đã làm cho chính sách đối ngoại của Đảng, nhà nước phát triển cả về nội dung - phương hướng chỉ đạo hoạt động đối ngoại, có tính chất quyết định trong công cuộc đổi mới đất nước; sự phát triển này làm cho "Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới" từ một định hướng chiến lược trở thành hiện thực trong chính sách đối ngoại của Đảng - Nhà nước. Năm 1993, đồng chí Đỗ Mười nêu ra chính sách 4 điểm, trong đó đề cập đến việc hợp tác với các nước láng giềng bao gồm phát triển quan hệ với từng nước và tổ chức ASEAN, sẵn sàng gia nhập ASEAN; sẵn sàng tham gia các diễn đàn đảm bảo hòa bình an ninh, xây dựng khu vực Đông Nam Á thành khu vực hòa bình, hợp tác phát triển không có căn cứ quân sự nước ngoài, không vũ khí hạt nhân; thông qua thương lượng giải quyết vấn đề tồn tại, kể cả tranh chấp biển Đông. Chính sách đối ngoại của ta giai đoạn 1991-1995 nhìn chung đã tiếp nối, phát triển đường lối đối ngoại mà Đảng đã đề ra trong thời kì Đổi mới. Nỗ lực trong tiến trình đàm phán, thương lượng gia nhập ASEAN chính là nỗ lực để triển khai thành công chính sách này. Triển khai chính sách đối ngoại Chính sách đối ngoại của Việt Nam đối với ASEAN thời kì này được triển khai dưới nhiều hình thức. Đầu tiên phải nhắc đến đó chính là các chuyến thăm cấp cao giữa chính phủ các nước với mục đích tranh thủ và xoá đi những nghi kị, hiểu lầm lẫn nhau giữa Việt Nam và các nước trong ASEAN. Việt Nam đã cử những cán bộ cấp cao của mình đến thăm và nói chuyện với từng nước thành viên trong ASEAN. Các hoạt động đó đã tạo đà phát triển quan hệ ngoại giao, tiến tới gia nhập vào ASEAN. Năm 1991, đã có rất nhiều chuyến viếng thăm tới các nước ASEAN và đạt được những thành tựu đáng kể. Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đi thăm hữu nghị một số nước ASEAN như Malaixia (7-2-1991), Inđônêxia, Thái Lan và Xingapo (từ ngày 24/10-1/11/1991). Tại các chuyến viếng thăm này, Việt Nam đã ký một số hiệp định về hợp tác trên các lĩnh vực nông nghiệp, cao su và dầu khí. Ngày 16/11/1991, Singapore bãi bỏ lệnh cấm đầu tư vào Việt Nam. Quan hệ Việt Nam – Inđônexia đã có một bước tiến lớn khi bộ trưởng ngoại giao Inđônêxia Alatat tuyên bố với giới báo chí rằng Inđônêxia tán thành việc Việt Nam gia nhập ASEAN nếu các nước ASEAN khác cũng đồng ý (4-1-1991). Năm 1992 đã đánh dấu sự thay đổi lớn, tạo tiền đề quan trọng trong quá trình gia nhập ASEAN của Việt Nam. Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Việt Nam Võ Văn Kiệt viếng thăm các nước Malaysia, Brunei và Philippines. Các sự kiện nổi bật trong năm nay là: Việt Nam thiết lập quan hệ ngọai giao với Brunei. Việt Nam và Malaysia ký hiệp định về bảo đảm đầu tư, thỏa thuận cùng phát triển những hòn đảo và thềm lục địa mà hai bên cùng tuyên bố có chủ quyền, dành cho nhau quy chế tối huệ quốc và kí một số hiệp định hợp tác. Ngày 11/7/1992, tại hội nghị lần thứ 25 bộ trưởng ngoại giao các nước ASEAN, Việt Nam chính thức ký hiệp ước Bali và trở thành quan sát viên của tổ chức ASEAN. Việc ký kết này là cánh cửa để giúp Việt Nam được mời tham dự các cuộc họp hằng năm của hội nghị bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, thể hiện cam kết của Việt Nam với những nguyên tắc được Việt Nam nêu ra trước đó trong chính sách bốn điểm 1976, làm tăng sự tin cậy của các nước Asean và các nước ngoài đối với Việt Nam, góp phần phá thế bao vây, cấm vận của Hoa Kì, tạo thuận lợi, thúc đẩy việc thực hiện chính sách mở cửa đã được đưa ra năm 1986. Đến cuối năm 1992, ngoài các sự kiện ngoại giao- chính trị, Việt Nam đã ký với các nước ASEAN gần 40 hiệp định về kinh tế, bao gồm các hiệp định về bảo hộ và đầu tư; hiệp định tránh đánh thuế 2 lần; hiệp định về bưu điện; hiệp định về hàng không và hàng hải Các bước phát triển của quan hệ Việt Nam-ASEAN trong năm 1992 đã tạo tiền đề cho Việt Nam từng bước đi vào quá trinh hội nhập tổ chức ASEAN. Năm 1993, Việt Nam công bố “chính sách 4 điểm mới của Việt Nam với khu vực”, ASEAN lập cơ chế họp hiệp thương giữa Việt Nam và ASEAN, Việt Nam tham gia Diễn đàn Khu vực ASEAN, cũng như tích cực hoạt động trong các chương trình và dự án của ASEAN trong các lĩnh vực : khoa học – công nghệ, môi trường, dịch vụ và y tế, văn hóa-thông tin, phát triển xã hội. Chuyến thăm chính thức Singapore của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Vn Đỗ Mười tháng 10-1993 là sự kiện nổi bật trong quan hệ giữ hai nước sau hai mươi năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Đây là chuyến thăm chsinh thức đầu tiên của TBT ĐCS VN đến một nước thành viên ASEAN. Báo chí Singapore bình luận: “Chuyến thăm Singapore lần đầu tiên của vị lãnh tụ 76 tuổi của ĐCS VN, một người rất hiếm khi đi nước ngoài, là một sự kiện đặc biệt quan trọng trong quan hệ hai nước.” Bộ trưởng cao cấp Lý Quan Diệu cũng có chuyến viếng thăm Việt Nam trong năm này. Ông kêu gọi Việt Nam cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống luật pháp và cơ chế thị trường để tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Thái độ tích cực của Việt Nam trong quan hệ với các nước ASEAN đã được ASEAN và quốc tế đánh giá cao. Đáp lại, các nước ASEAN tuyên bố “muốn Việt Nam sớm gia nhập ASEAN” Năm 1994, quan hệ Việt Nam – ASEAN tiếp tục phát triển về chiều rộng và chiều sâu. Các nhà lãnh đạo Việt Nam tuyên bố Việt Nam chính thức xúc tiến việc gia nhập ASEAN và giới lãnh đạo các quốc gia ASEAN cũng bày tỏ sự tán thành với quyết định này. Đặc biệt, trong tháng 3-1994, đã diễn ra bốn chuyến thăm hữu nghị lẫn nhau của các nguyên thủ quốc gia Việt Nam và ASEAN (Thủ tướng cộng hòa Xingapo Gô Chốc Tông; Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Chuan Leetpai và tổng thống Cộng hòa Philippin Phidden Ramoots thăm hữu nghị chính thức Việt Nam; tổng bí thư ĐCS Việt Nam Đỗ Mười thăm chính thức Malaixia). Hai nước Việt Nam và Singapore kí kết Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, ngăn ngừa việc trốn thuế, lậu thuế, thỏa thuận về hợp tác trong vận tải đường bộ cho Hà Nội và Hiệp định về hợp tác du lịch. Tháng 4-1994, trong chuyến viếng thăm chính thức Indonêxia, Chủ tịch nước Lê Đức Anh tuyên bố Việt Nam đang xúc tiến quá trình chuẩn bị để gia nhập ASEAN. Trước thiện chí đó của Việt Nam, các nhà lãnh đạo cấp cao của ASEAN đã lần lượt tuyên bố hoàn toàn ủng hộ việc Việt Nam gia nhập tổ chức này. Tại hội nghị bộ trưởng ngoại giao Việt Nam lần thứ 27 (22-23/7/1994), các nước ASEAN đã nhất trí đưa ra tuyên bố “Khẳng định sẵn sàng chấp nhận Việt Nam là thành viên của ASEAN và chỉ thị cho các quan chức cấp cao và tổng thư kí ASEAN sớm xúc tiến trao đổi với các quan chức Việt Nam về những dàn xếp và thủ tục” Thứ trưởng ngoại giao Vũ Khoan, Việt Nam và ASEAN, Tạp chí Cộng sản (11/1994), tr.323 . Như vậy, đến tháng 7/1994, việc Việt Nam gia nhập ASEAN đã đạt được sự nhất trí cao của các nước thành viên ASEAN và tổ chức ASEAN. Ngày 17/10/1994, Bộ trưởng ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm đã gửi thư tới Bộ trưởng Ngoại giao Brunay, chủ tịch đương nhiệm Uỷ ban thường trực ASEAN (ASC) chính thức đặt vấn đề Việt Nam trở thành thành viên đầy đủ của hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Quyết định này của Việt Nam được các nước ASEAN hoan nghênh. Năm 1995, Việt Nam và ASEAN chuẩn bị các thủ tục để Việt Nam tham gia vào hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á. Bước cuối cùng hoàn tất quá trình gia nhập ASEAN của Việt Nam là vào ngày 28/7/1995, tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Sự kiện này đã đánh dấu thành công trong nỗ lực gia nhập ASEAN của Việt Nam và mở ra một chương mới trong quan hệ hợp tác không chỉ giữa Việt Nam và ASEAN mà còn cả với các nước khác trên thế giới. ĐÁNH GIÁ CỦA CỘNG ĐỒNG QUỐC TẾ VÀ CÁC NHÂN Phản ứng của Quốc tế Việc “quốc gia cộng sản đầu tiên, trong suốt lịch sử 28 năm của ASEAN, gia nhập tổ chức” PHILIP SHENON, Hanoi Joins a Club Created to Blackball It, New York Times, July 29, 1995 , theo như bình luận của New York Times đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Học viện Nghiên cứu Chiến lược London cho rằng sự kiện này đã “khép lại thời kì Chiến Tranh Lạnh và củng cố sự đoàn kết trong khu vực” trong bối cảnh “Có những dấu hiệu rắc rối từ phía Trung Quốc đối với các nước láng giềng” Michael Richardson, Hanoi's New Asia Role Forced U.S. Move, New York Times, 13/7/1995 Calyle Thayer, Trưởng Khoa Chính trị của Học viện Quốc phòng Australia nhận định ASEAN là một tổ chức khu vực có uy tín và hoạt động hiệu quả, đồng thời là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Mĩ. Do đó chính quyền Clinton sẽ “rất ngu ngốc nếu tiếp tục cô lập Hà Nội”. Ông khẳng định sự kiện này đánh dấu “một sự thay đổi trong vị thế của Việt Nam, một thay đổi nước Mĩ buộc phải thừa nhận.” Michael Richardson, Hanoi's New Asia Role Forced U.S. Move, New York Times, 13/7/1995 Cựu Thủ tướng, Bộ trưởng cao cấp Singapore Lý Quang Diệu nói trở thành thành viên của ASEAN sẽ nâng cao vị trí của Việt Nam trong tranh chấp ở biển Đông. “Tranh chấp này sẽ không còn là song phương nữa, ASEAN sẽ đại diện cho tiếng nói của Việt Nam, cũng như nó đã từng đại diện cho Philippines.” Wikileaks: Lý Quang Diệu nói gì về Việt Nam?, BBC Việt Nam, 15/12/2010 Tuy nhiên sau này tài liệu rò rỉ từ WikiLeaks vào năm 2010 tiết lộ Lý Quang Diệu cho rằng “Asean lẽ ra không nên nhận Miến Điện, Campuchia, Lào và Việt Nam vào làm thành viên trong thập niên 90. Đó là vì các thành viên cũ của Asean chia sẻ các giá trị chung và bài Cộng sản. Các giá trị này, theo ông, đã bị các thành viên mới vào “làm vẩn đục”, và các thành viên mới sẽ không hành xử như các thành viên cũ do họ có nhiều vấn đề về kinh tế và xã hội.” Truyền thông phương Tây nhìn nhận quyết định gia nhập ASEAN của Việt Nam như một sự thỏa hiệp công khai của chủ nghĩa Cộng Sản, một số còn bày tỏ hy vọng thay đổi này sẽ mở đầu cho một chuỗi những thay đổi căn bản trong xã hội Việt Nam. Còn báo chí Việt Nam ca ngợi đây là một sự kiện bước ngoặt, thành công của sự đổi mới trong chính sách Đối Ngoại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc ASEAN kết nạp thêm một quốc gia xã hội chủ nghĩa là Việt Nam sẽ góp phần thay đổi bản chất và hình ảnh của tổ chức này. Theo như phát biểu của Tổng Thư ký ASEAN Ong Keng Yong, “trước khi Việt Nam gia nhập ASEAN, thế giới coi ASEAN là một tổ chức quân sự thân Mỹ, chống cộng, chống các nước Trung Quốc, Lào, Việt Nam. Nhưng kể từ ngày 28/7/1995, khi Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội, đã có rất nhiều điều thay đổi trong Hiệp hội. Hình ảnh của ASEAN trên thế giới và khu vực đã được thay đổi hoàn toàn vì chỉ việc Việt Nam gia nhập Hiệp hội đã khẳng định ASEAN 5 (Thái Lan, Philippines, Singapore, Malaysia, Indonesia) không còn kẻ thù.” Gia nhập ASEAN, Việt Nam thay đổi hình ảnh hiệp hội, Tienphongonline, 8/8/2005 Đây là một nhận xét tích cực, ghi nhận những nỗ lực của cả ASEAN và Việt Nam trong việc xây dựng một cộng đồng hợp tác, hữu nghị, đoàn kết cùng phát triển. Đánh giá cá nhân. Về kinh tế Thứ nhất gia nhập khối thị trường chung Đông Nam Á giúp Việt Nam tiếp cận với các đối tác kinh tế và mở ra một thị trường đầy tiềm năng. Các nước ASEAN giống với Việt Nam ở chỗ là các quốc gia vừa và nhỏ và từng là nước thuộc địa trong thế kỉ XIX và XX. Và các nước đó đã áp dụng mô hình kinh tế hạ giá nội tệ chú trọng xuất khẩu để đưa đất nước thoát khỏi đói nghèo một cách thành công. Bài học kinh nghiệm của các nước đó là vô cùng quý giá với một nước Việt Nam mà năm năm trước mới cởi bỏ sự ràng buộc của cơ chế bao cấp và bước những bước đầu tiên trên con đường hội nhập với kinh tế thế giới và học hỏi cách thức phát triển từ các nước tư bản chủ nghĩa. Về an ninh Về an ninh thì việc thắt chặt quan hệ với các nước trong khu vực giúp Việt Nam duy trì ở một mức độ nào đó sự độc lập tương đối với Trung Quốc. Kinh nghiệm đau xót trong thời chiến tranh Lạnh chỉ ra cho các nhà lãnh đạo VN rằng để bảo đảm an ninh và chủ quyền dân tộc thì biện pháp tốt nhất là có quan hệ hữu hảo với nhiều quốc gia khác nhau, như thế thì mới không bị cô lập và cũng không dễ dàng bị một cường quốc nào đó lấn át. Về chính trị Về chính trị sau khi khối chủ nghĩa xã hội tan rã đánh dấu bằng sự sụp đổ của Liên Xô vào năm 1991, Việt Nam cần một chỗ đứng mới, một tổ chức mới để làm nền tảng, bàn đạp cho việc vươn mình ra thế giới, bởi việc gia nhập ASEAN sẽ là tín hiệu thể hiện Việt Nam sẵn sàng học hỏi và đang thay đổi. Tổ chức các nước Đông Nam Á là tập hợp các quốc gia vừa và nhỏ gần gũi với nhau về mặt địa lý, và hơn thế nữa tổ chức này còn hoạt động dựa trên sự đồng thuận, bình đẳng và không can thiệp vào công việc nội bộ lẫn nhau. Đó là một điều kiện rất lý tưởng giúp Việt Nam vừa có thể hòa nhập với dòng chảy của thế giới vừa giữ được định hướng xã hội chủ nghĩa của mình. Các cá nhân có hoạt động nổi bật Xem xét hoạt động đối ngọai của Việt Nam hướng tới ASEAN, có thể thấy Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt là một nhân tố hoạt động năng nổ và có tầm ảnh hướng lớn. Ông liên tục thực hiện các chuyến viếng thăm đến các quốc gia ASEAN, đại diện cho một nước Việt Nam mới, một nước Việt Nam thay đổi và hướng ra thế giới. Về phía các nước ASEAN, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu cũng rất tích cực trong việc chia sẻ kinh nghiệm phát triển đất nước với các nhà lãnh đạo Việt Nam. Ông đến thăm chính thức Việt Nam tổng cộng 5 lần: tháng 4 năm 1992, tháng 11 năm 1993, tháng 3 năm 1995, tháng 11 năm 1997 và tháng 11 năm 1998. Tuy sau này ông cho rằng việc ASEAN kết nạp các nước xã hội chủ nghĩa là một sai lầm, Lý Quang Diệu vẫn đánh giá cao tiềm năng và khả năng học hỏi của Việt Nam. Thuận lợi Việc gia nhập có rất nhiều thuận lợi, vì hai bên đều có thiện chí và đều nỗ lực tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và thu hẹp khỏang cách, xích lại gần nhau hơn. Về phía Việt Nam từ năm 1991 đến năm 1995 các lãnh đạo cấp cao của nhà nước liên tục viếng thăm các nước ASEAN, đặc biệt là Singapore, tiêu biểu nhất là chuyến viếng thăm Singapore của Võ Văn Kiệt []. Về phía ASEAN, sau khi vấn đề Campuchia được giải quyết các nước ASEAN đã có cái nhìn nồng ấm hơn với Việt Nam. Thái Lan là nước thù nghịch với VN nhất trong vấn đề Campuchia lại là một trong những nước hăng hái nhất trong việc vận động kêu gọi kết nạp Việt Nam vào ASEAN. Cựu thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore đến thăm Việt Nam tổng cộng 5 lần trong suốt thập kỉ 1990, qua tự truyện của mình ông bày tỏ nhiều thiện cảm với Việt Nam và trong những chuyến viếng thăm của mình ông đều nhiệt tình chia sẻ với các nhà lãnh đạo Việt Nam kinh nghiệm xây dựng đất nước mà ông đã áp dụng thành công với Singapore. Kết quả là Việt Nam nhận thấy ASEAN không khác biệt và thù nghịch như chúng ta vẫn tin trong một thời gian dài thời chiến tranh Lạnh. Các nước ASEAN không những không có tinh thần chống cộng sản mà còn giống Việt Nam ở lịch sử làm thuộc địa và khát khao tự lập tự chủ . Còn ASEAN cũng không còn nhìn nhận Việt Nam đơn thuần là con rối của Trung Quốc mà đã thấy được ẩn dưới vẻ ngoài phục tùng và dựa dẫm là một tinh thần độc lập lâu dài và không thể dập tắt. Sau nhiều hiểu lầm và đối nghịch vì những lý do phức tạp khác nhau, câu chuyện cuối cùng đã có một kết thúc đẹp khi Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN vào năm 1995. Khó khăn Tuy nhiên, gia nhập dễ dàng và thuận lợi bao nhiêu thì việc hợp tác với nhau sau khi gia nhập lại khó khăn bấy nhiêu. Về kinh tế đứng chờ các nước Đông Nam Á ở khỏang cách không xa là một cuộc khủng hoảng kinh tế lan truyền nhanh và có sức tàn phá lớn như dịch bệnh. Các nước Đông Nam Á vì có nhiều điểm tương đồng thì có thể chia sẻ nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế với nhau, nhưng cũng vì đều là các nước chú trọng xuất khẩu các mặt hàng giống nhau mà các nước Đông Nam Á phải cạnh tranh trong thu hút đầu tư và tìm kiếm thị trường hơn là hợp tác bổ sung lẫn nhau. Bên cạnh đó, từ khi gia nhập khối thị trường chung Đông Nam Á hàng hóa từ các nước phát triển kinh tế ASEAN xâm nhập vào thị trường Việt Nam thì nhiều nhưng hàng hóa Việt Nam len lỏi được vào các thịt trường khó tính của Malaysia hay Singapore còn rất hạn chế. Về an ninh, chính trị, quan hệ song phương giữa Việt Nam với Trung Quốc và Việt Nam với Mĩ vẫn là chủ đạo, vượt lên quan hệ đa phương giữa ASEAN và các nước đó. Nhiều khác biệt trong thể chế chính trị và đường lỗi dẫn dắt đất nước khiên cho cộng đồng ASEAN còn thiếu tính liên kết, thiếu chặt chẽ và ít đưa ra được quyết định thực sự quan trọng. Ví dụ như sau này trong vấn đề biển Đông các nước ASEAN vẫn chưa giải quyết được khác biệt để cùng đoàn kết chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. Như vậy, có thể nói gia nhập ASEAN mang nhiều ý nghĩa biểu tượng còn lợi ích thực tế và trước mắt là chưa có. Bước đi chiến lược Tuy nhiên, không phải vì thế mà việc gia nhập ASEAN là vô nghĩa hay vì thế mà chúng ta không nên tiếp tục nỗ lực xây dựng cộng đồng ASEAN. Bởi gia nhập ASEAN là một bước đi chiến lược đánh dấu thành tựu rõ rệt đầu tiên trong công cuộc hòa nhập với thế giới. Và trong tương lai việc liên kết giữa các nước nhỏ và vừa trong khu vực sẽ mang lại lợi ích an ninh, chính trị cho Việt Nam. KẾT LUẬN Quyết định gia nhập ASEAN của Việt Nam có ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại và vị trí quốc tế của Việt Nam cho đến ngày hôm nay. Đây không mở ra cánh cửa cho Việt Nam thắt chặt quan hệ hợp tác chính trị - kinh tế với các nước ASEAN mà còn là cầu nối để Việt Nam vươn mình ra thế giới, thực hiện chính sách đa phương hóa đa dạng hóa quan hệ đối ngoại đã đề ra trong những năm cuối thập niên 80 đầu thập niên 90. Đây là một thắng lợi ngoại giao to lớn của chúng ta, chuyển từ tình thế bị cô lập về chính trị đến trở thành trung tâm của sự thay đổi ở Đông Nam Á, một trong những khu vực có nhịp độ phát triển và diễn biến chính trị đa dạng, nhiều màu sắc nhất trên thế giới. Chỉ đến giữa thập kỉ 90 sự kiện này mới có điều kiện trở thành hiện thực là do những biến động to lớn trên thế giới cũng như sự thay đổi trong tư duy, chiến lược của các nhà lãnh đạo quốc gia. Chiến Tranh Lạnh kết thúc mở đầu cho thời kì hội nhập phát triển, cùng tồn tại hòa bình giữa các nước có chế độ chính trị khác nhau và xu hướng khu vực hóa quốc tế hóa. Nhanh nhạy với những sự thay đổi này, và đáp lại nhu cầu cấp thiết về phát triển kinh tế của đất nước, những người đứng đầu Việt Nam chủ động học hỏi và nhận ra các nước ASEAN mà chúng ta từng nghi kị có nhiều tương đồng hơn là khác biệt với Việt Nam. Đông Nam Á là khu vực tồn tại một hệ thống đa dạng phong phú các thể chế chính trị, mô hình kinh tế, là điểm giao thoa của các nền văn hóa và các tôn giáo lớn trên thế giới, là cửa ngõ mà trong lịch sử các thế lực trên thế giới đều tranh giành tầm ảnh hưởng. Trong suốt chiều dài lịch sử và đặc biệt là trong thế kỉ XX các nước Đông Nam Á đều chịu nhiều máu lửa chiến tranh, bị biến thành thuộc địa hoặc phải lệ thuộc vào các cường quốc bên ngoài khu vực. Chính kinh nghiệm lịch sử đó đã hun đúc trong mỗi con người trong mỗi dân tộc tinh thần yêu nước và khát khao độc lập tự chủ. Và những người đứng đầu mỗi nước trong giai đoạn này đều tiến đến một nhận thức chung phát triển kinh tế và hợp tác khu vực là chìa khóa để đạt được ước mơ này. Việt Nam trở thành thành viên thứ bảy của ASEAN vào ngày 28/7/1995 như một kết thúc đẹp cho hành trình tìm đến với nhau của Việt Nam và các quốc gia ASEAN. Và nó cũng là mở đầu cho một câu chuyện mới, một hành trình mới. Hành trình biến các mục tiêu của tổ chức từ lời nói thành hành động, từ lời hứa hẹn thành hiện thực. Các cuộc khủng hoảng kinh tế, nỗ lực của các quốc gia bên ngoài nhằm gây ảnh hưởng và cản trở nỗ lực đoàn kết các nước trong ASEAN, mâu thuẫn trong lợi ích cá nhân mỗi quốc gia với lợi ích của tập thể, tất cả đều là những khó khăn chúng ta vẫn đang tìm cách để vượt qua. Nhưng đây là con đường đúng đăn mà Việt Nam phải kiên định đi đến cùng cho lợi ích dài lâu của đất nước. TÀI LIỆU THAM KHẢO TIẾNG VIỆT TS. Vũ Dương Huân (7/2002), Ngoại giao Việt Nam hiện đại vì sự nghiệp đổi mới (1975–2002), Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội. Ngoại giao Việt Nam 1945-2000, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Vũ Dương Ninh (2004), Việt Nam – ASEAN quan hệ đa phương và song phương, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Trung tâm Dữ kiện- Tư liệu Thông tấn xã Việt Nam (2007), Vai trò của Việt Nam trong ASEAN, NXB Thông tấn, Hà Nội. Bộ Ngoại giao 2009, Biên niên ngoại giao Việt Nam 20 năm đổi mới (1986-2006), NXB Chính trị - hành chính, Hà Nội. Chính sách đối ngoại Việt Nam 1975-1996, Tài liệu tham khảo của Bộ Ngoại giao Việt Nam. TS. Đinh Xuân Lý (2003), Qúa trình Việt Nam hội nhập khu vự Châu Á – Thái Bình Dương theo đường lối đổi mới của Đảng, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội Ban Tư tưởng Văn hóa trung ương Vụ tuyên truyền và hợp tác quốc tế (7/2005), Đối ngoại Việt Nam thời kì đổi mới, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Đảng Cộng Sản Việt Nam (2005), Văn kiện đại hội Đảng thời kì đổi mới, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội. Nguyễn Thế Hồng Lực (7/2004), Luận văn thạc sĩ Chính sách của Trung Quốc đối với các nước Đông Nam Á sau chiến tranh lạnh, Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội Wikileaks: Lý Quang Diệu nói gì về Việt Nam?, 15/12/2010, TIẾNG ANH Charles Krauthammer, WHY WE MUST CONTAIN CHINA, July 31, 1995 ,9171,983245,00.html#ixzz1Gjldbhkb Michael Richardson, Hanoi's New Asia Role Forced U.S. Move, July 13, 1995, PHILIP SHENON, Hanoi Joins a Club Created to Blackball It, July 29, 1995, PHỤ LỤC CÁC SỰ KIỆN CẤP CAO VIỆT NAM – ASEAN 1991-1995 Năm 1991 Ngày 17 – 9-1991 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm gửi thư cho Ngoại trưởng Philippin, Chủ tịch UB thường trực ASEAN, Ngoại trưởng các nước ASEAN khác và Ban Thư ký về việc VN xin tham gia Hiệp ước Bali 1976. Năm 1992 27-1-1992 Hội nghị cấp cap lần thứ IV các nước ASEAN tại Singapore ngỏ lời mời VN và Lào tham gia ký Hiệp ước Bali 1976. 22-7-1992 Bộ trưởng Ngoại Giao Nguyễn Mạnh Cầmdự Hội nghị BTNG ASEAN 25 tại Manila. VN cùng Lào kí văn kiện tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở ĐNA (TAC). Sau khi tham gia TAC, ASEAN đã mời VN và Lào làm quan sát viên của ASEAN, mở đầu cho thời kì thiết lập quan hệ hợp tác cùng phát triển giữa VN với hiệp hội ASEAN. Tại AMM 25, trước những diễn biến phức tạp và đáng lo ngại ở biển Đông, ASEAN đã thông qua tuyên bố về biển Đông (tuyên bố Manila 7-1992) nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các tranh chấp, không sử dụng vũ lực và các bên liên quan tự kiềm chế; khuyến khích việc thăm dò khả năng hợp tác về những vấn đề có cùng lợi ích trên biển Đông; đề xuất xây dựng Bộ Luật ứng xử ở biển Đông trên cơ sở các nguyên tắc của TAC. Năm 1993 Từ 29-9 đến 31-3 năm 1993 Chủ tịch Quốc hội NĐM dự hội nghị AIPO tại Manila. Từ 23-7 đến 24-7 năm 1993 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầmdự AMM 26 tại Xingapo. Từ năm 1993, ASEAN lập cơ chế họp hiệp thương ASEAN – Việt Nam. ASEAN quyết định thành lập Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), trong đó có Việt Nam và lào mới là quan sát viên của ASEAN cũng tham gia. Năm 1994 25-4-1994 Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai dự ARF 1 tại Băng Cốc. Nội dung thảo luận tập trung vào các vấn đề an ninh – chính trị khu vực châu Á – TBD. VN được mời dự cuộc họp đầu tiên của ARF với tư cách thành viên sáng lập. 22 đến 25 -7-1994 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầmdự AMM 27 và các hội nghị liên quan tại Băng Cốc. Tại hội nghị, tất cả 6 nước thành viên ASEAN chính thức tuyên bố ủng hộ VN trở thành thành viên đầy đủ của ASEAN (tuyên bố chung AMM 27), quyết định lập UB do Tổng thư ký ASEAN đứng đầu để cùng VN chuẩn bị cho việc gia nhập ASEAN. 17-10-1994 Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầmgửi đơn chính thức đề nghị cho VN gia nhập ASEAN. Năm 1995 29-7-1995 Tại Banđa Sêri Bêgaoan, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm ký tuyên bố VN gia nhập ASEAN. Lễ kết nạp VN đã được tiến hành trọng thể, VN trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN. Đánh giá nhóm Phân công công việc: Điều kiện thúc đẩy Việt Nam gia nhập ASEAN Xu thế khu vực hóa: Khánh Linh, Ngọc Minh Từ chạy đua vũ trang đến chạy đua kinh tế: Ngọc Minh Vấn đề Campuchia: Khánh Linh ASEAN: Một góc nhìn mới: Khánh Linh Việt Nam: Sự cần thiết của gia nhập ASEAN: Huyền Mi Thái độ của Mỹ, Trung Quốc: Khánh Linh B. Chính sách đối ngoại Việt Nam: Anh Thư, Ngọc Minh. C. Đánh giá: 1. Đánh giá quốc tế: Anh Thư, Tuyết Nga, Khánh Linh. 2. Đánh giá cá nhân: Tuyết Nga. Kết luận: Tuyết Nga. Tổng kết, hoàn thiện: Ngọc Minh, Anh Thư, Khánh Linh, Tuyết Nga. Đánh giá điểm. Ngọc Minh: 8.5 Anh Thư: 8.5 Khánh Linh: 8.5 Tuyết Nga: 8.5 Huyền Mi: 7
File đính kèm:
- tieu_luan_asean_cho_dung_moi_cua_viet_nam_trong_mot_the_gioi.doc