Tiểu luận Bình luận khoa học nội dung pháp lý của Điều 20 Hiến chương ASEAN

docx 7 trang yenvu 29/02/2024 2030
Bạn đang xem tài liệu "Tiểu luận Bình luận khoa học nội dung pháp lý của Điều 20 Hiến chương ASEAN", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận Bình luận khoa học nội dung pháp lý của Điều 20 Hiến chương ASEAN

Tiểu luận Bình luận khoa học nội dung pháp lý của Điều 20 Hiến chương ASEAN
MÔN HỌC: PHÁP LUẬT CỘNG ĐỒNG ASEAN
Câu 1: Bình luận khoa học nội dung pháp lý của Điều 20 Hiến chương ASEAN
Điều 20 Hiến chương ASEAN quy định về tham vấn và đồng thuận, cụ thể như sau: “1. Việc ra quyết định dựa trên tham vấn và đồng thuận là một nguyên tắc cơ bản của ASEAN. 2.hi không có đồng thuận, Cấp cao ASEAN có thể xem xét việc đưa ra quyết định cụ thể. 3. Khoản 1 và 2 trong Điều này sẽ không ảnh hưởng tới các phương thức ra quyết định đã được nêu trong các văn kiện pháp lý liên quan khác của ASEAN. 4. Trong trường hợp có sự vi phạm nghiêm trọng hoặc không tuân thủ, vấn đề này sẽ được trình lên Cấp cao ASEAN để quyết định”
Có thể hiểu, “Tham vấn” là một quá trình tăng cường khả năng, trong đó nhà tham vấn hợp tác với đối tượng để giúp họ xác định và làm sáng tỏ vấn đề, xác định những nguyên nhân “gốc rễ” và các cách để cải thiện tình huống của họ. “Đồng thuận” là một thủ tục thông qua các văn bản luật, được áp dụng thường xuyên trong hoạt động của các tổ chức quốc tế. Đồng thuận cho phép người ta có được một thỏa thuận mà không cần thông qua biểu quyết nếu không có phản đối, đồng thời, việc những người không đưa ra ý kiến sẽ không được kể đến. Tuy vậy, việc không đưa ra ý kiến làm suy yếu hiệu lực của văn bản luật. Vì thế, một quyết định chỉ được coi là của ASEAN khi được tất cả các nước thành viên nhất trí thông qua. Nguyên tắc này đòi hỏi quá trình đàm phán lâu dài nhưng bảo đảm quyền lợi của tất cả các nước thành viên, đó là kết quả của sự tự giác, sự tự nguyện đồng ý của mọi người với nhau.
Theo nguyên tắc này, một quyết định chỉ được thông qua khi tất cả cá nước thành viên ASEAN nhất trí thông qua. Nghĩa là một quyết định chỉ được coi là của ASEAN khi được tất cả các nước thành viên nhất trí thông qua. Quyết định sẽ không được thông qua nếu có chỉ một quốc gia phản đối, vì vậy nguyên tắc này nhằm đảm bảo quyền lợi cho tất cả các quốc gia thành viên. Nguyên tắc này đòi hỏi phải có quá trình đàm phán lâu dài, nhưng đảm bảo được việc tính đến lợi ích quốc gia của tất cả các nước thành viên. Đây là nguyên tắc cơ bản trong việc quyết định các chính sách hợp tác quan trọng cũng như các lĩnh vực quan trọng của ASEAN. Đây là nguyên tắc bao trùm trong các cuộc họp và hoạt động của ASEAN.
Ưu điểm của cơ chế này là:
Thứ nhất, giúp xây dựng lòng tin vững chắc cũng như sự tự nguyện đồng tình tuyệt đối giữa các quốc gia ASEAN.
Xét về lịch sử các quốc gia Đông Nam Á trừ Thái Lan thì hầu hết đều là thuộc địa của các cường quốc. Do đó, các nước đế quốc luôn có mong muốn ngăn cản sự phát triển của chủ nghĩa khu vực ở các nước thuộc địa. Trong khi đó, các quốc gia Đông Nam Á tuy gần về khoảng cách địa lý nhưng lại thiếu hiểu biết lẫn nhau. Bên cạnh đó, ASEAN được thành lập dựa trên tiền đề chính trị là chủ yếu, mục tiêu quan trọng là xây dựng lòng tin giữa các quốc gia thành viên nhằm giữ vững nền tảng chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội ổn định trong khu vực trước tình hình thế giới có nhiều biến động. Vì vậy, biểu quyết đa số khi thông qua các kế hoạch chung là không khả thi và việc biểu quyết thông qua sự đồng thuận của tất cả các quốc gia sau khi trải qua quá trình tham vấn sẽ xây dựng lòng tin vững chắc cũng như sự tự nguyện đồng tình tuyệt đối giữa các quốc gia ASEAN.
Thứ hai, các quyết định đưa ra sẽ dễ dàng được tất cả các thành viên tích cực thực hiện, thúc đẩy liên kết khu vực ngày càng bền vững, phát triển.
ASEAN là khu vực có sự phát triển không đồng đều giữa các quốc gia, việc sử dụng nguyên tắc đồng thuận sẽ làm cho các quốc gia thỏa mãn khi bày tỏ thái độ phản đối, đồng ý, hay im lặng đối với các hoạt động của ASEAN vì mỗi quốc gia có địa vị, quyền lợi ngang nhau. Khi tất cả đồng thuận tức là các nước đã tìm ra tiếng nói chung, các quyết định đưa ra sẽ dễ dàng được tất cả các thành viên tích cực thực hiện, thúc đẩy liên kết khu vực ngày càng bền vững, phát triển.
Thứ ba, góp phần giữ gìn sự ổn định chính trị của mỗi quốc gia và thông qua đó, giữ gìn sự ổn định của khu vực.
Xét về mặt chính trị, việc có thể im lặng sẽ cho phép các quốc gia tránh được gánh nặng về chính trị mỗi khi phải đưa ra câu trả lời công khai. Bởi vì các thành viên đều tin rằng một kết quả biểu quyết không phải là 100% thuận sẽ làm xấu đi hình ảnh của Hiệp hội và ảnh hưởng tới bầu không khí hợp tác chung. Ngoài ra, việc ý kiến của một quốc gia bị đa số phủ quyết cũng có thể gây nên những căng thẳng về tình hình chính trị của quốc gia đó, điều mà không một nhà lãnh đạo nào muốn, nhất là trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Tóm lại, nó góp phần giữ gìn sự ổn định chính trị của mỗi quốc gia và thông qua đó, giữ gìn sự ổn định của khu vực.
Tuy nhiên, nguyên tắc này cũng có một số hạn chế:
Thứ nhất, một trong những đặc tính quan trọng của nguyên tắc đồng thuận và tham vấn, đó là văn bản được thông qua khi có sự “im lặng” từ các bên. Sự im lặng này được hiểu như không có chống đối. Tuy nhiên, im lặng không nhất thiết là đồng ý, vì thế đôi khi nguyên tắc này che dấu sự không thỏa mãn của một số bên, và quyết định được thông qua chưa chắc đã là kết quả của sự đồng ý của tất cả mọi thành viên. Nói một cách khác, quyết định được thông qua nhờ áp dụng nguyên tắc này là “ý kiến tập thể nhưng không phải là ý kiến nhất trí hoàn toàn của mọi người”, nó không phải là bằng chứng của một thỏa thuận thật sự có hiệu quả giữa các bên, mà chỉ là bằng chứng của việc không có ý kiến phản đối chính thức. Cái giá phải trả là văn bản được thông qua thường mang tính “chung chung”.
Thứ hai, con đường đạt được sự đồng thuận, nhất là trong hành động, chưa bao giờ là dễ dàng, đối với nội bộ ASEAN cũng như trong quan hệ ASEAN với các nước đối tác. Không ít cơ chế của ASEAN đã phải trải qua quá trình hoài thai nặng nhọc, kéo dài gần chục năm mà vẫn chưa thực thành hình như kì vọng. Về mặt thời gian, thủ tục thông qua quyết định của ASEAN sẽ rất nặng nề và chậm chạp, bởi vì nó luôn đòi hỏi những cuộc thảo luận và tham vấn lâu dài giữa các bên trước khi đi đến một thỏa thuận. Vô hình chung, chính những đối tác chậm chạp nhất sẽ là những người có tiếng nói cuối cùng và quyết định trong quá trình thông qua các kế hoạch. Vì vậy, nếu như áp dụng nguyên tắc này là rất có lợi khi vấn đề cần được giải quyết chỉ diễn ra từ từ, thì điều này sẽ bất lợi trong trường hợp cần đưa ra các quyết định khẩn cấp. Nguyên tắc này nhiều khi làm chậm tiến trình hợp tác của Cộng đồng nói riêng và ASEAN nói chung. Việc khó đạt được sự đồng thuận do sự đa dạng về thể chế chính trị, trình độ phát triển kinh tế và nhiều nét khác biệt về văn hóa – xã hội giữa các quốc gia thành viên.
Câu 2: Phân tích và lấy ví dụ về các nhóm hàng hóa có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại ASEAN được quy định tại Điều 27 ATIGA
Theo quy định tại Điều 27 ATIGA hàng hoá có xuất xứ thuần túy hoặc được sản xuất toàn bộ tại các nước thành viên. Đây là loại hàng hóa hoàn toàn được sinh trưởng và thu hoạch ở nước xuất xứ hoặc được gia công hoàn toàn bằng các nguyên liệu của nước xuất xứ. Hàng hóa này có thể phân thành các nhóm sau:
Nhóm 1: Nhóm hàng hóa là động thực vật sinh trưởng và được thu hoạch ở quốc gia thành viên
- Thực vật và các sản phẩm từ thực vật, bao gồm trái cây, hoa, rau, cây, tảo biển, nấm và các thực vật sống, được trồng và thu hoạch, hái và thu lượm tại Quốc gia Thành viên xuất khẩu;
Ví dụ: Gạo ST25 được trồng và thu hoạch ở Sóc Trăng (Việt Nam), xuất khẩu đi Mỹ, Macau, Đức, Nga, Bỉ, Canada, Pháp, Úc.
- Động vật sống, bao gồm động vật có vú, chim, cá, loài giáp xác, loài không xương sống, loài bò sát, vi khuẩn và vi rút, sinh trưởng và được nuôi dưỡng tại Quốc gia Thành viên xuất khẩu;
Ví dụ: Lợn sinh trưởng và nuôi dưỡng tại Thái Lan khi xuất khẩu sang Việt Nam để giết mổ làm thực phẩm.
- Hàng hoá thu được từ săn bắn, bẫy, câu, trồng trọt, nuôi trồng thuỷ sản, thu gom và đánh bắt được tiến hành tại Quốc gia Xuất khẩu thành viên;
Ví dụ: Cá ngừ đại dương được đánh bắt ở vùng biển Bình Định thì khi xuất khẩu sang Nhật. 
Nhóm 2: Nhóm các hàng hóa phi sinh vật được khai thác ở quốc gia thành viên
- Khoáng sản và các chất sản sinh tự nhiên khác và được chiết xuất hoặc lấy ra từ đất, nước, đáy biển hoặc dưới đáy biển;
Ví dụ: Than đá, dầu khí được khai thác tại Brunei xuất khẩu sang Singapore. 
- Phế thải và phế liệu có nguồn gốc từ quá trình sản xuất tại Quốc gia Thành viên xuất khẩu;
Ví dụ: Phế thải dừa từ nhà máy cơm dừa Thành Vinh (Bến Tre) khi xuất khẩu sang Campuchia. 
- Phế thải và phế liệu có nguồn gốc từ hàng hoá đã qua sử dụng được thu nhặt tại Quốc gia Thành viên xuất khẩu; với điều kiện những hàng hoá đó chỉ phù hợp làm nguyên vật liệu thô; 
Ví dụ: Chip điện tử được thu nhặt từ nhà máy Công ty TNHH Sài Gòn STEC (Việt Nam) khi xuất khẩu sang Lào và được Lào sử dụng làm nguyên liệu thô. 
Nhóm 3: Nhóm các sản phẩm được khai thác, chế biến hoặc đánh bắt từ các vùng biển bằng tàu được đăng ký và treo cờ của quốc gia thành viên
- Được khai thác hoặc đánh bắt trong vùng lãnh hải và đặc quyền kinh tế của quốc gia thành viên
Ví dụ: Mực được đánh bắt trong vùng lãnh hải của Philipin xuất khẩu sang Việt Nam
- Được khai thác hoặc đánh bắt trên vùng biển quốc tế
Ví dụ: Dầu khí được Malaysia khai thác từ lòng đất dưới đáy biển tại Vùng di sản chung của nhân loại, tức là không thuộc vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế của Malaysia xuất khẩu sang Singapore.
- Được khai thác, chế biến hoặc đánh bắt từ đáy biển hoặc đánh bắt từ đáy biển và lòng đất dưới đáy biển ngoài lãnh hải quốc gia thành viên, nơi mà quốc gia đó có quyền khai thác
Ví dụ: Các loại san hô mà Thái Lan khai thác từ đáy biển vùng thềm lục địa của mình và là nơi có quyền khai thác theo quy định của Luật quốc tế và xuất khẩu sang Lào
Nhóm 4: Nhóm các sản phẩm chế tạo là các hàng hóa được sản xuất tại quốc gia xuất khẩu, hoàn toàn bằng các nguyên liệu thuộc các nhóm trên
	Ví dụ như cá tra được khai thác ở vùng biển Côn Đảo, được chế biến, đóng hộp tại Việt Nam xuất khẩu sang Singapore. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Pháp luật Cộng đồng ASEAN – Đại học Luật Hà Nội năm 2019
Hiến chươngcủa hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á
Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN
Công ty Luật LVN, ASEAN cần phải thay thế nguyên tắc đồng thuận bằng một nguyên tắc khác linh hoạt và phù hợp hơn, https://wikiluat.com/2021/08/24/hien-nay-nguyen-tac-dong-thuan-dang-duoc-asean-su-dung-de-thong-qua-cac-quyet-dinh-cua-minh-ben-canh-nhung-uu-diem-nguyen-tac-dong-thuan-cung-da-va-dang-boc-lo-rat-nhieu-han-che-vi-vay-de-hien-t/

File đính kèm:

  • docxtieu_luan_binh_luan_khoa_hoc_noi_dung_phap_ly_cua_dieu_20_hi.docx