Tiểu luận Đảm bảo nguyên tắc nhân đạo trong Luật hình sự Việt Nam

docx 7 trang yenvu 17/02/2024 2160
Bạn đang xem tài liệu "Tiểu luận Đảm bảo nguyên tắc nhân đạo trong Luật hình sự Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận Đảm bảo nguyên tắc nhân đạo trong Luật hình sự Việt Nam

Tiểu luận Đảm bảo nguyên tắc nhân đạo trong Luật hình sự Việt Nam
Tiểu Luận đảm bảo nguyên tắc nhân đạo trong Luật hình sự Việt Nam
1. Khái niệm nguyên tắc nhân đạo 
Nguyên tắc nhân đạo là một trong những nguyên tắc cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam nói chung, của ngành luật hình sự Việt Nam nói riêng. Nguyên tắc nhân đạo trong luật hình sự là tư tưởng chủ đạo được ghi nhận trong luật hình sự, chỉ đạo hoạt động xây dựng và áp dụng pháp luật hình sự mà nội dung cơ bản của nó là sự khoan hồng của luật hình sự đối với người phạm tội. Mức độ, phạm vi của sự khoan hồng của pháp luật đối với người phạm tội được quyết định bởi điều kiện xã hội và bị ràng buộc bởi các nguyên tắc khác của pháp luật hình sự, mà trước hết là công lý và công bằng xã hội.
Như vậy, nguyên tắc nhân đạo có thể hiểu là một trong những nguyên tắc quan trọng của pháp luật hình sự, qua đó hướng tới mục tiêu đảm bảo tính nhân văn, bảo vệ những quyền tối thiểu của con người dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Nguyên tắc này thể hiện bản chất Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thể hiện tư tưởng vì con người trong hệ thống pháp luật nước ta. Nguyễn Thị Hồng Thắm (2019), Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa của Luật Hình sự Việt Nam, Luật Minh Khuê, xem tại 
2. Ý nghĩa về lý luận của nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam
Về mặt lý luận nguyên tắc nhân đạo là một trong những nguyên tắc cơ bản và có ý nghĩa quan trọng của Bộ luật Hình sự Việt Nam. Bởi lẽ, mục đích của nguyên tắc này là hướng tới bảo đảm những lợi ích tối thiểu, bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về danh dự, nhân phẩm và tính mạng của con người. Hay nói cách khác đây là một trong số quyền cơ bản nhất của quyền con người. 
Quyền con người là những quyền tự nhiên, vốn có và khách quan của con người được ghi nhận và bảo vệ trong pháp luật quốc gia và các thỏa thuận pháp lý quốc tế Lê Trang Hùng, Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ ban của Công dân trong Hiến pháp năm 2013, Cổng thông tin điện tử Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, xem tại 
. Chính bởi vậy, việc bảo vệ quyền con người là vô cùng cần thiết và được xem là tất yếu, được không chỉ pháp luật trong nước mà còn được pháp luật quốc tế quan tâm, đề cao. Với việc ghi nhận quyền con người trong pháp luật hình sự mang ý nghĩa như một cách nhằm thể chế quan điểm về chính sách vì con người, tôn trọng quyền con người, hướng tới sự bao dung trong pháp luật hình sự, đề cao giáo dục thuyết phục nhân cách con người là chủ yếu. 
Thông qua nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự đã tạo ra cơ hội cho người phạm tội được cải tạo, nhìn nhận lỗi lầm của bản thân, có cơ hội để sớm tái hoà nhập vào cộng đồng như miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, án treo và một số hình phạt không tước quyền tự do như cảnh cáo. Nguyễn Thị Hồng Thắm (2019), Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa của Luật Hình sự Việt Nam, Luật Minh Khuê, xem tại truy cập ngày 20/02/2022. 
Nói một cách khác, nguyên tắc nhân đạo mang những ý nghĩa quan trọng, theo đó góp phần hướng tới đúng mục tiêu của Nhà nước trong việc xây dựng pháp luật hình sự, của các hình phạt, đó là răn đe đồng thời giáo dục, tạo cơ hội cho người phạm tội sửa chữa sai lầm. Chính bởi vậy, về mặt lý luận việc ghi nhận và bảo đảm thực hiện đối với nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam là rất cần thiết. 
3. Nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam 
3.1. Nội dung nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam 
Trước khi xét đến quy định của pháp luật hình sự Việt Nam, cần khẳng định rằng quyền con người là một quyền cơ bản đã được Hiến pháp năm 2013 của Việt Nam ghi nhận, được xem là tôn chỉ, định hướng xuyên suốt trong hoạt động lập pháp và hành pháp tại nước ta. Nói một cách khác, các văn bản pháp luật khác có liên quan cần phải tuân thủ nguyên tắc đảm bảo quyền con người đã được ghi nhận tại Hiến pháp theo những cách phù hợp và tương thích nhất với văn bản đó. Và như đã được phân tích ở phần lý luận nêu trên, đảm bảo quyền con người cũng chính là một trong những mục tiêu mà nguyên tắc nhân đạo hướng tới. 
Trong pháp luật hình sự Việt Nam, nguyên tắc nhân đạo luôn luôn được thể hiện rõ nét trong chính sách hình sự của Nhà nước. Theo đó nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự được thể hiện ở các nội dung cơ bản sau: 
Thứ nhất, pháp luật hình sự của Việt Nam không ghi nhận những hình phạt tàn nhẫn, vô nhân đạo hay hạ thấp nhân phẩm của người khác. Trách nhiệm hình sự, hình phạt và các biện pháp khác được áp dụng đối với người phạm tội chủ yếu hướng tới mục đích nhằm cải tạo, giáo dục người phạm tội và phòng ngừa chung chứ không phải sự trả thù.
Thứ hai, hình phạt được quy định và áp dụng đối với người phạm tội trong từng trường hợp phạm tội cụ thể chỉ trong phạm vi cần thiết thấp nhất đủ để đạt được mục đích của hình phạt. Theo đó, một số hình phạt nghiêm khắc như chung thân, tử hình chỉ áp dụng trong những trường hợp đặc biệt và trong phạm vi áp dụng nhất định theo quy định của pháp luật (ví dụ như quy định người từ 75 tuổi trở lên không bị tử hình,...)
Thứ ba, cùng với hình phạt và buộc người phạm tội phải chấp hành hình phạt, pháp luật hình sự Việt Nam còn có các biện pháp khác có tính chất khoan hồng được áp dụng đối với người phạm tội như miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, miễn chấp hành hình phạt, phạt tiền,...
Thứ tư, đối với người chưa thành niên phạm tội, pháp luật hình sự quy định trách nhiệm hình sự sẽ được giảm nhẹ hơn so với người thành niên phạm tội. Pháp luật hình sự Việt Nam cũng hướng tới những quy định nhằm giảm nhẹ đối với người phạm tội là phụ nữ có thai, phụ nữ đang nuôi con nhỏ, người già, người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi. Xem truy cập ngày 20/02/2022
Thứ năm, việc áp dụng hình phạt tạo điều kiện cho người phạm tội lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội và hực hiện các quyền mà pháp luật không cấm. Phạm Thanh Tú (Chủ biên), Tài liệu học tập Luật Hình sự Việt Nam, Trường Đại học Mở TP. Hồ Chí Minh, NXB. Hồng Đức – Hội luật gia Việt Nam, tr.22
3.2. Biểu hiện của nguyên tắc nhân đạo trong Bộ luật Hình sự 2015
Bộ luật Hình sự 2015 là bộ luật có hiệu lực hiện hành tại nước ta hiện nay. Theo đó, trong văn bản này, nguyên tắc nhân đạo được thể hiện cụ thể qua những quy định như sau: 
Trước hết, nội dung nguyên tắc được thể hiện tại chính sách khoan hồng của Nhà nước trong xử lý tội phạm, được quy định cụ thể tại Điều 3 của Luật này: 
“Khoan hồng đối với người tự thú, thành khẩn khai báo, tố giác người đồng phạm, lập công chuộc tội, ăn năn hối cải, tự nguyện sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại gây ra....
Khoan hồng đối với pháp nhân thương mại tích cực hợp tác với cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án....”. 
Bên cạnh đó, nguyên tắc nhân đạo còn được thể hiện thông qua quy định về hiệu lực theo thời gian của Bộ luật Hình sự, mà cụ thể là quy định về tha tù trước thời hạn. Theo quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự 2015, người đang chấp hành hình phạt có thể được tha tù trước thời hạn khi có đủ các điều kiện cần thiết: phạm tội lần đầu; có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt; có nơi cư trú rõ ràng; đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự; đã chấp hành được ít nhất là một phần hai mức thời hạn từ đối với hình phạt tù có thời hạn hoặc ít nhất 15 năm đối với tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn...
Ngoài ra, nguyên tắc nhân đạo còn thể hiện rõ nét ở phần hình phạt như: Bỏ quy định phạt tử hình đối với tội phạm cướp tài sản đã được quy định tại Bộ luật Hình sự năm 2009; quy định về việc cha mẹ giấy con phạm tội được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự; không thi hành án tử hình đối với tội phạm chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ; ... 
Có thể thấy những quy định pháp luật này đã thể hiện rõ được quan điểm và sự coi trọng trong việc bảo đảm nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự tại nước ta. Đồng thời theo sự sửa đổi, bổ sung pháp luật hình sự theo thời gian thì nguyên tắc nhân đạo này càng được quan tâm hơn nữa. Nguyên tắc này của pháp luật hình sự Việt Nam đồng thời cũng đảm bảo tính tuân thủ, đồng nhất và phù hợp với quan điểm tại Hiến pháp hiện hành của nước ta trong việc bảo đảm và bảo vệ quyền con người. Đồng thời điều này cũng đảm bảo phù hợp với quan điểm đồng nhất của pháp luật quốc tế về quyền con người. 
Chính bởi vậy, có thể khẳng định, về mặt pháp lý, cụ thể là căn cứ theo những quy định pháp luật hiện hành thì việc bảo đảm nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam là cần thiết. 
4. Thực tiễn cần thiết áp dụng nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam
Việc đảm bảo nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự Việt Nam không chỉ có giá trị ý nghĩa về mặt lý luận hay đảm bảo phù hợp với quy định pháp luật quốc gia, pháp luật quốc tế mà còn mang những giá trị nhất định về thực tiễn. 
Thông qua nguyên tắc nhân đạo, người phạm tội có thể có thêm cơ hội hoàn lương, quay trở lại đời sống và sửa chữa sai lầm của mình. Đặc biệt trong trường hợp người phạm tội có con nhỏ, có cha mẹ già hay người cần cưu mang thì việc giúp họ sớm quay trở lại xã hội cũng là góp phần cứu giúp và bảo vệ cho những cá nhân dễ bị tổn thương khác trong cuộc sống. 
Bên cạnh đó, với nguyên tắc nhân đạo được áp dụng khi cho người phạm tội vẫn có quyền được lao động, học tập khi chịu hình phạt tù cũng đem lại nhiều giá trị cho người phạm tội. Người phạm tội có cơ hội được học tập, rèn luyện bản thân, được hưởng quyền cơ bản của con người, qua đó giúp họ có thêm kiến thức, nhận thức để sau này hội nhập lại với xã hội, không bị xã hội bỏ lại, ổn định cuộc sống sau khi hết thời hạn chịu hình phạt. 
Không những vậy, việc đảm bảo nguyên tắc nhân đạo còn mang giá trị tích cực tới chính đời sống xã hội của quốc gia. Theo đó, khi nguyên tắc nhân đạo được đảm bảo cũng góp phần duy trì an ninh trật tự xã hội, bảo vệ xã hội khỏi những tác động tiêu cực có thể xảy ra như: gia tăng số lượng trẻ vô gia cư, người già không nơi nương tựa, tình trạng thất nghiệp do người phạm tội không tìm được việc làm vì có tiền án hay vì thiếu kiến thức,... 
Nói một cách khác, về mặt thực tiễn, việc đảm bảo nguyên tắc nhân đạo trong pháp luật hình sự cũng là điều cực kỳ cần thiết góp phần bình ổn xã hội, đảm bảo trật tự - an ninh, góp phần bảo vệ những đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội. 

File đính kèm:

  • docxtieu_luan_dam_bao_nguyen_tac_nhan_dao_trong_luat_hinh_su_vie.docx