Tiểu luận Đạo đức của người cán bộ Y tế

docx 19 trang yenvu 02/11/2023 2320
Bạn đang xem tài liệu "Tiểu luận Đạo đức của người cán bộ Y tế", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận Đạo đức của người cán bộ Y tế

Tiểu luận Đạo đức của người cán bộ Y tế
LỜI CẢM ƠN
š&›
Qua thời gian học tập lớp Quản lý hành chính nhà nước chương trình chuyên viên khóa 25 năm 2013. Tôi chân thành cảm ơn Ban Giám hiệu Trường Chính trị X, quý thầy cô - Khoa Nhà nước và pháp luật đã trang bị kiến thức và kinh nghiệm vô cùng quý báu về công tác quản lý nhà nước cho chúng tôi.
Từ những kiến thức tiếp thu được sẽ giúp tôi vận dụng vào hoạt động chuyên môn cũng như tham gia vào công việc điều hành công tác trong cơ quan hành chính nhà nước, trong sinh hoạt cuộc sống xã hội hàng ngày.
Mặc dù tiểu luận đã hoàn thành với tất cả sự cố gắng, phấn đấu, nổ lực nghiên cứu, tìm hiểu của bản thân nhưng kiến thức, trình độ lý luận, thời gian và kinh nghiệm còn hạn chế nên tiểu luận này không tránh khỏi những thiếu sót. Rất mong được sự giúp đỡ góp ý tận tình của thầy hướng dẫn.
Xin chân thành cảm ơn!
MỞ ĐẦU
Chúng ta biết “Sức Khỏe là vốn quý cao nhất của con người, là tài sản của quốc gia, là điều kiện cơ bản để con người sống hạnh phúc, sống khỏe” Do vậy chăm lo bảo vệ và tăng cường sức khỏe cho nhân dân là nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội mà ngành y tế là trụ cột. Chính vì lẽ đó: ngày 27 tháng 02 năm 1955 Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho cán bộ ngành y tế và nhắc nhở: “Người bệnh phó thác tính mệnh nơi các cô, các chú, Chính phủ phó thác cho các cô các chú chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy các thầy thuốc cần phải thương yêu nhau, chăm sóc người bệnh như anh em ruột của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Lương Y phải như từ mẫu”. Và ngày 27/02 đã trở thành ngày “Thầy thuốc Việt Nam”.
Xuyên suốt quá trình phục vụ của nghề Y đối với việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân, ngành y tế còn có một số tiêu chí để giúp các thầy thuốc rèn luyện đạo đức nghề nghiệp như: 12 điều y đức, 10 điều dược đức và đặc biệt ca ngợi cũng như nhắc lại y đức cao cả của đại danh y “Hải Thượng Lãng Ông” với 9 điều y huấn cách ngôn
Vì vậy người thầy thuốc hiện tại dưới chế độ xã hội chủ nghĩa Việt Nam luôn luôn phải tự giác ngộ, nhận thức và xác định tầm quan trọng của đạo đức con người và ý thức nghề nghiệp, coi đó là việc củng cố hình tượng cao đẹp trong lòng xã hội và xứng đáng với điều Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn: “Thầy thuốc phải như mẹ hiền”.
Bên cạnh đội ngũ thầy thuốc ngày đêm tận tụy phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân, họ là những chiến sĩ áo trắng luôn hy sinh thầm lặng mang lại niềm vui hạnh phúc cho người bệnh khi được cứu chữa. Còn có một bộ phận thầy thuốc chưa thực hiện đúng y đức. Gần đây qua tin tức hình ảnh ghi nhận từ cơ quan thông tin đại chúng phản ánh việc sai trái tiêu cực của một số thầy thuốc trong chăm sóc sức khỏe nhân dân: còn sai sót trong y thuật, lợi dụng nghề nghiệp để trục lợi, rút ruột quỹ bảo hiểm y tế, có thái độ vô cảm trước nỗi đau của người bệnh Hình ảnh người thầy thuốc bị xã hội nhìn nhận lệch lạc mất đi sự tôn vinh.
Việc xây dựng và thực hiện đạo đức Y đức là công việc mang tính chất thường xuyên và bức bách. Khi nền kinh tế thị trường xuất hiện, nhiều hình thức tiêu cực, biểu hiện mặt trái của quy luật. Bằng chủ trương chính sách bảo hiểm cho người nghèo. Thông qua sự phân công quản lý, thực hiện cấp phát thuốc, chữa bệnh nếu không được tổ chức hợp lý khoa học, thống nhất thì sẽ còn gây nhiều phiền hà cho bệnh nhân, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng cho con người khi mắc phải bệnh tật.
Với suy nghĩ trên, sau lớp quản lý nhà nước trình độ Chuyên viên khóa 25, tôi xin chọn đề tài liên quan đến lĩnh vực “Đạo đức của người cán bộ Y tế” làm tiểu luận cho khóa học này.
I. MÔ TẢ TÌNH HUỐNG
Trong buổi giao ban thứ năm hàng tuần vào tháng 09/2013, Ban Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Y, thông qua nội dung lá đơn thưa từ Sở Y tế X gửi về như sau:
Kính gửi :
- Ban Lãnh đạo Sở Y tế X;
- Ban Giám đốc Trung tâm Y tế Y;
- Huyện ủy, UBND huyện Y.
Tôi tên : Bùi Thị A, là con ông Bùi Văn C 70 tuổi, cư ngụ ấp Mỹ Lợi, xã Z, huyện Y, tỉnh X.
Nay tôi viết đơn này kính mong quý cơ quan có thẩm quyền xem xét và có biện pháp xử lý thỏa đáng về tinh thần phục vụ và thái độ trách nhiệm của các y bác sĩ ca trực ngày 19/08/2013.
Ba của tôi đã chết tại phòng cấp cứu kể trên do ca trực không tích cực và không kịp thời cấp cứu gây ảnh hưởng tới tính mạng của người bệnh.
Giờ đây ba tôi chắc chắn không còn nữa và cũng không có gì bù đắp được nỗi mất mát tình thân to lớn của chúng tôi, nhưng tôi vẫn mong các cơ quan có trách nhiệm xử lý chấn chỉnh hành vi, đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp của các y bác sĩ trong ca trực kể trên, để một lần nữa các gia đình khác không rơi vào hoàn cảnh như gia đình tôi, nội dung như sau:
Khoảng 17h00 chiều ngày 19/08/2013, ba tôi than mệt nặng ngực nên tôi đưa ba tôi đến cơ sở y tế tư nhân gần bên xin khám và tiêm thuốc, nhưng bác sĩ cơ sở ấy từ chối điều trị và bảo: “Nên đưa ông cụ đến phòng cấp cứu bệnh viện điều trị”.
Khi ba tôi đến phòng cấp cứu bệnh viện huyện (Khoảng 17h20’), ba tôi dược điều dưỡng Nguyễn Thị G và bác sĩ Nguyễn Thị V tiếp nhận và khám bệnh.
Sau khám bệnh Bác Sĩ V bảo làm thủ tục nhập viện.
Tôi hỏi: “Ba tôi bệnh gì mà phải nhập viện hả Bác sĩ?”
Bác sĩ trả lời: “Viêm Phế quản phổi nặng”.
Chị tôi hỏi xin được chuyển về tuyến trên điều trị được không?
Cô điều dưỡng G chen vào: “Chưa biết được gì mà đòi này nọ”.
Tiếp đó Bác sĩ V nói: “Có nằm viện hay không tôi làm thủ tục nhập viện? còn chuyển hay không tí nữa Bác sĩ trực chính về giải quyết, loay hoay đến khoảng 18h thì Bác sĩ trực chính có mặt. Tôi gặp Bác sĩ Đoàn Văn Đ, Ông ấy không khám gì cả chỉ hỏi tình trạng ba tôi như thế nào, tôi nói với bác sĩ: ba tôi vẫn còn than nặng ngực, Bác sĩ Đ bảo: “Mới tiêm thuốc cứ từ từ chờ đợi, ừ mà có Bảo hiểm y tế(BHYT) không? Nếu có thì cứ trình đi, tôi xin ý kiến lãnh đạo chuyển bệnh nhân về tuyến trên theo yêu cầu, vì bệnh viêm phế quản phổi ở đây điều trị được”.
Tôi vội vã quay về nhà tìm BHYT cho ba tôi (Khoảng cách 2km).
Khi về tới nhà, tôi nhận được điện thoại của chị tôi (Nuôi ba tôi trực tiếp tại bệnh viện khoảng 18 giờ 15phút) là ba tôi đã ngưng thở, tôi lập tức quay trở lại BV thì thấy Bác sĩ và điều dưỡng đang hồi sức cho ba tôi nhưng ba tôi vẫn nằm yên bất động.
Hơn nửa tháng trôi qua bản thân tôi luôn lấy làm nuối tiếc, buồn bực, nuối tiếc vì tinh thần trách nhiệm chuyên môn của y bác trực không cao, không đánh giá được diễn biến của bệnh người có tuổi, buồn bực vì xin chuyển tuyến trên, thông qua nhiều cấp mất nhiều thời gian như thế, giá như ba tôi được đánh giá đúng tình trạng bệnh, chuyển tuyến trên có điều kiện điều trị sớm hơn có lẽ có hy vọng sống còn.
Cuối cùng một lần nữa, tôi đề nghị ban lãnh đạo BV cũng như cơ quan cấp trên và chính quyền các cấp có ý kiến xử lý xem xét chấn chỉnh đối với Bác sĩ Đ, Bác sĩ V và điều dưỡng G. Có đủ năng lực chuyên môn phụ trách cấp cứu, có đủ trách nhiệm với công việc hay không và có đủ tư cách là người thầy thuốc xứng đáng với lời dạy của chủ tịch Hồ Chí Minh: “Thầy thuốc như mẹ hiền”.
Nội dung lá đơn kể trên được gửi nhiều nơi cùng lúc, nên lập tức hội đồng khoa học kỹ thuật sở y tế X cùng với hội đồng khoa học kỹ thuật Trung tâm Y tế huyện Y và toàn bộ ca trực ngày 19/08/2013 được triệu tập tại phòng nghiệp vụ y Sở y tế ngày 26/8/2013.
Hội đồng đưa ra kết luận cuối cùng:
Bệnh nhân Bùi Văn C 70 tuổi được chẩn đoán: Viêm phế quản – phổi/Suy hô hấp/Thiếu máu cơ tim/tiền sử tăng huyết áp.
Nguyên nhân dẫn đến cái chết của bệnh nhân kể trên do suy hô hấp làm nặng thêm tình trạng thiếu máu cơ tim dẫn đến ngưng tim đột ngột.
Bác sĩ V mới tốt nghiệp chưa có kinh nghiệm đánh giá tiên lượng được diễn tiến của bệnh nên:
Không bù được lượng oxy thiếu hụt do bệnh viêm phế quản phổi gây ra.
Tình trạng tăng huyết áp không được đề cập và kiểm soát tốt.
Dấu hiệu thiếu máu cơ tim trên ECG chưa được phát hiện.
Bác sĩ Đ thái độ thờ ơ thiếu tinh thần trách nhiệm đối với người bệnh có tuổi đang điều trị tại phòng cấp cứu (không trực tiếp khám bệnh).
Vắng mặt trong giờ trực cấp cứu, nên không tiếp nhận đánh giá bệnh nhân ngay từ lúc đầu.
Nếu có quyết định chuyển viện sớm thì chuyển viện bệnh nhân vẫn không an toàn do chưa làm tốt khâu cấp cứu ban đầu.
II. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
1. Mục tiêu trực tiếp:
Xác định rõ từng trách nhiệm của bác sĩ, điều dưỡng trong ca trực
Xử lý thích đáng với hành vi của các đối tượng vi phạm đáp ứng đơn khiếu nại của thân nhân bệnh nhân Bùi Văn C.
Ban Giám đốc Trung tâm Y tế Y, cụ thể là đồng chí trực lãnh đạo ngày 19/08/2013.
Trách nhiệm xây dựng hệ thống điều trị của Trung tâm Y tế đặc biệt là phòng cấp cứu.
Chấn chỉnh khâu tiếp nhận ứng xử thái độ phục vụ, đánh giá tình độ chuyên môn đúng mức.
Phát huy hơn nữa vai trò kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở của các cấp quản lý, lãnh đạo trong trung tâm y tế.
2. Mục tiêu gián tiếp:
Thông qua hình thức kỷ luật của Ban Giám đốc đối với cán bộ của mình thỏa đáng để răn đe những người khác và củng cố niềm tin của bệnh nhân đối với Trung tâm Y tế huyện Y.
Tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, đảm bảo kỷ cương phép nước.
Nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thầy thuốc tạo được niềm tin của nhân dân đối với ngành y tế.
Đảm bảo việc thực hiện nghiêm túc, quy chế bệnh viện.
Nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Lấy lại niềm tin của nhân dân đối với Trung tâm y tế.
III. PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN VÀ HẬU QUẢ
1. Nguyên nhân:
a. Điều dưỡng G:
* Nguyên nhân chủ quan:
Có lời lẽ thiếu tế nhị ứng xử chưa đúng, chưa thể hiện hết trách nhiệm và sự thông cảm đối với thân nhân người bệnh. Vi phạm quy định về chế độ giao tiếp trong các cơ sớ khám chữa bệnh (Quyết định 4031/2001/QĐ-BYT ngày 27/9/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định về chế độ giao tiếp trong các cơ sở khám chữa bệnh)
b. Bác sĩ Đ:
* Nguyên nhân chủ quan:
Bỏ ca trực đi làm việc riêng không tuân thủ quy chế trực cấp cứu.
Thiếu trách nhiệm trong trực cấp cứu, qua loa gây sai sót chuyên môn.
Xem nhẹ tính mạng người bệnh khi họ đã vào cơ sở cấp cứu.
Bác sĩ Đ trực tua chính mà vắng mặt trong giờ trực, thiếu trách nhiệm, không trực tiếp, không sâu sát tình trạng người bệnh, thái độ quan liêu. Nếu bác sĩ Đ thực hiện tốt nhiệm vụ của bác sĩ trực chính thì có lẽ tính mạng của bệnh nhân C được cứu vãn, tránh được nỗi đau cho gia đình. 
Vi phạm 12 điều y đức
* Nguyên nhân khách quan:
Trung tâm Y tế không phục vụ các kỹ thuật cận lâm sàng trong đêm (mà chỉ làm giờ hành chính – Xquang, xét nghiệm). Đây là hạn chế khách quan, tác động sâu sắc tới tình huống sự việc. Nếu trung tâm có tổ chức bộ phận trực đêm, vận hành đủ các phương tiện trong khám chữa bệnh, giải quyết kịp thời tình huống, bệnh nhân sẽ vượt qua cơn nguy kịch.
Đáng lý ra bệnh nhân phải được đánh giá tình trạng suy hô hấp và bù oxy ngay từ đầu với liều lượng thích hợp.
Đánh giá tình trạng oxy máu thông qua máy đo Spo2.
Đánh giá tình trạng thiếu máu cơ tim thông qua đo ECG.
Đánh giá tình trạng viêm phế quản phổi thông qua chụp Xquang và xét nghiệm công thức máu.
c. Bác sĩ V:
* Nguyên nhân chủ quan:
Chưa tận tâm trong quá trình rèn luyện chuyên môn và trả lời với người nhà bệnh nhân thiếu tinh thần trách nhiệm. Chưa thật sự tôn trọng đồng nghiệp (Vi phạm 12 điều y đức, quy tắc ứng xử của cán bộ, viên chức trong đơn vị sự nghiệp y tế).
d. Lãnh đạo Trung tâm y tế Y:
* Nguyên nhân chủ quan:
Quản lý của Trung tâm y tế thiếu kiểm tra, đôn đốc để xảy ra sự việc
* Nguyên nhân khách quan:
Chưa có đủ bác sĩ để phân công các chuyên môn siêu âm X-quang, xét nghiệm đầy đủ các cas trực cấp cứu.
Do địa phương vùng sâu, đời sống khó khăn, cán bộ y tế không bám trụ lâu dài. Thời gian qua có nhiều bác sĩ xin nghỉ và chuyển công tác.
2. Hậu quả:
a. Hậu quả trước mắt:
Gia đình mất một người thân do việc xử lý chuyên môn của bác sĩ V yếu kém.
Gây bất bình cho gia đình người thân bệnh nhân và dư luận xã hội xung quanh.
Làm mất lòng tin của người bệnh đối với Trung tâm Y tế Tân Phước nói riêng và y tế toàn tỉnh nói chung.
b. Hậu quả sẽ xảy ra: 
Nếu tình trạng không được khắc phục sẽ xảy ra những trường hợp đáng tiếc như trường hợp trên làm mất lòng tin của người bệnh đối với cán bộ y tế
IV. XÂY DỰNG PHƯƠNG ÁN VÀ LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN XỬ LÝ
1. Xây dựng phương án xử lý:
Căn cứ vào pháp lệnh thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ công chức.
Căn cứ quy chế hội đồng khen thưởng kỷ luật Trung tâm Y tế.
Căn cứ quy chế thường trực chuyên môn của ngành y tế và cụ thể của ngành y tế huyện Tân Phước.
Căn cứ vào quyền hạn của Ban Giám đốc Trung tâm Y tế Y thông qua ý kiến Sở Y tế, Huyện ủy, UBND huyện Y và kết luận của Hội đồng Khoa học Kỹ thuật ngành y tế X.
Qua xác minh xem xét toàn bộ quá trình sự việc xảy ra.
Về mặt quản lý nhà nước có các phương án xử lý được đề ra như sau:
a/ Phương án 1:
Khiển trách toàn bộ ca trực – đại diện lãnh đạo Trung tâm phải đến xin lỗi chia buồn cùng gia đình bệnh nhân, tiếp thu ý kiến và có hướng rút kinh nghiệm sửa sai.
Ưu điểm :
Là hình thức kỷ luật nhẹ nhằm mục đích giáo dục củng cố tinh thần trách nhiệm, quyết tâm rèn luyện chuyên môn, rút kinh nghiệm sai sót để phục vụ tốt hơn cho các bệnh nhân sau này.
Hạn chế:
Hình thức kỷ luật chưa có tính thuyết phục, chưa đủ sức răn đe và chưa kiên quyết trong việc ngăn chặn sự thờ ơ quan liêu khi làm công tác chuyên môn (Đối với bác sĩ Đ – bỏ giờ trực làm việc riêng).
Gia đình bệnh nhân và dư luận đặc biệt là các cơ quan trong địa bàn huyện không hài lòng.
Gây ảnh hưởng đến Ban Giám đốc Trung tâm Y tế về nhận xét khả năng quản lý điều hành ngành y tế huyện của cấp trên, cấp ngang và sự theo dõi giám sát của nhân dân và người bệnh trên địa bàn huyện.
b/Phương án 2:
Kỷ luật cảnh cáo toàn ngành y tế huyện báo cáo với Huyện ủy, UBND huyện, Sở Y tế đối với toàn bộ ca trực ngày 19/08/2013 đặc biệt đối với Bác sĩ Đ. Thời hạn nâng lương bị kéo dài thêm 06 tháng.
Ban Giám đốc Trung tâm Y tế Y cùng ca trực kể trên đến chia buồn và xin lỗi gia đình bệnh nhân.
Ban Giám đốc Trung tâm Y tế rút kinh nghiệm công tác kiểm tra, đôn đốc đội ngũ viên chức của đơn vị và trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên khoa cận lâm sàng cho các ca trực.
Ưu điểm:
Phù hợp với tình hình cụ thể và mức độ sai phạm của ca trực.
Có thể làm hài lòng, giảm được nỗi đau thương của gia đình bệnh nhân.
Có đủ sức răn đe về tính kỷ luật, làm gương cho số cán bộ viên chức ngành y tế.
Có thể phần nào lấy lại niềm tin của người bệnh và dư luận xã hội, lấy dần lại uy tín của ngành y tế Y.
Hạn chế :
Cá nhân bác sĩ Đ và đồng nghiệp ca trực sẽ bị áp lực khi làm việc, và cá nhân sẽ bị giảm uy tín trước công chúng, đặc biệt là cán bộ công chức viên chức của Huyện ủy, UBND huyện trên địa bàn.
Bản thân Ban Giám đốc Trung tâm Y tế và cá nhân người trực lãnh đạo ngày 19/08/2013 cũng bị ảnh hưởng do thiếu tinh thần trách nhiệm.
Ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần và tâm lý của người làm nghề y trong quá trình tiếp nhận khám chữa bệnh cho bệnh nhân.
c/Phương án 3:
Kỷ luật cảnh cáo thông báo toàn ngành y tế trong tỉnh, thời hạn nâng lương bị kéo dài thêm 06 tháng đối với Bác sĩ Đ do không hoàn thành nhiệm vụ trong ca trực.
Cảnh cáo điều động bác sĩ V và điều dưỡng G về vị trí công tác khác.
Ưu điểm:
Làm hài lòng được gia đình người bệnh và ổn định được dư luận xã hội. 
Thực hiện đúng quy định về y đức của người làm công tác y tế.
Thực hiện đúng quy chế cấp cứu thường trực của ngành y tế nói chung và quy định của Trung tâm y tế Y nói riêng.
Hạn chế:
Là hình thức kỷ luật nặng không mang tính giáo dục và chưa thuyết phục, thiếu sự động viên tinh thần cho đội ngũ bác sĩ công tác ở tuyến đầu còn nhiều khó khăn.
Làm thiếu niềm tin trong công việc đối với các viên chức khác.
2. Lựa chọn phương án xử lý:
Với 3 phương án đã được xây dựng, tôi quyết định chọn phương án 2, hình thức này có lẽ phù hợp với mức độ sai phạm, và ở góc độ khách quan cũng xoa dịu sự phẫn nộ của gia đình, dư luận xã hội, đồng thời cứu vãn được uy tín của ngành y tế huyện cũng như sự đánh giá của Huyện ủy, UBND huyện, Sở y tế về khả năng quản lý nhà nước của Ban giám đốc trung tâm y tế huyện Tân Phước trong thời điểm hiện tại.
V. LẬP KẾ HOẠCH THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN ĐÃ CHỌN
Bước 1:
Toàn thể bác sĩ ca trực ngày 19/08/2013 làm tờ kiểm điểm ghi nhận sai phạm của cá nhân mình.
Hội đồng khen thưởng kỷ luật Trung tâm Y tế xem xét mức độ sai phạm.
Bước 2:
Hội đồng khen thưởng kỷ luật căn cứ quy chế ra quyết định kỷ luật.
Thông báo kết quả kỷ luật đến toàn thể cán bộ công chức ngành y tế huyện được biết.
Họp triển khai quyết định kỷ luật và rút kinh nghiệm toàn ngành ở phạm vi huyện.
Bước 3:
Tổ chức thăm viếng gia đình nạn nhân chia buồn lắng nghe và tiếp thu ý kiến rút kinh nghiệm.
Tổng hợp báo cáo phản hồi kết quả xử lý kỷ luật ca trực ngày 19/08/2013 về Sở Y tế X, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân huyện Y.
VI. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
1. Kết luận:
Qua sự việc xảy ra kể trên người thân của bệnh nhân đã qua đời có lẽ không có ý kiến gì thêm, tuy nhiên trong tư tưởng của họ và dư luận xã hội vẫn còn đâu đó sự nghi ngờ về khả năng chuyện môn cũng như thái độ trách nhiệm của các y bác sĩ ngành y tế huyện Y và hình tượng cao đẹp của người thầy thuốc dưới mắt người dân.
Mặt khác việc chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là một nghề nghiệp luôn được tôn vinh từ trong lịch sử xa xưa cho đến giai đoạn hiện tại, là một công nghệ tinh vi điều chỉnh về sức khỏe kể cả tinh thần, vật chất mà hiệu quả của nó không thể nào đong đo hay đếm được. Kết quả đó có thể tốt hơn hay xấu đi chỉ có bản thân từng người bệnh mới nghiệm thu được. Nên người thầy thuốc phải xem người bệnh là đối tượng để ta chăm sóc phục vụ và là người thầy của mình trong y học.
Với vai trò người lãnh đạo điều hành của Ban Giám đốc Trung tâm Y tế Y nhất là bác sĩ trực lãnh đạo ngày 19/08 nên làm gương sâu sắc hơn với ca trực của mình nhất là kiểm tra ca trực cấp cứu để kịp thời điều chỉnh những sai sót có thể xảy ra nhằm tránh được trường hợp tương tự như trên.
Đồng thời với việc đào tạo đạo dức nghề y thì bản thân tư tưởng của họ phải tự đào tạo chính mình, họ phải tự nhận thức trách nhiệm quan trọng trong công việc và hành vi cụ thể sẽ phản ảnh điều đó.
Trong quản lý nhà nước về ngành y tế chưa có một quy định cụ thể nào để chế tài xử lý tình trạng suy đồi đạo đức nghề y đang đứng trước mức độ cảnh báo, nhất là giai đoạn phát triển nền kinh tế thị trường, nhiều bệnh viện tư, cơ sở y tế tư nhân mở ra thì điều đó chúng ta càng thấy rõ hơn.
Nó ảnh hưởng đến thái độ phục vụ quy tắc ứng xử và ấn tượng của người bệnh đối với ngành y tế công lập.
Nếu như không có chính sách hợp lý điều chỉnh hành vi đạo đức công chức (Nhất là ngành y tế phải mang tính chất phục vụ là chính) thì sẽ ngày càng bộc lộ sự so sánh đánh giá nhận xét về đạo đức của ngành y tế hiện nay là hoàn toàn theo lợi ích kinh tế.
2. Kiến nghị:
- Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra đôn đốc, nhắc nhở việc thực hiện các quy chế bệnh viện của Ban lãnh đạo.
- Cải cách công tác quản lý bệnh viện tốt hơn, bố trí phân công tùy theo khả năng chuyên môn của từng cán bộ một cách hợp lý.
- Tăng cường công tác đào tạo, đào tạo liên tục, chủ động đào tạo cán bộ chuyên sâu, cán bộ quản lý bệnh viện. Tuyến trên tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao công nghệ kỹ thuật, nâng cao năng lực khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới.
- Quan tâm thực hiện công tác rèn luyện y đức cho cán bộ ngành y tế: từ thầy thuốc đến cán bộ phục vụ bệnh nhân, phải chủ động rèn luyện, bồi dưỡng chuyên môn, tu dưỡng và rèn luyện y đức theo tư tưởng tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lấy việc rèn luyện y đức làm tiêu chí phấn đấu cho cuộc đời hoạt động của người thầy thuốc.
- Cải cách chế độ tiền lương, phụ cấp đãi ngộ đảm bảo đời sống kinh tế cho người thầy thuốc.
- Việc thực hiện y đức nên được thể chế hóa bằng pháp luật.
- Các cơ sở y tế, kể cả tư nhân phải thưc hiện đầy đủ các tiêu chí về các quy định chuyên môn, theo điều kiện cụ thể và thực hiện đồng bộ thống nhất toàn ngành.
Với góc độ ban lãnh đạo ngành y tế huyện Y cũng nên thể hiện trách nhiệm của mình trong quản lý điều hành nhất là phải sâu sát để điều chỉnh những sai sót có thể xảy ra từ khâu tiếp nhận đến việc điều trị tránh tình huống trên lại xảy ra một lần nữa gây ảnh hưởng đến thanh danh ngành y tế ./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Tài liệu bồi dưỡng về QLNN chương trình chuyên viên.
- 9 điều y huấn cách ngôn (Hải thượng y tôn tâm lĩnh).
- Quyết định số 2088/BYT-QĐ ngày 06 tháng 11 năm 1996 của Bộ trưởng Bộ y tế qui định 12 điều y đức.
- Quyết định 4031/2001/QĐ-BYT ngày 27/9/2001 của Bộ trưởng Bộ Y tế Quy định về chế độ giao tiếp trong các cơ sở khám chữa bệnh
- 10 điều dược đức.
- Quyết định số 29/2008/QĐ-BYT qui định về qui tắc ứng xử của cán bộ viên chức trong các đơn vị sự nghiệp y tế.
- Luật viên chức.
- Các văn bản có liên quan.

File đính kèm:

  • docxtieu_luan_dao_duc_cua_nguoi_can_bo_y_te.docx