Tiểu luận Lợi thế cạnh tranh của dòng sản phẩm iPhone của Apple trên thị trường điện thoại cảm ứng

docx 16 trang yenvu 02/11/2023 1760
Bạn đang xem tài liệu "Tiểu luận Lợi thế cạnh tranh của dòng sản phẩm iPhone của Apple trên thị trường điện thoại cảm ứng", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận Lợi thế cạnh tranh của dòng sản phẩm iPhone của Apple trên thị trường điện thoại cảm ứng

Tiểu luận Lợi thế cạnh tranh của dòng sản phẩm iPhone của Apple trên thị trường điện thoại cảm ứng
ĐẠI HỌC NGOẠI THƯƠNG
KHOA KINH TẾ VÀ KINH DOANH QUỐC TẾ
Tiểu luận:
LỢI THẾ CẠNH TRANH CỦA DÒNG SẢN PHẨM IPHONE CỦA APPLE TRÊN THỊ TRƯỜNG ĐIỆN THOẠI CẢM ỨNG
Hà Nội, ngày 9 tháng 11 năm 2011
MỞ ĐẦU
Từ khi được Martin Cooper - cựu Tổng giám đốc đơn vị hệ thống của Motorola phát minh ra năm 1973 đến nay, chiếc điện thoại di động đã trở thành một vật không thể thiếu của con người. Từ một cục gạch thực sự với cân nặng 2,5kg đến bây giờ chiếc điện thoại di động đã rất khác cả về hình dáng và chức năng, trở thành một thiết bị phục vụ đắc lực cho cuộc sống và tác động mạnh mẽ vào thói quen sống của mọi người. Chính bởi lý do đó mà thị trường điện thoại di động đang đươc coi là một thị trường đầy tiềm năng và luôn ẩn chứa những bất ngờ thú vị. Trước khi Apple cho ra mắt phiên bản iPhone đầu tiên năm 2007 thì cuộc chạy đua của các hãng điện thoại di động trong ngành khá trầm lắng. Sự ra đời của phiên bản iPhone đầu tiên này được xem như là một cuộc cách mạng thực sự, không chỉ làm thay đổi tầm vóc của Apple mà còn thay đổi cả lịch sử quá trình phát triển của thị trường điện thoại di động. iPhone đã thức tỉnh các hãng di động khác, tạo nên một cuộc đua đầy quyết liệt trên thị trường điện thoại cảm ứng, đúng như những gì mà Steve Jobs đã nói trong buổi ra mắt chiếc iPhone phiên bản đầu tiên tại Macworld Expo 2007: “Ngày hôm nay, chúng ta sẽ phát minh lại điện thoại”.
Thành công và tầm ảnh hưởng vượt sức mong đợi với dòng sản phẩm iPhone của Apple trên thị trường điện thoại di động nói chung và thị trường điện thoại cảm ứng nói riêng đã đặt ra một dấu hỏi lớn cho các nhà khoa học, các nhà quản trị cũng như các nhà kinh tế: đâu là nguyên nhân dẫn tới sự thành công này? 
Xuất phát từ mô hình năm nguồn lực cạnh tranh của Michael Porter , chúng em đã tiến hành nghiên cứu đề tài “Lợi thế cạnh tranh của dòng sản phẩm iPhone của Apple trên thị trường điện thoại cảm ứng” với mong muốn có thể tìm được câu trả lời cho câu hỏi trên.
Do hạn chế về kiến thức bài tiểu luận không tránh khỏi những sai sót, chúng em rất mong nhận được ý kiến đóng góp của thầy cô giáo để bài tiểu luận có thể hoàn thiện hơn.
Chúng em xin chân thành cảm ơn!
NỘI DUNG
Cơ sở khoa học: Mô hình năm nguồn lực cạnh tranh của Michael Porter
Michael Porter là nhà quản trị chiến lược nổi tiếng của trường đại học Harvard, nhà hoạch định chiến lược và cạnh tranh hàng đầu thế giới hiện nay. Ông chính là “cha đẻ” của chiến lược cạnh tranh trong kinh doanh. Trong cuốn sách “Competitive Strategy: Techniques Analyzing Industries and Competitors”, ông đã đưa ra nhận định về 5 nguồn lực cạnh tranh trong mọi ngành sản xuất kinh doanh, bao gồm:
Đối thủ cạnh tranh (Rivalry)
Nhà cung cấp
(Suppliers)
Các sản phẩm thay thế (Substitutes)
Đối thủ tiềm năng (New Entrants)
Khách hàng
(Buyers)
Khách hàng
Theo Michael Porter, khách hàng là một nguồn lực ảnh hưởng trực tiếp tới sự hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Khách hàng luôn tạo ra áp lực về giá cả, chất lượng sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Khách hàng điểu khiển áp lực cạnh tranh trong ngành thông qua quyết định mua hàng của mình.
Nhà cung cấp
Sức ép cạnh tranh của các nhà cung cấp thể hiện ở nhiều đặc điểm, trong đó có các đặc trưng cơ bản sau:
Mức độ tập trung của các nhà cung cấp thể hiện ở quy mô và số lượng các nhà cung cấp. Số lượng các nhà cung cấp quyết định đến áp lực cạnh tranh, quyền lực đàm phán của họ đối với ngành nói chung và doanh nghiệp nói riêng. Nếu thị trường có một nhà cung cấp lớn sẽ tạo nên áp lực cạnh tranh mạnh ảnh hưởng tới sản xuất của toàn ngành. Ngược lại, khi trên thị trường thị phần của các nhà cung ứng được chia nhỏ thì sức ép cạnh tranh sẽ được giảm xuống, khả năng ảnh hưởng tới ngành của một nhà cung ứng là không nhiều.
Tầm quan trọng của nhà cung ứng thể hiện ở số lượng sản phẩm mà họ cung ứng, sự khác biệt về sản phẩm cung ứng, khả năng thay thế của các nhà cung cấp, chi phí chuyển đổi của các doanh nghiệp trong ngành.
Sự hiểu biết thông tin về nhà cung cấp cũng giúp cho doanh nghiệp có quyết định đúng đắn nhất về sự lựa chọn nhà cung cấp.
Các sản phẩm thay thế
Các sản phẩm, dịch vụ thay thế là những sản phẩm và dịch vụ có thể thỏa mãn nhu cầu tương đương của các sản phẩm dịch vụ trong cùng ngành.
Áp lực cạnh tranh ngày càng mạnh mẽ khi khả năng bị thay thế của sản phẩm, dịch vụ ngày càng tăng. Tính chất khác biệt của sản phẩm càng lớn thì tạo nên sức mạnh cạnh tranh so với các sản phẩm thay thế càng cao. Tuy nhiên, ngày nay với trình độ khoa học kỹ thuật ngày càng phát triển nhanh chóng, các sản phẩm thay thế ngày càng có chiều hướng gia tăng, làm cho sức ép cạnh tranh về sản phẩm thay thế càng trở nên mạnh mẽ đối với các doanh nghiệp trong ngành.
Đối thủ cạnh tranh
Trong một ngành thì các yếu tố tạo nên sức ép cạnh tranh lên các doanh nghiệp là:
Tình trạng thực tại của ngành, bao gồm nhu cầu, tốc độ tăng trưởng của ngành, số lượng đối thủ cạnh tranh trong ngành, mức độ quan trọng của ngành
Cấu trúc của ngành có thể là phân tán hoặc tập trung. Trong đó, ngành có cấu trúc phân tán là ngành có nhiều doanh nghiệp tham gia kinh doanh nhưng không có doanh nghiệp nào có khả năng chi phối các doanh nghiệp khác. Ngược lại, ngành có cấu trúc tập trung là ngành có một vài doanh nghiệp có khả năng chi phối đến các doanh nghiệp trong ngành và ảnh hưởng mạnh đến ngành.
Các rào cản rút lui khỏi ngành
Khi cường độ cạnh tranh của ngành ngày càng gay gắt thì khách hàng ngày càng được tôn trọng hơn, các doanh nghiệp càng phải nỗ lực thay đổi để đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng.
Các đối thủ tiềm năng
Michael Porter cho rằng các đối thủ tiềm ẩn chính là các doanh nghiệp chưa tham gia vào ngành nhưng có thể ảnh hưởng đến ngành trong tương lại. Đối thủ tiềm năng ít hay nhiều, áp lực họ gây ra cho ngành mạnh hay yếu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố:
Sức hấp dẫn của ngành, được thể hiện qua tỷ suất lợi nhuận của ngành; số lượng khách hàng của ngành, tốc độ tăng trưởng của ngành và các doanh nghiệp trong ngành. 
Các rào cản xâm nhập ngành như: vốn, khoa học kỹ thuật, hệ thống thương mại bao gồm hệ thống phân phối, hệ thống khách hàng, thương hiệu, các nguồn lực mang tính đặc thù như bằng cấp, phát minh sáng chế, nguồn nhân lực, sự bảo hộ của chính phủ, nguyên liệu đầu vào bị kiểm soátTất cả những rào cản xâm nhập ngành đều làm cho doanh nghiệp tốn kém chi phí nhiều hơn và khó khăn hơn. Tuy nhiên, tùy thuộc vào ngành doanh nghiệp tham gia sẽ có từng rào cản gia nhập cụ thể.
Phân tích lợi thế cạnh tranh của iPhone
Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ trên toàn thế giới, thị trường điện thoại di động - một thiết bị công nghệ không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại ngày nay, cũng không ngừng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Từ năm 2005 đến năm 2010, số lượng điện thoại di động được tiêu thụ đã tăng 95,6% (từ 816.6 triệu chiếc năm 2005 lên 1596.8 triệu chiếc năm 2010).
Bảng 1: Số điện thoại di động phân phối tới người tiêu dùng cuối cùng trên toàn thế giới giai đoạn 2005 – 2010
Đơn vị: 1000 chiếc
Năm
2005
2006
2007
2008
2009
2010
Số lượng
816,562.9
990,862.5
1,152,839.8
1,222,252.9
1,211,239.6
1,596,802.4
Tỷ lệ tăng/ giảm (%)
-
21.3
16.3
6.0
-0.9
31.8
Nguồn: Gartner
Năm 2007, đánh dấu một cột mốc quan trọng khi con số tiêu thụ điện thoại di động trên toàn thế giới vượt mốc 1 tỷ chiếc. Và đây cũng là năm chứng kiến sự ra đời của chiếc điện thoại cảm ứng đầu tiên của Apple (iPhone). Sự ra đời của iPhone được xem như một cuộc cách mạng thực sự đối với thị trường điện thoại cảm ứng (Smartphone). 
Bảng 2: Số lượng Smartphone phân phối tới người tiêu dùng cuối cùng trên toàn thế giới giai đoạn 2007 – 2010
Đơn vị: 1000 chiếc
Company
2007 Sales
2007 Market Share (%)
2008 Sales
2008 Market Share (%)
2009 Sales
2009 Market Share (%)
2010 Sales
2010 Market Share (%)
Symbian
77,684.0
63.5
72,933.5
52.4
80,878.3
46.9
111,576.7
37.6
Android
NA
NA
640.5
0.5
6,798.4
3.9
67,224.5
22.7
Research In Motion
11,767.7
9.6
23,149.0
16.6
34,346.6
19.9
47,451.6
16
iPhone OS
3,302.6
2.7
11,417.5
8.2
24,889.7
14.4
46,598.3
15.7
Microsoft
14,698.0
12
16,498.1
11.8
15,031.0
8.7
12,378.2
4.2
Other OSs
NA
NA
14,649.3
10.5
10,432.1
6.1
11,417.3
3.8
Total
122,315.6
100
139,287.9
100
172,376.1
100
296,646.6
100
Nguồn: Gartner
Theo số liệu thống kê của Gartner (Bảng 2), ta có thể thấy thị trường Smartphone đang phát triển mạnh mẽ. Số lượng Smartphone tiêu thụ trên toàn thế giới đã tăng 142,5% trong vòng 4 năm (từ 122.3 triệu chiếc năm 2007 lên 296.6 triệu chiếc năm 2010; tương đương với 10.6% tổng số điện thoại di động được tiêu thụ trên toàn thế giới năm 2007 lên 18.6% năm 2010). Đặc biệt, các sản phẩm iPhone của Apple - sản phẩm khởi nguồn cho cuộc chạy đua trên thị trường Smartphone giữa các hãng sản xuất điện thoại di động với nhau, cũng có những đột phá trong số lượng tiêu thụ qua các quý.
Biểu đồ 1: Số lượng tiêu thụ của iPhone trên toàn thế giới từ quý 3 năm 2007 đến quý 2 năm 2011
*Chú ý: Số liệu thống kê dựa trên số liệu trong các báo cáo tài chính giữa niên của tập đoàn Apple. 
Theo kết quả nghiên cứu của công ty nghiên cứu Gartner, tương đương với các con số tuyệt đối về số lượng tiêu thụ trên thì thị phần của iPhone trên thị trường Smartphone cũng không ngừng tăng lên, cụ thể từ 2.7% năm 2007 lên 15.7% vào năm 2010. Và đến quý 2 năm 2011 thị phần của iPhone trên thị trường này đã là 18.2%.
Câu hỏi đặt ra là điều gì đã tạo nên lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm iPhone của Apple so với các sản phẩm khác của Blackberry, Samsung, LG, Motorola hay HTC?
Ta sẽ đi tìm câu trả lời cho câu hỏi trên dựa trên mô hình 5 nguồn lực cạnh tranh của Michael Porter.
Trước hết, khách hàng (Buyers) đã đem lại lợi thế gì cho sản phẩm iPhone của Apple?
Qua những con số về doanh số bán hàng của sản phẩm iPhone trong các báo cáo tài chính của Apple (biểu đồ 1), có một điều dễ dàng nhận thấy là iPhone có một thị trường tiêu thụ rộng lớn.
Xét riêng trên thị trường Mỹ, với số dân 311 triệu người tính đến ngày 3 tháng 4 năm 2011 - đứng thứ 3 thế giới chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, Mỹ là một thị trường tiêu thụ khổng lồ đối với tất cả các hãng sản xuất điện thoại không riêng gì Apple.
Theo một nghiên cứu mới đây được thực hiện bởi PriceGrabber năm 2011 với gần 3,000 người tham gia, có ít nhất 35% người tiêu dùng Mỹ sẽ mua các thế hệ tiếp theo của dòng điện thoại thông minh do Apple sản xuất khi nó được phát hành.
Cuộc khảo sát cũng cho biết trong số 35% người dự định sẽ mua sản phẩm iPhone 5 thì 51% sẽ mua trong năm đầu tiên, 30% sẽ mua máy trong năm 2011, 14% sẽ mua trong tháng đầu tiên và 7% sẽ mua sản phẩm ngay trong tuần đầu tiên khi sản phẩm ra mắt.
Cũng theo kết quả của nghiên cứu trên, khách hàng cũng đã đưa ra một số điều mà mình mong muốn có từ các sản phẩm iPhone sau này:
59% muốn có một tuổi thọ pin tốt hơn.
55% muốn giảm chi phí từ việc mua sản phẩm.
46% muốn kết nối 4G.
45% muốn có một màn hình lớn hơn.
42% muốn một chiếc điện thoại giống như một chiếc máy ảnh.
Tại sự kiện ra mắt hôm 4/10/2011 vừa qua, mặc dù không phải là iPhone 5 như mọi người vẫn mong đợi, nhưng iPhone 4S có cấu hình hơn hẳn iPhone 4, với chip A5, RAM 1GB, camera 8 Megapixel với khả năng quay video HD chuẩn 1080p, khả năng nhận dạng giọng nói Siri. Như vậy có thể thấy, với những thông tin đầy đủ về thị trường của mình, Apple không chỉ cho ra mắt các sản phẩm đáp ứng được hầu hết những mong muốn của người tiêu dùng mà còn không ngừng nghiên cứu, phát triển để có thể đưa ra những sản phẩm vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Có lẽ đây là điều làm cho giới công nghệ và người tiêu dùng luôn ngóng chờ các sản phẩm của Apple đến vậy.
Với hơn 4 triệu máy tới tay người tiêu dùng chỉ trong vòng 3 ngày từ 14/10/2011 đến 17/10/2011 trên 7 thị trường lớn: Mỹ, Canada, Úc, Anh, Pháp, Đức và Nhật Bản; iPhone 4S đã tạo ra một kỷ lục mới trên thị trường Smartphone.
Tại sao iPhone lại có một thị trường tiêu thụ lớn đến như vậy?
Với hơn 35 năm hình thành và phát triển, cùng với sự dẫn dắt tài tình của “ông thầy phù thủy” Steve Jobs đã tạo nên một thương hiệu Apple hàng đầu thế giới với giá trị thương hiệu 33.5 tỷ đô la Mỹ năm 2011 - đứng thứ 8 trong top 10 thương hiệu lớn nhất thế giới theo đánh giá của hãng tư vấn Interbrand. Nhờ đó, Apple đã tạo cho mình một danh sách khách hàng trung thành - những người luôn sẵn sàng mua các sản phẩm công nghệ mới nhất của Apple. Hơn nữa, với chiến lược đa dạng hóa cơ sở khách hàng thông qua việc gửi thông tin các sản phẩm cho những khách hàng chưa hề quen biết, hay việc thông qua các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, MySpace,  để biến một lượng lớn các khách hàng ảo thành khách hàng thật. Đây chính là một phần lời giải thích cho con số 18.2% thị phần trên thị trường điện thoại cảm ứng toàn thế giới của Apple trong quý 2 năm 2011 này.
Nhân tố thứ hai được đề cập đến trong mô hình 5 nguồn lực cạnh tranh của M.Porter chính là nhà cung cấp (Suppliers).
Để hỗ trợ cho việc sản xuất và phân phối sản phẩm iPhone, Apple đã phải nhờ đến sự giúp đỡ của rất nhiều các nhà sản xuất linh phụ kiện lớn trên thế giới như: Foxconn, Pegatron Technology, Samsung, Toshiba, TPK Holdings, Wintek, OmniVision, Intel, ; cùng các nhà mạng lớn như AT&T, Verizon Communications, Sprint Nextel,  Cùng với sự phát triển của thị trường điện thoại nói chung và thị trường Smartphone nói riêng, ngành sản xuất linh phụ kiện điện tử cũng phải có sự phát triển vượt bậc. Chính sự cạnh tranh nhau về giá cả, chất lượng và khả năng đáp ứng các yêu cầu của các tập đoàn lớn sản xuất điện thoại di động như Apple, Blackberry, Microsoft, đã giúp cho Apple luôn có được những linh kiện tốt nhất trong việc tạo ra các sản phẩm iPhone của mình.
Không chỉ các nhà sản xuất linh kiện điện tử, ngay cả các nhà mạng cũng phải bỏ ra những khoản tiền khổng lồ lên tới hàng tỷ USD để có được quyền phân phối các sản phẩm iPhone mới nhất của Apple. 
Như vậy, với quy mô và thương hiệu Apple được gây dựng trong hơn 35 năm của mình thì quyền lực của các nhà cung cấp hầu như đã bị loại bỏ.
Câu hỏi tiếp theo được đặt ra là, nhân tố các sản phẩm thay thế (Substitutes) mang lại lợi thế gì cho iPhone?
Trong bối cảnh phát triển không ngừng của tất cả các ngành sản xuất kinh doanh như hiện nay, cuộc chiến giá cả là điều tất yếu xảy ra giữa các nhà sản xuất, kinh doanh trong cùng ngành để giữ được thị phần và tốc độ tăng trưởng của mình. Vì vậy, hiện nay Apple không còn là hãng chuyên sản xuất những thiết bị công nghệ lòe loẹt chỉ để trang trí mà giá lại quá đắt như trong những năm 1990, mà ngược lại để phát triển Apple cũng đã tham gia vào cuộc chiến giá cả này.
Với ít nhất 199 USD và hợp đồng cam kết sử dụng dịch vụ không dây của các nhà mạng cung cấp trong 2 năm, ta hoàn toàn có thể sở hữu một chiếc iPhone 4S – smartphone mới nhất của Apple. Tuy nhiên, bạn cũng có thể mua các smartphone mới nhất của các đối thủ cạnh tranh của Apple nhưng với mức giá cao hơn hay tìm mua các sản phẩm ít đắt đỏ hơn các sản phẩm của Apple nhưng với cấu hình và thiết kế ít đặc sắc và tinh tế hơn.
Bảng 3: Giá bán của các sản phẩm iPhone và một số sản phẩm thay thế vào tháng 10 năm 2011 tại thị trường Hoa Kỳ
iPhone
Sản phẩm thay thế
iPhone 3GS
$0 
Droid Bionic (Motorola)
$300 
iPhone 4 8GB
$99 
Samsung Galaxy SII
$230 
iPhone 4S 16GB
$199 
HTC Amaze 4G
$260 
iPhone 4S 32GB
$299 
 Blackberry Torch 9850
$199
iPhone 4S 64GB
$399 
Nguồn: Tự tổng hợp
*Chú ý: Giá trên đi kèm với điều kiện cam kết sử dụng các dịch vụ không dây của các nhà mạng cung cấp trong vòng 2 năm.
Đặc biệt, với các sản phẩm iPhone 3GS, khách hàng sẽ được phát miễn phí nếu cam kết sử dụng dịch vụ của nhà mạng cung cấp trong 2 năm. Mức giá mà Apple đưa ra này không chỉ tạo ra cơn sốt trên thị trường đối với các sản phẩm iPhone 4S mới ra mắt ngày 4/10/2011 mà còn tạo nên cả cơn sốt đối với sản phẩm iPhone 3GS đã ra mắt từ tháng 6 năm 2009.
Vì sao Apple có thể đưa ra mức giá cạnh tranh này cho các sản phẩm của mình?Với mức giá đó liệu Apple có thể bù đắp lại những chi phí bỏ ra để có được các sản phẩm iPhone của mình hay không?
Câu trả lời nằm ở khả năng tận dụng quy mô sản xuất và việc tận dụng tối đa mối liên kết dọc giữa chuỗi cung ứng đầu vào, khâu marketing và cả khâu phân phối sản phẩm của Apple. Với việc bỏ một khoản tiền đầu tư khổng lồ cho việc sản xuất các linh kiện và mua lại quyền sử dụng các linh kiện đó trong một khoảng thời gian nhất định (thường từ 6 - 36 tháng) và sau đó là quyền hưởng chiết khấu thương mại, Apple đã tạo một khoảng cách công nghệ lớn đối với các đối thủ của mình. Và khi các đối thủ kịp bắt kịp với công nghệ đó thì Apple đã có thể hạ giá thành sản phẩm nhờ quyền hưởng chiết khấu thương mại kia của mình.
Hơn nữa việc ký hợp đồng với các nhà mạng phân phối sản phẩm cho mình cũng làm cho mức giá mà Apple đưa ra cho các sản phẩm iPhone là khá hấp dẫn. Khi sản phẩm iPhone đầu tiên của Apple được ra mắt năm 2007, mức giá mà họ đưa ra cho sản phẩm này lúc bấy giờ là 599 USD (đây là mức giá khá sốc dành cho một chiếc điện thoại tại thị trường Mỹ lúc đó – nơi mà người tiêu dùng đã quá quen thuộc với những chiếc điện thoại giá rẻ, được các nhà mạng trợ giá và đổi lại là một hợp đồng cam kết sử dụng dịch vụ không dây lâu dài). Điều đáng ngạc nhiên là đến năm 2008, khi phiên bản iPhone 3G ra đời, với sự trợ giá từ nhà mạng phân phối, mức giá mà Apple đưa ra chỉ là 199 USD. Để thu được lợi nhuận từ việc trói buộc khách hàng bằng các hợp đồng dịch vụ mạng không dây, các hãng dịch vụ mạng này đã phải trả cho Apple một số tiền không nhỏ cho những chiếc iPhone mới nhất (khoảng 600 USD cho một chiếc theo ước tính của các chuyên gia). Theo tin tức từ Wall Street Journal, đầu tháng 10/2011, hãng viễn thông lớn thứ ba thế giới, Sprint Nextel đã phải trả 20 tỷ USD cho Apple để có được quyền phân phối 30 triệu chiếc iPhone mới nhất trong 4 năm tới (đến năm 2014).
Như vậy, Apple luôn là người đi trước các đối thủ cạnh tranh của mình về cả công nghệ và giá cả. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh rất lớn của Apple, và cũng chính là lợi thế của các sản phẩm iPhone trên thị trường Smartphone.
Các đối thủ cạnh tranh của Apple (Rivalry)
Bảng 4: Thị phần của thị trường Smartphone phân theo hệ điều hành (OS) giai đoạn 2007 – 2015
Đơn vị: %
Hệ điều hành
2007
2008
2009
2010
2011 (Dự đoán)
2015 (Dự đoán)
Symbian
63.5
52.4
46.9
37.6
19.2
0.1
Research In Motion
9.6
16.6
19.9
16.0
13.4
11.1
iPhone OS
2.7
8.2
14.4
15.7
19.4
17.2
Android
NA
0.5
3.9
22.7
38.5
48.8
Microsoft Windows Mobile
12.0
11.8
8.7
4.2
5.6
19.5
Others
NA
10.5
6.1
3.8
3.9
3.3
Tổng số smartphone bán ra
122 triệu
139 triệu
172 triệu
297 triệu
468 triệu
631 triệu
Nguồn: Gartner
Quy mô của thị trường điện thoại cảm ứng trên thế giới không ngừng gia tăng, từ 122 triệu sản phẩm năm 2007 lên 297 triệu sản phẩm năm 2010 (tăng 143.4%). Tuy nhiên, thị trường này hầu như lại nằm trong tay một số hãng sản xuất điện thoại di động lớn như Apple, Samsung, Motorola, Blackberry, HTC, LG. Theo dữ liệu của Gartner (bảng 4), mặc dù có thị phần tương đối lớn trên thị trường Smartphone (16.0% năm 2010) nhưng Blackberry đang dần để tuột mất miếng bánh thị phần của mình và Gartner đã dự đoán đến năm 2015 thì con số này chỉ còn là 11.1%. Hệ điều hành Symbian đã từng thống trị thị trường điện thoại di động trong những năm trước đây thì bây giờ đã tuột dốc thảm hại, và dự đoán đến năm 2015, thị phần của Symbian trên thị trường Smartphone chỉ còn là 0.1%. Sự phát triển của Microsoft Windows Mobile thì không ổn đinh. Như vậy, đối thủ nặng ký nhất hiện nay của hệ điều hành iOS của Apple chính là hệ điều hành Android của Google, với 22.7% thị phần thị trường Smartphone năm 2010 và con số dự báo cho năm 2015 là 48.8%; trong khi đó, con số này của Apple chỉ là 15.7% năm 2010 và 17.2% vào năm 2015. Điều này lý giải tại sao trong thời gian gần đây (từ tháng 3/2010), Apple tích cực đẩy mạnh cuộc chiến pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ với các hãng sản xuất điện thoại sử dụng hệ điều hành Android như HTC, Motorola hay Samsung. Không chỉ dừng lại ở các vụ kiện, Apple còn không ngần ngại bắt tay với chính đối thủ của mình – Microsoft và một số công ty khác để mua lại 880 bằng sáng chế từ công ty Novell đã tuyên bố phá sản vào tháng 12/2010 và 6,000 bằng sáng chế của công ty Nortel đã phá sản vào tháng 7/2011. Với số lượng bản quyền mà Microsoft và Apple đang nắm giữ, hai tập đoàn này đang hy vọng sẽ thu được 15 USD tiền phí bản quyền cho mỗi thiết bị Android. Điều này sẽ làm cho lợi thế giá rẻ của sản phẩm Android bị ảnh hưởng không nhỏ.
Chiến lược “để người dùng thể hiện cá tính” với dịch vụ iTunes, iCloud của Apple cùng với thương hiệu “quả táo”, Apple đã tạo nên sự khác biệt cho các sản phẩm iPhone của mình. Đây là điều mà khó có đối thủ nào có thể vượt qua được iPhone tại thời điểm hiện nay.
Cuối cùng, ta sẽ xét xem nhân tố thứ năm mà M.Porter đề cập đến trong mô hình 5 nguồn lực cạnh tranh của mình – các đối thủ tiềm năng (New Entrants) có tác động như thế nào đến lợi thế cạnh tranh của iPhone. 
Một điều dễ nhận thấy là với thị trường nằm trong tay hầu hết những hãng sản xuất lớn, có nhiều kinh nghiệm, và thương hiệu (như Apple, Blackberry, Motorola, HTC, Samsung, LG) như trên thị trường Smartphone hiện nay thì việc một nhà sản xuất mới muốn ra nhập thị trường này là vô cùng khó khăn. Liệu có hãng sản xuất điện thoại mới nào có thể tạo ra những sản phẩm có tính năng vượt trội, kiểu dáng thiết kế bắt mắt mà có thể đưa ra mức giá hấp dẫn như các sản phẩm iPhone của Apple? Hơn nữa, với số lượng bằng sáng chế của mình (hơn 10,000 bằng sáng chế), chắc chắn hiện tại, không một nhà sản xuất mới nào có thể vượt qua được cuộc chiến về quyền sở hữu trí tuệ của Apple nếu muốn gia nhập thị trường Smartphone này.
Vì vậy, có thể nói nhân tố thứ năm này trong tương lai gần hầu như không tạo ra áp lực cạnh tranh cho các sản phẩm iPhone của Apple.
KẾT LUẬN
Việc nghiên cứu, áp dụng mô hình năm nguồn lực cạnh tranh của Michael Porter đã phần nào giải thích được những nguyên nhân tạo nên những lợi thế cạnh tranh của dòng sản phẩm iPhone của Apple hiện nay trên thị trường điện thoại cảm ứng nói riêng và thị trường điện thoại di động nói chung. Từ những áp lực về khách hàng, các sản phẩm thay thế và các đối thủ cạnh tranh trong ngành đã giúp cho Apple có những chiến lược sản xuất kinh doanh của riêng mình và trở thành nhà sản xuất điện thoại thông minh hàng đầu thế giới, chiếm được thị phần lớn trong thị trường điện thoại di động toàn cầu. Đây là một thành công rất lớn khi mà Apple mới chỉ ra nhập thị trường điện thoại di động chưa đầy bốn năm , bắt đầu bằng “quả bom tấn” iPhone từ năm 2007.
Không thể phủ nhận được rằng iPhone đã và đang tạo ra cơn sốt trên toàn thế giới, ngày càng đáp ứng được sự mong đợi của những khách hàng trung thành và người hâm mộ các sản phẩm của Apple. Với thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng, luôn đi trước các đối thủ về công nghệ và giá cả, cùng với những chiến lược kinh doanh táo bạo giống như tư tưởng “Think different” (Nghĩ khác đi) của vị cố CEO tài ba – Steve Jobs, Apple đang ngày càng nâng cao được lợi thế cạnh tranh của mình mà các hãng lớn khác khó lòng vượt qua được. Chắc chắn rằng Apple sẽ còn tiến xa hơn nữa với đứa con tinh thần iPhone và các sản phẩm công nghệ khác của mình như iPod, iPad, iMac,
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Kinh tế Ngoại thương của GS.TS. Bùi Xuân Lưu – PGS.TS. Nguyễn Hữu Khải, NXB Thông tin và Truyền thông năm 2010.
“Competitive Strategy: Techniques Analyzing Industries and Competitors”, Micheal E. Porter, published by Paperback in 2004

File đính kèm:

  • docxtieu_luan_loi_the_canh_tranh_cua_dong_san_pham_iphone_cua_ap.docx