Tiểu luận Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, thực tiễn áp dụng và đề xuất, kiến nghị

docx 10 trang yenvu 29/02/2024 2280
Bạn đang xem tài liệu "Tiểu luận Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, thực tiễn áp dụng và đề xuất, kiến nghị", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, thực tiễn áp dụng và đề xuất, kiến nghị

Tiểu luận Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, thực tiễn áp dụng và đề xuất, kiến nghị
TRƯỜNG ĐẠI HỌC 
BÀI TIỂU LUẬN
KẾT THÚC HỌC PHẦN
MÔN HỌC: LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ
CHỦ ĐỀ: PHÂN TÍCH, ĐÁNH GIÁ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VỀ NGƯỜI ĐẠI DIỆN CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ, THỰC TIỄN ÁP DỤNG (XÁC ĐỊNH TƯ CÁCH TỐ TỤNG, QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ, CHO VÍ DỤ MINH HỌA)
Sinh viên thực hiện: 
MSSV: 
Lớp: ..
tháng 12 năm 2021
MỤC LỤC
PHẨN MỞ ĐẤU
	Trong thực tiễn xét xử các vụ án dân sự, sự tham gia tố tụng của người đại diện đương sự có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Đồng thời việc tham gia của những người này đóng vai trò là một thành phần không thể thiếu của tố tụng dân sự. Việc quy định chế định người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự là hết sức cần thiết, nhằm đảm bảo hoạt động tranh tụng được diễn ra theo đúng trình tự, thủ tục pháp luật quy định, kịp thời bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bên đương sự. Xuất phát từ vai trò của người đại diện của đương sự, thực trạng pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, việc tìm hiểu, nghiên cứu về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự đã trở thành một nhu cầu cấp bách. Chính vì thế em chọn chủ đề: “Phân tích, đánh giá các quy định của pháp luật hiện hành về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, thực tiễn áp dụng và đề xuất, kiến nghị” làm tiểu luận kết thúc môn học Luật tố tụng dân sự của mình.
PHẦN NỘI DUNG
	1. Những vấn đề lý luận về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự
	Người đại diện của đương sự là người tham gia tố tụng dân sự, thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền và lợi ích của đương sự. Trong tố tụng dân sự, người đại diện được biết đến là người nhân danh người khác trong việc tham gia tố tụng dân sự nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người đó. Người đại diện trong tố tụng dân sự có thể là cá nhân hoặc pháp nhân nhưng phải là người có đủ năng lực hành vi tố tụng dân sự. Người đại diện thực hiện hành vi nhân danh người được đại diện nên cần phải có một giới hạn nhất định cho hành vi đó. Giới hạn này được gọi là phạm vi thẩm quyền đại diện. Người đại diện luôn nhân danh người khác và vì lợi ích của người khác tham gia tố tụng dân sự trong phạm vi đại diện. 
	Về vấn đề này tác giả Nguyễn Công Bình đã đưa ra khái niệm như sau: “người đại diện của đương sự được hiểu là người tham gia tố tụng dân sự, thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự trước Tòa án Nguyễn Công Bình (2008), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân.
”. Còn, Giáo trình Luật tố tụng dân sự của Trường Đại học Luật Hà Nội đưa ra khái niệm người đại diện của đương sự như sau: “Người đại diện của đương sự là người tham gia tố tụng thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa ánTrường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb.Công an nhân dân, Hà Nội.
”. Từ khái niệm này có thể hiểu như sau:
	Thứ nhất, về tư cách chủ thể, xét trong hoạt động tố tụng, người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự được hiểu là “người tham gia tố tụng” là một chủ thể của tố tụng dân sự theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Đây là cá nhân hoặc pháp nhân có năng lực chủ thể theo quy định của pháp luật. Người đại diện trong tố tụng dân sự có thể tham gia tố tụng dựa trên những mối quan hệ pháp lý đã tồn tại trước đó; tham gia theo sự chỉ định của Tòa án hoặc bằng chính sự ủy quyền của đương sự hay người đại diện hợp pháp của họ. 
	Thứ hai, về quyền, nghĩa vụ của người đại diện là thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự đã được pháp luật quy định. Bản chất của quan hệ đại diện là việc người đại diện thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự nên quyền và nghĩa vụ của người đại diện cũng phụ thuộc vào nội dung quyền và nghĩa vụ tố tụng của đương sự. Tuy nhiên, người đại diện của đương sự có thể có một phần hoặc toàn bộ quyền và nghĩa vụ của đương sự trong tố tụng dân sự, vấn đề này phụ thuộc vào nội dung của giao dịch về đại diện.
	Thứ ba, người đại diện của đương sự có vai trò bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của đương sự trước Tòa án. Người đại diện tham gia tố tụng như một cầu nối kết nối giữa đương sự và cơ quan tiến hành tố tụng. Đối với đương sự, người đại diện thay mặt đương sự thực hiện những quyền, nghĩa vụ tố tụng mà đáng ra họ phải tự mình thực hiện, trên cơ sở bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Qua đó, đương sự vừa được đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình vừa được thực hiện hộ những quyền và nghĩa vụ của bản thân. Đối với cơ quan tiến hành tố tụng, người đại diện giúp họ kết nối được với đương sự một cách thuận lợi và hiệu quả nhất. Như vậy, “người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự là người thay mặt cho đương sự tham gia tố tụng dân sự, thực hiện các quyền và nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự trong tố tụng dân sự”.
	2. Những quy định của pháp luật hiện hành về người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự
	Theo giáo trình Luật tố tụng dân sự của Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh: “Người đại diện trong tố tụng dân sự bao gồm người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Người đại diện có thể là cá nhân hoặc pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, tr.104.
”.
	Người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật dân sự là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định pháp luật, trừ trường hợp bị hạn chế quyền đại diện theo quy định của pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khởi kiện để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác cũng là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự của người được bảo vệ.
	Tổ chức đại diện tập thể lao động là người đại diện theo pháp luật cho tập thể người lao động khởi kiện vụ án lao động. tham gia tố tụng tại Tòa án khi quyền, lợi ích hợp pháp của tập thể người lao động bị xâm phạm; tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng khi được người lao động ủy quyền. Trường hợp nhiều người lao động có cùng yêu cầu đối với người sử dụng lao động, trong cùng một doanh nghiệp, đơn vị thì họ được ủy quyền cho một đại diện của tổ chức đại diện tập thể lao động thay mặt họ khởi kiện vụ án lao động, tham gia tố tụng tại Tòa án Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, tr.104.
.
	Người đại diện theo ủy quyền theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự là người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự. Đối với việc ly hôn, đương sự không được ủy quyền cho người khác thay mặt mình tham gia tố tụng. Trường hợp cha, mẹ người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn theo quy định tại khoản 2 điều 51 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 thì họ là người đại diện.
	Điều 86 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về “quyền, nghĩa vụ của người đại diện”: “1. Người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự trong phạm vi mà mình đại diện. 2. Người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự thực hiện quyền, nghĩa vụ tố tụng dân sự của đương sự theo nội dung văn bản ủy quyền”.
	Những người sau đây không được làm người đại diện theo pháp luật:
	- Nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện Điểm a khoản 1 điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
;
	- Nếu họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc Điểm b khoản 1 điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
.
	Ngoài ra, cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật Khoản 3 điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
. Quy định này được ban hành nhằm đảm bảo sự vô tư, khách quan của người tiến hành tố tụng và tránh trường hợp các cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an nếu làm người đại diện theo ủy quyền sẽ tác động, ảnh hưởng đến người tố tụng nhằm làm lợi cho người mà họ đại diện.
	Tòa án chỉ định người đại diện trong tố tụng dân sự ở những trường hợp sau:
	- Khi tiến hành tố tụng dân sự, nếu có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà không có người đại diện hoặc người đại diện theo pháp luật của họ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 87 của Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án phải chỉ định người đại diện để tham gia tố tụng Khoản 1 điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
.
	- Đối với vụ việc lao động mà có đương sự thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 88 Bộ luật tố dụng dân sự năm 2015 hoặc người lao động là người chưa thành niên mà không có người đại diện và Tòa án cũng không chỉ định được người đại diện theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án chỉ định tổ chức đại diện tập thể lao động đại diện cho người lao động đó Khoản 2 điều 88 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
.
	Người đại diện theo pháp luật, người đại diện theo ủy quyền trong tố tụng dân sự chấm dứt việc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự. Trường hợp chấm dứt địa diện theo pháp luật mà người được đại diện đã thành niên hoặc đã khôi phục năng lực hành vi dân sự thì người đó tự mình tham gia tố tụng dân sự hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng dân sự. Trường hợp chấm dứt đại diện theo ủy quyền thì đương sự hoặc người thừa kế của đương sự trực tiếp tham gia tố tụng hoặc ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng (Điều 89, 90 Bộ luật tố tụng dân sự).
	3. Nhận xét, đánh giá
	3.1. Về ưu điểm: 
	Thứ nhất, người đại diện được Tòa án giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi đã thực hiện khá tốt quyền và nghĩa vụ tố tụng của họ từ khởi kiện, quyền phản đối, rút đơn khởi kiện tham gia phiên tòa, kháng cáo bản án, quyết định của Tòa án.
	Thứ hai, số lượng người đại diện cho đương sự tham gia vào quá trình tố tụng dân sự ngày càng tăng và có tính chuyên nghiệp hơn. Thông thường là hình thức đại diện theo ủy quyền với sự tham gia của Luật sư – những người tranh tụng chuyên nghiệp, nên chất lượng của bản án, quyết định của Tòa án cũng được nâng cao.
	Thứ ba, việc thực hiện các quy định về người đại diện cho đương sự được thực hiện khá nghiêm túc. Đồng thời, Tòa án cũng đã phối hợp, giúp đỡ góp phần nâng cao hiện, kiểm tra, giám sát các quy định về người đại diện của đương sự.
	3.2. Về tồn tại, hạn chế:
	Thứ nhất, tác giả Bùi Thị Hà trong bài viết “Đánh giá quy định về người đại diện của đương sự theo pháp luật tố tụng dân sự Việt Nam” đã đưa ra ví dụ sau để đánh giá sự bất cập: “Công ty A thực hiện hợp đồng thi công xây dựng với Công ty B. Công ty B có giấy ủy quyền cho hai người thực hiện công việc trong cùng một thời điểm và nội dung giấy ủy quyền giống nhau. Công ty B xuất trình cho Công ty A cả hai giấy ủy quyền và giải thích rằng: “một người được ủy quyền để ký hợp đồng và một người được ủy quyền để ký các văn bản tài chính như hóa đơn, thanh quyết toán công trình Bùi Thị Hà (2018), “Đánh giá người đại diện của đương sự theo pháp luật dân sự và tố tụng dân sự Việt Nam”, Tạp chí nghề luật, (số 04), tr.31 – 35.
”. Câu hỏi công ty A đặt ra là: “Giấy ủy quyền cho hai người cùng một nội dung nhưng lại thực hiện một hợp đồng trong một thời điểm có được xem là hợp pháp không? Do nội dung uỷ quyền giống nhau nên trong quá trình triển khai hai người đại diện có ý kiến trái ngược nhau về cùng một vấn đề thì sẽ giải quyết thế nào Bùi Thị Hà (2018), “Đánh giá người đại diện của đương sự theo pháp luật dân sự và tố tụng dân sự Việt Nam”, Tạp chí nghề luật, (số 04), tr.31 – 35.
?”. Về căn cứ pháp lý, theo khoản 2 điều 137 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì “một pháp nhân có thể có nhiều người đại diện theo pháp luật và mỗi người đại diện có quyền đại diện cho pháp nhân theo quy định tại Điều 140 và Điều 141 của Bộ luật này”. Đồng thời, Bộ luật dân sự năm 2015 không quy định cấm việc ủy quyền thực hiện cùng một công việc cho hai hay nhiều người, do đó việc ủy quyền này là không trái pháp luật. Tuy nhiên, do nội dung uỷ quyền không phân định rõ phạm vi uỷ quyền dẫn tới chồng chéo và vướng mắc khi
người đồng đại diện bất đồng quan điểm với nhau về cùng một vấn đề thì sẽ gây khó khăn đến quá trình thực hiện hợp đồng. Trường hợp này công ty A có quyền yêu cầu công ty B điều chỉnh sao cho phù hợp hoặc khởi kiện nếu có tranh chấp Bùi Thị Hà (2018), “Đánh giá người đại diện của đương sự theo pháp luật dân sự và tố tụng dân sự Việt Nam”, Tạp chí nghề luật, (số 04), tr.31 – 35.
.
	Thứ hai, quy định về đại diện khởi kiện vụ án ly hôn để bảo vệ quyền lợi của cho vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình tương thích với quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn xã hội, Điều 51 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thừa nhận quyền của cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ. Để đảm bảo sự tương thích với quy định trên, Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 đã quy định về quyền khởi kiện của cha, mẹ, người thân thích khác trong trường hợp này. Tuy nhiên, điểm hạn chế là cả Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 và Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 không xác định rõ người thân thích khác ở đây là chủ thể nào. Mặc dù tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật dân sự năm 2015 cũng đã đề cập tới người thân thích và thứ tự người thân thích được phân công giám sát việc
giám hộ: “Người thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích của người được giám hộ là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ” nhưng đây chưa thể xem là quy định độc lập về người thân thích nói chung.
	Thứ ba, vấn đề ủy quyền nhiều người gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết vụ án
	Bộ luật Tố tụng dân sự không giới hạn đương sự được ủy quyền cho 01 đại diện cho mình tham gia tố tụng, do đó, thực tiễn xét xử đương sự có thể ủy quyền cho nhiều người tham gia tố tụng. Có những vụ án đương sự ủy quyền cho nhiều người tham gia tố tụng, nhưng những người được ủy quyền có địa chỉ ở cách xa nhau, mà người ủy quyền không đến Tòa án gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết và kéo dài thời gian giải quyết vụ án. Ví dụ: Vụ tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (Đại diện theo ủy quyền là ông
Phạm Đức Kh) và bị đơn là ông Hoàng Như L, sinh 1964 (Đại diện theo ủy quyền là ông Chu Đức Nam A và bà Huỳnh Thị Thúy A) do TAND thành phố Hồ Chí Minh thụ lý giải quyết. Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 597/2017/DS-ST ngày 26/6/2017 của Toà án nhân dân Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, đã tuyên xử: Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Buộc bị đơn ông Hoàng Như L phải có trách nhiệm trả cho nguyên đơn Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam số tiền lãi và gốc là 365.703.711.956 đồng. Ông Hoàng Như L có kháng cáo phúc thẩm, yêu cầu hủy án sơ thẩm để giải quyết lại nhằm đưa người có quyền, nghĩa vụ liên quan tham gia tố tụng Trần Thị Quỳnh Châu (2019), Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện khoa học xã hội, tr.89.
. Tại Bản án dân sự phúc thẩm số 1063/2017/DS-PT ngày 29/11/2017, TAND thành phố Hồ Chí Minh nhận định về mặt tố tụng như sau: Tòa án cấp phúc thẩm đã tống đạt, niêm yết hợp lệ lần thứ hai cho người đại diện theo ủy quyền của ông Hoàng Như L là bà Huỳnh Thị Thúy A, nhưng bà Thúy A vẫn vắng mặt không có lý do. Do đó, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt bà Thúy A này theo quy định tại khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Bản án phúc thẩm đã tuyên xử không chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông Hoàng Như L. Như vậy, trong vụ án này, nguyên đơn là ông Hoàng Như L ủy quyền cho 02 người tham gia tố tụng, nhưng trong quá trình Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết vụ án, chỉ có 01 người được ủy quyền tham tố tụng, người còn lại đã Tòa án đã tống đạt, niêm yết quyết định xét xử nhưng vẫn vắng mặt. Việc vắng mặt của người được ủy quyền, gây khó khăn cho Tòa án trong việc giải quyết vụ án, Tòa án phải tống đạt văn bản tố tụng nhiều lần, phiên tòa xét xử phúc thẩm phải hoãn 01 lần Trần Thị Quỳnh Châu (2019), Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện khoa học xã hội, tr.89.
.
	4. Kiến nghị hoàn thiện pháp luật
	Thứ nhất, quy định về đại diện vẫn còn có những lỗ hổng pháp lý cần nghiên cứu để hoàn thiện. Cần quy định rõ, trong trường hợp có nhiều cá nhân/pháp nhân đại diện cho một chủ thể cần xác định rõ phạm vi đại diện của từng cá nhân/pháp nhân để tránh mâu thuẫn về quan điểm và hành động của các đồng đại diện làm ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện.
	Thứ hai, để hoàn thiện quy định về đại diện khởi kiện vụ án ly hôn được minh bạch và thống nhất, Bộ luật dân sự cần có điều khoản độc lập quy định về người thân thích. Từ đó, Bộ luật tố tụng dân sự cũng như các luật có liên quan như Luật Hôn nhân và gia đình có thể dẫn chiếu hoặc quy định rõ ràng hơn đối với khái niệm người thân thích khác. Ngoài ra, quy định tại khoản 4, Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự sẽ đặt ra câu hỏi: cha, mẹ, người thân thích khác trong trường hợp này là đại diện theo pháp luật hay đại diện theo ủy quyền? Không giống như đại diện theo pháp luật, nếu là đại diện theo uỷ quyền sẽ phải thông qua những thủ tục nhất định. Để đảm bảo sự tương thích với quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 cần sửa theo hướng: “Trường hợp người thân thích yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng,
vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì người thân thích là người đại diện theo pháp luật. Người thân thích theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật dân sự là người thân thích trong tố tụng dân sự”.
PHẦN KẾT LUẬN
	Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, số lượng các vụ án tranh chấp dân sự ngày càng gia tăng về số lượng và tính phức tạp. Cùng với đó, sự tham gia của người đại diện cho đương sự trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự cũng ngày càng nhiều. Bởi vậy, việc nghiên cứu vấn đề người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự có ý nghĩa sâu sắc cả về lý luận và thực tiễn. Ngoài việc hoàn thiện những quy định của pháp luật hiện hành cần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hiện tố tụng của cán bộ tòa án, tăng cường công tác phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức của người dân về vị trí, vai trò của người đại diện đương sự trong tố tụng dân sự.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Công Bình (2008), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Công an nhân dân.
2. Trần Thị Quỳnh Châu (2019), Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự, Luận án tiến sĩ Luật học, Học viện khoa học xã hội, tr.89.
3. Quốc Hội (2015), Bộ luật tố tụng dân sự (Luật số 92/2015/QH13) ngày 25 tháng 11 năm 2015, Hà Nội.
4. Trường Đại học Luật Hà Nội (2017), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb.Công an nhân dân, Hà Nội.
5. Bùi Thị Hà (2018), “Đánh giá người đại diện của đương sự theo pháp luật dân sự và tố tụng dân sự Việt Nam”, Tạp chí nghề luật, (số 04), tr.31 – 35.
6. Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh (2021), Giáo trình Luật tố tụng dân sự Việt Nam, Nxb. Hồng Đức.

File đính kèm:

  • docxtieu_luan_phan_tich_danh_gia_cac_quy_dinh_cua_phap_luat_hien.docx