Tiểu luận Phép biện chứng về phủ định và vận dụng phân tích việc kế thừa và phát triển sáng tạo các giá trị truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay
Bạn đang xem tài liệu "Tiểu luận Phép biện chứng về phủ định và vận dụng phân tích việc kế thừa và phát triển sáng tạo các giá trị truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận Phép biện chứng về phủ định và vận dụng phân tích việc kế thừa và phát triển sáng tạo các giá trị truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay
MỤC LỤC LỜI NÓI ĐẦU................................................................................................................1 CHƯƠNG 1: PHÉP BIỆN CHỨNG VỀ PHỦ ĐỊNH.................................................2 Khái niệm phủ định và phủ định biện chứng...................................................2 Định nghĩa..................................................................................................2 Các đặc trưng của phủ định biện chứng....................................................2 Quy luật phủ định của phủ định. Hình thức “xoáy ốc” của sự phát triển.....5 Ý nghĩa phương pháp luận.................................................................................6 CHƯƠNG 2: VẬN DỤNG PHÂN TÍCH VIỆC KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỒNG TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HOÁ HIỆN NAY............................................................................................................8 2.1. Các giá trị truyền thống của nước ta hiện nay.................................................8 2.1.1. Giá trị truyền thống là gì?.............................................................................8 2.1.2. Các giá trị truyền thống của Việt Nam..........................................................9 2.2. Vai trò của phủ định biện chứng trong việc kế thừa và phát triển sáng tạo các giá trị truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay..................................9 KẾT LUẬN...................................................................................................................15 DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO....................................................................16 LỜI NÓI ĐẦU Trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay, Việt Nam đã và đang không ngừng hội nhập, giao lưu với bạn bè quốc tế. Với việc tham gia vào các tổ chức thế giới như WTO, ASEAN, APEC... đã cho thấy Việt Nam đang hội nhập sâu hơn vào tiến trình toàn cầu hoá một cách chủ động nhằm mục tiêu hiện đại hoá, công nghiệp hoá đất nước với phương châm đi tắt đón đầu, thu hẹp khoảng cách so với các nước phát triển, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Tuy nhiên, bất kì cái gì cũng có tính hai mặt. Toàn cầu hoá sẽ mang đến thời cơ lớn để xây dựng, phát triển kinh tế xã hội. Nhưng mặt khác chúng ta cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ, nhất là nguy cơ tự đánh mất mình, đi lệch hướng xã hội chủ nghĩa và đánh mất bản sắc văn hoá dân tộc. Một câu hỏi đặt ra là: Làm thế nào để giữ gìn, kế thừa và phát triển sáng tạo những giá trị văn hoá truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay? Đó là một câu hỏi mang tính thời đại. Một trong những hướng tiếp cận để giải quyết câu hỏi trên là dựa vào phương pháp luận phủ định biện chứng. Trong cuốn tiểu luận này, tôi lựa chọn đề tài : “Phép biện chứng về phủ định và vận dụng phân tích việc kế thừa và phát triển sáng tạo các giá trị truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay”. Đề tài với nội dung tập trung chủ yếu vào phép phủ định biện chứng và ứng dụng của nó vào thực tiễn với vấn đề kế thừa và phát huy bản sắc dân tộc. CHƯƠNG 1: PHÉP BIỆN CHỨNG VỀ PHỦ ĐỊNH 1.1. Khái niệm phủ định và phủ định biện chứng Định nghĩa Trong đời sống thường ngày, khái niệm phủ định thường được biểu hiện bằng từ “không”, phủ định có nghĩa là không, bác bỏ một cái gì đó. Còn theo triết học, trong thế giới vật chất, mọi sự vật, hiện tượng đều có quá trình sinh ra, tồn tại, phát triển rồi mất đi và được thay thế bằng sự vật, hiện tượng khác; thay thế hình thái tồn tại này bằng hình thái tồn tại khác của cùng một sự vật trong quá trình vận động và phát triển của nó. Sự thay thế đó gọi là sự phủ định. Phủ định bao gồm phủ định siêu hình và phủ định biện chứng. Phủ định siêu hình là phủ định do các nguyên nhân bên ngoài dẫn đến sự triệt tiêu sự vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng. Còn theo quan điểm duy vật biện chứng, phủ định biện chứng là quá trình tự thân phủ định, tự thân phát triển, là mắt khâu trên con đường dẫn đến sự ra đời của cái mới, tiến bộ hơn so với cái bị phủ định. Phủ định biện chứng không bao hàm mọi sự phủ định nói chung, nó chỉ bao hàm những phủ định là kết quả của việc giải quyết mâu thuẫn bên trong của sự vật, tạo ra bước nhảy về chất, tạo tiền đề, điều kiện cho sự phát triển, cái mới ra đời thay thế cái cũ. 1.1.2. Các đặc trưng của phủ định biện chứng Phủ định biện chứng có hai đặc trưng cơ bản là tính khách quan và tính kế thừa. Thứ nhất, phủ định biện chứng có tính khách quan vì nguyên nhân của sự phủ định nằm trong chính bản thân sự vật, hiện tượng. Nó là kết quả của quá trình đấu tranh giải quyết mâu thuẫn tất yếu, bên trong của bản thân sự vật, tạo khả năng ra đời của cái mới thay thế cái cũ. Nhờ việc giải quyết các mâu thuẫn mà sự vật luôn phát triển, vì thế phủ định biện chứng là một tất yếu khách quan trong quá trình vận động và phát triển của sự vật. Đồng thời, mỗi sự vật có phương thức phủ định riêng tuỳ thuộc vào sự giải quyết mâu thuẫn của bản thân chúng. Điều đó cũng có nghĩa, phủ định biện chứng không phụ thuộc vào ý muốn, ý chí của con người. Con người chỉ có thể tác động làm cho quá trình phủ định ấy diễn ra nhanh hay chậm trên cơ sở nắm vững quy luật phát triển của sự vật. Thứ hai, phủ định biện chứng có tính kế thừa. Kế thừa là việc cái mới ra đời từ việc giữ lại trong đó những yếu tố tích cực, tiến bộ từ cái cũ và cải tạo đi cho phù hợp. Phủ định biện chứng là kết quả của sự tự thân phát triển trên cơ sở giải quyết mâu thuẫn vốn có của sự vật, hiện tượng. Vì thế, cái mới ra đời không phải là một sự phủ định tuyệt đối, phủ định sạch trơn, mà là một sự phủ định có tính kế thừa. Sự phủ định ấy không chỉ đơn thuần là thủ tiêu, phá hủy cái cũ, mà còn là sự giữ lại và phát triển những nhân tố tích cực đã có, tức là kế thừa. Trong quá trình phát triển, giữa cái cũ và cái mới bao giờ cũng có mối liên hệ ràng buộc, tương tác qua lại, xâm nhập vào nhau, chuyển hóa lẫn nhau và làm tiền đề của nhau. Cái cũ cũ khi mất đi không có nghĩa là mất đi hoàn toàn, mà trong nó vẫn được bảo tồn và giữ lại những yếu tố tích cực, những “hạt nhân hợp lý” để tạo tiền đề, nền tảng cho sự phát triển tiếp theo. Ngược lại, cái mới phát triển cao hơn không phải từ hư vô, trên mảnh đất trống không, mà là kết quả phát triển hợp quy luật từ những gì hợp lý của cái cũ; là kết quả của sự đấu tranh và kế thừa tất cả những yếu tố còn tích cực của cái cũ. Diễn đạt tư tưởng đó, V.I.Lênin viết: “Không phải sự phủ định sạch trơn, không phải sự phủ định không suy nghĩ, không phải sự phủ định hoài nghi, không phải sự do dự, cũng không phải sự nghi ngờ là cái đặc trưng và cái bản chất trong phép biện chứng.., mà là sự phủ định coi như là vòng khâu của liên hệ, vòng khâu của sự phát triển, với sự duy trì cái khẳng định”. Bởi vậy, phủ định biện chứng là khuynh hướng tất yếu của mối liên hệ bên trong giữa cái cũ và cái mới, là sự tự khẳng định của các quá trình vận động, phát triển của sự vật. 1.2. Quy luật phủ định của phủ định. Hình thức “xoáy ốc” của sự phát triển Trong sự vận động vĩnh viễn của thế giới vật chất, phủ định biện chứng là một quá trình vô tận, cái mới phủ định cái cũ, nhưng rồi cái mới lại trở nên cũ và lại bị cái mới khác phủ định Cứ như vậy, sự phát triển của sự vật, hiện tượng diễn ra theo khuynh hướng phủ định của phủ định, từ thấp đến cao một cách vô tận theo đường xoáy ốc. Phủ định biện chứng mới nói lên một giai đoạn, một nấc thang trong quá trình phát triển. Nói một cách khái quát, qua một số lần phủ định, sự vật hoàn thành một chu kỳ phát triển. Phủ định lần thứ nhất tạo ra sự đối lập với cái ban đầu, đó là một bước trung gian trong sự phát triển. Sau những lần phủ định tiếp theo, tái lập cái ban đầu nhưng trên cơ sở mới cao hơn, nó thể hiện rõ rệt bước tiến của sự vật. Những lần phủ định tiếp theo đó được gọi là sự phủ định của phủ định. Phủ định của phủ định làm xuất hiện cái mới như là kết quả tổng hợp tất cả những yếu tố tích cực đã được phát triển từ trong cái khẳng định ban đầu và cả trong những lần phủ định tiếp theo những yếu tố tích cực được khôi phục, được duy trì và phát triển. Cái tổng hợp này là sự thống nhất biện chứng tất cả những cái tích cực ở các giai đoạn trước và ở cái mới xuất hiện trong quá trình phủ định. Do vậy, cái mới với tư cách là kết quả phủ định của phủ định có nội dung toàn diện và phong phú hơn so với cái khẳng định ban đầu và cái kết quả của lần phủ định thứ nhất. Sự phát triển biện chứng thông qua những lần phủ định biện chứng là sự thống nhất giữa loại bỏ, giữ lại (kế thừa) và phát triển. Mỗi lần phủ định biện chứng được thực hiện sẽ mang lại những nhân tố tích cực mới. Do đó, sự phát triển thông qua những lần phủ định biện chứng sẽ tạo ra xu hướng tiến lên không ngừng. Sự phát triển đi lên đó không phải diễn ra theo đường thẳng mà theo đường “xoáy ốc”. Đề cập tới con đường đó của sự phát triển biện chứng, V.I. Lênin viết: “Sự phát triển hình như diễn lại những giai đoạn đã qua, nhưng dưới một hình thức khác, ở một trình độ cao hơn (“phủ định của phủ định”); sự phát triển có thể nói là theo đường trôn ốc chứ không theo đường thẳng...” Diễn tả quy luật phủ định của phủ định bằng đường “xoáy ốc” chính là hình thức cho phép biểu đạt được rõ ràng nhất các đặc trưng của quá trình phát triển biện chứng: tính kế thừa, tính chu kỳ, tính đi lên và tính vô tận của sự phát triển. Mỗi vòng mới của đường xoáy ốc thể hiện một trình độ cao hơn của sự phát triển, đồng thời dường như quay lại cái đã qua, dường như lặp lại vòng trước. Sự nối tiếp nhau của các vòng thể hiện tính vô tận của sự phát triển, tính vô tận của sự tiến lên từ thấp đến cao của sự vật, hiện tượng trong thế giới. Trong quá trình phát triển của sự vật, phủ định biện chứng đã đóng vai trò là những vòng khâu của quá trình đó. Tóm lại, quy luật phủ định của phủ định nói lên mối liên hệ, sự kế thừa giữa cái bị phủ định và cái phủ định trong quá trình phát triển của sự vật. Phủ định biện chứng là điều kiện cho sự phát triển, cái mới ra đời là kết quả của sự kế thừa những nội dung tích cực từ trong sự vật cũ, phát huy nó trong sự vật mới và tạo nên tính chu kì của sự phát triển. 1.3. Ý nghĩa phương pháp luận Quy luật phủ định của phủ định là cơ sở để chúng ta nhận thức một cách đúng đắn về xu hướng vận động, phát triển của sự vật, hiện tượng. Quá trình đó không diễn ra theo đường thẳng, mà là con đường quan co, phức tạp, gồm nhiều giai đoạn, nhiều quá trình khác nhau. Tuy nhiên, tính đa dạng và phức tạp của quá trình phát triển chỉ là sự biểu hiện của khuynh hướng chung, khuynh hướng tiến lên theo quy luật. Cần phải nắm được đặc điểm, bản chất, các mối liên hệ của sự vật, hiện tượng để tác động đến sự phát triển, phù hợp với yêu cầu hoạt động, nhận thức biểu hiện của thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng trong mọi hoạt động của chúng ta và trong thực tiễn. Khẳng định niềm tin vào xu hướng tất yếu là phát triển tiến lên của cái tiến bộ, đó là biểu hiện của thế giới quan khoa học và nhân sinh quan cách mạng. Theo quy luật phủ định của phủ định, trong thế giới khách quan, cái mới tất yếu ra đời để thay thế cái cũ. Trong tự nhiên, cái mới ra đời và phát triển theo quy luật khách quan. Trong đời sống xã hội, cái mới ra đời trên cơ sở hoạt động có mục đích, ý thức tự giác và sáng tạo của con người. Vì vậy, cần nâng cao tính tích cực của nhân tố chủ quan trong mọi hoạt động, có niềm tin vào sự tất thắng của cái mới, ủng hộ cái mới và đấu tranh cho cái mới thắng lợi. Do đó, cần khắc phục tư tưởng bảo thủ, trì trệ, giáo điều, kìm hãm sự phát triển của cái mới, làm trái với quy luật phủ định của phủ định. Quan điểm biện chứng về sự phát triển đòi hỏi trong quá trình phủ định cái cũ phải theo nguyên tắc kế thừa có phê phán, kế thừa những nhân tố hợp quy luật và lọc bỏ,vượt qua, cải tạo cái tiêu cực, trái quy luật nhằm thúc đẩy theo hướng tiến bộ. CHƯƠNG 2: VẬN DỤNG PHÂN TÍCH VIỆC KẾ THỪA VÀ PHÁT TRIỂN SÁNG TẠO CÁC GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG TRONG BỐI CẢNH TOÀN CẦU HOÁ HIỆN NAY 2.1. Các giá trị truyền thống của nước ta hiện nay 2.1.1. Giá trị truyền thống là gì? Truyền thống theo tiếng Latin là “tradition”, có nghĩa là nối đời, nối truyền. Theo nghĩa thông thường, trong Từ điển Tiếng Việt, truyền thống là thói quen hình thành đã lâu đời trong lối sống và nếp nghĩ, được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Còn dưới góc độ chính trị, trong Từ điển Chính trị vắn tắt, truyền thống được định nghĩa là di sản về xã hội và văn hoá được truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác và được duy trì trong suốt thời gian dài. Qua những định nghĩa trên, có thể hiểu: truyền thống là tập hợp những tư tưởng, tình cảm, thói quen, tập quán, lối sống và cách ứng xử của một cộng đồng người nhất định, được hình thành và phát triển trong lịch sử, đã trở nên ổn định và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác. Tuy nhiên, dựa trên quan điểm biện chứng, truyền thống bao giờ cũng có tính hai mặt, đó là mặt tích cực và mặt tiêu cực. Mặt tích cực bao gồm những yếu tố ưu việt, tiến bộ, phù hợp với sự phát triển của xã hội, góp phần giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Mặt tiêu cực là hiện thân của sức ỳ, của sự bảo thủ, lạc hậu, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của xã hội. Hai mặt mâu thuẫn đó cùng song song tồn tại trong truyền thống, có khi còn đan xen, chồng chéo lên nhau. Chính vì vậy, khi nói đến giá trị truyền thống là muốn nói đến những mặt tốt đẹp, mặt tích cực, là đặc trưng cho bản sắc văn hoá dân tộc. Hơn nữa, không phải cái gì tốt cũng được gọi là giá trị truyền thống, mà nó còn phải có tính phổ biến, cơ bản, có ảnh hưởng tích cực trong đời sống xã hội. Như vậy, giá trị truyền thống là tập hợp những nhân tố tích cực, phổ biến về tư tưởng, tình cảm, thói quen, tập quán lối sống, được hình thành và phát triển trong lịch sử, đã trở nên ổn định và lâu bền, có khả năng lưu truyền trong không gian và thời gian, là những gì mà con người cần giữ gìn và phát triển. 2.1.2. Các giá trị truyền thống của Việt Nam Trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc, có biết bao các giá trị truyền thống của con người Việt Nam được hình thành, được dư luận xã hội cổ vũ, trở thành bản sắc văn hoá của dân tộc. Có thể kể đến một số giá trị truyền thống điển hình như tinh thần yêu nước; tinh thần tự chủ, tự lực, tự cường, ý thức độc lập tự do; lòng nhân ái, khoan dung, trọng nghĩa tình, đạo lý; đức tính cần cù, sáng tạo trong lao động; sự tinh tế trong ứng xử, tính giản dị trong lối sống; tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo...Đó là những giá trị truyền thống cơ bản, vô cùng quý báu, đã tạo nên cốt cách của con người Việt Nam. Các giá trị văn hoá truyền thống không chỉ có ý nghĩa trong lịch sử, mà còn có tầm quan trọng trong hiện tại và tương lai. Vì thế, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống được đặt ra như một tất yếu mang tính khách quan và cấp thiết, đặc biệt là trong thời kỳ hiện nay, nước ta đang trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá. 2.2. Vai trò của phủ định biện chứng trong việc kế thừa và phát triển sáng tạo các giá trị truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hoá hiện nay Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, trong quá trình lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn kế thừa, tiếp thu có chọn lọc những di sản quý báu của dân tộc và nhân loại. Trong đó, truyền thống văn hóa của dân tộc được Đảng ta kế thừa và phát huy triệt để, góp phần trực tiếp nâng truyền thống văn hóa của dân tộc và các giá trị của nó lên một tầm cao mới, với một chất lượng mới. Những thành tựu đạt được qua 25 năm đổi mới đã chứng minh sự đúng đắn trong quan điểm của Đảng ta nhằm khai thác, kế thừa, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc vào xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương năm khóa VIII, Tổng bí thư Lê Khả Phiêu khẳng định: “Phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng là nhân lên sức mạnh của nhân dân ta để vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh, mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo ra thế và lực mới cho đất nước ta bước vào thế kỷ 21”. Trước bối cảnh phức tạp của tình hình thế giới, khu vực và trong nước hiện nay, dưới sự tác động mạnh mẽ của toàn cầu hóa, của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã, đang và sẽ đặt ra cho chúng ta những khó khăn, thách thức lớn đối với việc kế thừa các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc. Vì vậy, nhiệm vụ giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới càng trở nên cấp thiết và nặng nề hơn bao giờ hết. 2.1.1. Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc ở nước ta hiện nay là sự thống nhất của hai quá trình giữ lại và lọc bỏ. Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc ở nước ta hiện nay, về thực chất là một quá trình phủ định biện chứng các mặt, các yếu tố, thuộc tính và các bộ phận cấu thành của nó. Sự kế thừa đó không phải là loại bỏ hoàn toàn hay phủ định sạch trơn truyền thống văn hóa, cắt đứt sợi dây liên hệ giữa quá khứ, truyền thống với hiện tại và tương lai; nó cũng không phải là bê nguyên xi hoàn toàn truyền thống văn hóa mà là sự kế thừa có chọn lọc, kế thừa có điều kiện, tức là chỉ giữ lại những “hạt nhân hợp lý”, những yếu tố còn tích cực, tiến bộ, đồng thời loại bỏ những yếu tố tiêu cực, lỗi thời, lạc hậu trong truyền thống văn hóa. Do điều kiện đặc thù của sự sinh tồn, truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam từng bước được hình thành và phát triển. Truyền thống đó đã đồng hành và phát huy sức mạnh của nó trong suốt chiều dài lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Truyền thống ấy cũng thường xuyên được các thế hệ người Việt Nam kế tiếp tuyển chọn và sàng lọc, loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp, giữ lại những nhân tố tích cực, tiến bộ, những “hạt nhân hợp lý”. Nhờ đó, dân tộc Việt Nam luôn đứng vững trước muôn vàn thử thách, chiến thắng tất cả các thế lực ngoại xâm, bảo vệ vững chắc nền độc lập, chủ quyền của dân tộc, bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc và cuộc sống hòa bình, hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, khi nhận thức và hành động, các chủ thể văn hóa cần có thái độ khách quan, khoa học trong giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc. Tích cực đi sâu nghiên cứu, tìm hiểu, thông qua điều tra, khảo sát, đánh giá phân loại một cách có hệ thống, đồng bộ để lưu giữ những truyền thống văn hóa còn tiến bộ, còn phát huy tác dụng. Kiên quyết loại bỏ những gì của truyền thống văn hóa đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, không còn phát huy tác dụng. Xây dựng một thái độ đúng mực đối với những gì cần được bảo tồn, giữ gìn. Cái gì cần được bảo tồn, giữ gìn thì phải bảo tồn, giữ gìn ngay từ khi nó còn đang tồn tại. Hiện nay, trong hệ các giá trị truyền thống văn hóa của dân tộc có rất nhiều giá trị độc đáo, đặc sắc cần phải được giữ gìn, kế thừa và phát huy. Đó là những giá trị tiêu biểu mang tính ổn định, lâu dài và là điểm tựa để Việt Nam phát triển đi lên. 2.2.2. Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc ở nước ta hiện nay là quá trình bổ sung, phát triển hơn nữa những “hạt nhân hợp lý” trong truyền thống văn hóa được giữ lại, làm cho truyền thống đó có nội dung và hình thức mới phù hợp với yêu cầu của thời kỳ mới. Trải qua mấy nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, dân tộc ta đã xây dựng nên truyền thống văn hóa với những giá trị đặc sắc, độc đáo, mang sắc thái riêng của dân tộc Việt Nam. Trong quá trình phát triển, truyền thống văn hóa của dân tộc không hề đứng yên và bất biến, mà trái lại luôn được các thế hệ người Việt Nam kế tiếp kế thừa, bổ sung, phát triển và đổi mới liên tục. Đặc biệt, ở những thời kỳ chuyển biến mạnh mẽ của lịch sử, vào những thời điểm chuyển giao thời đại, nhiều giá trị, nhiều khía cạnh của truyền thống văn hóa dân tộc cũng có sự thay đổi mang tính bước ngoặt. Thực tiễn xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trong thời kỳ mới đã và đang đặt ra những yêu cầu, nội dung và hình thức mới cho việc bổ sung, phát triển truyền thống văn hóa của dân tộc. Dựa trên nền tảng của những “hạt nhân hợp lý” trong truyền thống văn hóa dân tộc được giữ lại, cần tích cực bổ sung, phát triển thêm các giá trị mới, bảo đảm cho sự phát triển của hệ thống các giá trị văn hóa dân tộc luôn là một dòng chảy liên tục, không đứt đoạn. Các giá trị mới là những cái mới phù hợp, cái mới đang phát huy tốt tác dụng theo quan điểm của Đảng và nhân dân ta. Các giá trị mới ở đây không phải hoàn toàn tách rời giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, tinh hoa của nhân loại, càng không phải do ý muốn chủ quan của một vài cá nhân áp đặt, mà nó được hình thành trong sự kế thừa biện chứng, trong sự tiếp nối hợp logic các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử. Trong đó, các giá trị văn hóa truyền thống cần phải được bảo tồn và phát huy trong những giá trị văn hóa hiện đại và ngược lại, những giá trị văn hóa hiện đại phải dựa trên nền các giá trị văn hóa truyền thống, lấy nó làm điểm tựa để phát triển. Chẳng hạn, truyền thống đoàn kết cố kết dân tộc để giữ nước: “Cử quốc nghênh địch”, “cả nước chung sức đánh giặc” của các triều đại phong kiến Việt Nam trước đây có thể được kế thừa và nâng cao trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN thời kỳ mới thành tư tưởng đại đoàn kết toàn dân, đại đoàn kết dân tộc, toàn dân tham gia phát triển kinh tế, toàn dân tham gia xây dựng nền quốc phòng, toàn dân sẵn sàng tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, toàn dân tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Truyền thống “ngụ binh ư nông”, “động vi binh, tĩnh vi dân” vẫn có thể được kế thừa và phát triển thành các quan điểm như: kết hợp chặt chẽ giữa kinh tế với quốc phòng - an ninh và ngược lại; kết hợp giữa xây dựng với bảo vệ, bảo vệ với xây dựng; kết hợp giữa xây dựng đất nước với xây dựng các tiềm lực của nền quốc phòng toàn dân và tiềm lực của chiến tranh nhân dân; kết hợp giữa xây dựng đất nước với xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân. 2.2.3. Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc ở nước ta hiện nay cần phải chống hai khuynh hướng sai lầm: khuynh hướng bảo thủ và khuynh hướng phủ định sạch trơn đối với truyền thống văn hóa của dân tộc. Trong hai khuynh hướng này, khuynh hướng bảo thủ thực chất là khuynh hướng đề cao, tuyệt đối hóa truyền thống văn hóa dân tộc. Coi truyền thống văn hóa dân tộc là cái bất biến, không thể thay đổi được và vì vậy kế thừa nguyên xi, không cần phải bổ sung, sửa đổi và phát triển. Việc bảo thủ, khép kín trước yêu cầu hiện đại hoá, hội nhập tạo nên sự trì trệ trong đời sống, sự đông cứng văn hoá. Việc đó đồng nghĩa với việc đưa văn hoá dân tộc đến chỗ suy thoái, chỗ bế tắc, tự trói buộc bản thân mình. Khuynh hướng phủ định sạch trơn là khuynh hướng xuất hiện ngay từ những năm đầu xây dựng CNXH ở nước Nga. Những người theo khuynh hướng phủ định sạch trơn tập hợp trong phái “văn hóa vô sản” chủ trương xây dựng một nền văn hóa mới từ đầu, đoạn tuyệt hẳn với văn hóa của chế độ Nga hoàng cũ. V.I.Lênin đã kịch liệt phê phán những người theo khuynh hướng này. Người viết: “Văn hóa vô sản không phải bỗng nhiên mà có, nó không phải do những người tự cho mình là chuyên gia về văn hóa vô sản, phát minh ra. Đó hoàn toàn là điều ngu ngốc. Văn hóa vô sản phải là sự phát triển hợp quy luật của tổng số những kiến thức mà loài người đã tích lũy được dưới ách thống trị của xã hội tư bản, xã hội của bọn địa chủ và xã hội của bọn quan liêu”. Ở Việt Nam, khuynh hướng phủ định sạch trơn đã từng xuất hiện trong cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa trước đây. Hậu quả của khuynh hướng này là nhiều giá trị truyền thống văn hóa và những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc bị xóa bỏ hoặc lãng quên; nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị tàn phá nặng nề hoặc bị xuống cấp nghiêm trọng; nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp không được bảo tồn, lưu giữ, dần dần bị mai một. 2.2.4. Kế thừa truyền thống văn hóa của dân tộc ở nước ta hiện nay gắn với quá trình mở rộng giao lưu và tiếp biến những giá trị văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới. Mở rộng giao lưu và tiếp biến văn hóa giữa các quốc gia, dân tộc với nhau là một vấn đề có tính quy luật của mọi nền văn hóa, đồng thời cũng là một trong những động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển văn hóa của mỗi dân tộc. Đảng ta chỉ rõ: “Văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thụ tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình”. Trong lịch sử dân tộc Việt Nam trước đây, tuy đã từng có thời kỳ cha ông ta thực hiện chính sách “bế quan tỏa cảng”, đóng cửa tự ru ngủ mình, không giao lưu với bên ngoài, từ chối con đường tiếp cận văn minh của nhân loại nhằm giữ cho được “nếp nhà”, giữ được thuần phong mỹ tục của dân tộc. Thực tế, hậu quả của chính sách này đã không tự bảo vệ được mình, mà Tổ quốc còn bị rơi vào tay kẻ khác. Nhưng, xét một cách khách quan, trong suốt chiều dài lịch sử, thì Việt Nam là đất nước có một nền văn hóa mở với một tư duy văn hóa mở. Người Việt Nam không có tư tưởng kỳ thị dân tộc, không cực đoan trong giao lưu và tiếp biến văn hóa với các quốc gia, dân tộc khác. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam luôn tiếp thụ có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của các nước có quan hệ với Việt Nam để bổ sung và làm giàu truyền thống văn hóa của dân tộc. Ngày nay, dưới sự tác động của xu thế toàn cầu hóa, của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ, cùng với đó là công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đang đi vào chiều sâu, nên việc mở rộng giao lưu và tiếp biến với những giá trị văn hóa của các dân tộc khác trên thế giới được đặt ra như một tất yếu. Thông qua đó, truyền thống văn hóa của dân tộc được truyền bá ra bên ngoài, được khẳng định lại, được tiếp xúc nhiều hơn với các nền văn hóa khác để học hỏi, trao đổi, so sánh, tiếp nhận, tiếp biến, làm phong phú thêm truyền thống văn hóa của dân tộc, đồng thời truyền thống văn hoá Việt Nam cũng có cơ hội thẩm định lại, cải tạo cho phù hợp với hoàn cảnh hiện nay của đất nước. Đó là một tất yếu khách quan. Chẳng hạn, tinh thần cộng đồng đề cao văn hoá làng, xã trng truyền thống con người Việt Nam là một nét đẹp quan trọng trong bản sắc văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, phẩm chất này lại bộc lộ nhiều hạn chế nhất định, đó là trong đời sống xã hội, còn nhiều quan hệ, nhiều vấn đề còn giải quyết thiên về tình cảm, dẫn đến chỗ tuỳ tiện, coi thường pháp luật, thiếu tinh thần cạnh tranh, còn nặng tác phong nông nghiệp, tản mạn, khép kín. Chính vì vậy, việc tiếp thu tinh thần cạnh tranh, đề cao pháp luật, coi trọng tác phong công nghiệp từ các dân tộc khác trên thế giới để thẩm định, bổ sung và đổi mới các giá trị truyền thống của con người Việt Nam là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, hội nhập nền văn hoá thế giới là con dao hai lưỡi. Song song với những mặt tích cực là những mặt tiêu cực, mà điển hình là nguy cơ nền văn hóa đang dần bị “hoà tan”. Chúng ta đang đứng trước thử thách rất lớn về văn hoá trước xu thế và những tác động của văn hoá thế giới, làm sao để “hoà nhập” mà không “hoà tan” đang ngày trở thành thách thức của văn hoá nước nhà. Trước thực trạng đó, Đảng Cộng sản Việt Nam đã rút ra kinh nghiệm: Trong bất kì tình huống nào, đặc biệt là thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá phải “tích cực chủ động hội nhập kinh tế quốc tế” nhưng phải “giữ vững truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc” Hội nhập văn hoá phải trên cơ sở định hướng với sự lựa chọn tối ưu, làm sao để tích hợp nhiều tinh hoa đặc sắc của nhiều nền văn hoá khác nhau. Nếu sự tiếp thu ấy là bê nguyên xi những cái bên ngoài vào thì văn hoá sẽ bị mất gốc, sẽ bị đồng hoá. Tiếp thu trong tư thế chủ động là điều kiện của việc xử lý mối quan hệ biện chứng nội sinh, ngoại sinh. Nguyên tắc tiếp thu là lấy bản sắc văn hoá của mình làm gốc, lấy tiêu chí văn hoá làm bộ lọc, tiếp thu các văn hoá hiện đại của thế giới, lấy cái tiến bộ bổ sung cho cái thiếu hụt trong văn hoá truyền thống, tạo thuận lợi cho văn hoá dân tộc phát triển. Tóm lại, việc kế thừa và phát triển sáng tạo các giá trị truyền thống là một tất yếu khách quan. Đó là một quá trình lọc bỏ và giữ lại những “hạt nhân hợp lý”, bổ sung, phát triển và tạo ra các giá trị truyền thống mới đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của xã hội hiện nay. Đặc biệt, hiện nay, trong bối cảnh toàn cầu hoá, việc kế thừa và phát triển văn hoá còn là sự giao lưu, học hỏi và tiếp biến với các nền văn hoá khác trên thế giới một cách có chọn lọc nhằm làm phong phú và hiện đại hoá truyền thống văn hoá Việt Nam, làm đậm đà và bền vững thêm bản sắc văn hoá của mình. KẾT LUẬN Trước bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế, hầu như dân tộc nào cũng đứng trước thử thách của phát triển và luôn tìm kiếm con đường phát triển riêng phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hoá truyền thống vốn có của dân tộc mình. Đối với dân tộc Việt Nam, trong quá trình đổi mới, để thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nhất thiết phải giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống của con người Việt Nam đã được hình thành và hun đúc trong hàng nghìn năm lịch sử. Dưới góc nhìn của phương pháp luận phủ định biện chứng, chủ trương lớn nhất, bao quát nhất để đối phó với những thách thức của hội nhập là "Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc", làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng cộng đồng, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người. Chỉ trên cơ sở có một nền văn hóa như vậy, xã hội ta mới có thể có nguồn lực nội sinh to lớn, để từ đó có sức đề kháng, khả năng "miễn dịch" mạnh mẽ trước những yếu tố văn hóa tiêu cực du nhập từ bên ngoài và nảy sinh ngay từ bên trong, từ mặt trái của nền kinh tế thị trường. TÀI LIỆU THAM KHẢO Giáo trình "Những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lênin", Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010 V.I.Lênin: "Toàn tập", Nxb Tiến bộ, Matxcova, 1981 Từ điển chính trị vắn tắt, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1988 Trần Văn Giàu, "Giá trị tinh thần truyền thống của dân tộc Việt Nam", Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1980 Minh Thu, Giáo dục truyền thống đạo đức của dân tộc, , truy cập ngày 5/12/2014 Kim Dung, Hoà nhập văn hoá và nỗi lo "hòa tan", , truy cập ngày 5/12/2014
File đính kèm:
- tieu_luan_phep_bien_chung_ve_phu_dinh_va_van_dung_phan_tich.docx