Tiểu luận Quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

docx 15 trang yenvu 04/03/2024 2080
Bạn đang xem tài liệu "Tiểu luận Quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận Quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước

Tiểu luận Quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước
TRƯỜNG ĐẠI HỌC THỦ DẦU MỘT
KHOA KHOA HỌC QUẢN LÝ
***********
TIỂU LUẬN
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN HUYỆN LỘC NINH, TỈNH BÌNH PHƯỚC 
Sinh viên thực hiện : Bùi Thanh Bình
Lớp : HK2.TX.01
Học phần: 
Mã học phần: 
Giảng viên hướng dẫn: 
Bình Dương, ngày 29 tháng 9 năm 2021
MỤC LỤC
MỞ ĐẦU
1. Đặt vấn đề
Môi trường có vai trò rất lớn đối với sự tồn tại và phát triển của con người, nó tác động hàng ngày, hàng giờ, trực tiếp ảnh hưởng tới sự tồn tại và phát triển của con người. Môi trường cung cấp nguyên liệu và không gian cho sản xuất xã hội. Sự phát triển về kinh tế của mỗi nước phụ thuộc khá nhiều vào nguồn tài nguyên thiên nhiên. Trong những năm gần đây, sự nghiệp công nghiệp hóa (CNH), hiện đại hóa (HĐH) của nước ta đã đem lại những thành tựu kinh tế - xã hội nhất định. Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực mà quá trình CNH - HĐH đem lại, còn có tác động tiêu cực, trong đó tác động tiêu cực đến môi trường là một minh chứng điển hình. Cùng với sự phát triển kinh tế, nhu cầu khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, do quản lý thiếu đồng bộ, công nghệ khai thác lạc hậu, nhất là việc khai thác, sử dụng nhiều nhóm 2 tài nguyên chưa hợp lý đang là những nguyên nhân dẫn đến tài nguyên bị suy thoái, cạn kiệt, đe dọa sự phát triển bền vững của đất nước. Vấn đề bảo vệ môi trường tự nhiên đang là vấn đề cấp bách không chỉ ở nước ta mà trên toàn thế giới hiện nay. 
Cùng với xu hướng phát triển của cả nước, gần đây tốc độ phát triển đô thị cũng như công nghiệp hóa trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước diễn ra nhanh chóng. Công tác quản lý nhà nước (QLNN) về môi trường ở huyện Lộc Ninh đã và đang được ngày càng chú trọng nhiều hơn, đồng thời đạt được những kết quả tích cực nhất định, tuy nhiên vẫn còn có những bất cập cần khắc phục. Sự phát triển nhanh về dân số và sự quy hoạch bất hợp lý trong khi đó các công trình hạ tầng kỹ thuật như cấp thoát nước, xử lý nước thải, thu gom và xử lý rác thải không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị và sự gia tăng dân sốđã làm cho công tác bảo vệ môi trường và quản lý nhà nước về môi trường chưa đạt được kết quả như mong muốn. Quá trình phát triển nhanh về kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện đã có nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, nếu không kịp thời khắc phục sẽ để lại hậu quả xấu cho sự phát triển bền vững của địa phương trong tương lai. Đây là vấn đề cấp bách đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị huyện Lộc Ninh, mà nòng cốt là các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của huyện Lộc Ninh. Từ thực tế đó, với mục đích những lý do nêu trên, tác giả chọn đề tài “Quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước” 
2. Mục đích nghiên cứu
Thông qua khảo sát thực trạng công tác quản lý môi trường ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, trên cơ sở đó đề xuất một số biện pháp nhằm nâng cao công tác quản lý môi trường trên địa bàn huyện Lộc Ninh, giảm thiểu sự ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sinh sống ở đây.
3. Nhiệm vụ nghiên cứu
- Hệ thống hoá các vấn đề lí luận có liên quan đến đề tài nghiên cứu
- Đánh giá công tác quản lý nhà nước về môi trường ở huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước
- Đưa ra các giải pháp nâng cao công tác quản lý Nhà nước về môi trường tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
- Đối tượng nghiên cứu: Công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.
- Phạm vi nghiên cứu:
 +Về không gian: nghiên cứu Quản lý nhà nước về môi trường tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước
+Về thời gian: Nghiên cứu hiện trạng môi trường và sự quản lý của nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước từ năm 2016 – 2020. 
5. Phương pháp nghiên cứu
- Phương pháp luận: Sử dụng phương pháp luận nghiên cứu duy vật biện chứng của chủ nghĩa Mác – Lênin và các quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý nhà nước về môi trường của huyện Lộc Ninh.
- Phương pháp nghiên cứu: kết hợp nhiều phương pháp bao gồm phương pháp thống kê, phân tích, so sánh và tổng hợp, đặc biệt coi trọng phương pháp tổng kết thực tiễn về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện Lộc Ninh.
NỘI DUNG
1. Các khái niệm cơ bản 
1.1. Khái niệm môi trường
Môi trường là: Bao gồm các yếu tố tự nhiên và yếu tố vật chất nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng tới đời sống, sản xuất, sự tồn tại, phát triển của con người và thiên nhiên. (Theo Điều 1, Luật Bảo vệ Môi trường của Việt Nam). 
Môi trường theo nghĩa rộng là tất cả các nhân tố tự nhiên và xã hội cần thiết cho sự sinh sống, sản xuất của con người, như tài nguyên thiên nhiên, không khí, đất, nước, ánh sáng, cảnh quan, quan hệ xã hội... 
Môi trường theo nghĩa hẹp không xét tới tài nguyên thiên nhiên, mà chỉ bao gồm các nhân tố tự nhiên và xã hội trực tiếp liên quan tới chất lượng cuộc sống con người.
Môi trường sống của con người theo chức năng được chia thành các loại: Môi trường tự nhiên và Môi trường xã hội
1.2. Quản lý Nhà nước về môi trường
"Quản lý môi trường là tổng hợp các biện pháp, luật pháp, chính sách kinh tế, kỹ thuật, xã hội thích hợp nhằm bảo vệ chất lượng môi trường sống và phát triển bền vững kinh tế xã hội quốc gia". Là sự tác động mang tính tổ chức và quyền lực của các cơ quan hành chính Nhà nướccó thẩm quyền lên các quan hệ xã hội về môi trường nhằm đạt được những mục tiêu được xác định.
Quản lý môi trường là một hoạt động trong lĩnh vực quản lý xã hội, có tác động điều chỉnh các hoạt động của con người dựa trên sự tiếp cận có hệ thống và các kỹ năng điều phối thông tin đối với các vấn đề môi trường có liên quan đến con người xuất phát từ quan điểm định hướng, hướng tới phát triển bền vững và sử dụng hợp lý tài nguyên” 
Quản lý môi trường được thực hiện bằng tổng hợp các biện pháp: luật pháp, chính sách, kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, xã hội, văn hóa, giáo dục... Các biện pháp này có thể đan xen, phối hợp, tích hợp với nhau tùy theo điều kiện cụ thể của vấn đề đặt ra.
Quản lý Nhà nước về môi trường là quản lý môi trường thông qua các công cụ luật pháp, chính sách về môi trường trên phương diện quốc tế và quốc gia. 
Quản lý Nhà nước về môi trường để đảm bảo môi trường tồn tại và phát triển bền vững nhằm: Sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên, gắn khai thác với bảo vệ môi trường.
Nguyên tắc về quản lý Nhà nước đối với môi trường: 
- Tài nguyên môi trường là tài sản chung
- Tài nguyên môi trường thuộc sở hửu toàn dân do nhà nước thống nhất quản lý
- Việc khai thác phải kết hợp với bảo vệ và phát triển
- Đảm bảo về tính đa dạng của bảo vệ, khai thác, phát triển và quản lý tài nguyên môi trường.
- Quản lý nhà nước về tài nguyên môi trường bằng hệ thống pháp luật
- Việc khai thác, sử dụng, phát triển theo quy hoạch nghành, lãnh thổ
- Quản lý tài nguyên môi trường phải huy động toàn dân tham gia
1.3. Nội dung công tác quản lý Nhà nước về môi trường
Luật Bảo vệ môi trường
Bộ Luật này được Quốc hội nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam thông qua ngày 25/11/2005 gồm: 15 chương với 135 điều.
Nội dung công tác quản lý Nhà nước về môi trường của Việt Nam được thể hiện trong Điều 37, Luật Bảo vệ Môi trường, gồm các điểm: Ban hành và tổ chức việc thực hiện các văn bản pháp quy về bảo vệ môi trường, ban hành hệ thống tiêu chuẩn môi trường; Xây dựng, chỉ đạo thực hiện chiến lược, chính sách bảo vệ môi trường, kế hoạch phòng chống, khắc phục suy thoái môi trường, ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường; Xây dựng, quản lý các công trình bảo vệ môi trường, các công trình có liên quan đến bảo vệ môi trường; Tổ chức, xây dựng, quản lý hệ thống quan trắc, định kỳ đánh giá hiện trạng môi trường, dự báo diễn biến môi trường; Thẩm định các báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án và các cơ sở sản xuất kinh doanh; Cấp và thu hồi giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn môi trường; Giám sát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về bảo vệ môi trường, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; Đào tạo cán bộ về khoa học và quản lý môi trường; Tổ chức nghiên cứu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Thiết lập quan hệ quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
2. Thực trạng quản lý nhà nước trên địa bàn huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước
2.1. Đặc điểm tự nhiên - xã hội của huyện Lộc Ninh
- Đặc điểm tự nhiên
Huyện Lộc Ninh là huyện miền núi biên giới phía Tây - Bắc của tỉnh Bình Phước, Lộc Ninh là cửa ngõ giao thương với Campuchia của tỉnh Bình Phước qua Cửa khẩu Hoa Lư, Quốc lộ 13 từ Thủ Dầu Một, Bình Dương đi qua huyện đến thẳng biên giới Campuchia.
Huyện Lộc Ninh năm 2019 có diện tích 853,95 km², dân số là 115.268 người. Huyện hiện có 16 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc, bao gồm thị trấn Lộc Ninh và 15 xã: Lộc An, Lộc Điền, Lộc Hiệp, Lộc Hòa, Lộc Hưng, Lộc Khánh, Lộc Phú, Lộc Quang, Lộc Tấn, Lộc Thái, Lộc Thạnh, Lộc Thành, Lộc Thiện, Lộc Thịnh, Lộc Thuận.
Về khí hậu: Lộc Ninh có địa hình cao từ phía Bắc, thấp dần về phía Nam, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa rõ rệt, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau.
 Năm 2019, Lộc Ninh có tổng diện tích tự nhiên là 86.297,52ha, trong đó đất rừng chiếm 68.714 ha, còn lại là đất nông nghiệp với phần lớn là đất đỏ bazan có độ phì nhiêu cao, phù hợp các loại cây trồng có thu nhập cao như: cà phê, điều, hồ tiêu, cao su. Lộc Ninh có 2 con sông lớn chay qua là sông Măng tạo thành biên giới tự nhiên giữa Việt Nam và Cămpuchia, sông bé tạo thành ranh giới tự nhiên giữa Lộc Ninh với huyện Phước.
- Đặc điểm kinh tế
Nền kinh tế của Lộc Ninh dựa chủ yếu vào nông nghiệp. Ở Lộc Ninh cũng phát triển các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, điều, tiêu và các loại cây ăn quả lâu năm. Lộc Ninh là vùng đất phì nhiêu, đất ở đây chủ yếu là đất đỏ bazan.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2016 - 2020 đạt 14%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ; giảm dần tỷ trọng ngành nông, lâm, thuỷ sản. Cơ cấu ngành đến năm 2020: Ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 26,0%, ngành dịch vụ chiếm 40,0%, ngành nông, lâm, thuỷ sản chiếm 34,0%. GDP bình quân đầu người năm 2020 khoảng 43,7 triệu đồng/người.
2.2. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về môi trường trên địa bàn huyện Lộc Ninh
Thực trạng công tác quản lý nhà nước về môi trường
Ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quản lý về môi trường
Với chức năng nhiệm vụ của mình, hằng năm UBND huyện đã ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện như Chỉ thị, các công văn, kế hoạch về tổ chức thực thi nhiệm vụ, các quyết định như: Quyết định về ban hành Quy định tiêu chí đánh giá, thi đua thực hiện Phong trào Ngày Chủ nhật Xanh - Sạch - Đẹp; quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác bảo vệ môi trường; quyết định xử phạt vi phạm hành chính các cơ sở... Đồng thời, quận đã tiến hành rà soát, hệ thống hóa, tự kiểm ra văn bản để phát hiện các sai phạm về hình thức và nội dung.
Bên cạnh đó, nhằm định hướng xây dựng huyện Lộc Ninh phát triển ngày càng bền vững, hài hòa với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái, tiến tới đạt chuẩn quận môi trường vào năm 2020. UBND huyện đã ban hành một số văn bản chỉ đạo, triển khai tổ chức nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn quận cũng như cụ thể hóa các văn bản của Chính phủ, UBND thành phố trong công tác quản lý nhà nước về môi trường.
Xây dựng đề án, kế hoạch về bảo vệ môi trường
Nhìn chung, các kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung quan đến công tác BVMT trên địa bàn huyện được ban hành kịp thời, nội dung đồng bộ ở tất cả các khâu: chỉ đạo, tổ chức thực hiện, kiểm tra và đôn đốc quá trình triển khai thực hiện; trong đó có phân công trách nhiệm, nhiệm vụ rõ ràng đối với từng cơ quan, đơn vị; quy định cụ thể thời gian triển khai và hoàn thành, quy định nguồn vật lực để tổ chức thực hiện và cả các biện pháp khen thưởng, kỷ luật,... đã phục vụ tốt hơn trong công tác BVMT của địa phương.
Tổ chức thực hiện công tác bảo vệ môi trường
Tổ chức đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường; Việc đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường trên địa bàn quận thực hiện theo Nghị định 29/2011/NĐ-CP của Chính phủ. Các thủ tục, quy trình tiếp nhận hồ sơ được thực hiện tại Phòng Tài nguyên và môi trường của quận.
Thu gom và xử lý chất thải rắn: Công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn tại huyện Lộc Ninh được đầu tư khá đồng bộ trong những năm gần đây. Cùng với sự phát triển của thành phố, chất thải rắn gia tăng nhanh chóng. Ước tính toàn huyện thải ra khoảng 70 tấn chất thái rắn mỗi ngày, tỷ lệ thu gom đạt 90%, lượng rác còn lại được nhân dân xử lý bằng cách đốt, chôn, lấp, thải vào các ao, hồ, sông.
Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường
Nhìn chung, thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về môi trường trên địa bàn huyện được triển khai thường xuyên và kịp thời. Hình thức tuyên truyền đa dạng, nguồn lực đầu tư cho hoạt động nêu trên được tăng cường. Qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của cộng đồng dân cư về trách nhiệm tham gia giữ gìn và bảo vệ môi trường sống, ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, nhiều vấn đề môi trường đã được xử lý, giải quyết; phần lớn chất thải đã được thu gom và xử lý; hoạt động của làng nghề và các cơ sở sản xuất kinh doanh dịch vụ...Tuy nhiên, việc nâng cao nhận thức người dân còn hạn chế, vẫn còn một số bộ phận người dân chưa có ý thức và trách nhiệm trong việc giữ gìn
Thanh tra, kiểm tra giám sát và xử lý vi phạm về môi trường 
Hằng năm, UBND huyện lập các đoàn thanh tra, kiểm tra nhằm nhắc nhở việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường. Trong năm 2019, huyện Lộc Ninh tổ chức kiểm tra 60 cơ sở, gồm trang trại nuôi heo của các tổ chức (theo kiến nghị của UBND xã), hộ gia đình, cơ sở thu mua mủ cao su, chế biến hạt điều, sản xuất gạch, lò đốt than... Qua kiểm tra đã xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở 89,25 triệu đồng, trong đó xử phạt 3 lò than củi vườn 5,25 triệu đồng, 1 trang trại nuôi heo 70 triệu đồng... Năm 2019, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thanh - kiểm tra, đánh giá phân loại 24 trang trại chăn nuôi trên địa bàn huyện Lộc Ninh, kết quả có 24 trang trại đạt loại B; tổ chức tái kiểm tra các trang trại chăn nuôi loại B, loại C theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BTN&MT của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức thanh tra 15 dự án chăn nuôi heo trên địa bàn huyện, phát hiện 3 cơ sở vi phạm, xử phạt 346 triệu đồng. Sau xử phạt, Sở Tài nguyên và Môi trường đã đôn đốc các cơ sở khắc phục, thực hiện đúng những nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Những hạn chế cần khắc phục
Bên cạnh thành tích đã đạt được trong công tác quản lý nhà nước về môi trường huyện Lộc Ninh, thì vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định:
- Việc quản lý nhà nước chủ yếu dựa trên công cụ luật pháp, các chế tài vì thế việc thực hiện tỏ ra cứng nhắc, chưa đồng bộ và phù hợp với nhu cầu của địa phương.
- Việc thanh tra, kiểm tra đã thực hiện thường xuyên nhưng việc xử lý còn nể nang, né trách, thậm chí có tiêu cực nên việc thực pháp luật không nghiêm, suy giảm hiệu lực của các chế tài xử lý. 
- Nhiều tổ chức, cá nhân khi vi phạm nhưng không nhận trách nhiệm. Tuy vậy, nhà nước vẫn chưa có biện pháp xử lý hiệu quả, để lại những hậu quả nặng nề cho môi trường.
- Lực lượng cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về môi trường còn mỏng và thiếu chuyên ngành, còn phải kiêm nhiệm nhiều công việc do việc tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.
- Nhận thức về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của nhiều cấp ủy, lãnh đạo các cấp, các ngành, doanh nghiệp và nhân dân chưa đầy đủ; ý thức bảo vệ môi trường nhìn chung còn thấp.
- Việc hoàn thiện cơ chế, chính sách và hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường còn chậm, chưa đồng bộ. Đội ngũ cán bộ quản lý môi trường còn thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực và trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. 
- Trình độ khoa học - công nghệ bảo vệ môi trường, xử lý, giải quyết ô nhiễm môi trường còn thấp.
- Nguồn vốn đầu tư và chi thường xuyên cho bảo vệ môi trường chưa đáp ứng được yêu cầu. Còn sử dụng kinh phí sự nghiệp môi trường cho các mục đích khác hoặc sử dụng không hiệu quả. Trang thiết bị phục vụ công tác bảo vệ môi trường còn thiếu và lạc hậu. Trong chỉ đạo, điều hành chỉ quan tâm tới các chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, coi nhẹ các yêu cầu bảo vệ môi trường; có biểu hiện buông lỏng công tác quản lý nhà nước, thiếu kiên quyết trong việc xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; chưa giải quyết dứt điểm các điểm nóng, bức xúc về ô nhiễm môi trường.
- Việc thu gom, xử lí rác thải sinh hoạt tại một số điểm chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong khi chất lượng cuộc sống ngày càng cao, lượng rác thải ra môi trường ngày càng nhiều. 
- Các xã, phường chưa quy hoạch được các trang trại, khu chăn nuôi tập trung, do vậy các trang trại chăn nuôi nằm tự phát, phân tán và xen kẽ trong các khu dân cư, gây ô nhiễm môi trường.
3. Đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lí nhà nước về môi trường của huyện Lộc Ninh
3.1. Hoàn thiện cơ chế chính sách 
- Xây dựng cơ chế để sử dụng cán bộ hợp đồng nhằm tăng cường nguồn nhân lực cho cán bộ môi trường cấp huyện và cấp xã, phường, thị trấn. 
- Đẩy mạnh xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường thông qua chính sách khuyến khích sự tham gia tích cực của các tổ chức chính trị, xã hội, của người dân và cộng đồng vào các hoạt động bảo vệ môi trường. 
- Nâng cao ý thức môi trường của dân cư; tăng cường công tác quy hoạch bảo vệ môi trường, thiết lập hệ thống thông tin, giám sát; đa dạng hóa các nguồn vốn cho bảo vệ môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đầu tư cho bảo vệ môi trường; xây dựng cơ chế, chính sách để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào các hoạt động bảo vệ môi trường. 
- Có các chế tài xử lí nghiêm đối với tất cả các tổ chức, cá nhân không tuân thủ pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện. Đồng thời có chính sách khen thưởng thích đáng đối với các cá nhân tố giác những hành vi xả thải gây ô nhiễm môi trường của các doanh nghiệp. 
- Chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp các hộ chăn nuôi trong công tác đổi mới công nghệ, đặc biệt là trong sản xuất sạch hơn. 
- Đảm bảo mức chi cho hoạt động liên quan đến công tác quản lý về môi trường môi trường hàng năm trên địa bàn huyện. 
3.2. Tăng cường nâng cao kỹ thuật, công nghệ
 - Tăng cường hợp tác với các tổ chức tư vấn trong nước và quốc tế nhằm tư vấn các giải pháp kỹ thuật, công nghệ cho các dự án ưu tiên trong đề án, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ và quy trình sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
 - Tiến hành đánh giá trình độ công nghệ hiện đang sử dụng tại các doanh nghiệp và xây dựng lộ trình đổi mới công nghệ, nhằm cải thiện chất lượng môi trường tại các cụm, khu công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thành phố.
 - Hỗ trợ việc sử dụng công nghệ mới, áp dụng sản xuất sạch hơn nhằm cải thiện môi trường nhất là tại các cơ sở sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Đưa các dự án vào thực hiện như: Hỗ trợ xây dựng công trình xử lí nước thải khu dân cư; Hỗ trợ xây dựng công trình xử lí nước thải làng nghề; Hỗ trợ hệ thống xử lí bụi, tiếng ồn, khí thải (chất thải) ở các cơ sở sản xuất làng nghề; Hỗ trợ công trình xử lí chất thải chăn nuôi bằng hầm Biogas ở hộ gia đình; ....
- Xây dựng được công nghệ xử lý phù hợp có tính khả thi đối với chất thải ngành chăn nuôi sẽ tạo điều kiện để các trang trại chăn nuôi ứng dụng và xây dựng các hệ thống xử lý chất thải góp phần bảo vệ môi trường và phát triển bền vững, tăng cường an toàn sinh học. 
3.3. Tăng cường xây dựng hệ thống thu gom rác thải
Với môi trường nông thôn, vấn đề quan trọng nhất là công tác thu gom, xử lý rác thải. Trên địa bàn các xã thuộc huyện Lộc Ninh cần phải thành lập đội vệ sinh môi trường thu gom rác thải. Cần trang bị đầy đủ trang thiết bị phục vụ cho công tác thu gom rác, quy hoạch tuyến đường thu gom, khu tập kết chất thải tạm thời. Đồng thời, tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường nông thôn, ảnh hưởng của rác thải sinh hoạt nông thôn tới môi trường chung của khu vực để người dân từ bỏ thói quen vứt rác bừa bãi.
3.4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát:
- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện bảo vệ môi trường ở các cơ sở sản xuất. Xử phạt nghiêm minh đối với những cơ sở, cá nhân gây ô nhiễm môi trường, buộc các cơ sở gây ô nhiễm phải thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm. 
- Tăng cường kiểm tra, phối hợp với Thanh tra các Sở, Bộ ngành Trung ương thanh tra việc lập báo cáo giám sát, báo cáo công tác bảo vệ môi trường. 
- Tăng cường công tác kiểm tra chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường định kỳ và đột xuất để đánh giá, cảnh báo và dự đoán nguy cơ phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường tại các doanh nghiệp, nhà máy, đơn vị sản xuất, kinh doanh. Từ đó, đề xuất biện pháp ngăn ngừa, khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường kịp thời; xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, giải quyết khiếu nại tố cáo, kiến nghị liên quan đến bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện, phòng chống tội phạm về môi trường. Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô nhiễm môi trường, nhất là các trang trại chăn nuôi tập trung; đôn đốc xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; chú trọng công tác bảo vệ môi trường khu vực nông thôn. Xây dựng hành lang bảo vệ nguồn nước, giải pháp, kế hoạch cải tạo, phục hồi nguồn nước bị ô nhiễm. 
3.5. Tăng cường năng lực cán bộ quản lý môi trường
- Tăng cường năng lực cho đội ngũ thuộc các bộ phận chuyên môn về môi trường của huyện. Việc tăng cường này cần chú trọng đào tạo nâng cao trình độ và tăng cường số lượng đội ngũ cán bộ chuyên môn có năng lực vào các cấp quản lý nhà nước về môi trường từ trung ương cho đến địa phương để áp ứng được nhu cầu trong công tác quản lý môi trường. 
- Bổ sung thêm nhân sự của phòng môi trường huyện. Hàng năm sẽ tập huấn nghiệp vụ thường xuyên cho các cán bộ quản lý môi trường, củng cố trình độ chuyên môn. 
- Đối với cấp xã, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ phụ trách môi trường. Cán bộ chuyên trách môi trường cần hạn chế kiêm nhiệm các công việc khác để tập trung vào chuyên môn. Ngoài ra, để tăng cường năng lực cho cán bộ, UBND huyện Lộc Ninh phải thuê thêm các chuyên gia về môi trường đến làm việc, tăng cường kinh nghiệm quản lý nhà nước về môi trường cho các cán bộ trong huyện.
KẾT LUẬN
Quản lý nhà nước về môi trường là một nội dung quan trọng trong chiến lược và kế hoạch phát triển bền vững của mỗi một địa phương. Nếu không đặt đúng vị trí của môi trường thì không thể đạt được mục tiêu phát triển và từng bước nâng cao đời sống của nhân dân. Thực tế cho quản lý về môi trường là một nhân tố quan trọng trong bảo đảm cho việc sử dụng các nguồn tài nguyên một cách hợp lí và luôn giữ được môi trường ở vị trí cân bằng.
Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế và toàn cầu hoá ngày nay thì sự phát triển bền vững phải dựa trên ba yếu tố cấu thành là kinh tế, xã hội và môi trường, đây là xu hướng chung của thế giới, các quốc gia châu Á và Nhà nước ta. Do vậy, từ những đánh giá về thực trạng các vấn đề môi trường, Vì vậy, việc chú trọng công tác bảo vệ là một nhu cầu cấp bách, cần thiết góp phần trong sự phát triển bền vững của huyện Lộc Ninh trong thời gian đến, đồng thời đảm bảo chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn huyện.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá công tác quản lý nhà nước về môi trường tại huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước, tiểu luận đã đề xuất các giải pháp hoàn thiện công tác này trong thời gian tới. Các giải pháp này sẽ ngăn chặn về cơ bản tốc độ gia tăng ô nhiễm môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái; đáp ứng các yêu cầu về môi trường trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình toàn cầu hoá; nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân, xây dựng huyện Lộc Ninh phát triển hài hòa kinh tế-xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 1. Đào Thị Ngân, 2018. Quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn huyện Nga Sơn, tỉnh Thanh Hóa, Luận văn thạc sĩ quản lý công, Học viện hành chính quốc gia.
 2. Lê Văn Khoa (2006), Thực hiện đồng loạt các giải pháp về môi trường, Tạp chí BVMT, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Nguyễn Đức Khiển, 2002. Quản lý môi trường, Nhà xuất bản Lao động xã hội.
4. Nguyễn Thanh Hải, Nguyễn Minh Cảnh, 2018, Bài giảng môn Luật và chính sách môi trường, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. 
5. Nguyễn Thị Hồng Ngọc, 2017. Quản lý Nhà nước về BVMT trên địa bàn huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, Luận văn thạc sĩ quản lý công, Học viện hành chính quốc gia.
6. Phan Như Thúc, Giáo trình quản lý môi trường, Khoa Xây dựng và Công nghiệp, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. 
7. Phòng TN&MT tỉnh Bình Phước, 2019. Nhiều khó khăn trong bảo vệ môi trường ở Lộc Ninh.
8. Quốc hội nước CHXHCNVN, 2014. Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.
9. Ủy ban nhân dân huyện Lộc Ninh, 2019. Báo cáo kinh tế - xã hội huyện Lộc Ninh năm 2020. 

File đính kèm:

  • docxtieu_luan_quan_ly_nha_nuoc_ve_moi_truong_tren_dia_ban_huyen.docx