Tiểu luận Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững du lịch ở Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam

doc 31 trang yenvu 09/03/2024 1810
Bạn đang xem 20 trang mẫu của tài liệu "Tiểu luận Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững du lịch ở Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững du lịch ở Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam

Tiểu luận Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững du lịch ở Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam
LỜI CAM ĐOAN
Tôi xin cam đoan đây là công trình nghiên cứu của riêng tôi. Các số liệu và kết quả nghiên cứu nêu trong bài tiểu luận là trung thực, được các tác giả cho phép sử dụng và chưa từng được công bố trong bất kì công trình nào khác.
                                                 Tam Kì, ngày 26 tháng 11 năm 2013
                                                                    Hồ Văn Phúc
LỜI CẢM ƠN
Trước tiên, tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến trường Đại Học Quảng Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho tôi học lớp Đại học Việt Nam Học khóa 11, tôi gửi lời cảm ơn đến quý thầy cô bộ môn chuyên nghành đã nhiệt tình giảng dạy tôi trong thời gian qua, qua đó tôi đã có được những kiến thức bổ ích để làm đề tài tiểu luận. Đặc biệt tôi gửi lời cảm ơn chân thành đến cô giáo, Thạc sĩ Hồ Thị Thanh Ly đã nhiệt tình hướng dẫn và đóng góp những ý kiến cho tôi thực hiện bài tiểu luận này.
Dù đã cố gắng rất nhiều nhưng không tránh khỏi những thiếu sót, mong cô và các bạn thông cảm và đóng góp ý kiến cho tôi để bài làm được hoàn thiện hơn nữa.
                                                                       Xin chân thành cảm ơn!
MỞ ĐẦU
1. Lý do chọn đề tài
Trong những năm tới đây, Việt Nam chuyển sang thời kì đẩy mạnh công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Sự nghiệp đổi mới sẽ có bước phát triển mạnh hơn, nhằm đưa nền kinh tế Việt Nam từ nền nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu thành một nước công nghiệp, có nền kinh tế hiện đại với cơ cấu công nghiệp – nông nghiệp – dịch vụ hợp lí, trong đó công nghiệp và dịch vụ ngày một chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc dân. Với đặc điểm là một ngành kinh tế tổng hợp, mang tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, với hiệu quả nhiều mặt; lại được xác định có vai trò ngành kinh tế mũi nhọn, nên ngành du lịch phải đẩy mạnh tốc độ phát triển nhanh hơn và bền vững. Để đạt được mục tiêu đề ra, một trong những nhiệm vụ trước mắt mà ngành du lịch phải thực hiện đó là kích thích việc đa dạng hóa các loại hình du lịch trong nước, đặc biệt là loại hình du lịch biển, đảo.
	Trong đó, Cù Lao Chàm là cụm đảo hiện nay thuộc tỉnh Quảng Nam một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới đang có rất nhiều tiềm năng về khai thác du lịch. Nhận thức được tiềm năng và tầm quan trọng của việc phát triển du lịch bền vững ở đây, nên tôi đã chọn đề tài này và bài viết của tôi chủ yếu tập trung vào tìm hiểu: “Thực trạng và giải pháp phát triển bền vững du lịch ở Cù Lao Chàm, tỉnh Quảng Nam”
2. Mục đích nghiên cứu
            Nhằm tìm ra những tiềm năng, thực trạng du lịch ở Cù Lao Chàm để đưa ra nhưng giải pháp phát triển ngành du lịch ở đây mang màu sắc riêng, phong phú, đa dạng và bền vững hơn. 
3. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu
1. Đối tượng nghiên cứu
            Cụm đảo Cù Lao Chàm, ban quản lí về cụm đảo, người dân bản địa và khách du lịch đến nơi đây.
2. Phạm vi nghiên cứu
            Bài nghiên cứu này chỉ thực hiện trong khu vực đảo Cù Lao Chàm và các vùng phụ cận có ảnh hưởng đến nơi đây.
	Nghiên cứu lượng khách du lịch đến với Cù Lao Chàm trong thời gian từ năm 2009 đến năm 2013.	 
4. Phương pháp nghiên cứu
Để thực hiện đề tài, tôi đã sử dụng các phương pháp sau đây:
4.1. Phương pháp quan sát
            Quan sát về môi trường cũng như việc làm du lịch của ban quản lí và người dân nơi đây.
            Quan sát lượt khách du lịch đến và đi ở Cù Lao Chàm
4.2. Phương pháp điều tra, phỏng vấn
            Lập các câu hỏi phỏng vấn nhằm thu thập tài liệu để thực hiện bài tiểu luận này.           
4.3. Phương pháp thực nghiệm tự nhiên
            Tham gia vào một chuyến đi đến Cù Lao Chàm để biết thêm về nơi đây, đồng thời thu thập thêm tài liệu trong chuyến đi.
4.4. Phương pháp thu thập tài liệu
            Phân tích và thu thập tài liệu từ báo chí, internet, thực tếnhằm làm cho bài tiểu luận hoàn thiện hơn.
NỘI DUNG
CHƯƠNG 1. CƠ SỞ LÍ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
1.1. Khái niệm về du lịch
	Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định với mục đích giải trí, công vụ hoặc những mục đích khác ngoài mục đích kiếm tiền.(Theo luật du lịch Việt Nam ban hành năm 2005, tại điều 4, chương I)
Ngoài ra, Du lịch còn có thể được hiểu là :
 + Sự di chuyển và lưu trú qua đêm tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú nhằm mục đích phục hồi sức khoẻ, nâng cao nhận thức về thế giới xung quanh, có hoặc không kèm theo việc tiêu thụ một số giá trị tự nhiên, kinh tế, văn hoá và dịch vụ do các cơ sở chuyên nghiệp cung ứng.
 + Một lĩnh vực kinh doanh các dịch vụ nhằm thoả mãn nhu cầu nảy sinh trong quá trình di chuyển và lưu trú qua đêm tạm thời trong thời gian rảnh rỗi của cá nhân hay tập thể ngoài nơi cư trú với mục đích phục hồi sức khoẻ, nâng cao nhận thức tại chỗ về thế giới xung quanh.
 Việc phân định rõ ràng hai nội dung cơ bản của khái niệm có ý nghĩa góp phần thúc đẩy sự phát triển của du lịch. Du lịch không chỉ là một ngành kinh tế mà nó còn là một hiện tượng xã hội. Chính vì vậy toàn xã hội phải có trách nhiệm đóng góp, hỗ trợ, đầu tư cho du lịch phát triển như đối với giáo dục, thể thao hoặc một lĩnh vực văn hoá khác.
1.2. Khái niệm về du lịch bền vững
 Du lịch bền vững là khái niệm mới xuất hiện trên cơ sở cải tiến, nâng cấp và hoàn thiện khái niệm du lịch của những năm 90 và thực sự được mọi người quan tâm trong những năm gần đây. Hội đồng du lịch và lữ hành quốc tế (WTTC) cho rằng: “Du lịch bền vững là việc đáp ứng các nhu cầu hiện tại của du khách và vùng du lịch mà vẫn đảm bảo những khả năng đáp ứng nhu cầu cho các thế hệ du lịch tương lai”. Khái niệm này chỉ ra rằng mội hoạt động du lịch ở hiện tại không được xâm phạm đến lợi ích của thế hệ tương lai và phải luôn tôn trọng đảm bảo duy trì hoạt động ấy một cách liên tục và lâu dài.
 Theo định nghĩa mới của tổ chức Du lịch thế giới (WTO) đưa ra tại hội nghị về môi trường và phát triển của Liên hợp quốc tại Rio de Janerio năm 1992: “Du lịch bền vững là việc phát triển các hoạt động du lịch nhằm đáp ứng các nhu cầu hiện tại của khách du lịch và người dân bản địa trong khi vẫn quan tâm đến việc bảo tồn và tôn tạo các nguồn tài nguyên cho việc phát triển hoạt động du lịch trong tương lai. Du lịch bền vững sẽ có kế hoạch quản lý các nguồn tài nguyên nhằm thoả mãn các nhu cầu về kinh tế, xã hội, thẩm mỹ của con người trong khi đó vẫn duy trì được sự toàn vẹn về văn hoá, đa dạng về sinh học, sự phát triển của các hệ sinh thái và các hệ thống hỗ trợ cho cuộc sống của con người”. Trong định nghĩa mới này thì du lịch đã được hiểu một cách đầy đủ hơn nó được xem xét trên cả ba lĩnh vực kinh tế - xã hội - môi trường.
 Và mới đây hội nghị Bộ trưởng du lịch các nước Đông Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Việt Nam đã đưa ra quan điểm về du lịch bền vững đó là: “ Các hình thức du lịch đáp ứng nhu cầu hiện tại của du khách, ngành du lịch và cộng đồng địa phương nhưng không ảnh hưởng tới khả năng đáp ứng nhu cầu của thế hệ mai sau, du lịch khả thi về kinh tế nhưng không phá huỷ môi trường mà tương lai của du lịch phụ thuộc vào đó, đặc biệt là môi trường tự nhiên và kết cấu xã hội của cộng đồng địa phương”.
 Tóm lại: phát triển du lịch bền vững là một vấn đề không thể thiếu được trong quá trình đi lên của đất nước nói chung và của ngành du lịch nói riêng. Tuy nhiên bảo vệ và cải thiện môi trường phải được coi là yếu tố không thể tách rời của quá trình phát triển.
1.3. Nội dung phát triển du lịch bền vững
	Như chúng ta đã biết, thì để phát triển được du lịch bền vững cần phải đạt được các nội dung căn bản sau đây:
Khai thác và sử dụng nguồn lực (tài nguyên) một cách bền vững, bao gồm cả tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn. Đó được coi là nền tảng cơ bản nhất để duy trì phát triển du lịch lâu dài.
Giảm thiểu tiêu thụ quá mức tài nguyên và giảm thiểu chất thải. Thực hiện nguyên tắc này nhằm giảm chi phí khôi phục tài nguyên và giảm chi phí cho việc xử lý ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch.
Duy trì tính đa dạng tự nhiên, đa dạng xã hội và đa dạng văn hoá. Việc duy trì tính đa dạng sẽ tạo cho sức bật cho ngành du lịch giúp du lịch phát triển một cách bền vững.
 Đảm bảo lợi ích nhiều mặt của công đồng dân cư địa phương. Tăng thu nhập cho địa phương. Du lịch được coi là một ngành tổng hợp vì vậy sự phát triển của du lịch có liên quan mật thiết với các ngành kinh tế khác trong đó có cả kinh tế địa phương vì vậy muốn phát triển bền vững du lịch thì du lịch phải có vai trò hỗ trợ, dẫn dắt kinh tế địa phương phát triển.
  Phải có trách nhiệm về phát triển du lịch hôm nay và cả mai sau. Vì vậy du lịch bền vững đồng nghĩa với du lịch trách nhiệm.
Lôi kéo sự tham gia của cộng đồng địa phương. Sự tham gia của cộng đồng địa phương không chỉ đem lợi nhuận cho cộng đồng mà còn làm tăng tính trách nhiệm của cộng đồng trong việc phát triển du lịch và bảo vệ môi trường.
Chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực. Như chúng ta đã biết nguồn nhân lực phục vụ du lịch có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Nguồn nhân lực có chất lượng sẽ giúp cho du lịch phát triển đa dạng và bền vững hơn.
 Tóm lại, muốn du lịch phát triển bền vững thì nhất thiết phải tôn trọng các nội dung cơ bản trên để không tổn hại đến môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế, và môi trường xã hội. Du lịch bền vững sẽ tác động tích cực đến đời sống xã hội và kinh tế. Du lịch thực sự đóng vai trò quan trọng và là ngành mũi nhọn chỉ khi nó được phát triển một cách bền vững. Mặt khác cần triển khai các nguyên tắc trên trong toàn bộ hệ thống của nền kinh tế xã hội thì khi đó mới đem lại hiệu quả cao, hiệu quả tốt nhất.
1.4. Các tiêu chí đánh giá phát triển du lịch bền vững
	Để đánh giá thước đo về du lịch bền vững cần phải đánh giá trên ba mặt đó là: bền vững về mặt kinh tế, bền vững về mặt xã hội và bền vững về mặt môi trường.
	Bền vững về mặt kinh tế là phát triển kinh tế nhanh và ổn định trong một thời gian dài. Tăng trưởng nhanh chưa chắc đã có được phát triển bền vững về mặt kinh tế. Vì thế chúng ta phải luôn duy trì một tốc độ tăng trưởng ổn định hợp lý và lâu dài không nên chỉ chú trọng và nhấn mạnh vào tăng trưởng kinh tế nhanh.
	Bền vững về mặt môi trường: Môi trường sống có ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống và sự phát triển của mỗi cá thể và của cộng đồng, nó bao gồm toàn bộ các điều kiện vật lý, hoá học, sinh học...và xã hội bao quanh. Bền vững về mặt môi trường là ở đó con người có cuộc sống chất lượng cao dựa trên nền tảng sinh thái bền vững.
 Bền vững về xã hội: Tính bền vững đó phải mang tính nhân văn hay nói một cách khác là phải đem lại phúc lợi và chia sẻ công bằng cho mọi công bằng cho mọi cá nhân trong xã hội. Phát triển phải được gắn liền với một xã hội ổn định, hoà bình, mở rộng và nâng cao năng lực lựa chọn cho mọi người cùng với đó là việc nâng cao sự tham gia của cộng đồng vào quá trình phát triển.
 Cũng như tăng trưởn kinh tế, phát triển bền vững có thước đo riêng và rất đặc trưng. Tuy nhiên hệ thống thước đo này rất phức tạp và nhiều thước đo rất khó xác định vì chúng phải đánh giá trên cả 3 phương diện kinh tế - xã hội - môi trường.
 Về mặt kinh tế, tính bền vững thể hiện ở các chỉ số như: tổng sản phẩm trong nước (GDP), tổng sản phẩm quốc gia (GNP), cơ cấu GDP và GNP, GDP/người, GNP/người.... Theo tiêu chuẩn quốc tế thì chỉ tiêu GDP/người phải ở mức 5% mới được coi là phát triển bền vững và cơ cấu GDP mạnh là cơ cấu có tỷ lệ đóng góp của công nghiệp và dịch vụ trong cơ cấu phải cao hơn tỷ lệ đóng góp của nông nghiệp trong cơ cấu.
 Về mặt xã hội, có các chỉ tiêu đánh giá như: chỉ số phát triển con người (HDI), hệ số bất bình đẳng thu nhập, giáo dục, y tế, văn hoá...HDI là chỉ tiêu đánh giá tổng hợp sự phát triển của con người vì vậy muốn phát triển bền vững thì yêu cầu đặt ra đối với chỉ tiêu này là phải tăng trưởng và đạt đến mức trung bình. Chỉ số bình đẳng trong phân phối thu nhập cũng là một trong số các chỉ tiêu quan trọng trong phát triển bền vững vì bất bình đẳng trong phân phối thu nhập cũng là nguyên nhân gây ra những xung đột, bất ổn trong xã hội.
 Về mặt môi trường các chỉ tiêu đánh giá như : mức độ ô nhiễm (không khí, nguồn nước...), mức độ che phủ rừng.... là những chỉ tiêu quan trọng trong đánh giá tính bền vững của môi trường. Môi trường bền vững là môi trương luôn thay đổi nhưng vẫn làm tròn ba chức năng : là không gian sinh tồn ; là nơi cung cấp nguồn tài nguyên cần thiết cho cuộc sống và hoạt động sản suất của con người ; là nơi chứa đựng, xử lý chất thải.
 Ngoài ra còn phải quan tâm đến vấn đề bình đẳng giới; các chỉ tiêu về giáo dục: tỷ lệ biết chữ, tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi, tỷ lệ học trung học, đại học,... các chỉ tiêu về hoạt động văn hoá khác.
1.5. Các yếu tố tác động đến phát triển du lịch bền vững
 Nguồn tài nguyên du lịch
 Tài nguyên du lịch là cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử, di tích cách mạng, giá trị nhân văn, công trình lao động sáng tạo của con người có thể được sử dụng nhằm thoả mãn nhu cầu du lịch; là yếu tố cơ bản để hình thành các điểm du lịch, khu du lịch nhằm tạo lập ra sự hấp dẫn du khách.
 Tài nguyên du lịch bao gồm hai nhóm: Tài nguyên du lịch nhân văn và tài nguyên du lịch thiên nhiên.
 Tài nguyên du lịch thiên nhiên như: đất, nước, khí hậu, sinh vật, khoáng sản,...tạo thành cảnh quan, các dạng địa hình, đóng vai trò quan trọng trong quá trình thu hút du khách, giúp du lịch phát triển.
 Tài nguyên nhân văn gồm: hệ thống các di tích lịch sử, di tích văn hoá, phong tục tập quán, lễ hội... là yếu tố cơ bản để phát triển du lịch.
Cơ sở vật chất kỹ thuật và thiết bị hạ tầng
 Cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị hạ tầng là vấn đề không thể thiếu được, là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch và nó có ảnh hưởng lớn đến việc thu hút khách du lịch đến với địa điểm du lịch nó bao gồm:
 Mạng lưới giao thông vận tải: là nhân tố quyết định đến việc phát triển du lịch cũng như khai thác những tiềm năng du lịch của địa phương. Mạng lưới giao thông thuận lợi mới thu hút được du khách đến với địa điểm du lịch.
 Mạng lưới thông tin liên lạc và internet: Giúp trao đổi thông tin, tìm kiếm dễ dàng các điểm du lịch mà mình thích từ đó lên kế hoạch cho chuyến đi giúp chuyến đi được thuận lợi. Mặt khác nhờ có mạng lưới thông tin và internet sẽ giúp liên kết trong các doanh nghiệp du lịch với nhau, trao đổi kinh nghiệm và cùng nhau phát triển.
 Cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch: Bao gồm trang thiết bị, phương tiện, cơ sở cần thiết để đón tiếp khách du lịch, nơi lưu trú cho khách du lịch, khu vui chơi giải trí..là yếu tố quan trọng để thoả mãn nhu cầu nghỉ ngơi cũng như nhu cầu giải trí của du khách từ đó thu hút được nhiều khách du lịch hơn.
Đào tạo lao động chuyên ngành du lịch (yếu tố con người)
 Là yếu tố quan trọng trong sự phát triển của du lịch. Chất lượng công tác kinh doanh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ việc sử dụng lao động có chất lượng hay không bởi vì lao động làm việc trong du lịch không những thực hiện công tác chuyên môn về du lịch của mình hộ còn thực hiện nhiêm vụ quan trọng là trao đổi văn hoá, giao tiếp với du khách tạo cho du khách có cảm giác hứng khởi trong lúc du lịch.
Đường lối chính sách phát triển du lịch
 Là nhân tố ảnh hưởng lớn đến việc phát triển du lịch, với một đường lối chính sách nhất định có thể kìm hãm hay thúc đẩy du lịch phát triển. Đường lối phát triển du lịch nằm trong đường lối phát triển chung , đường lối phát triển kinh tế - xã hội vì vậy phát triển du lịch cũng là đang thực hiện sự phát triển chung của xã hội.
Môi trường du lịch
Thực tế cho thấy phát triển du lịch thường đi kèm với những tác động tiêu cực đến môi trường. Nếu trong quá trình phát triển, các tác động tiêu cực đến môi trường không được liệt kê thông qua những biện pháp bảo vệ môi trường quản lý hữu hiệu thì hậu quả sẽ dẫn tới suy thoái môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển du lịch bền vững. Do vậy, trong quá trình phát triển du lịch phải lồng ghép các yêu cầu và giải pháp về bảo vệ môi trường, ngay từ khâu lập quy hoạch, xây dựng các chiến lược phát triển đến triển khai các dự án, thiết kế các sản phẩm du lịch cụ thể. 
Tham gia của cộng đồng
 Sự tham gia của cộng đồng dân cư vào các hoạt động du lịch làm cho du lịch phát triển bền vững hơn. Sự tham gia của cộng đồng dân cư không những tạo thu nhập cho cộng đồng dân cư mà còn tăng tính trách nhiệm trong việc phát triển du lịch. Việc tham gia này là hết sức cần thiết và không thể thiếu được.
 Trên đây chỉ là một số yếu tố chủ yếu để phát triển du lịch ở mỗi địa phương. Tuỳ thuộc vào mỗi địa phương mà có những yếu tố khác đặc trưng riêng. Tuy nhiên các yếu tố này không tách rời nhau mà kết hợp lại với nhau thành một khối thống nhất tạo nên sức mạnh cho việc phát triển du lịch thành công.
CHƯƠNG 2. THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN DU LỊCH BỀN VỮNG Ở CÙ LAO CHÀM
2.1. Giới thiệu tổng quan về Cù Lao Chàm
2.1.1. Tên gọi và vị trí địa lí
Tên gọi cù lao Chàm đã xuất hiện cách nay đã hàng mấy trăm năm, và tên gọi xã Tân Hiệp (thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam hiện nay) có nguồn từ chữ Tân Hợp dưới triều Nguyễn. Trong dân gian, người dân vùng ven biển ở Quảng Nam nói gọn là Lao.
Cù Lao Chàm nằm ở toạ độ 15o15'20'' đến 15o15'15'' vĩ độ bắc và 180o23'10'' kinh độ đông; là một cụm gồm 07 hòn đảo lớn, nhỏ (Hòn Lao, Hòn Mồ, Hòn La, Hòn Dài, Hòn Tai, Hòn Khô và Hòn Ông) trải rộng trên một diện tích không gian khoảng 15km2. Dân số trên các hòn đảo này gồm khoảng 3000 người, trong đó Hòn Lao có diện tích lớn nhất và chiếm dân cư nhiều nhất trong toàn vùng. Cù Lao Chàm cách bờ biển Cửa Đại 15km về phía đông, cách thị xã Hội An 19km về phía đông-đông bắc và đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới. Về mặt hành chính, hiện nay Cù Lao Chàm là xã đảo Tân Hiệp thuộc thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Diện tích đất ở và canh tác không rộng, song do vị thế và những điều kiện tài nguyên rừng, biển và nguồn nước ngọt phong phú, Cù Lao Chàm ngay từ thời tiền sử đã được chọn làm nơi tụ cư, sinh sống của con người. Mặt khác cũng do vị trí tiền tiêu và như tấm bình phong che chắn, Cù Lao Chàm luôn gắn bó hữu cơ với đất liền. Cùng với Cửa Đại- Hội An, Trà Kiệu và Mỹ Sơn theo trục sông Thu Bồn tạo nên thế liên hoàn của chuỗi văn hoá trong những giai đoạn cực thịnh của văn minh Champa.
Cù lao Chàm là một di tích văn hoá lịch sử gắn với sự hình thành và phát triển của đô thị thương cảng Hội An. Bản đồ Tây - phương xưa thường ghi Cù lao Chàm với tên "Champello" lấy từ tiếng Nam-Ấn (Autronesian) "Pulau Champa". Cù lao Chàm còn có các tên gọi khác như Puliciam, Chiêm Bất Lao, Tiên Bích La. Tại đây còn nhiều di tích thuộc các nền văn hoá Sa Huỳnh, Chăm Pa, Đại Việt, với các công trình kiến trúc cổ của người Chăm và người Việt có niên đại vài trăm năm.
Tháng 10 năm 2003, Khu Bảo tồn thiên nhiên Cù Lao Chàm được thành lập để giữ gìn sinh vật hoang dã trên đảo, là 1 trong 15 Khu Bảo tồn biển của Việt Nam vào thời điểm 2007. Ngày 29.5.2009, với hệ động thực vật phong phú và những di tích lịch sử hàng trăm năm trước, Cù Lao Chàm được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới trong phiên họp thứ 21 của Ủy ban Điều phối quốc tế chương trình con người và sinh quyển diễn ra tại đảo Jeju (Hàn Quốc).
Với vị trí địa lí như vậy, đã tạo cho Cù Lao Chàm một vị trí quan trọng cả về mặt kinh tế, chính trị và quốc tế.
2.1.2. Điều kiện tự nhiên
Cù Lao Chàm - cách Cửa Đại 19km về hướng đông - đông bắc,thuộc vùng khí hậu có nền nhiệt độ đồng đều, nhiệt độ trung bình năm khoảng 26oC, không có gió tây nam khô nóng. Mưa tương đối ít và điều hoà, ít có sương mù, độ ẩm trung bình 80 - 90%. Vào các tháng 8, 9, 10 hàng năm, chịu ảnh hưởng nặng của áp thấp nhiệt đới và bão.
 2.2. Tiềm năng của xã đảo Tân Hiệp – Cù Lao Chàm
 2.2.1. Vẻ đẹp Cù Lao Chàm
Cù lao Chàm có khí hậu quanh năm mát mẻ, hệ động thực vật phong phú, đặc biệt là nguồn hải sản và nguồn tài nguyên yến sào. Các rạn san hô ở khu vực biển cù lao Chàm cũng được các nhà khoa học đánh giá cao và được đưa vào danh sách bảo vệ. Du khách đến với cù lao Chàm sẽ trải qua những giờ phút thú vị, bồng bềnh trên sông nước. Từ phố cổ Hội An theo thuyền du lịch qua những xóm làng dọc theo sông Thu Bồn rồi ra Cửa Đại thơ mộng sẽ thấy cù lao Chàm ẩn hiện phía xa xa với một vẻ đẹp lung linh huyền ảo.
Nhờ những điều kiện thuận lợi mà thiên nhiên ban tặng nên hệ động thực vật trên đảo khá phong phú, đa dạng. Rừng Cù lao Chàm có nhiều loại lâm sản quý như gõ, kiền kiền, dẻ, chua, mây, song, dâu, sim; các loại dược liệu quý hiếm như mã tiền, sơn máu, ối tím, ngũ gia bì. Quý khách đến đây sẽ được tận hưởng một không gian hoàn toàn mới lạ và những phút giây cực kỳ thú vị. Núi ở đây như một dải đất mẹ cù lao. Sườn phía đông, đá tảng dốc đứng hiểm trở, kéo dài tới sườn tây, dốc thoải bao bọc cù lao. Phía dưới là âu tàu luôn có vài chục tàu neo đậu. Đặc biệt, trên Cù Lao Chàm còn có nhiều bãi tắm tự nhiên rất đẹp như: Bãi Ông, Bãi Chồng, Bãi Xếp...
2.2.2. Thảm thực vật và động vật đa dạng, phong phú
Khi men theo những con đường mòn leo lên sườn núi, trên những lùm cây lá thấp là rừng xanh cây lá rộng nhiệt đới phân bố từ độ cao 50 – 500m, có nhiều loại gỗ quý như gõ biển, huỷnh, lim xẹt và vô vàn chủng loại lâm sản như song, mây, cây làm thuốc. Thú vị nhất là nhiều loại phong lan nở hoa quanh năm với loài huyết nhung tía. Ở sườn đồi phía đông của đảo, do địa hình dốc vẫn tồn tại thảm thực vật cây bụi và những trảng cỏ với nhiều loại đặc trưng như sến đất, huyết giác và cỏ cứng.
Theo kết quả nghiên cứu của Đại học Khoa học tự nhiên – Hà Nội, tại Cù lao Chàm có nhiều loại cây cảnh rất đẹp đã sống vài ba trăm năm với hình dạng lạ mắt. Bạn có thể đi dạo, nghỉ ngơi, ngồi bên con Suối Tình ngắm dòng nước chảy hay trông thấy những cây tuế cao 2 – 3m mọc nhiều trên đảo Hòn Dài, chiêm ngưỡng dáng vẻ kỳ lạ của cây vông nem đường kính gần 2m, có bạnh lớn – một loài đa rễ bám vào tảng đá hoặc quấn quanh thân gỗ khác. Đây là hiện tượng mà giới chuyên môn gọi là “bóp cổ”.
           Thảm thực vật có độ bao phủ lớn chính là nơi cư trú của nhiều loại động vật. Hiện Cù lao Chàm có 12 loài thú, 13 loài chim, 130 loài bò sát và 5 loài ếch nhái. Trong đó có 2 loài được ghi vào Sách đỏ động vật Việt Nam là chim yến và khỉ đuôi dài. Đối với cư dân cù lao, những chú khỉ đuôi dài tinh nghịch xuống tận bờ đá giáp với mặt nước biển vào mỗi sớm chiều đã trở thành nếp sinh hoạt thường nhật. Nhiều người kể rằng, chúng khoái chí ném đá ra biển và hét toáng lên khi thấy tàu thuyền đi ngang.
Trên 8 hòn đảo nhỏ, mỗi nơi có mỗi điều kỳ thú khác. Tuy nhiên, chỉ cần đi theo con đường nhựa cấp phối quanh lưng đảo Hòn Lao, bạn không chỉ tận hưởng trời nước mênh mông mà còn khám phá thế giới tự nhiên vô cùng đa dạng, phong phú. Cù lao Chàm luôn là điểm đến lý thú cho những ai yêu thích vùng sinh thái biển mà thiên nhiên nơi đây ban tặng.
2.2.3. Đặc sản ở Cù Lao Chàm
Nơi đây, không chỉ là không gian biển đảo với nhiều điểm du lịch hấp dẫn mà còn có nhiều sản vật từ rừng đến biển như các loại rau rừng, cua đá, các loài tôm cá và nhiều loại hải sản khác. Những ngày trời đẹp, đến với Cù Lao Chàm, du khách sẽ được “thưởng thức” với món mực một nắng ngon tuyệt vời. Cách chế biến mực một nắng rất đơn giản. Mực tươi rửa sạch rồi trải trên vỉ đem phơi. Sau gần một ngày được nắng và gió biển hong ráo bớt nước, mực vừa se se khô rồi đem nướng lửa than hồng. Nướng vừa chín tới thì dùng tay vừa thổi vừa xé, chấm tương ớt bỏ vào miệng để nghe hương vị biển cả hòa quyện trong lát mực.
Ngoài ra, nơi đây còn có một đặc sản chế biến từ con ốc Vú Nàng vào mùa trăng tròn. Bởi đơn giản vào mùa trăng tròn ốc Vú Nàng mới xuất hiện nhiều.Vì số lượng có hạn, nên dân bắt ốc chuyên nghiệp phải ngâm mình dưới nước hàng giờ, dùng đèn soi rọi vào tận kẽ đá, dùng mũi dao nhọn tách từng con ốc đang bám chặt vào thành đá. Thưởng thức từng con ốc giòn giòn, ngòn ngọt mới hiểu hết kỳ công của người đi bắt ốc. Người dân xứ biển có thể chế biến ốc Vú Nàng thành nhiều món như: món luộc, món nướng, món gỏi. Không quá béo như thịt, không quá dai như sò, nghêu, không nhỏ như hàu và có hương vị đậm đà khó quên, ốc Vú Nàng được xem là loài ốc quý trong danh mục ốc xứ Quảng.
2.2.4. Các điểm hấp dẫn ở Cù Lao Chàm
Trên đất Cù Lao Chàm hiện còn tồn tại khá nhiều các di tích tôn giáo - tín ngưỡng được xây dựng qua các thời kỳ lịch sử. Đặc biệt, trong số đó có những công trình mang nhiều giá trị lịch sử - văn hóa và đã được Bộ Văn Hóa - Thông Tin chính thức ra quyết định công nhận là di tích cấp quốc gia.
Lăng Tiền Hiền: tọa lạc tại xóm giữa, thôn Bãi Làng. Được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ thứ 18 - đầu thế kỷ 19. Đây là một di tích không những có vai trò quan trọng trong hệ thống các di tích tín ngưỡng của các cư dân trên đảo Cù Lao Chàm mà còn là một bằng chứng quan trọng trong việc nghiên cứu về quá trình định cư, khai hoang khẩn hóa, ổn định cuộc sống và làm sáng tỏ tập tục tôn giáo tín ngưỡng của cư dân trên đảo Cù Lao Chàm xưa. Đồng thời góp phần làm phong phú hệ thống các công trình kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng trong quần thể các di tích tôn giáo tín ngưỡng ở Tân Hiệp nói riêng và Hội An nói chung.
          Miếu tổ nghề Yến: Di tích được xây dựng trên một gò cát khá cao thuộc Bãi Hương Cù Lao Chàm, mặt tiền xoay ra hướng biển theo hướng Tây - Tây Bắc nhìn vào đất liền. Đây là một công trình kiến trúc tín ngưỡng thờ cúng Tổ nghề, một nghề khá đặc biệt ở Quảng Nam nói riêng, cả nước nói chung. Di tích nằm trên cụm đảo Cù Lao Chàm góp phần tôn thêm sự phong phú về điểm tham quan du lịch, nơi vừa có cảnh quan thiên nhiên vừa có di tích kiến trúc lịch sử văn hóa.
Chùa Hải Tạng: là một ngôi chùa làng “quy mô nhất”, toạ lạc tại thôn Bãi Làng. Theo văn bia hiện đang lưu giữ tại chùa cho biết, vào năm Cảnh Hưng thứ 19 (1758) chùa được dựng tại vị trí khác, cách vị trí hiện nay khoảng 200m về phía Đông Bắc. Nhưng do bị mưa bão làm hư hại nên vào năm Tự Đức nguyên niên (1848) chùa được dời về xây dựng lại trên địa điểm hiện nay. Ngôi chùa đã đóng vai trò điển hình về loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật trên đất Cù Lao nói riêng, cả Hội An nói chung. Ngoài ra, ngôi chùa còn là một bằng chứng quý giá cho việc nghiên cứu về loại hình kiến trúc, tôn giáo - tín ngưỡng. Đây còn là một địa điểm tham quan lý tưởng cho du khách khi bước chân đến Cù Lao Chàm.
 Lăng Ông Ngư: Lăng nằm giữa khu dân cư theo hướng Tây Nam, cách bờ biển chừng 10m để thờ cá Ông - vị thần bảo trợ cho những người đi biển. Di tích đã góp phần minh chứng cho sự đa dạng phong phú sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cư dân địa phương, là bằng chứng về loại hình di tích tín ngưỡng của cư dân làm nghề sông nước tại Hội An nói chung, Tân Hiệp nói riêng.
           Giếng xóm Cấm: Di tích là công trình kiến trúc quan trọng phục vụ đời sống cư dân trên đảo. Xưa kia ngư dân, thương nhân đi thuyền từ nơi khác đến cập bến Cù Lao Chàm lấy nước ngọt để đảm bảo cho nhu cầu sinh hoạt của họ trên những chặn hành trình tiếp theo, qua đó thể hiện mối giao lưu mạnh mẽ của cư dân trên đảo với thương dân, ngư dân bên ngoài. Di tích đã cung cấp nhiều thông tin cần thiết để hiểu rõ hơn sinh hoạt văn hóa của cư dân địa phương, quá trình phát triển làng xã cũng như vai trò, vị trí Cù Lao Chàm trên chặng đường giao thương hàng hải ven biển Đông trước đây. Kỹ thuật xây dựng giếng là nguồn tư liệu quan trọng góp phần làm rõ thêm kỹ thuật xây dựng giếng Chăm ở Hội An cũng như sự kế thừa kinh nghiệm xây dựng giếng của cư dân Việt tại đảo.
            Di chỉ Bãi Làng: Dựa vào vị trí địa lý và hiện vật phát hiện tại di tích cho thấy địa điểm Bãi Làng là di chỉ cư trú của cư dân Champa vào thế kỷ VII - X sau công nguyên và có đời sống khá phát triển. Nhiều ngành nghề được hình thành và phát triển như khai thác lâm, hải sản, sản xuất gốm, thủy tinh. Qua nhiều hiện vật gốm, sành Trung Hoa, Islam và thủy tinh Islam được phát hiện trong di tích Bãi Làng cho thấy vị trí quan trọng của hải đảo Cù Lao Chàm trên con đường hàng hải quốc tế. Nơi đây chắc chắn có sự dừng chân trao đổi của các thương thuyền Trung Quốc, Trung Đông. Qua đó, cho thấy cư dân cổ Bãi Làng đã sớm có những hoạt động giao lưu thương mại với các  thương nhân nước ngoài.
Di chỉ Bãi Ông: Địa điểm khai quật khảo cổ nằm trên một cồn cát sát chân núi. Qua các hiện vật thu thập được từ hố khai quật cho thấy đây là di tích có niên đại sớm nhất được phát hiện ở Hội An từ trước đến nay. Di tích đã góp phần làm rõ thêm vai trò của Cù Lao Chàm trong thời kỳ Tiền - Sơ sử ở Hội An. Đồng thời chứng minh cư dân Sa huỳnh cư trú liên tiếp ở Hội An từ Sơ kỳ đến hậu kỳ Văn hóa Sa Huỳnh. 
Hiện nay, các di tích này không những góp phần trong việc làm phong phú, đa dạng hệ thống di tích trên vùng đảo mà còn là những trọng điểm thu hút du khách đến tham quan, thưởng ngoạn.
2.3. Tình hình khách đến Cù Lao Chàm qua các năm
Lượng khách tham quan Cù  Lao Chàm tăng đột biến nhiều năm nay. Nếu như năm 2009 chỉ có khoảng 33.599 lượt khách đến thì năm 2013 đã tăng vọt lên khoảng 171.500 lượt khách tham quan.
Trong đó, lượng khách du lịch quốc tế chiếm gần 30% trong tổng số lượng khách qua các năm, còn lại là khách du lịch nội địa. Như năm 2012 trong 105.047 lượt khách thì đã có 27.085 lượt khách du lịch quốc tế và 77.989 lượt khách nội địa. Điều đó chứng tỏ Cù Lao Chàm là một điểm đến hấp dẫn mà cả khách trong và ngoài nước muốn đến. 
Bảng số 1: Thể hiện lượt khách du lịch đến Cù Lao Chàm từ năm 2009 đến năm 2013
 Đơn vị: Lượt khách	
Năm
2009
2010
2011
2012
2013
Tổng lượng khách
33.599
54.769
78.909
105.074
171.500
Khách Quốc tế
8.123
15.815
9.910
27.085
47.100
Khách Nội địa
25.476
38.954
68.999
77.989
124.400
(Nguồn: Sở văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam)
	Dưới đây là biểu đồ thể hiện tổng lượt khách du lịch đến Cù Lao Chàm qua các năm, từ năm 2009 đến năm 2013:
Biểu đồ 2: Tình hình khách đến Cù Lao Chàm từ năm 2009-2012
Thông qua bảng số liệu và biểu đồ ở trên ta thấy được tổng lượt khách du lịch đến Cù Lao Chàm tăng đều qua các năm. Số lượng khách tăng nhanh đã đẩy áp lực mạnh mẽ lên việc bảo tồn khu dự trữ sinh quyển này. Như vậy, việc phát triển du lịch ở Cù Lao Chàm cần phải kết hợp với việc bảo tồn và tôn tạo nơi đây thành một điểm du lịch hấp dẫn và bền vững nhất.
2.4. Việc làm du lịch củ ban quản lí khu bảo tồn và người dân nơi đây (nêu cụ thể hơn nữa)
Theo đánh giá của ban điều hành dự án, vấn đề nổi cộm nhất tại Cù lao Chàm là sự xâm hại, tác động gián tiếp hoặc trực tiếp của con người vào các nguồn tài nguyên biển thông qua các hoạt động khai thác quá mức, nạn ô nhiễm môi trường...
Trong khi nhận thức, thái độ và trách nhiệm của chính quyền, người dân khi ứng xử với môi trường biển vẫn còn nhiều hạn chế. Các mục tiêu, giải pháp khi đi vào thực tế luôn vấp phải khó khăn do cơ chế chung chưa rõ ràng, kinh phí chủ yếu dựa vào nguồn viện trợ, trình độ cán bộ còn hạn chế, kinh nghiệm tổ chức thực hiện chưa nhiều trước tính chất mới mẻ của công việc.
2.5. Cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch
2.5.1. Phương tiện đến Cù Lao Chàm
            Hạn chế lớn nhất của Cù Lao Chàm trong việc thu hút du khách là vấn đề giao thông. Hện nay vấn đề giao thông nối liền giữa đảo với đất liền vẫn gặp  khó khăn. Phương tiện duy nhất ra đảo là tàu cao tốc hay còn gọi là ca nô và tàu gỗ của ngư dân. Tuy nhiên, cứ vào mùa mưa hoặc những ngày biển động thì các loại tàu này không thể đi lại được. Những khó khăn này dù khá “cũ” đối với Cù Lao Chàm nhưng không dễ giải quyết.  Tiềm năng lớn nhưng thách thức cũng không nhỏ, để phát triển bền vững Cù Lao Chàm thành “thiên đường du lịch sinh thái – văn hóa” thì cần có những chính sách dài hơi với sức đầu tư mạnh. Thậm chí, nhiều đoàn khách đã đặt vé nhưng vào giờ chót, biển động, hãng tàu hủy chiến nên các hãng lữ hành cũng phải hủy tuor.
 Có ba cách chủ yếu để đi và về Cù Lao Chàm, cách 1: Nhanh nhất nhưng hơi tốn kém, đến Cửa Đại, Hội An thuê ca nô ra đảo mất 15 phút. Cách 2: Cũng tại Cửa Đại, có chuyến tàu chợ ra đảo vào lúc 9h hàng ngày, hành trình khoảng 2h. Cách 3: Tại bến thuyền ngay trong phố cổ Hội An, có chuyến tàu chợ ra đảo vào lúc 8h hàng ngày, hành trình khoảng 1h.
 Khách ra đảo nếu không say sóng và muốn cảm nhận sâu sắc thì có thể đi bằng tàu gỗ nhưng rất chậm, còn nếu muốn cảm giác mạnh và tiết kiệm thời gian thì sẽ đi cano. Điều nghịch lý ở hai loại vận chuyển ở đây là giá cả giữa hai loại hình vận chuyển này khá chênh lệch, thuyền gỗ thì giá chỉ có 25.000 đồng thôi còn ca nô thì lại lên đến 150.000 đồng, rõ ràng là có sự chênh lệch cao. Về thời gian vận chuyển cũng có sự chênh lệch không kém, một bên thì thời gian vận chuyển khá lâu còn một bên thì rất là nhanh. Đặt ra câu hỏi là tại sao ta không có một sự đồng nhất giữa hai phương tiện để đưa ra cái chung nhất và hiệu quả nhất nhằm phục vụ cho du lịch và người dân địa phương ?. 
2.5.2. Hiện trạng cơ sở lưu trú
Ngoài cách trở về giao thông, nguồn thông tin cho khách trước khi ra đảo còn hạn chế; cơ sở vật chất, kĩ thuật phục vụ du lịch; cơ sở lưu trú, ăn uốn, vui chơi giải trí... còn thiếu, lạc hậu và hạn chế về quy mô.Tuy nhiên, Cù Lao Chàm đến nay vẫn chưa có resort, khách sạn, chỉ có các nhà nghỉ tự phát của người dân đảo theo kiểu. Gọi là nhà nghỉ thôi nhưng đúng nghĩa là bạn ở cùng gia chủ theo kiểu homestay (số lượng, chất lượng của homestay có đảm bảo phục vụ khách không?), nên du khách đến Cù lao Chàm hoặc phải đi về trong ngày hoặc phải lưu trú nhà dân hay tổ chức cắm trại ngủ lều ngoài bãi biển. Đó là một bất cập ở Cù Lao Chàm hiện nay khi vào mùa cao điểm.
Những năm gần đây, cơ sở vật chất, môi trường cảnh quan ở Cù Lao Chàm cũng được đầu tư xây dựng. Nhưng vẫn không khả quan bởi chưa có sự đầu tư đồng bộ, và đang được nhà nước kêu gọi phát triển đầu tư cho Cù Lao Chàm.
2.6. Mạng lưới thông tin liên lạc và hệ thống điện
Mạng lưới thông tin liên lạc của Cù Lao Chàm có bước phát triển nhảy vọt. Hiện nay Cù Lao Chàm đã phủ sóng điện thoại di động các mạng Vinaphone, MobiFone, Viettel, phát triển thêm dịch vụ điện thoại cố định không dây G-Phone. Hiện có 1 Đài viễn thông, 1 Bưu điện trung tâm.
Quy hoạch phát triển bền vững cho Cù Lao Chàm hiện gặp nhiều vấn đề khó khăn trong việc định hướng phát triển bền vững, trong đó khó khăn lớn nhất là vấn đề năng lượng. Hiện nay, nguồn năng lượng điện mà Cù Lao Chàm đang sử dụng là nguồn điện máy nổ chạy dầu diezel có công suất nhỏ, gây ô nhiễm và chạy ngắt quãng trong ngày. Đây là trở ngại lớn nhất trong chiến lược phát triển Cù Lao Chàm. Nhiều nhà đầu tư rất thích đầu tư vào xã đảo này  nhưng e dè khi đối diện với vấn đề năng lượng điện và phát triển bền vững. 
2.7. Môi trường ở Cù Lao Chàm
2.7.1. Vấn đề vê rác thải
            Rác thải đã, đang và sẽ còn là vấn đề nan giải của Cù Lao Chàm. Thực tế, du khách trong và ngoài nước đến với Cù Lao Chàm khá đông. Trong tương lai, lượng du khách tới đây chắc chắn sẽ tăng lên nhiều lần. Điều đó đồng nghĩa với việc lượng rác thải sẽ cũng tăng lên. Mùa nắng nóng, đỉnh điểm là vào các tháng 6, 7, 8 hằng năm; nguồn nước sinh hoạt trên đảo bị cạn kiệt. Việc xử lí chất thải ở đây chưa có sự đầu tư, rồi đến việc nước thải của các hồ nuôi tôm ven bờ, dường như "tiện" nhất và phổ biến nhất là xả thẳng xuống biển. Thực chất là ở đây đã có sự tiến bộ trong việc thay vì sử dụng bao ni lông thì sẽ sử dụng những loại bao bằng giấy, đó cũng là giải pháp hay nhưng chỉ trong một phạm vi nào đó thôi.
2.7.2. Ảnh hưởng đa dạng sinh học
Hiện nay, với tổng diện tích 6.719 ha, trong đó có khoảng 165 ha rạn san hô và 500 ha thảm có biển, trong sự quản lí của khu bảo tồn.Tiềm năng để phát triển du lịch sinh thái tại Cù Lao Chàm là rất lớn. Người dân ở đây có thể hưởng lợi bằng những nguồn thu nhập từ du lịch. Tuy nhiên, việc đó có thể kéo theo ảnh hưởng lớn tới sinh vật biển.Vấn đề là làm thế nào để chọn được các nhà đầu tư thực sự có năng lực và có ý tưởng về đa dạng sinh học.
Gần đây, khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm đã ra văn bản chấn chỉnh hoạt động du lịch tại các đảo, việc đưa khách du lịch ồ ạt ra các đảo sẽ gây ảnh hưởng không tốt tới môi trường của đảo. Bên cạnh đó, hệ sinh thái biển tại đây đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ sau cơn bão Xangsane năm 2006, thêm vào đó là hiện tượng ấm dần của nước biển. Hơn nữa, các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân trong vùng và các vùng biển lân cận cũng gây ảnh hưởng rất lớn.
CHƯƠNG 3. GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG DU LỊCH Ở CÙ LAO CHÀM
3.1. Về cơ sở hạ tầng
3.1.1. Phương tiện vận chuyển
            Vấn đề giao thông vận chuyển cần được nâng cấp và xây mới, để giảm thiểu thời gian di chuyển của du khách, tạo ra tính hấp dẫn hơn trong việc lựa chọn địa danh Cù Lao Chàm. Lượng khách tới Cù Lao Chàm chủ yếu là khách cao cấp vì thế vấn đề cơ sở hạ tầng, dịch vụ cần phải được triển khai nhanh chóng để đáp ứng tốt nhu cầu
Để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư, công tác lập quy hoạch phát triển du lịch Cù Lao Chàm đến năm 2020 đang được gấp rút triển khai. Đây là nền tảng để xây dựng các quy hoạch kinh tế – xã hội ở Cù Lao Chàm.
            Nên đề ra phương án để đưa ra cái chung nhất giữa các loại hình vận chuyển, và nên cân nhắc lại giá cả vận chuyển khách, nhằm thu hút khách du lịch ngày càng nhiều hơn trong tương lai. Có thể đưa ra phương án là sử dụng cáp treo vượt biển như Vinpearlland ở Nha Trang hoặc xây dựng cầu vượt biển nhưng không làm mất đi hình ảnh sinh thái nơi đây.
3.1.2. Đầu tư cho cơ sở hạ tầng và kiến trúc thương tầng
            Hiện nay, ở Cù Lao Chàm không đầu tư khách sạn, nhà nghỉ cao tầng vì để tránh phá vỡ đi cảnh quan thiên nhiên. Vì vậy theo tôi, cần phải khẩn trương đầu tư hợp lí để khách có chỗ nghỉ ngơi thoải mái, đồng thời nhằm giữ chân khách lâu hơn. Có thể xây dựng những khách sạn, nhà nghỉ theo kiểu như nhà sàn, nhà rọi hoặc nhà gỗ nhưng cơ sơ vật chất bên trong vẫn đầy đủ tiện nghi. Được biết, hệ thống nhà hàng nơi đây mang tính nhỏ, lẻ và manh nha, vì vậy nên xây dựng các nhà hàng mang tính quy mô lớn với những đặc sản từ biển nhằm phục vụ cho khách du lịch.
3.2. Khắc phục việc thiếu năng lượng ở Cù Lao Chàm
            Việc thiếu hụt nguồn năng lượng ở Cù Lao Chàm là một vấn đề e ngại đối với các nhà đầu tư nhất là năng lượng điện, vì vậy cần phải xây dựng các hệ thống điện từ nguồn năng lượng như : mặt trời, gióđể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển du lịch. Có thể kéo điện từ đất liền ra đảo theo phương thức là xây dựng hệ thống cáp điện ngầm dưới biển thông từ đất liền ra đảo nhằm phục vụ cho du lịch.
            Theo ban quản lí của Cù Lao Chàm cho biết: “Hiện nay chúng tôi đang phối hợp với các nhà nghiên cứu ở Viện Năng lượng Việt Nam tìm giải pháp về năng lượng cho Cù Lao Chàm. Theo đó, mục đích từ nay hướng đến năm 2020 là năng lượng tái tạo như điện mặt trời, phong điện và cả dùng nhiên liệu sinh học vào phát điện. Tuy nhiên cái khó hiện nay là kinh phí đầu tư cho năng lượng điện tái tạo lên  đến 300 tỷ đồng”
3.3. Tính cấp bách của môi trường
            Xây dựng các hệ thống xử lí chất thải sinh hoạt của người dân và khách du lịch. Thiết kế các thùng rác với những hình ảnh vui nhộn và mang tính chất tuyên truyền nhằm giảm thiểu lương chất thải ra bên ngoài. Hiện nay một vấn đề tiên tiến ở Cù Lao Chàm là việc sử dụng bao giấy thay thế cho bao ni lông, đó cũng là một giải pháp rất tốt mà các nơi khác đang hướng theo.
            Tuyên truyền và nâng cao ý thức cho người dân về việc bảo vệ môi trường nước, các loại sinh vật dưới biển có nguy cơ bị hủy duyệt trong tương lai. Triển khai cho người dân về việc khai thác lâm sản và các loại thủy hải sản một cách hợp lí, không khai thác bừa bãi và khai thác theo mùa. Nâng cao ý thức cho người dân về lợi ích của du lịch đem lại cho họ, đồng thời là một ngành kinh tế phát triển đất nước.
Việc bảo vệ và phát triển hệ thống san hô, hệ thống sinh vật ở đây rất cần thiết. Ông Phạm Thành Hồng Lĩnh, Phó Giám đốc ban quản lý khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm cho biết, thời gian tới, việc phục hồi san hô cần được tiến hành song song với việc phục hồi các đối tượng thủy sinh khác cùng sinh sống chung một môi trường. “Việc di dời quần thể san hô và các đối tượng sinh vật sống chung ra bên ngoài vùng bảo vệ nghiêm ngặt là điều rất cần thiết. Điều này sẽ làm tăng thêm số lượng và thúc đẩy nhanh quá trình phục hồi. Việc lựa chọn các giống loài san hô có khả năng chịu đục và đặc biệt là chống chọi được với các tác động bất lợi là điều rất quan trọng để bảo vệ đa dạng sinh học tại Khu Bảo tồn biển Cù Lao Chàm” - ông Lĩnh nói.
3.4. Đường lối chính sách của Ban quản lí Cù Lao Chàm
Chính quyền các cấp từ tỉnh đến xã đã ủng hộ và đóng vai trò quan trọng trong chỉ đạo và giúp đỡ việc tổ chức thự hiện khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm.
Cù Lao Chàm đã hỗ trợ cộng đồng tham gia tích cực vào hoạt động bảo tồn và phát triển sinh kế thay thế tại địa phương. Thông qua phương thức đồng quản lý, khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm giới thiệu và cộng đồng tiếp nhận một cách tiếp cận mới trong quản lý nguồn lợi trên cơ sở hệ sinh thái một cách kịp thời. Đồng thời khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã lồng ghép được các khái niệm về quản lý tổng hợp và quản lý thích ứng vào trong việc quản lý tự nhiên, bảo vệ môi trường tại địa phương. Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm đã thể hiện được sự đồng thuận cao của cộng đồng trong quy hoạch phân vùng và xây dựng quy chế và kế hoạch quản lý, cũng như sự phê chuẩn của UBND tỉnh Quảng Nam cho các cam kết này của cộng đồng.
Nhằm giảm thiểu sự xâm hại khá thường xuyên, nặng nề do hoạt động khai thác, đánh bắt thuỷ sản của ngư dân địa phương, ban điều hành dự án khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm chia nơi đây thành nhiều khu vực, nhiều vùng với các chức năng riêng, khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm được chia thành nhiều vùng như vùng bảo vệ nghiêm ngặt, vùng phục hồi sinh thái, vùng phát triển du lịch, vùng khai thác hợp lý và vùng phát triển cộng đồng. Ở từng vùng, ban điều hành dự án lựa chọn các giải pháp phù hợp để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn nhưng vẫn không gây xáo trộn sinh hoạt bình thường của cư dân trên đảo.
Dự án đã gây được sự chú ý khi kết hợp được với các hoạt động quảng bá du lịch, du lịch sinh thái biển, thông qua các hoạt động lễ hội, hội thảo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân về các giá trị sinh thái biển và vai trò của cộng đồng với trách nhiệm bảo vệ nguồn tài nguyên biển.
Có thể thấy hoạt động tham quan, du lịch, nghiên cứu diễn ra khá thường xuyên tại Cù Lao Chàm trong thời gian qua, đã biến hòn đảo khá cách biệt này trở nên sinh động và náo nhiệt hơn. Đời sống của cư dân được cải thiện đáng kể nhờ vào các hoạt động dịch vụ đang dần hình thành.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, các khu bảo tồn biển hiện có ở Việt Nam đều nằm ở những khu vực rất nhỏ và quy mô khá hạn chế, khoảng vài chục đến vài trăm ha. Những khu bảo tồn này rất dễ bị xâm hại bởi các yếu tố tác động từ bên ngoài và từ các khu vực lân cận.
3.5. Tham gia của cộng đồng địa phương
Cộng đồng dân cư địa phương phải có trách nhiệm vừa tham gia phát triển du lịch vừa tham gia bảo vệ, giữ gìn và tôn tạo khu Dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Khai thác các loài sinh vật trên biển một cách có chọn lọc, tức là chỉ khai thác những loài thủy hải sản phuc vụ cho đời sống và du lịch, không được khai thác tràn lang và với nhiều hình thức khai thác như đánh mìn nhằm đảm bảo cho sự sinh sản và phát triển các loài sinh vật quý hiếm nơi đây.
Người dân phải biết bảo vệ nguồn nước khỏi bị ô nhiễm, có ý thức bảo vệ các tài nguyên trên biển và trên đảo. Như khai thác lâm sản và thủy hải sản thì phải đúng thời gian quy định, và không làm sai vói các chính sách bảo tồn trên đảo. Thường thì khai thác vào tháng 6, 7, 8 và 9 trong năm. Tóm lại, việc phát triển du lịch bền vững ở Cù Lao Chàm không những có sự vào cuộc của ban quản lí khu bảo tồn mà còn có sự tham gia của người dân địa phương để Cù Lao Chàm không những là điểm đến hấp dẫn cho du khách trong một năm hay hai năm mà là kéo dài cả hai ba chục năm nữa.
KẾT LUẬN 
Cù Lao Chàm - xã Tân Hiệp, tỉnh Quảng Nam là một nơi có rất nhiều tiềm năng về du lịch, không chỉ dồi dào và đa dạng với nhiều loại hình mà còn rất nhiều cảnh đẹp. Ngành du lịch tại đây tốc độ phát triển còn chậm chưa tương xứng với các khu vực khác như: Phú Quốc (Kiên Giang)  hay  Vinpearlland (Nha Trang)trong cùng khu vực Việt Nam.
Qua phân tích, bài luận đã đưa ra những giải pháp nhằm phát triển bền vững du lịch nơi đây. Và để thu hút nguồn khách du lịch vào đây thì Cù Lao Chàm cần xây dựng cho mình một thương hiệu riêng. Đó là một vùng đất hiền hòa, người dân thân thiện, văn hóa và du lịch biển độc đáo. Đồng thời, bên cạnh việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kĩ thuật, khu nghỉ dưỡng, giải trí thì luôn luôn chú trọng đến hình ảnh cảnh quan sinh thái ở đây.
Với biển xanh và tiếng sóng xô ngày đêm, những bãi biển hoang sơ và cát trắng mịn màng bao quanh chân đảo, những khóm nhà thưa thớt, bình yên cùng lối sống mộc mạc, chất phác của ngư dân miền đảo, Cù lao Chàm đã tạo nên bức tranh độc đáo và ấn tượng trong lòng mỗi du khách.

File đính kèm:

  • doctieu_luan_thuc_trang_va_giai_phap_phat_trien_ben_vung_du_lic.doc