Tiểu luận Từ sau bình thường hóa quan hệ năm 1995 cho đến nay, quan hệ chính trị đối ngoại Việt - Mỹ phát triển theo hướng “đối tác” hay “đối tượng”. Và dự báo xu hướng phát triển quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới

pdf 18 trang yenvu 30/08/2024 180
Bạn đang xem tài liệu "Tiểu luận Từ sau bình thường hóa quan hệ năm 1995 cho đến nay, quan hệ chính trị đối ngoại Việt - Mỹ phát triển theo hướng “đối tác” hay “đối tượng”. Và dự báo xu hướng phát triển quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận Từ sau bình thường hóa quan hệ năm 1995 cho đến nay, quan hệ chính trị đối ngoại Việt - Mỹ phát triển theo hướng “đối tác” hay “đối tượng”. Và dự báo xu hướng phát triển quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới

Tiểu luận Từ sau bình thường hóa quan hệ năm 1995 cho đến nay, quan hệ chính trị đối ngoại Việt - Mỹ phát triển theo hướng “đối tác” hay “đối tượng”. Và dự báo xu hướng phát triển quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới
Tiểu luận 
Từ sau bình thường hóa quan hệ năm 1995 cho đến nay, quan hệ chính 
trị đối ngoại Việt - Mỹ phát triển theo hướng “đối tác” hay “đối tượng”? 
Và dự báo xu hướng phát triển quan hệ Việt - Mỹ trong thời gian tới. 
LỜI NÓI ĐẦU 
Là một cường quốc kinh tế, là một quốc gia có tầm ảnh hưởng chính trị lớn trên thế 
giới, Mỹ luôn là quốc gia mà khi đặt quan hệ, các quốc gia khác luôn phải lường 
trước tính sau cẩn thận, kỹ càng. Và Việt Nam cũng không nằm trong ngoại lệ. 
“Đã đến lúc chúng ta nên nghĩ về Việt Nam với tư cách là một đất nước chứ không 
phải một cuộc chiến tranh”.1 Thực sự phải nói rằng, chỉ khi các giới ở Mỹ nhìn 
nhận Việt Nam là một đất nước chứ không phải là một cuộc chiến, thì mối quan hệ 
giữa hai nước mới được bình thường hóa và phát triển nhanh chóng. Ngày nay, sau 
gần 15 năm bình thường hóa, quan hệ chính thức Việt - Mỹ trên các mặt văn hóa – 
xã hội, chính trị - an ninh đã phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn rất 
nhiều việc cần phải làm bởi mối quan hệ này vẫn chỉ đang ở mức tiềm năng và hai 
bên phải chủ động có những sáng kiến để thúc đẩy mối quan hệ này. Giai đoạn này 
của mối quan hệ Việt - Mỹ được ví như một cuộc chơi chưa có luật, và một khi 
luật chơi chưa rõ ràng thì khó khăn là không tránh khỏi. Vì thế mà hơn lúc nào hết, 
định vị rõ ràng cho mối quan hệ Việt - Mỹ là điều vô cùng quan trọng và cần thiết 
trong giai đoạn này. Có nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề được đặt ra: liệu với chính 
quyền mới tại Mỹ, mối quan hệ Việt - Mỹ có thể đạt được bước tiến mới hay 
không? Các vấn đề còn tồn đọng trong mối quan hệ hai nước như vấn đề dân chủ 
nhân quyền có được giải quyết hay không? Mối quan hệ Việt - Mỹ sẽ thiên về “đối 
tác” hay “đối tượng”?  Tuy nhiên, trong khuôn khổ tiểu luận này, câu hỏi nghiên 
cứu chính được đưa ra là: Từ sau bình thường hóa quan hệ năm 1995 cho đến 
nay, quan hệ chính trị đối ngoại Việt - Mỹ phát triển theo hướng “đối tác” hay 
“đối tượng”? Và dự báo xu hướng phát triển quan hệ Việt - Mỹ trong thời 
gian tới. 
1 Ngoại trưởng Mỹ Warren Christopher, trong chuyến thăm và làm việc chính thức tại Việt Nam sau khi bình 
thường hóa năm 1995. 
TÓM TẮT 
Bài tiểu luận có đề tài về quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ từ sau bình thường hóa 1995 
đến nay. Vấn đề nghiên cứu là cặp phạm trù “đối tác - đối tượng” trong mối quan 
hệ này, từ sau khi bình thường hóa đến nay, Việt Nam và Mỹ thiên nhiều về mặt 
“đối tác” hay “đối tượng” và trong tương lai với sự ra đời của chính quyền mới tại 
Mỹ, liệu mối quan hệ này có sự tiến triển gì hay không. Sau khi nghiên cứu về vấn 
đề được đặt ra ở trên, bài tiểu luận này đã đi đến kết luận về một mối quan hệ Việt 
- Mỹ thiên nhiều về mặt “đối tượng” hơn là “đối tác” vì những thành tựu cả hai 
nước đạt được chưa đủ để đưa mối quan hệ chính trị đối ngoại lên một nấc mới. 
Việt Nam vẫn còn chững lại trong việc quyết định chính sách đối ngoại với Mỹ bởi 
vẫn còn cân nhắc đối trọng với Trung Quốc. Một số dự đoán cho rằng quan hệ Việt 
- Mỹ trong thời gian tới sẽ không có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, điều đó không có 
nghĩa là Việt Nam cũng như Mỹ nên giậm chân tại chỗ trong việc tăng cường mặt 
“đối tác” và hạn chế tối thiểu nhất mặt “đối tượng” trong mối quan hệ chính trị đối 
ngoại của hai nước. 
Chương I: 
SỰ THAY ĐỔI TRONG TƯ DUY ĐỐI NGOẠI TỪ CẶP PHẠM TRÙ “HỢP 
TÁC - ĐẤU TRANH” THÀNH “ĐỐI TÁC - ĐỐI TƯỢNG” 
I. Bối cảnh chung: 
1. Trên thế giới: 
Bối cảnh thế giới và khu vực nói chung thời kì này có rất nhiều biến động. 
Chiến tranh lạnh kết thúc và CNXH ở Liên Xô và Đông Âu tan rã đã tạo ra một 
trật tự thế giới mới: Mỹ là siêu cường duy nhất trên thế giới song cũng gặp phải sự 
cạnh tranh mạnh mẽ từ các cường quốc khác trên thế giới như Nhật, Nga, Trung 
Quốc và EU. Tại khu vực Đông Nam Á, tình hình có xu hướng ổn định và kinh tế 
phát triển năng động. Nhưng sau khi khủng hoảng tài chính tiền tệ năm 1997, rất 
nhiều nền kinh tế ASEAN gặp phải khó khăn, suy thoái. Xu thế đối thoại thay cho 
đối đầu cũng là xu thế chủ yếu trong nền chính trị Quốc tế. Các nước lớn có sự 
thay đổi chiến lược, Liên Xô đi vào cải tổ, thực hiện hoà hoãn và giảm căng thẳng 
với bên ngoài. 
2. Ở Việt Nam: 
Sau khi giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước, tuy phải giải quyết 
những khó khăn do 30 năm chiến tranh để lại nhưng Việt Nam đã tạo lập được vị 
thế và uy tín rất cao trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta đã lâm vào một cuộc 
khủng hoảng kinh tế-xã hội và bị một số nước cô lập về ngoại giao. Các thế lực 
chống đối nhân tình hình đó đã câu kết với nhau, chống phá ta. Ta còn rất ít bạn bè. 
Một số nước trước đây ủng hộ Việt Nam trong kháng chiến chống Mỹ đã xa lánh 
ta. Quan hệ giữa nước ta với các nước ASEAN và các nước lớn (trừ Liên Xô và Ấn 
Độ) gặp nhiều vướng mắc và không giải tỏa được khiến cho nền an ninh nước ta 
bấp bênh khi phải đối phó với sự căng thẳng ở cả hai đầu biên giới. Trong lúc đó, 
những khó khăn về kinh tế lại càng chồng chất vì phải chi tiêu rất lớn cho quân sự, 
quốc phòng. 
II. Tại sao phải chuyển đổi tư duy từ “hợp tác - đấu tranh” sang “đối tác - 
đối tượng” : 
Trước tình hình thế giới và trong nước như thế, Việt Nam cần có những 
thay đổi chính sách sao cho phù hợp, trong đó yêu cầu đổi mới mọi mặt trong tư 
duy đối ngoại được đặt lên hàng đầu. Đổi mới để tồn tại, đổi mới để thoát khỏi 
bao vây, cấm vận, để phát triển kinh tế và đổi mới để giữ vị trí lãnh đạo. Và một 
trong những đổi mới tư duy của Đảng được đề cập đến ở đây là chuyển biến từ 
cặp phạm trù “hợp tác - đấu tranh” đến cặp phạm trù “đối tác - đối tượng”. 
Đồng nghĩa với việc xác định rõ ràng hơn mối quan hệ với các quốc gia khác, 
cụ thể là Mỹ: những mặt nào có thể hợp tác cùng Mỹ để tăng cường lợi ích của 
chính chúng ta và những mặt nào cần phải đấu tranh đến cùng với Mỹ để giữ 
vững độc lập, tự chủ của dân tộc. 
Hội nghị Trung ương 8, khóa IX (tháng 7 – 2003), lần đầu tiên, trong 
Nghị quyết chuyên đề về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Đảng 
ta đã đưa ra cách nhìn mới, thống nhất về vấn đề đối tác và đối tượng theo 
nguyên tắc: Những ai chủ trương tôn trọng độc lập, chủ quyền, thiết lập và mở 
rộng quan hệ hữu nghị và hợp tác bình đẳng, cũng có lợi với Việt Nam đều là 
đối tác của chúng ta. Bất kể thế lực nào có âm mưu và hành động phá mục tiêu 
của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng đấy 
tranh. Tuy nhiên, trong mỗi đối tượng vẫn có mặt cần tranh thủ, hợp tác trong 
một số đối tác, có thể có mặt khác biệt, mâu thuẫn với lợi ích của ta.2 Đối tượng 
và đối tác là hai mặt luôn đan xen và thống nhất trong mỗi chủ thể.3 
Theo đó, Mỹ đối với Việt Nam không hoàn toàn chỉ là “đối tác” hoặc 
ngược lại chỉ là “đối tượng”. 
Chương II: 
TÍNH ĐỐI TƯỢNG TRONG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ ĐỐI NGOẠI 
 VIỆT NAM – HOA KỲ 
2 Ban tư tưởng – Văn hóa Trung ương, Tài liệu học tập Nghị quyết lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng 
khóa IX. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003, tr.44 
3 Phương pháp luận phân tích mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng trong nhận thức của Đảng 
ta, tiến sĩ Phan Trọng Hào - Học viện chính trị, quân sự 
Có nhiều lý do để Hoa Kỳ là một “đối tượng” trong một số mặt còn tồn đọng 
trong quan hệ hai nước Việt - Mỹ. Nhưng có lẽ lý do căn nguyên nhất vẫn là sự 
khác biệt về ý thức hệ. Sự khác biệt giữa ý thức hệ xã hội chủ nghĩa và ý thức 
hệ tư bản chủ nghĩa dường như là hố ngăn khó xóa nhòa một khi Việt Nam vẫn 
còn đi theo con đường quá độ lên xã hội chủ nghĩa và Mỹ vẫn là một siêu 
cường tư bản. 
I. Vấn đề nhân quyền: 
Đây có thể nói là vấn đề dai dẳng và kéo dài khi Mỹ liên tục đưa Việt 
Nam vào danh sách các quốc gia điển hình tại Đông Á vi phạm nhân quyền 
trong báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền từ năm 2005 
cho đến nay. 
Trên nhiều phương diện, Chính phủ Việt Nam tiếp tục hạn chế các 
quyền công dân. Công dân không thể thay đổi chính phủ, các phong trào chính 
trị đối lập bị cấm, Chính phủ tiếp tục đàn áp những người bất đồng. Các cá 
nhân bị giam giữ tùy tiện vì tiến hành các hoạt động chính trị và bị tước quyền 
được xét xử công bằng và đúng trình tự, thủ tục. Trong quá trình bị bắt, giam 
giữ và thẩm vấn, các nghi can cũng bị vi phạm các quyền. Tình trạng tham 
nhũng là vấn đề nghiêm trọng trong lực lượng công an, tuy nhiên họ không hề 
bị truy cứu trách nhiệm. Chính phủ tiếp tục hạn chế các quyền cá nhân của 
công dân và quyền tự do bày tỏ. Trong năm, báo chí tiếp tục bị đàn áp, khiến 
một số biên tập viên cao cấp của các báo bị cách chức, hai phóng viên bị bắt. 
Những hành động này đã làm chững lại xu hướng điều tra mạnh mẽ hơn của 
báo chí trước đây. Những hạn chế về hội họp, đi lại và lập hội vẫn được duy 
trì. Các tổ chức nhân quyền độc lập bị cấm. Bạo lực, phân biệt đối xử với phụ 
nữ và buôn người vẫn là những vấn đề nghiêm trọng. Chính phủ hạn chế các 
quyền của người lao động, bắt hoặc gây khó dễ đối với một số nhà hoạt động 
trong lĩnh vực lao động.4 
4 Bản báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về vấn đề nhân quyền 2008 
Nếu nắm bắt rõ tình hình Việt Nam và các sự kiện mà Mỹ cho rằng có 
sự vi phạm nhân quyền như đã đề cập trong bản báo cáo trên, ta có thể thấy 
rằng Mỹ đã tìm mọi cách bóp méo và làm sai lệch đi các sự kiện theo hướng 
buộc tội Việt Nam vi phạm nhân quyền. Vì cớ gì mà những nhà báo vi phạm 
pháp luật Việt Nam bị xử lý hoặc bị thu thẻ nhà báo do vi phạm những quy 
định của nhà nước Việt Nam bị thuyên chuyển công tác lại trở thành “báo chí 
tiếp tục bị đàn áp”. Có thể thấy rõ bản báo cáo được soạn thảo dựa trên những 
thông tin sai trái về Việt Nam và không xuất phát từ thiện ý do những thành 
kiến về chính trị từ phía Mỹ. Mọi quyền của người dân Việt Nam, trong đó có 
quyền làm chủ, quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp, tự do tôn 
giáo... đều được Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước CHXHCN Việt Nam 
bảo đảm. Và trên thực tế, nhân dân Việt Nam đã và đang được hưởng những 
quyền này. Thêm vào đó, Việt Nam vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện 
hệ thống pháp luật của mình, cho nên những sai sót là không tránh khỏi, tuy 
nhiên, những quyền cơ bản của công dân như quyền làm chủ, quyền tự do 
ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và tự do tôn giáo  luôn luôn được 
bảo đảm. 
II. Vấn đề tôn giáo: 
Cũng trong năm 2008, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đồng thời đưa ra bản báo 
cáo về tự do tôn giáo quốc tế 2008. Trong đó, đề cập đến Việt Nam là một 
quốc gia mà “quyền tự do tín ngưỡng bị hạn chế”5. Hiến pháp Việt Nam có 
quy định mọi công dân Việt Nam đều có quyền tự do theo đạo hoặc không 
theo đạo. Những người theo đạo được tạo điều kiện thuận lợi, cả trong khuôn 
khổ pháp lý cũng như trên thực tế, để thực hành những nghi lễ theo đức tin 
của họ. Mọi tổ chức tôn giáo được pháp luật Việt Nam thừa nhận đều được tự 
do hành đạo theo quy định của pháp luật. Nếu Việt Nam thực sự là một nước 
hạn chế quyền tự do tín ngưỡng của công dân thì Việt Nam đã không được tín 
5 Bản báo cáo về vấn đề tư do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ 2008 
nhiệm là nơi tổ chức Đại lễ Phật Đản Liên Hợp Quốc với hàng nghìn đại biểu 
đến từ khắp thế giới. 
Khách quan mà nói Việt Nam không chủ trương đàn áp tôn giáo kể cả 
hạn chế nó, nhưng vì Việt Nam vẫn nhìn vấn đề tôn giáo qua lăng kính cảnh 
giác là kẻ thù Mỹ có động cơ làm diễn biến hoà bình và qua cái khung điều 
hành tôn giáo của thời kháng chiến. Cái khung này là áp lực mọi tôn giáo trở 
thành thành viên Mặt Trận Tổ Quốc, là đòi hỏi mọi học viên học tập để trở 
thành chức sắc trong các tôn giáo phải qua sự xét duyệt của nhà nước. Điều 
này quả thực đã lỗi thời và biến thành cái cớ để những người chống chế độ 
tiếp tục sử dụng, và lôi kéo theo những người khác nhằm cho rằng chế độ 
không cho tự do tôn giáo.6 
III. Diễn biến hòa bình: 
Những vấn đề trong câu chuyện diễn biến hòa bình – cũng là một phần 
chính sách của Mỹ trong quan hệ với Việt Nam, đã phần nào làm cho mối 
quan hệ giữa hai nước chững lại trong một vài năm gần đây. Với bài phát biểu 
của mình sau khi được bổ nhiệm làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam năm 2007, 
ông Michael Michalak đã có nói: "Hãy tưởng tượng, trong vòng 20 năm nữa, 
chúng ta sẽ thấy không chỉ tiền của chúng ta đầu tư tại Việt Nam tăng lên mà 
có thể chúng ta sẽ thấy 75% thành phần chính phủ Việt Nam tốt nghiệp tại 
Hoa Kỳ", và không hề giấu giếm mục đích "sẽ có lợi cho Việt Nam phát triển 
và đi đến dân chủ hơn". Như là lời tuyên bố công khai chiến lược diễn biến 
hòa bình của Mỹ tại Việt Nam thông qua vị Đại sứ này. “75% thành phần 
chính phủ Việt Nam tốt nghiệp tại Hoa Kỳ” – như thế là một bản sao, hay sự 
lặp lại một lần nữa chính phủ Việt Nam Cộng hòa, một hoạch định cho sách 
lược toàn cầu hóa của Mỹ tại Đông Nam Á. Tại đây, trong thế buộc phải cân 
bằng ảnh hưởng với Trung Quốc đang ngày càng mạnh lên – là mối đe dọa 
6 Tạp chí nghiên cứu & thảo luận Thời đại mới, số 4 – tháng 3/2005 – Bài phỏng vấn Vũ Quang VIệt - người có bài 
tham gia Hội Thảo Hè 1998 với đề tài Vấn đề tranh chấp biển Đông. 
cho Mỹ tại khi vực Châu Á, Mỹ cần Việt Nam như một “đối tác” ngăn cản sự 
bành trướng của Trung Quốc xuống phía Nam. Nhưng đối với Việt Nam, khi 
Việt Nam bị lôi kéo vào cuộc chơi này, Mỹ hoàn toàn là một “đối tượng” 
đáng gờm cho độc lập, tự chủ của Việt Nam. Cũng như các nước láng giềng 
khác, Việt Nam không có ý muốn lựa chọn Trung Quốc hay Mỹ, nếu Việt 
Nam thực sự phải chơi ván bài này, sẽ là một ván bài khó khăn và đầy thử 
thách đối với Việt Nam. 
Bên cạnh đó, một điều dễ nhận thấy từ khi bình thường hóa với Mỹ, thị 
trường Việt Nam rộng mở đón các doanh nghiệp đến từ nước này và đồng 
thời đe dọa đến nền văn hóa Việt Nam được gọi bằng cái tên “Mỹ hóa”. Dân 
số Việt Nam là dân số trẻ, thế hệ trẻ luôn dễ bị ảnh hưởng bởi những cái mới 
và lạ. Điều này tiếp tay cho sự xâm nhập ngày càng mạnh mẽ văn hóa Mỹ vào 
Việt Nam và làm hao mòn những giá trị truyền thống hàng nghìn năm của 
nước ta. 
 Chương III: 
TÍNH ĐỐI TÁC TRONG QUAN HỆ CHÍNH TRỊ ĐỐI NGOẠI 
 VIỆT NAM – HOA KỲ 
Với xu thế toàn cầu hóa đang dần trở thành xu thế chính trong quan hệ quốc tế thời 
kỳ này, cũng như là sự cần thiết phải hội nhập với cộng đồng quốc tế trên nhiều 
lĩnh vực, thì Mỹ trở thành một đối tác chính trị lớn bởi quyền lực và sự ảnh hưởng 
của nó trên thế giới. 
I. Vấn đề POW/MIA: 
Trong nội bộ nước Mỹ, vấn đề tù binh Mỹ và người Mỹ mất tích trong chiến 
tranh Việt Nam luôn là vấn đề hết sức nhạy cảm với gia đình có những người 
mất tích và đối với dư luận Mỹ. Vì thế mà chính quyền Mỹ luôn gắn việc giải 
quyết vấn đề này với việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Thêm vào 
đó, những lực lượng thù địch với Việt Nam lại thêu dệt nên hàng ngàn câu 
chuyện xung quanh vấn đề này để gây bức xúc trong dư luận Mỹ và tác động 
mạnh mẽ đến giới cầm quyền Mỹ. Như ông Micheal Leaveck, Giám đốc cộng 
sự của Tổ chức cựu chiến binh Mỹ ở Việt Nam có trụ sở tại Washington nói: 
“Nhìn một cách bao quát, toàn bộ vấn đề POW/MIA đã được người ta nhào nặn 
ra. Chính quyền Reagan đã sử dụng nó vào mục đích chính trị. Chính quyền 
Buch đã làm cho vấn đề này trở thành vô tận. Các thế lực chính trị đã sử dụng 
nó như một đòn bẩy cho một chương trình rộng lớn hơn.” 
Trong khi đó, Việt Nam luôn xem vấn đề POW/MIA là một vấn đề nhân đạo và 
đã có rất nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề này để phù hợp với truyền thống 
nhân ái của người Việt Nam. 
Trong tuyên bố của tổng thống Mỹ Bill Clinton ngày 11/07/1995 về việc Mỹ 
bình thường hóa quan hệ với Việt Nam có đoạn: “Hôm nay tôi loan báo việc 
bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam. Từ thời gian đầu của chính 
quyền này, bất kỳ sự cải thiện nào trong quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đều dựa 
vào tiến bộ đạt được về vấn đề những người Mỹ bị mất tích trong khi làm 
nhiệm vụ hay bị bắt làm tù binh [] Hà Nội đã trao cho chúng ta hàng trăm 
trang tài liệu rọi ánh sáng vào những gì đã xảy ra đối với những người Mỹ ở 
Việt Nam. Đáp lại, Thủ tướng Việt Nam Võ Văn Kiệt trong bài phát biểu của 
mình đã nói: “Xuất phát từ tinh thần nhân đạo, Chính phủ và nhân dân Việt 
Nam sẽ làm hết sức mình hợp tác với Hoa Kỳ nhằm kiểm kê một cách đầy đủ 
có thể được những người Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam.” 
Năm 1996, một phái đoàn đại diện cho Tổng thống Mỹ do Thứ trưởng Bộ cựu 
chiến binh Mỹ Hershel Gober dẫn đầu đã thăm và làm việc tại Việt Nam. Thành 
viên của Đoàn có đại diện của năm tổ chức cựu chiến binh lớn nhất nước Mỹ và 
liên đoàn các gia đình có người mất tích trong chiến tranh, đây là các tổ chức 
trước đây thường phản đối gay gắt việc tiến tới quan hệ ngoại giao với VIệt 
Nam và có tiếng nói tác động mạnh mẽ nhất đến chính sách ngoại giao của Mỹ. 
Tuy nhiên sự hợp tác đầy tính nhân văn của Việt Nam đã thay đổi nhận thức 
của họ. 
Trong khi tham dự một buổi khai quật của Lực lượng tìm kiếm hỗn hợp Việt - 
Mỹ ở làng Tiền Châu ngày 18/11/2000, Tổng thống Bill Clinton đã phát biểu: 
“Quốc gia chúng tôi đã cam kết sẽ không ngừng tìm kiếm cho đến khi nào có 
được thống kê đầy đủ nhất trong chừng mực có thể về các quân nhân bị mất tích 
của mình. Nhưng chúng tôi chỉ có thể hoàn thành lời hứa của mình với sự hợp 
tác của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Cá nhân tôi muốn cảm ơn những 
người dân của làng, huyện và tỉnh này về lòng tốt của họ, cảm ơn họ đã cung 
cấp các hiện vật và thông tin hữu ích cho công việc tìm kiếm, và cám ơn sự làm 
việc rất miệt mài của họ cùng các nhân viên”. 
Như vậy, Việt Nam đã hợp tác cùng Mỹ trong việc giải quyết vấn đề nhân đạo 
MIA. Đáp lại, Mỹ cũng đã trao cho Việt Nam gần 400.000 trang tài liệu có liên 
quan đến việc tìm kiếm các quân nhân Việt - Mỹ bị mất tích trong chiến tranh. 
Trong chuyến viếng thăm của tổng thống Bill Clinton đến Việt Nam vào tháng 
11/2000, phía Mỹ cũng đã trao thêm cho một số đĩa vi tính chứa 360.000 trang 
tài liệu nhằm có thể giúp ích phần nào cho việc tìm kiếm tin tức những người 
Việt Nam bị mất tích trong chiến tranh. Thực tế, những trang tài liệu của Mỹ 
cũng đã giúp Việt Nam tìm kiếm, quy tập được hơn 900 hài cốt liệt sĩ Việt 
Nam. 
Tóm lại, thiện chí hợp tác giữa hai nước Việt Nam và Mỹ trong vấn đề MIA đã 
tạo được những tiền đề và điều kiện chín muồi cho việc bình thường hóa quan 
hệ ngoại giao và hiện nay vẫn tiếp tục hợp tác ở mức độ cao hơn. 
II. Vấn đề tranh chấp biển Đông: 
Có thể nhiều người sẽ thấy kỳ lạ nếu xếp vai trò của Mỹ trong vấn đề tranh 
chấp tại biển Đông vào mảng “đối tác” trong quan hệ Việt - Mỹ. Tuy nhiên, 
thực tế là vậy. 
Tại hội nghị An ninh châu Á năm 2008, Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Robert 
Gates đã cảnh tỉnh những người tham dự: “ Sự phồn vinh của khu vực châu Á 
luôn dựa vào quy phạm quốc tế và có trách nhiệm đối với việc bảo vệ tài 
nguyên chung”. Mặc dù sau khi Trung Quốc đưa ra chính sách “gác tranh chấp, 
cùng khai thác” đối với vấn đề biển Đông, các nước xung quanh đang dần dần 
lấy hợp tác thay cho xu thế đối kháng nhưng quân đội Mỹ vẫn luôn muốn can 
thiệp và rốt cục là muốn kiềm chế Trung Quốc, muốn giành được vị trí chủ đạo 
ở khu vực này. 
Có hai lý do để nói rằng động thái này của Mỹ có thể có lợi cho Việt Nam: 
Thứ nhất, có một điều mà ai cũng biết đó là tham vọng thôn tính Việt Nam của 
Trung Quốc chưa bao giờ nguội tắt, mọi hành động của Trung Quốc đối với 
Việt Nam đều có những dự tính thâm hiểm trong đó, vì thế mà ý đồ mở rộng 
ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á có khả năng làm bận rộn Trung 
Quốc trong một thời gian dài đủ để Trung Quốc quên đi hoặc quá bận rộn để 
nhớ đến tham vọng thôn tính của mình. Thời gian đó có thể đủ dài để Việt Nam 
“đủ lớn, đủ khôn ngoan” để có những chính sách phù hợp đối phó với Trung 
Quốc mà không phá vỡ mối quan hệ này. 
Thứ hai, cũng xuất phát từ vị trí của biển Đông trong bố trí chiến lược của Mỹ, 
Việt Nam là một đối tác quan trọng ở khu vực Đông Nam Á mà Mỹ muốn kéo 
nghiêng về phía mình. Phó trợ lý bộ trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Nam 
Á - Đại sứ của Mỹ về các vấn đề ASEAN Scot Marciel trong cuộc gặp với báo 
chí tại Hà Nội tháng 2/2009 đã khẳng định “Mỹ ủng hộ vai trò lãnh đạo mạnh 
mẽ hơn của Việt Nam trong ASEAN. Đông Nam Á rất quan trọng với chúng 
tôi, vì thế chúng tôi cố gắng xây dựng quan hệ tốt đẹp với cả khối ASEAN với 
từng nước thành viên và các định chế trong ASEAN. Việt Nam là một nước rất 
quan trọng ở ASEAN và trong khu vực, về dân số và tăng trưởng kinh tế. Việt 
Nam đang có ghế trong HĐBA LHQ nên vai trò càng quan trọng hơn"7 
Điều này cũng dễ hiểu, bởi Việt Nam được dự đoán sẽ là nước ngăn chặn sự 
bành trướng của Trung Quốc xuống phía Nam. Vì thế mà Trung Quốc có lẽ sẽ 
phải suy nghĩ nhiều về việc có nên điều chỉnh lại chính sách của mình với Việt 
Nam hay không. 
Như vậy có thể nói, ý đồ tăng cường ảnh hưởng tại Đông Nam Á của Mỹ một 
mặt nào đó có thể giúp tăng cường quan hệ đối tác giữa Việt Nam và Mỹ. 
7 Báo Lao Động số 42, ngày 26/02/2009, tác giả M.H 
Chương IV: 
TƯƠNG LAI CỦA MỐI QUAN HỆ CHÍNH TRỊ ĐỐI NGOẠI VIỆT - MỸ 
Chuyến thăm chính thức tháng 11.2000 của Tổng thống Bill Clinton mang tính 
chất đột phá. Vị tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam từ khi kết thúc chiến tranh 
đã được người dân Việt chào đón nồng nhiệt, để ông tuyên bố "đã tới lúc viết nên 
một chương mới". 
Sau khi Hiệp định Thương mại Song phương (BTA) có hiệu lực từ 2001, kim 
ngạch ngoại thương hai chiều liên tục tăng, từ ba tỉ đôla năm 2002 lên đến hơn 12 
tỉ đôla năm 2007. 
Được Mỹ "bật đèn xanh", Việt Nam gia nhập WTO tháng 11.2006, cùng lúc với 
việc Washington cấp cho Việt Nam Quy chế thương mại bình thường vĩnh viễn 
(PNTR). Quy chế này được quốc hội Mỹ thông qua đã xóa bỏ đi di sản cuối cùng 
của thời kỳ chiến tranh lạnh trong quan hệ Việt - Mỹ. 
Theo như đánh giá của một số nhà nghiên cứu về quan hệ Việt - Mỹ như ông 
Frederick Brown, chuyên gia tại trường Cao học về Nghiên cứu Quốc tế của Đại 
học Johns Hopskin, quan hệ song phương Việt - Mỹ dưới thời tân tổng thống “sẽ 
vẫn đi theo cùng một con đường như dưới thời tổng thống Bush”:, mối quan hệ 
“tiến triển nhưng theo hướng đi lên”. Phó giáo sư Lịch sử và Quan hệ Quốc tế của 
Đại học George Washington, Shawn McHale, cho rằng bang giao Việt - Mỹ thời 
gian tới “sẽ không thay đổi nhiều”. Kể từ khi chính thức khôi phục quan hệ ngoại 
giao năm 1995, chiến lược của hai nước đã dần ngả từ đối đầu sang hợp tác. 
Có hai con đường Việt Nam có thể chọn cho mối quan hệ của mình với Mỹ: 
Một là, duy trì các chính sách nhằm giữa thế cân bằng giữa Mỹ và Trung Quốc, 
không nghiêng hẳn về bên nào. Như thế, Việt Nam vừa giữ được mối giao hảo với 
Trung Quốc, vừa đứng trung lập với ý đồ mở rộng tầm ảnh hưởng của Mỹ tại 
Đông Nam Á. 
Hai là, trở thành đối tác tin cậy của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á, chấp nhận tầm 
ảnh hưởng của Mỹ tại đây để kiềm hãm Trung Quốc. Có thời gian tăng cường nội 
lực cũng như tập hợp lực lượng. 
KẾT LUẬN 
Từ sau khi bình thường hóa quan hệ với Mỹ năm 1995 đến nay, Việt Nam cũng đã 
vượt qua nhiều khó khăn trở ngại để có được vị trí ngày hôm nay trong mối quan 
hệ chính tri đối ngoại với Mỹ - một đối tác quan trọng tại khu vực Đông Nam Á. 
Tuy nhiên, với những phân tích trên về tính đối tác, đối tượng trong quan hệ chính 
trị đối ngoại Việt - Mỹ từ 1995 đến nay, mặt “đối tượng” rõ ràng chiếm ưu thế hơn 
bởi những vấn đề còn tồn đọng trong mối quan hệ giữa hai nước mang tính chất dai 
dẳng và khó giải quyết hơn là những thành quả mà hai nước đã đạt được. Vì vậy 
vẫn còn rất nhiều việc mà cả Việt Nam và Mỹ cần phải làm để thúc đấy mối quan 
hệ chiến lược này. Với sự ra đời của chính quyền mới tại Mỹ, có thể chính sách đối 
ngoại với Việt Nam sẽ không có gì thay đổi theo như dự đoán của một số các 
chuyên gia, nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc giậm chân tại chỗ trong mối 
quan hệ này. Nhiều dư luận cho rằng mối quan hệ Việt - Mỹ đang đi đến bão hòa 
và cần một bước đột phá mới để tiến lên một nấc mới trong mối quan hệ này. Tuy 
nhiên nhìn chung, quan hệ Việt - Mỹ vẫn là một “bức tranh tổng thể của mối quan 
hệ mang màu sáng”8 
Như vậy, Mỹ không chỉ nên coi VN là một đất nước, đã đến lúc Mỹ còn phải coi 
VN là một đối tác xứng tầm. Sau hơn 20 năm đổi mới, VN đã có thể và sẵn sàng 
làm bạn và làm đối tác tin cậy của các nước, đúng như đường lối đối ngoại của 
Đảng Cộng sản VN đề ra. Kể cả với Mỹ, điều này cũng đang đúng. Quá khứ đã 
khép lại, quan hệ đã mở ra. Người Mỹ, kể cả cựu binh, đến VN đều thấy người dân 
và Chính phủ VN thân thiện và hướng về phía trước; thậm chí lịch sử khó khăn 
trong quan hệ giữa hai nước cũng trở thành mối dây đặc biệt củng cố quan hệ hai 
bên và hòa bình, ổn định của Đông Nam Á cũng trở thành mục tiêu chung của hai 
nước. 
Nếu Mỹ thật sự coi VN là một đối tác tốt, xây dựng một khuôn khổ đối tác mới 
cho quan hệ hai nước sẽ là công việc của thì tương lai gần. Nói một cách dễ hiểu, 
8 Frederick Brown, chuyên gia tại Trường Cao học về Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Johns Hopkins 
cuộc chơi sẽ được đặt tên, luật chơi sẽ được cùng xây dựng, và hai bên sẽ đi vào 
một cuộc chơi và chơi đúng luật.9 
9 Báo Tuổi trẻ, số ra năm 2007 
TÀI LIỆU THAM KHẢO 
- Giáo trình Chính sách đối ngoại 1975 – 2006 - phần II - Học viện Quan hệ quốc 
tế 
- Báo Lao Động 
- Báo Tuổi trẻ 
- Tạp chí nghiên cứu Thời đại mới 
- Tài liệu học tập Nghị quyết lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 
IX. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003. 
- Phương pháp luận phân tích mối quan hệ giữa đối tác và đối tượng trong nhận 
thức của Đảng ta, tiến sĩ Phan Trọng Hào - Học viện chính trị, quân sự. 
- Các bản báo cáo nhân quyền và tôn giáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ năm 2008 từ 
trang điện tử của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam. 

File đính kèm:

  • pdftieu_luan_tu_sau_binh_thuong_hoa_quan_he_nam_1995_cho_den_na.pdf