Tiểu luận Vấn đề pháp lý nội dung dân sự có yếu tố nước ngoài

docx 8 trang yenvu 04/03/2024 1610
Bạn đang xem tài liệu "Tiểu luận Vấn đề pháp lý nội dung dân sự có yếu tố nước ngoài", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận Vấn đề pháp lý nội dung dân sự có yếu tố nước ngoài

Tiểu luận Vấn đề pháp lý nội dung dân sự có yếu tố nước ngoài
ĐẠI HỌC KINH TẾ THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
KHOA LUẬT
TIỂU LUẬN
MỤC LỤC
1. Lý do chọn vụ việc - Tóm lược nội dung vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài
Theo xu thế hội nhập hiện nay, Việt Nam ngày càng tham gia nhiều tổ chức, điều ước quốc tế, theo đó, cơ hội giao lưu kinh tế, văn hoá, xã hội, giáo dục ngày càng tăng lên. Trong số đó, quan hệ hôn nhân gia đình có yếu tố nước ngoài là một trong những quan hệ phát sinh phổ biến nhất. Ở Việt Nam, “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công nhân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài” (theo Khoản 25 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình 2014). Qua nghiên cứu các bản án, người viết lựa chọn bản án số 7x/2019/HNGĐ-ST ngày 30/09/2019.
Chị Nguyễn Thị Hồng T (sinh năm 1989) và anh Phùng Thế D (sinh năm 1985) kết hôn ngày 27/12/2012, đăng ký kết hôn tại UBND xã V, thành phố V, tỉnh Phú Thọ trên cơ sở tự nguyện tìm hiểu, không bị ép buộc. Thời gian đầu vợ chồng chung sống hòa thuận, hạnh phúc sau đó do bất đồng quan điểm sống nên thường xuyên mâu thuẫn. Năm 2015, chị T đi làm việc tại Singapore. Tháng 9 năm 2016 chị T đưa anh D sang Singapore để cùng nhau làm ăn, trang trải cuộc sống và tích cóp để có vốn về quê sinh sống sau này. Sau khi sang Singapore tình cảm vợ chồng không cải thiện mà lại càng thêm mâu thuẫn trầm trọng nên hai vợ chồng đã sống ly thân. 
Hai anh chị có 01 con chung là cháu Phùng Quỳnh H, sinh ngày 19/12/2013. Sau khi chị T và anh D đi làm việc tại Singapore ông G và bà H là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu từ khi cháu 20 tháng tuổi cho đến nay.
Xét thấy tình cảm vợ chồng không còn, mục đích hôn nhân không đạt được, cuộc sống chung không thể kéo dài nên chị Nguyễn Thị Hồng T viết đơn xin ly hôn. Hiện nay chị T đang ở nước ngoài không thể trực tiếp chăm sóc cho cháu. Chị T sẽ có trách nhiệm gửi tiền cấp dưỡng hàng tháng để nuôi cháu với mức cấp dưỡng là 2.000.000đ/tháng. Nếu ông bà nội không đồng ý nuôi cháu chị T đề nghị giao cháu cho bố mẹ đẻ chị nuôi dưỡng. Về tài sản chung, công nợ; Chị T không yêu cầu Tòa án giải quyết. 
Ông G và bà H đồng ý nuôi cháu Quỳnh H và không yêu cầu chị T phải cấp dưỡng cho cháu. 
Đơn ly hôn của chị T có xác nhận của Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Singapore. Tại văn bản số 12420/QLXNC-P5 ngày 01/8/2019 của Cục quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an xác nhận anh Phùng Thế D đã xuất cảnh nhiều lần, lần gần nhất xuất cảnh ngày 15/02/2019 và chưa nhập cảnh trở lại Việt Nam. Bản án số 7x/2019/HNGĐ-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ ngày 30/09/2019.
2. Xác định quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài
Chị Nguyễn Thị Hồng T và anh Phùng Thế D là người Việt Nam, đã đăng ký kết hôn năm 2012 và là vợ chồng hợp pháp tại Việt Nam, hiện đang sinh sống và làm việc tại Singapore. Do bất đồng quan điểm sống, hai anh chị thường xuyên mâu thuẫn. Năm 2019, chị T viết đơn xin ly hôn với anh D. Quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp này là quan hệ hôn nhân gia đình. 
Căn cứ Khoản 25 Điều 3 Luật hôn nhân gia đình 2014: “Quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài là quan hệ hôn nhân và gia đình mà ít nhất một bên tham gia là người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, quan hệ hôn nhân và gia đình giữa các bên tham gia là công nhân Việt Nam nhưng căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó theo pháp luật nước ngoài, phát sinh tại nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”, có thể thấy quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp này là quan hệ hôn nhân gia đình.
3. Vấn đề pháp lý đối với vụ việc 
- Quan hệ vợ chồng giữa chị T và anh D có hợp pháp không?
Chị Nguyễn Thị Hồng T (sinh năm 1989) và anh Phùng Thế D (sinh năm 1985) kết hôn ngày 27/12/2012, đăng ký kết hôn tại UBND xã V, thành phố V, tỉnh Phú Thọ trên cơ sở tự nguyện tìm hiểu, không bị ép buộc.
Quan hệ hôn nhân giữa chị Nguyễn Thị Hồng T và anh Phùng Thế D là hôn nhân hợp pháp bởi lẽ, hai anh chị thỏa mãn các điều kiện kết hôn và đã được đăng ký kết hôn theo quy định tại điều 8, 9 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, trong đó các điều kiện bao gồm:
“a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này”.
- Việc chị T muốn ly hôn với anh D có căn cứ không?
Do vợ chồng bất đồng quan điểm sống, không tìm được tiếng nói chung nên tình cảm vợ chồng phát sinh nhiều mâu thuẫn. Xét thấy tình cảm vợ chồng không còn, mục đích hôn nhân không đạt được nên chị Nguyễn Thị Hồng T yêu cầu Tòa án giải quyết cho chị được ly hôn với anh Phùng Thế D. Việc chị Nguyễn Thị Hồng T yêu cầu ly hôn với anh Phùng Thế D là có căn cứ, được chấp nhận.
- Khi ly hôn, con chung, tài sản chung của hai anh chị được giải quyết như thế nào?
Về con chung: 
Hai anh chị có 01 con chung là cháu Phùng Quỳnh H, sinh ngày 19/12/2013. Sau khi chị T và anh D đi làm việc tại Singapore ông G và bà H là người trực tiếp nuôi dưỡng cháu từ khi cháu 20 tháng tuổi cho đến nay. Hiện nay chị T đang ở nước ngoài không thể trực tiếp chăm sóc cho cháu. Chị T sẽ có trách nhiệm gửi tiền cấp dưỡng hàng tháng để nuôi cháu với mức cấp dưỡng là 2.000.000đ/tháng. Nếu ông bà nội không đồng ý nuôi cháu chị T đề nghị giao cháu cho bố mẹ đẻ chị nuôi dưỡng. 
Ông G và bà H đồng ý nuôi cháu Quỳnh H và không yêu cầu chị T phải cấp dưỡng cho cháu. 
Theo Điều 81, 82, 83 Luật hôn nhân và gia đình 2014 về việc chăm sóc giao dục con sau khi ly hôn và về người trực tiếp nuôi con, tôn trọng sự thỏa thuận của các bên, Cháu Phùng Quỳnh H, sinh ngày 29/12/2013 cho ông Phùng Minh G và bà Cao Thị H trực tiếp nuôi dưỡng trong thời gian chị T, anh D ở nước ngoài. Do ông Phùng Minh G và bà Cao Thị H không yêu cầu chị Nguyễn Thị Hồng T phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu Phùng Quỳnh H nên chị T không có nghĩa vụ cấp dưỡng.
Chị Nguyễn Thị Hồng T và anh Phùng Thế D có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, giáo dục cháu H không ai được cản trở.
Về tài sản chung, công nợ: Do chị Nguyễn Thị Hồng T không yêu cầu nên Tòa án không giải quyết.
4. Nhận xét, đánh giá vụ việc 
Về thủ tục, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã thụ lý giải quyết vụ án theo đúng thẩm quyền và trình tự thủ tục. 
Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài theo thủ tục tư pháp được quy định tại khoản 2 Điều 123 Luật hôn nhân và gia đình 2014: “Thẩm quyền giải quyết các vụ việc hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài tại Tòa án được thực hiện theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự”. Theo 1 Điều 469 Bộ luật tố tụng dân sự 2015: “Tòa án Việt Nam có thẩm quyền giải quyết các vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài trong trường hợp vụ việc ly hôn mà nguyên đơn hoặc bị đơn là công dân Việt Nam hoặc các đương sự là người nước ngoài cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài tại Việt Nam”. Theo quy định của pháp luật hiện hành, những tranh chấp về hôn nhân và gia đình có yếu tố nướ ngoài thuộc thẩm quyền của tòa án nhân dân cấp tỉnh. 
Trong quá trình thụ lý vụ án, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã hai lần có văn bản ủy thác cho Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng Hòa Singapore tống đạt thông báo thụ lý của Tòa án và lấy lời khai của anh Phùng Thế D ở tại địa chỉ: BLK 515A, W Drive 14#01 –181, Singapore 731515 nhưng đến ngày mở phiên tòa được ấn định trong thông báo thụ lý, anh Phùng Thế D không có mặt và cũng không có đơn xin xét xử vắng mặt. Căn cứ khoản 4 Điều 477,Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định hoãn phiên tòa. Sau khi hoãn phiên tòa, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có văn bản gửi Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Singapore yêu cầu thông báo kết quả việc thực hiện tống đạt văn bản tố tụng của Tòa án cho anh Phùng Thế D nhưng Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ không nhận được thông báo về kết quả thực hiện việc tống đạt văn bản tố tụng cho anh Phùng Thế D của Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng Hòa Singapore. Căn cứ Điểm c khoản 5 Điều 477 Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ xét xử vắng mặt anh Phùng Thế D Bản án số 7x/2019/HNGĐ-ST của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ ngày 30/09/2019.
.
Về nội dung
Căn cứ Điều 39 Bộ luật Dân sự; Điều 51;56;81; 82; 83; 104; 107; 110 và Điều 123 Luật hôn nhân và gia đình; khoản 1 Điều 28; khoản 3 Điều 35; Điều 37; khoản 4 Điều 147, Điều 474, Điều 476, Điều 477 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 26; điểm a, khoản 5 Điều 27 Ngh ịquyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTVQH, hội đồng xét xử quyết định
1. Về hôn nhân: Cho chị Nguyễn Thị Hồng T được ly hôn với anh Phùng Thế D.
2. Về con chung: Giao cháu Phùng Quỳnh H, sinh ngày 29/12/2013 cho ông Phùng Minh G và bà Cao Thị H trực tiếp nuôi dưỡng trong thời gian chị T, anh D ở nước ngoài. Ghi nhận sự tự nguyện của ông Phùng Minh G và bà Cao Thị H không yêu cầu chị Nguyễn Thị Hồng T phải có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi cháu Phùng Quỳnh H. Chị Nguyễn Thị Hồng T và anh Phùng Thế D có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc, giáo dục cháu H không ai được cản trở.
5. Quan điểm cá nhân của sinh viên nhận xét, đánh giá về vụ việc
Trong vụ án này, tòa án đã thụ lý và giải quyết vụ án theo đúng quy định của pháp luật bao gồm cả luật nội dung và luật hình thức. 
Vụ việc ly hôn giữa chị T và anh D là vụ việc khá phổ biến khi hai người đăng ký kết hôn và sinh con tại Việt Nam, nhưng do nhu cầu cá nhân, hai anh chị đi lao động ở nước ngoài và để ông bà nội là người chăm sóc con từ khi còn bé. Khi gia đình có mâu thuẫn, mối quan hệ hôn nhân không thể duy trì, chị T đề nghị ly hôn và đề nghị Tòa án giải quyết. Chị đề nghị Tòa án cho hai anh chị ly hôn. Nếu ông bà nội đồng ý nuôi cháu thì chị sẽ cấp dưỡng 2.000.000 đ/tháng, nếu không thì chị sẽ nhờ ông bà ngoại nuôi cháu. Về tài sản chung thì chị T và anh D tự thỏa thuận, không đề nghị Tòa án phân chia.
	Qua quá trình xem xét hồ sơ, đánh giá, dựa trên sự tự nguyện của các bên, Tòa án đã đưa ra phán quyết cho hai anh chị ly hôn. Giao con chung của hai người cho ông bà nội nuôi và chị H không cần cấp dưỡng hàng tháng. 
Nhìn chung, quyết định của Tòa án phù hợp với quy định của pháp luật, tuân thủ các nguyên tắc điều chỉnh quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam,.. Tuy nhiên, theo ý kiến cá nhân của người viết, chị T và anh D đã không chung sống cùng con, cháu H đã không nhận được sự trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục của cha mẹ từ nhỏ, phó mặc toàn bộ việc chăm sóc và nuôi dưỡng trẻ cho ông bà nội của cháu, do đó, để gia tăng trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ đối với con cái, theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình 2014: “Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con”, Tòa án nên chấp nhận mức cấp dưỡng hàng tháng của chị T đối với con là 2.000.000đ. Số tiền này không phải số tiền lớn nhưng cũng phần nào thể hiện trách nhiệm của chị trong việc nuôi dưỡng và chăm sóc con cái. 
	Trên đây chỉ là một ví dụ về một vụ việc dân sự có yếu tố nước ngoài. Trong quá trình nghiên cứu, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài, cần lưu ý đến quan hệ pháp luật được điều chỉnh, các quy định pháp luật có liên quan, giải quyết trường hợp xung đột pháp luật (nếu có) để bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ thể trong quá trình tham gia quan hệ pháp luật dân sự trong đời sống tư pháp quốc tế. 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Giáo trình Tư pháp quốc tế, Đại học luật Hà Nội, năm 2019
Bộ luật dân sự 2015
Bộ luật tố tụng dân sự 2015
Luật hôn nhân và gia đình 2014
Bản án số 7x/2019/HNGĐ-ST ngày 30/09/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Phú Thọ

File đính kèm:

  • docxtieu_luan_van_de_phap_ly_noi_dung_dan_su_co_yeu_to_nuoc_ngoa.docx