Tiểu luận Xử lý hành chính về hành vi khám bệnh ngoài giờ vượt quá phạm vi chuyên môn của bác sỹ Nguyễn Văn A

docx 17 trang yenvu 02/11/2023 1910
Bạn đang xem tài liệu "Tiểu luận Xử lý hành chính về hành vi khám bệnh ngoài giờ vượt quá phạm vi chuyên môn của bác sỹ Nguyễn Văn A", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận Xử lý hành chính về hành vi khám bệnh ngoài giờ vượt quá phạm vi chuyên môn của bác sỹ Nguyễn Văn A

Tiểu luận Xử lý hành chính về hành vi khám bệnh ngoài giờ vượt quá phạm vi chuyên môn của bác sỹ Nguyễn Văn A
A. PHẦN MỞ ĐẦU
Trong tình hình mới về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, tại Hội nghị TW khóa 12, Nghị quyết số 20-NQ/TW vừa được ban hành nhằm tăng cường công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ngày 25/10/2017, đã chỉ đạo sâu sắc nhiều vấn đề trong lĩnh vực chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Sau hai mươi lăm năm thực hiện nghị quyết TW 4 khóa VII các chủ trường của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, công tác bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân đạt được nhiều kết quả to lớn góp phần vào việc xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Mạng lươi y tế cơ sở phát triểm rộng khắp. Đội ngũ thành thuốc, cán bộ y tế phát triển về số lượng và chất lượng. Ngân sách và nguồn lực đầu tư cho bảo vệ và nâng cao sức khỏe ngày càng tăng, diện bao phủ bảo hiểm ngày càng được mở rộng. Tỷ lệ chi tiền túi của hộ gia đình, cán bộ công nhân viên ngày càng giảm, tuổi thọ cùa người dân ngày càng được nâng cao, ta cũng đã ngăn chặn được các loại dịch bệnh nguy hiểm.
Xét đến các yếu tố ảnh hưởng đến sức khỏe như: môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, thể dục thể thao, đời sống tinh thần, được xã hội quan tâm hơn. Năng lực và chất lượng khám chữa bệnh từng bước được nâng lên, ta cũng tiếp cận được hầu hết các kỹ thuật, trang thiết bị tiên tiến của thế giới. Đạo đức phong cách, thái độ phục vụ, trình độ chuyên môn của cán bộ y tế được chú trọng, nâng cao.
Nhiều tấm gương y, bác sỹ tận tụy chăm sóc, cứu chữa người bệnh được xã hội trân trọng và ghi nhận.
Tuy nhiên việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân vẫn còn nhiều hạn chế như: vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm của ta chưa ổn, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn khá cao, dịch bệnh vẫn còn đe dọa, các bệnh không lây nhiễm như đái tháo đường, cao huyết áp còn phổ biến, chất lượng dịch vụ nhất là tuyến cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu của người dân, tuyến trên quá tải. Thái độ thiếu chuẩn mực của một bộ phận cán bộ y tế, những sự cố y khoa gây phản cảm, bức xúc trong xã hội. Còn trong lĩnh vực y tế tư nhân thì quản lý còn yếu kém, còn với tác động của cơ chế thị trường, cạnh tranh trong y tế tư còn thiếu lành mạnh. Công tác giáo dục y đức ở nhiều nơi còn buông lỏng. Hiện tại còn nhiều bác sỹ, y sỹ, điều dưỡng, do thu nhập thấp và đời sống còn khó khăn. Bên cạnh đó, một số nơi còn tuyệt đối quá cơ chế thị trường trong khám chữa bệnh, xem người bệnh là khách hàng.
Để cải thiện đời sống cho nhân viên ngành y tế cũng như để giảm tải cho y tế công, chính phủ cũng đã cho mở nhiều loại hình chăm sóc sức khỏe cho nhân dân như: Bệnh viện tư, phòng khám chuyên khoa, đa khoa tư nhân, phòng khám bệnh ngoài giờ cho các bác sỹ đang làm việc trong hệ thống y tế công, các cơ sở này còn cho cả bác sỹ nước ngoài tham gia với điều kiện phải làm đúng theo pháp luật và nhà nước luôn khuyến khích, nó thể hiện trong Điều 4, khoản 3 trong luật khám chữa bệnh có ghi: “Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động Khám chữa bệnh, khuyến khích tổ chức, các nhân đầu tư khám chữa bệnh”.
Các phòng khám tư, Bộ Y tế có quy trình nghiêm ngặt là bác sỹ phải có chứng chỉ hành nghề, phải được phép của Sở Y tế, Bộ Y tế, phải đăng ký kinh doanh để thực hiện nghĩa vụ thuế, yêu cầu chung về thiết kế, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhiều quy định khác nữa. 
Bản thân tôi đã phục vụ trong ngành y tế đã gần 30 năm thấy rằng việc làm thêm ngoài giờ hành chính của các bác sỹ để cải thiện đời sống là hết sức chính đáng. Việc làm thêm này phải thật sự an toàn cho bệnh nhân, vì vậy các bác sỹ phải tuân thủ theo các quy định hiện hành, đủ điều kiện mới mở phòng khám và khám bệnh phải đúng chuyên khoa của mình. Hiện tại cũng không ít các phòng mạch tư nhân do các bác sỹ mở ra mà cũng chưa đủ điều kiện hay làm quá chức năng chuyên môn của mình. Điển hình như ở huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ, nơi mà tôi đang công tác cũng có phòng mạch tư thực hiện quá chức năng chuyên môn của mình và bị “Xử lý hành chính về hành vi khám bệnh ngoài giờ vượt quá phạm vi chuyên môn của bác sỹ Nguyễn Văn A tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ”.
Nhân trường hợp này cũng xin phép quý thầy cô cho phép tôi được chọn tình huống này để làm tiểu luận cuối khóa học, với đề tài này cũng góp phần trong việc quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế tư nhân. Đặc biệt là nâng cao nhận thức tuân thủ theo pháp luật của cán bộ phận y tế.
Tình huống đã xảy ra do đoàn kiểm tra liên ngành tại xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, thành phố Cần Thơ. Đoàn phát hiện bác sỹ Nguyễn Văn A có mở phòng khám tư ngoài giờ, với chứng chỉ hành nghề là bác sỹ nội khoa, có thực hiện tiểu phẩu tại nhà, mà phẩu thuật thì bác sỹ ngoại khoa mới là được.
Trong trường hợp này đoàn đã kiểm tra, lập biên bản, niêm phong dụng cụ ngoại khoa và đề nghị Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Thới Lai ra quyết định xử phạt theo quy định hiện hành.
B. PHẦN NỘI DUNG
I. MÔ TẢ TÌNH HUỐNG
Ngày 15/5/2018, đoàn kiểm tra liên ngành đã họp lúc 6h sáng, đoàn đã tiến hành bốc thăm chọn địa phương kiểm tra để tránh tình trạng biết trước thông tin kiểm tra và tin tức lộ ra ngoài các hộ trên địa bàn được kiểm tra sẽ có chuẩn bị đối phó với đoàn.
Đoàn đã bốc thăm nơi kiểm tra là xã Trường Xuân, huyện Thới Lai. Đầu tiên đoàn đến ấp có chợ là ấp Thới Phong A, nơi có nhiều quầy dược, quán ăn và phòng mạch tư nhân của các bác sỹ, y sỹ.
Lúc 6h30 ngày 15/5/2018, đoàn đã đột xuất kiểm tra phòng khám bệnh ngoài giờ của bác sỹ Nguyễn Văn A, xã Trường Xuân, huyện Thới Lai. Tiến hành kiểm tra:
- Trưởng đoàn đã đọc quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc thực hiện theo quy định của pháp luật tại các quầy dược, phòng mạch tư, cơ sở ăn uống.
- Trưởng đoàn đã giới thiệu thành phần đoàn kiểm tra gồm các đại diện sau: Phòng Y tế, Trung tâm Y tế, Trưởng trạm y tế xã Trường Xuân;
- Đoàn đã phát hiện bác sỹ Nguyễn Văn A đang vừa mổ xong một bệnh nhân có khối u nhỏ ở cẵng chân.
- Bác sỹ Nguyễn Văn A cũng giới thiệu về mình: Bác sỹ Nguyễn Văn A là viên chức của Trung tâm y tế huyện Thới Lai, tốt nghiệp đại học chuyên ngành nội khoa ra trường năm 2010, có vợ là giáo viên cấp 1, tổng thu nhập từ lương của hai vợ chồng là 9 triệu đồng/ tháng, lãnh lương không thì không đủ để chi tiêu, nên mở phòng mạch khám bệnh ngoài giờ để tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Qua kiểm tra nhận thấy phòng khám ngoài giờ của bác sỹ Nguyễn Văn A:
- Những mặt Bác sỹ Nguyễn Văn A làm đúng pháp luật như: 
+ Bác sỹ Nguyễn Văn A có chứng chỉ hành nghề khám nội khoa.
+ Có giấy phép hoạt động do Sở Y tế cấp.
+ Có thực hiện đăng ký kinh doanh.
+ Có mặc áo chuyên môn lúc khám bệnh.
+ Có đeo bảng tên.
+ Phòng mạch có thuốc cấp cứu theo danh mục, có bảng giá khám chữa bệnh, có bảng hiệu đúng quy định.
+ Các yêu cầu chung về thiết kế, điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật như: chiếu sáng, thông gió, có nhà vệ sinh, có nước sạch do nhà máy nước cung cấp, tại phòng mạch tương đối đảm bảo.
- Điều bác sỹ Nguyễn Văn A làm chưa đúng với quy định:
+ Bảng hiệu phòng khám chữa bệnh không đầy đủ theo quy định.
+ Diện tích phòng không đúng quy định.
+ Bác sỹ Nguyễn Văn A có chứng chỉ hành nghề nội khoa nhưng trong cơ sở có dụng cụ phẩu thuật và đã tiến hành phẩu thuật cho bệnh nhân. Như vậy theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP tại điều 29, khoản 4 phạt từ 20 - 30 triệu đồng là "không đảm bảo điều kiện cần thiết để người hành nghề thực hiện khám bệnh, chữa bệnh trong phạm vi chuyên môn được phép". Đoàn đã tiến hành niêm phong dụng cụ phẩu thuật của bác sỹ Nguyễn Văn A để kiểm tra, giải quyết.
+ Bác sỹ Nguyễn Văn A chưa thực hiện báo cáo đầy đủ theo Thông tư số 27/2014/TT-BYT quy định biểu mẫu báo cáo thống kê y tế áp dụng với các cơ sở y tế tư nhân.
Đoàn đã họp và đề nghị về Ủy ban nhân dân huyện Thới Lai các hình thức xử phạt vi phạm hành chính về hành vi khám chữa bệnh ngoài giờ không đúng theo quy định của bác sỹ Nguyễn Văn A.
Đây chính là yêu cầu mà tiểu luận căn cứ vào các văn bản quy phạm pháp luật để giải quyết.
II. XÁC ĐỊNH MỤC TIÊU VÀ XỬ LÝ TÌNH HUỐNG
1. Mục tiêu chung
Phải luôn đảm bảo việc khám bệnh tư, khám bệnh ngoài giờ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính răn đe, giáo dục đối với bác Sỹ Nguyễn Văn A nhận thấy cái sai của mình và phải khắc phục tốt các sai phạm mà đoàn kiểm tra liên ngành đã nêu. 
Định kỳ phải báo cáo đến cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực y tế thư nhân đúng theo Thông tư số 27/2014/TT-BYT quy định biểu mẫu báo cáo thống kê y tế áp dụng với các cơ sở y tế tư nhân.
Chấn chỉnh việc khám bệnh, bán thuốc sai với quy định của pháp luật, thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về y dược tư nhân. Bảo vệ lợi ích cho bệnh nhân, giải quyết hài hòa lợi ích của bệnh nhân và thầy thuốc, tạo niềm tin cho bệnh nhân đối với đội ngũ y, bác sỹ.
2. Mục tiêu cụ thể
Nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về khám chữa bệnh tư nhân, đoàn kiểm tra liên ngành cũng cần xử lý vi phạm của bác sỹ Nguyễn Văn A theo đúng quy định của phâp luật, nhưng cũng đảm bảo các mục tiêu sau: 
- Bác sỹ Nguyễn Văn A là bác sỹ có chuyên môn khá tốt, năng nổ, đoàn kết tốt với đồng nghiệp, chăm sóc tốt cho bệnh nhân, bác sỹ Nguyễn Văn A là người ở Tp Hồ Chí Minh tình nguyện đến với địa phương Thới Lai để làm việc. Vì vậy cần giáo dục thay đổi hành vi là quan trọng.
- Phân tích rõ cho bác sỹ Nguyễn Văn A thấy cái sai của mình là làm vượt quá quy định của chứng chỉ hành nghề được cấp.
- Hồ sơ quản lý bệnh nhân, biểu mẫu, sổ sách báo cáo cho Phòng y tế, trạm y tế chưa đầy đủ,... bác sỹ Nguyễn Văn A phải khắc phục ngay vấn đề này.
- Đối với Trung tâm Y tế, phòng Y tế, trạm y tế cần xác định rõ vai trò lãnh đạo, quản lý. Từ đó phải thường xuyên phổ biến pháp luật trong lĩnh vực hành nghề y, dược tư nhân cho tất cả nhân viên y tế và nhân dân trên địa bàn.
- Phòng tổ chức cán bộ Trung tâm Y tế cần phải rà soát lại chứng chỉ hành nghề của nhân viên mình và phải nhắc nhở thường xuyên phải làm đúng chuyên khoa, đúng phạm vi cho phép.
- Về phía các bác sỹ có phòng mạch tư thì phải làm đúng theo giấy phép được cấp, chứng chỉ hành nghề cho đến đâu thì làm đến đó, chứ không làm vượt quá khả năng chuyên môn của mình. Đồng thời phải chấp hành nghiêm chỉnh chủ trương đường lối, chính sách của Đảng đối với lĩnh vực y tế ngoài công lập.
III. PHÂN TÍCH NGUYÊN NHÂN, HẬU QUẢ CỦA TÌNH HUỐNG 
1. Nguyên nhân
a. Nguyên nhân khách quan:
- Việc khám bệnh ngoài giờ, khám bệnh tại phòng khám tư nhân là nhu cầu chính đáng của bệnh nhân, của nhân dân và được pháp luật công nhận.
- Nội dung khám chữa bệnh tư được bộ y tế quy định qua các thông tư, nghị định một cách cụ thể như: Thông tư 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt đông đối với cơ sở khám chữa bệnh; Thông tư 35/2015/TT-BYT quy định về việc thu hồi cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động của các cơ sở khám chữa bệnh; Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế; Thông tư 27/2014/TT-BYT quy định biểu mẩu báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh;
- Nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân ngày càng đa dạng mà bảo hiểm y tế chưa giải quyết được hết như: khám bệnh ngoài giờ hành chính, khám bệnh theo yêu cầu, tầm soát bệnh theo yêu cầu,...
- Các văn bản hướng dẫn xin cấp phép khám bệnh ngoài giờ ngoài giờ, việc phê duyệt danh mục của các chuyên khoa còn chưa thống nhất gây một số khó khăn cho người hành nghề tư nhân.
b. Nguyên nhân chủ quan
- Việc chấn chỉnh về chuyên môn đối với các phòng mạch tư còn chưa thường xuyên nên sai sót dể xảy ra.
- Do trên địa bàn có rất nhiều cơ sở hành nghề y, dược tư nhân nên việc kiểm tra là không thể hết tất cả các sơ sở. Do đó các cơ sở hành nghề y dược còn chủ quan là sẽ không kiểm tra cơ sở mình. 
- Do đời sống gia đình của cán bộ y tế còn nhiều khó khăn, để đủ tiền trang trãi cuộc sống họ sẽ làm vượt quá quy định chuyên môn mà ngành cho phép.
- Về phía bệnh nhân: 
+ Bệnh nhân ở huyện Thới Lai đa số là nông dân, nhận thức về chuyên khoa, đa khoa đối với phòng mạch tư nhân còn hạn chế, họ nghĩ bác sỹ là có thể điều trị bệnh được từ đầu đến chân.
+ Do đa số người dân ở vùng nông thôn, khoảng cách từ nhà đến các trung tâm chuyên khoa thì quá xa và tốn nhiều chi phí, nên họ chấp nhận khám chữa bệnh ở các phòng mạch tư gần họ sinh sống.
2. Hậu quả:
- Hệ thống khám chữa bệnh tư nhân được nhà nước khuyến khích với điều kiện là làm đúng theo quy định của pháp luật. Nếu không quản lý tốt nó dễ biến tướng thậm chí xảy ra "lừa đảo" ở các phòng mạch có yếu tố nước ngoài như ở Cần Thơ và các nơi khác có phòng mạch của các bác sỹ người Trung Quốc.
- Tình trạng xét nghiệm dàn trãi, dùng thuốc bao vây gây tốn kém cho bệnh nhân.
- Tình trạng cạnh tranh không lành mạnh xảy ra ở các phòng mạch tư, bệnh viện tư đã xảy ra khá phổ biến.
- Những phòng mạch tư, bệnh viện tư có sai phạm trong chuyên môn, trong y đức, trong việc tuân thủ pháp luật sẽ gây mất lòng tin cho bệnh nhân nói riêng và nhân dân nói chung.
IV. XÂY DỰNG, PHÂN TÍCH VÀ LỰA CHỌN PHƯƠNG ÁN GIẢI QUYẾT TÌNH HUỐNG
1. Xây dựng tình huống
Sau khi kiểm tra phòng khám bệnh ngoài giờ của bác sỹ Nguyễn Văn A, đoàn liên ngành đã căn cứ vào:
- Nghị định số 176/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
- Thông tư số 27/2014/TT-BYT quy định biểu mẫu báo cáo thống kê y tế áp dụng với các cơ sở y tế tư nhân.
- Căn cứ vào biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám chữa bệnh tư nhân do đoàn kiểm tra liên nghành lập.
- Tất cả các phương án đưa ra đều có phạt tiền để răn đe.
Đề xuất phương án giải quyết như sau:
1.1. Phương án thứ nhất:
Phòng khám bệnh ngoài giờ làm quá chức năng chuyên môn. Theo nghị định 176/2013/NĐ-CP tại điều 39, khoản 4 phạt từ 20 - 30 triệu. Đoàn liên ngành chọn khung cao nhất là 30 triệu đồng niêm phong dụng cụ ngoại khoa, viết cam đoan không giải quyết bất cứ bệnh nhân ngoại khoa nào, trừ trường hợp cấp cứu.
Ưu điểm:
- Số tiền nộp phạt cao, hình thức xử lý nghiêm khắc, nghiêm trị và răn đe cao.
Hạn chế:
- Số tiền đóng phạt cao so với lương của bác sỹ hiện nay, nên khả năng đóng phạt của bác sỹ sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của họ.
- Việc xử phạt chưa công khai, chưa đảm bảo tính răn đe.
1.2. Phương án thứ 2
- Chọn khung phạt tiền là 25 triệu đồng.
- Bác sỹ Nguyễn Văn A phải hoàn thiện cơ sở vật chất như diện tích phòng, bảng hiệu; các báo cáo chuyên môn cho Phòng Y tế, Trạm y tế trong vòng 2 tuần.
Ưu điểm:
- Khung phạt tài chính vẫn còn khá cao.
- Bác sỹ Nguyễn Văn A phải thực hiện các báo cáo chuyên môn.
- Sửa chữa cơ sở vật chất theo quy định.
Hạn chế:
- Số tiền đóng phạt vẫn còn cao so với lương của bác sỹ hiện nay, nên khả năng đóng phạt của bác sỹ sẽ gặp khó khăn, ảnh hưởng nhiều đến đời sống của họ.
- Thời gian 2 tuần là khá ngắn.
1.3. Phương án 3:
- Chọn khung phạt thấp nhất là 20 triệu động.
- Làm cam kết không được khám bệnh vượt khả năng chuyên môn.
- Phải hoàn thiện cơ sở vật chất, cơ sở khám chữa bệnh trong 1 tháng.
- Thông báo kết quả kiểm tra phòng mạch của bác sỹ Nguyễn Văn A đến lãnh đạo Trung tâm y tế (nơi bác sỹ Nguyễn văn A đang công tác).
- Đề nghị Ban Giám đốc nhắc nhở bác sỹ Nguyễn Văn A và tất cả các bác sỹ khi khám bệnh ở phòng mạch tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật.
Ưu điểm:
- Với số tiền 20 triệu bác sỹ Nguyễn Văn A có khả năng nộp phạt.
- Đoàn kiểm tra liên ngành đã nhắc nhở, giúp đỡ bác sỹ Nguyễn Văn A thấy được sai sót của mình để khắc phục trong thời gian tới.
- Thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, tính công khai cao nhằm giáo dục các bác sỹ tuân thủ pháp luật, phòng khám phải có cơ sở vật chất đúng theo quy định, có thống kê báo cáo theo mẫu của cán bộ y tế.
- Có thời gian để bác sỹ Nguyễn Văn A sửa chữa cơ sở vật chất.
2. Lựa chọn phương án tối ưu:
Từ phân tích những ưu khuyết điểm và hạn chế của các phương án nêu trên, quan điểm cá nhân tôi chọn phương án thứ 3 là phương án họp lý nhất. Vì phương án này đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, vừa có tính giáo dục cao, giúp bác sỹ Nguyễn Văn A và các bác sỹ khác khi mở phòng mạch tư là phải tuân thủ đúng theo quy định của pháp luật, cần đảm bảo lợi ích của bệnh nhân, quyền lợi của bác sỹ theo quy định hiện hành.
V. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN ĐÃ ĐƯỢC LỰA CHỌN
Để thực hiện tốt phương án 3 ta cần thực hiện các bước sau:
Bước 1: Đoàn kiểm tra liên ngành được chủ tịch ủy ban nhân dân huyện ra quyết định gồm:
- Lãnh đạo phòng y tế Thới Lai
- Lãnh đạo công an huyện Thới Lai
- Lãnh đạo quản lý thị trường Thới Lai.
- Đại diện thanh tra huyện Thới Lai
- Đại diện Trung tâm y tế huyện
- Đại diện chính quyền địa phương, trạm y tế các xã, thị trấn.
Bước 2:
Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra đột xuất phòng khám bệnh ngoài giờ của bác sỹ Nguyễn Văn A. Đoàn tiến hành kiểm tra các thủ tục hành chính, lập biên bản trong lĩnh vực làm tư nghề y với lý do vượt khả năng chuyên môn và còn sai sót một số vấn đề khác.
Căn cứ vào mức độ vi phạm đoàn đã thống nhất ý kiến hình thức xử phạt đối với bác sỹ Nguyễn Văn A và làm tờ trình đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện ra quyết định xử phạt. 
Bước 3: Đại diện đoàn kiểm tra liên ngành là Trưởng phòng y tế đã mời bác sỹ Nguyễn Văn A, triển khai quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định số: 176/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế. Quyết định xử phạt do chủ tịch ủy ban nhân dân huyện ký.
Quyết định cũng được chuyển đến giám đốc Trung tâm y tế Thới Lai để theo dõi, hướng dẫn việc thực hiện quyết định của đồng chí Chủ tịch huyện.
Bản thân bác sỹ Nguyễn Văn A phải nộp phạt theo quy định và tự điều chỉnh hành vi của mình cho đúng với quy định có pháp luật.
VI. KIẾN NGHỊ
1. Đối với Chính phủ và Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính.
- Có chính sách lương cho đối tượng bác sỹ hợp lý. Bác sỹ học 6 năm thực tế thi đầu vào cũng rất khó khăn, nhưng khi ra trường mức lương xếp cũng bằng đại học 4 năm.
- Cần đẩy mạnh sự phát triển hệ thống y tế ngoài công lập để giảm tải cho y tế công lập và thu đúng, thu đủ đối với người có điều kiện kinh tế chứ không cào bằng như bảo hiểm y tế hiện nay.
- Bảo hiểm y tế phải có nhiều loại hình, nhiều gói bảo hiểm với mức hưởng thụ và mức đóng phí khác nhau.
2. Đối với ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Sở Y tế Cần Thơ.
Khám chữa bệnh tư, khám chữa bệnh ngoài giờ hành chánh là nhu cầu của bệnh nhân và thầy thuốc, vừa đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội.
Vì vậy chính quyền cần quản lý, tạo điền kiện cho lực lượng này phát triển theo định hướng của Đảng, nhà nước, Bộ Y tế.
Thường xuyên tuyên truyền về luật khám chữa bệnh, các nghị định về quản lý và hành nghề y dược tư nhân. 
3. Đối với Phòng Y tế, Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các Trạm Y tế.
3.1. Đối với Phòng Y tế
- Là cơ quan quản lý y tế trên địa bàn, là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện; nên thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về hành nghề y - dược tư nhân cho các phòng mạch có nhà thuốc để họ nắm được các quy định về hành nghề cho đúng pháp luật.
- Thường xuyên kiểm tra đột xuất các cơ sở hành nghề y, dược trên địa bàn để kịp thời phát hiện những sai sót, chấn chỉnh ngay.
3.2. Đối với Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn và các Trạm y tế
Trạm y tế tham mưu cho ủy ban nhân dân xã, thị trấn để quản lý tốt việc khám bệnh, kinh doanh thuốc trên địa bàn, chấn chỉnh ngay các sai sót tại địa phương và kịp thời báo cáo về trên những trường hợp khám chữa bệnh chưa đúng quy định. 
3.3. Đối với đội ngũ y, bác sỹ
- Thường xuyên học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm bảo nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. 
- Cần phải trau dồi đạo đức nghề nghiệp, phải làm việc có lương tâm.
C. PHẦN KẾT LUẬN
Trong văn kiện hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành trung ương khóa XII có nhấn mạnh công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân từ năm 1993 đến nay có sự tham gia của Y tế ngoài công lập “Cần đánh giá toàn diện kết quả xã hội hóa, phát triển Y tế ngoài công lập trong từng dịch vụ Y tế”. Đây là quan điểm mới của Đảng ta, xác định tầm quan trọng của y tế ngoài công lập trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Khám chữa bệnh tư, khám chữa bệnh ngoài giờ là một nhu cầu thực tế, khách quan trong xã hội hiện nay, nó vừa liên quan đến đời sống cán bộ ngành y tế, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Để phát triển hệ thống y tế ngoài công lập thật toàn diện giống như các nước trên thế giới, ta cần có hệ thống quy phạm pháp luật phù hợp, chặt chẽ dễ thực hiện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Luật khám chữa bệnh số 40/2009/QH12.
2. Nghị định 176/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế.
3. Nghị định 87/2011/NĐ-CP quy định chi tết và hướng dẫn một số điều của Luật Khám chữa bệnh.
4. Nghị quyết số 20/NQ-TW năm 2017 tăng cường công tác chăm sóc nâng cao sức khỏe nhân dân.
5. Văn kiện hội nghị lần thư sáu Ban chấp hành Trung ương khóa XII – năm 2017.
6. Quyết định số 6062/QĐ-BYT ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế ban hành bảng chấm điểm phân tuyến chuyên môn kỹ thuật và xếp hạng lương tương đối với các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân.
7. Công văn chấn chỉnh công tác đào tạo, hành nghề và xá nhận quá trình thực hành khám bệnh, chữa bệnh.
8. Giới thiệu các lỗi vi phạm hay gặp hành nghề y tế tư nhân, Sở Y tế thành phố Cần Thơ năm 2018.
9. Tài liệu giám việc chấp hành pháp luật cơ sở hành nghề y tế, Sở Y tế thành phố Cần Thơ năm 2018.

File đính kèm:

  • docxtieu_luan_xu_ly_hanh_chinh_ve_hanh_vi_kham_benh_ngoai_gio_vu.docx