Tiểu luận Phân tích nội dung nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) theo quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) trong khuôn khổ WTO. Lấy 1 ví dụ minh họa

docx 10 trang yenvu 16/02/2024 1790
Bạn đang xem tài liệu "Tiểu luận Phân tích nội dung nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) theo quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) trong khuôn khổ WTO. Lấy 1 ví dụ minh họa", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận Phân tích nội dung nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) theo quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) trong khuôn khổ WTO. Lấy 1 ví dụ minh họa

Tiểu luận Phân tích nội dung nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) theo quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) trong khuôn khổ WTO. Lấy 1 ví dụ minh họa
TIỂU LUẬN 
KẾT THÚC HỌC PHẦN 
MÔN HỌC: LUẬT THƯƠNG MẠI QUỐC TẾ 
CHỦ ĐỀ: PHÂN TÍCH NỘI DUNG NGUYÊN TẮC ĐỐI XỬ QUỐC GIA (NT) THEO QUY ĐỊNH CỦA HIỆP ĐỊNH CHUNG VỀ THUẾ QUAN VÀ THƯƠNG MẠI (GATT) TRONG KHUÔN KHỔ WTO. LẤY 01 VÍ DỤ MINH HỌA
Sinh viên thực hiện: .
MSSV: ..
Lớp: ..
Năm 2021
MỤC LỤC
I. MỞ ĐẦU
 Nguyên tắc đối xử quốc gia là một nguyên tắc hết sức quan trọng trong luật pháp quốc tế đối với nhiều chế độ hiệp ước. Theo nguyên tắc đối xử quốc gia, nếu một nhà nước cấp quyền, lợi ích hay đặc quyền cho công dân của nước mình, thì cũng phải cấp những lợi ích đó cho công dân của các quốc gia khác khi công dân đó đang sinh sống và làm việc, chịu sự quản lý ở trong nước đó. Trong bối cảnh hiện nay, với sự phát triển ngày càng cao, kéo theo nhiều hệ luỵ đòi hỏi phải có các hiệp ước, điều ước giữa các quốc gia trên thế giới để đảm bảo quyền lợi cho cá nhân, tổ chức của chính quốc gia đó. Chính vì vậy, đối xử quốc gia là một phần không thể thiếu của nhiều thỏa thuận Tổ chức thương mại thế giới, là một trong những nền tảng của pháp luật thương mại của WTO.
Đối xử quốc gia là một nguyên tắc cơ bản của GATT/WTO cấm phân biệt đối xử giữa hàng nhập khẩu và sản xuất trong nước đối với thuế nội bộ hoặc quy định khác của chính phủ. Nguyên tắc đối xử quốc gia được xây dựng tại Điều 3 của GATT năm 1947 (và được dẫn chiếu trong Hiệp định GATT 1994). Mục đích của quy tắc thương mại này là để ngăn chặn các loại thuế nội địa hoặc các quy định khác đang được sử dụng như là một thay thế cho bảo hộ thuế quan. Qua quá trình xây dựng và triển khai, các quốc gia trên thế giới đã thể hiện nghiêm túc các quy định trong Hiệp định GATT. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tình trạng phân biệt đối xử, đánh thuế cao đối với các mặt hàng của các nước khác khi hàng hoá nước đó đưa vào thị trường của nước sở tại, gây khó khăn cho quan hệ hợp tác, cung ứng và xuất khẩu hàng hoá, tạo ra cơ chế cạnh tranh không lành mạnh, vi phạm hiệp ước GATT. Với những lý do đó, việc nghiên cứu, phân tích, làm rõ nội dung nguyên tắc đối xử quốc gia theo quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại GATT trong khuôn khổ WTO có ý nghĩa hết sức quan trọng. Vì những lý do trên học viên lựa chọn chủ đề “Phân tích nội dung nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) theo quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) trong khuôn khổ WTO. Lấy 01 ví dụ minh họa” viết tiểu luận kết thúc môn học của mình.
II. NỘI DUNG
1. Các vấn đề lý luận 
Trong thương mại quốc tế, nguyên tắc đối xử quốc gia (National Treatment) được hiểu là dựa trên cam kết thương mại, một nước sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước khác những ưu đãi không kém hơn so với ưu đãi mà nước đó đang và sẽ dành cho sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp của nước mình. Điều này có nghĩa là nước nhập khẩu không được đối xử phân biệt giữa sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp trong nước với sản phẩm, dịch vụ, nhà cung cấp nước ngoài về thuế và các khoản lệ phí trong nước cũng như về điều kiện cạnh tranh.
Cụ thể trong WTO, nguyên tắc đối xử quốc gia được quy định tại điều III GATT (Hiệp định chung về thuế quan và thương mại). Theo đó thì hàng hoá nước ngoài sau khi đã qua thủ tục hải quan (đã trả các khoản thuế được luật định) hay được đăng ký bảo hộ thì phải được đối xử bình đẳng như hàng hoá, dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ trong nước. Và ở Việt Nam hiện tại cũng có pháp lệnh số 41/2002/PL-UBTVQH10 ngày 25/5/2002 về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế.
2. Phân tích nguyên tắc đối xử quốc gia theo quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) trong khuôn khổ WTO
2.1. Nội dung nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) theo quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT)
Tại điều III GATT 1994 quy định: "Sản phẩm nhập khẩu từ lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết nào vào lãnh thổ của bất cứ một bên ký kết khác sẽ được hưởng đãi ngộ không kém phần thuận lợi hơn sự đãi ngộ dành cho sản phẩm tương tự có xuất xứ nội".
Với quy định này có thể thấy phạm vi áp dụng của nguyên tắc đối xử quốc gia được coi là quy tắc cư xử mà nước sở tại phải tuân thủ khi hàng hóa, dịch vụ hay thương nhân nước ngoài đã vào sâu trong thị trường nội địa. Vì vậy phạm vi áp dụng của nguyên tắc đối xử quốc gia chủ yếu là các biện pháp nội địa.
+ Đối với thuế và lệ phí trong nước cũng được quy định tại khoản 2, điều 3, trong đó nêu rõ các nước thành viên không được phép sử dụng các hình thức nhằm đánh thuế và thu các lệ phí đối với sản phẩm nhập khẩu cao hơn sản phẩm nội địa cùng loại. Ngoài ra, hiệp định cũng quy định rõ các nước thành viên không được phép áp dụng thuế và lệ phí trong nước đối với sản phẩm nhập khẩu hoặc sản phẩm nội địa dưới bất kỳ phương pháp nào nhằm mục đích bảo hộ sản xuất trong nước.
+ Quy định về quy chế mua bán được nêu rõ tại khoản 4, điều 3, trong đó pháp luật cũng đưa ra các yêu cầu khác nhằm đảm bảo cho việc mua bán, vận tải, phân phối hay sử dụng sản phẩm trong nước một cách công bằng, không được phép đối xử phân biệt đối với sản phẩm nhập khẩu kém hơn so với sản phẩm nội địa cùng loại.
+ Tại khoản 5, điều 3 cũng quy định quy chế về số lượng. Với yêu cầu các nước thành viên không được phép đặt ra các quy định hoặc duy trì quy chế trong nước về số lượng liên quan đến sự pha trộn, chế biến hoặc sử dụng các sản phẩm theo một số lượng hoặc tỉ lệ nhất định, trong đó yêu cầu rằng số lượng hoặc tỉ lệ pha trộn của sản phẩm là đối tượng của quy chế này phải được cung cấp từ nguồn trong nước, hay áp dụng quy chế số lượng này theo cách thức nhằm bảo vệ sản xuất trong nước. Trên cơ sở đó hiệp định cũng đưa ra lưu ý, với việc quy định này thì bất cứ tỷ lệ nội địa hóa nào cũng bị coi là vi phạm đối xử quốc gia cho dù là 5% hay 50%.
Ví dụ: Nước A cho sản phẩm xe máy nội địa phải đạt tối thiểu 30% linh kiện lắp ráp nội địa và được hưởng ưu đãi về thuế trong nước nếu đạt 50% linh kiện lắp ráp nội địa. Rõ ràng đây là tỷ lệ nội địa hóa vi phạm nguyên tắc đối xử quốc gia NT.
- Bên cạnh những quy định nêu trên, nguyên tắc này cũng có những ngoại lệ nhất định. Các ngoại lệ được quy định tại Hiệp định GATT 1994 như sau:
+ Tại điểm b khoản 8 Điều 3 quy định việc phải cung cấp các khoản tiền trợ cấp đối với người sản xuất trong nước.
+ Phân bổ thời gian chiếu phim vì mục đích thương mại giữa phim trong nước và phim nước ngoài theo quy định tại Điều IV GATT 1994.
+ Mua sắm của Chính phủ quy định tại điểm a, khoản 8 Điều 3
Các ngoại lệ chung của nhóm nguyên tắc tự do hóa thương mại được quy định tại Điều 20, 21, 25 GATT.
Như vậy với quy định trên, các quốc gia là thành viên, hay tham gia Hiệp định đều phải tuân thủ nhằm đảm bảo quyền lợi công bằng cho hàng hoá nội địa và hàng hoá nhập khẩu được cạnh tranh công bằng và lành mạnh trong sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ.
2.2. Ví dụ điển hình
Tuy nhiên trong thực tế, vẫn còn một số nước tìm cách vi phạm nguyên tắc này, một trong những ví dụ đó, có thể kể đến vụ việc Inđônêxia - ôtô. Đây là vụ việc gây ảnh hưởng tới công nghiệp ôtô. Trong vụ việc này, bên đứng đơn gồm Mỹ, Cộng đồng châu Âu, Nhật Bản.
Inđônêxia thông qua các Chương trình 1993 và 1996 nhằm mục đích tạo thuận lợi cho việc sản xuất ôtô trong nước. Chương trình 1993 quy định (1) giảm thuế nhập khẩu đối với các linh kiện ôtô, mức độ giảm tùy thuộc vào tỷ lệ nội địa hóa của ôtô đã thành phẩm; (2) giảm thuế nhập khẩu đối với các linh kiện ôtô, mức độ giảm tùy thuộc vào tỷ lệ nội địa hóa của linh kiện. Như vậy, tỷ lệ nội địa hóa càng lớn thì thuế nhập khẩu càng giảm; (3) giảm thuế đánh trên hàng xa xỉ đối với các ôtô có thỏa mãn một tỷ lệ nội địa hóa nhất định.
Các biện pháp quy định tại Chương trình 1996 bao gồm: (1) cho các công ty ôtô của Inđônêxia thỏa mãn một số điều kiện nhất định hưởng quy chế “công ty ôtô trong nước”. Các công ty này được miễn thuế đánh trên hàng xa xỉ và miễn thuế nhập khẩu đối với các linh kiện sử dụng để lắp ráp ôtô. Đổi lại, những công ty này phải thỏa mãn những điều kiện rất chặt chẽ liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa. (2) các ôtô của Inđônxia sản xuất tại nước ngoài bởi công dân Inđônêxia và thỏa mãn các điều kiện liên quan tới tỷ lệ nội địa hóa sẽ được coi như ôtô Inđônêxia sản xuất tại Inđônêxia. Do đó, chúng cũng sẽ được miễn thuế nhập khẩu và thuế đánh trên hàng xa xỉ.
Trong vụ kiện này, vấn đề đầu tiên được đặt ra đó là phạm vi áp dụng và tính chất của các biện pháp chịu chi phối bởi quy tắc đối xử quốc gia. Theo Điều 2.1 của Hiệp định về đầu tư liên quan đến thương mại (TRIMs) quy định “không một Thành viên nào được phép áp dụng TRIMs trái với các quy định tại Điều III... của GATT 1994”. Như vậy, sau khi xác định các biện pháp của Inđônêxia áp dụng trong khuôn khổ các Chương trình 1993 và 1996 là các biện pháp đầu tư liên quan tới thương mại, cần xem xét các biện pháp này có vi phạm Điều III hay không. 
Để chứng minh điều này, bên đi kiện viện dẫn điểm 1 trong Danh mục minh họa của Hiệp định về đầu tư. Theo điểm 1, “TRIMs không phù hợp với các nghĩa vụ về đối xử quốc gia được quy định tại Điều III của GATT 1994 bao gồm những biện pháp mang tính bắt buộc hoặc được thực thi thông qua luật trong nước và các quyết định mang tính hành chính hoặc các điều kiện mà chỉ khi tuân thủ các điều kiện này mới được hưởng một ưu đãi nào đó và biện pháp này quy định: (a) doanh nghiệp phải mua hoặc sử dụng các sản phẩm có xuất xứ trong nước hoặc từ một nguồn cung cấp trong nước, dù yêu cầu đó được xác định theo sản phẩm nhất định, theo số lượng hoặc giá trị sản phẩm hoặc theo tỷ lệ về số lượng hoặc giá trị của sản xuất trong nước...”.
Mặt khác, việc giải thích thuật ngữ “ưu đãi” đặt ra vấn đề liên quan tới phạm vi áp dụng của quy tắc đối xử quốc gia. Mặc dù trong vụ kiện, thuế nhập khẩu không phải là một loại thuế hay quy định nội địa, nhưng trên thực tế nó vẫn có tác dụng khuyến khích mua sản phẩm nội địa. Nhu vậy, việc ưu đãi thuế quy định tại Chương trình 1996 đối với các sản phẩm chứa linh kiện nội địa đã tạo ra “ưu đãi” đối với sản phẩm quốc nội trong quá trình cạnh tranh đối với sản phẩm nhập khẩu trên thị trường Inđônêxia. Do đó, việc ưu đãi này vi phạm Điều III.4 của GATT 1994.
 Mặc dù việc ưu đãi các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm nội địa không tạo nên nghĩa vụ trói buộc. Tuy nhiên, nó vẫn đem đến kết quả tương tự như các nghĩa vụ trói buộc, đó là việc các doanh nghiệp sử dụng hàng nội địa, thay vì hàng nhập khẩu. Do đó, nó ảnh hưởng tới điều kiện cạnh tranh công bằng giữa hàng nội địa và hàng nhập khẩu, từ đó vẫn tạo ra phân biệt đối xử giữa hai loại hàng này.
Trong vụ kiện trên, các bên đi kiện cho rằng Inđônêxia phân biệt đối xử về thuế bán hàng đối với sản phẩm của họ và do đó Inđônêxia đã vi phạm Điều III.2. Hơn nữa, sự phân biệt đối xử của Inđônêxia dựa duy nhất trên nguồn gốc linh kiện hoặc quốc tịch của người sản xuất. Do đó, cho dù một ôtô hay linh kiện ôtô có hoàn toàn tương tự với hàng Inđônêxia được nhập khẩu vào nước này thì vẫn chịu thuế cao hơn, vì nó không có nguồn gốc Inđônêxia hoặc không thỏa mãn điều kiện liên quan tới giá trị nội địa. Do đó, Inđônêxia vi phạm Điều III.2 của GATT 1994.
Từ vụ việc trên có thể thấy Inđônêxia đã vi phạm nghiêm trọng Điều III của Hiệp định GATT năm 1994 và điều đó đã ảnh hưởng đến quyền lợi của các nước khác về mặt hàng ôtô khi nhập khẩu vào Inđônêxia.
3. Quá trình triển khai nguyên tắc đối xử quốc gia (NT) theo quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) trong khuôn khổ WTO được áp dụng tại Việt Nam
Hiện nay tại Việt Nam, đối xử quốc gia là chế độ áp dụng chủ yếu trong lĩnh vực dân sự. Thông thường, người nước ngoài được hưởng các quyền dân sự, lao động, thương mại và văn hóa cơ bản như công dân nước sở tại. Chế độ đãi ngộ quốc gia thể hiện mối quan hệ giữa người nước ngoài với công dân nước sở tại, là cơ sở để xác định năng lực pháp luật dân sự của người nước ngoài tại Việt Nam. Về nguyên tắc, người nước ngoài được hưởng các quyền và nghĩa vụ dân sự chủ yếu ngang bằng với công dân Việt Nam, trừ một số hạn chế do pháp luật quy định, ví dụ: quyền sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam; quyền bầu cử, ứng cử; quyền theo học các trường an ninh, quân sự...
Bên cạnh đó, Việt Nam đã ký kết khá nhiều điều ước quốc tế song phương và đa phương. Trong đó có một số điều ước có áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia. Đồng thời, Việt Nam cũng ban hành một số văn bản có liên quan tới nguyên tắc này. Một trong những văn bản đó có thể nhắc tới như: Điều 81 Hiến Pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam “Người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được nhà nước Việt Nam bảo hộ tính mạng, tài sản quyền lợi chính đáng theo pháp luật Việt Nam”; Điều 830 Bộ luật dân sự Việt Nam quy định “Người nước ngoài có năng lực pháp luật như công dân Việt Nam”. Ngoài ra, tại Khoản 5 Điều 3 Pháp lệnh số 41/2002/PL-UBTVQH10 của UBTVQH ngày 25/5/2002 về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế quy định: “Đối xử quốc gia trong thương mại hàng hoá là đối xử không kém thuận lợi hơn đối xử mà Việt Nam dành cho hàng hoá nhập khẩu so với hàng hoá tương tự trong nước."
Như vậy, Việt Nam đã tham gia và thực hiện nghiêm túc và đầy đủ các yêu cầu cũng như quy định mà Hiệp định GATT đưa ra nhằm đảm bảo quyền lợi cho hàng hoá nhập khẩu của các nước khác khi vào Việt Nam.
III. KẾT LUẬN
Như vậy, Hiệp định GATT có ý nghĩa hết sức quan trọng, việc áp dụng đầy đủ và đúng quy định về các nội dung nguyên tắc đối xử quốc gia theo quy định của Hiệp định chung về thuế quan và thương mại (GATT) trong khuôn khổ WTO sẽ là đòn bẩy và cầu nối giúp các quốc gia trên thế giới tạo tình đoàn kết, hợp tác, giao lưu với nhau trong việc bảo vệ nền hoà bình nói chung cũng như làm cơ sở để giao thương, trao đổi, xuất khẩu hàng hoá qua lại giữa các quốc gia được diễn ra thuận lợi, đảm bảo quyền cạnh tranh công bằng giữa hàng hoá xuất khẩu và hàng nội địa. 
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ luật dân sự Việt Nam 2015.
2. Hiệp định TRIMS về các biện pháp đầu tư liên quan đến thương mại.
3. Hiệp định chung về thuế quan và thương mại – GATT 1994.
4. Hiến Pháp nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
5. Pháp lệnh số 41/2002/PL-UBTVQH10 của UBTVQH ngày 25/5/2002 về đối xử tối huệ quốc và đối xử quốc gia trong thương mại quốc tế.

File đính kèm:

  • docxtieu_luan_phan_tich_noi_dung_nguyen_tac_doi_xu_quoc_gia_nt_t.docx