Tiểu luận Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng Sản Việt Nam

docx 20 trang yenvu 02/11/2023 2490
Bạn đang xem tài liệu "Tiểu luận Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng Sản Việt Nam", để tải tài liệu gốc về máy hãy click vào nút Download ở trên.

Tóm tắt nội dung tài liệu: Tiểu luận Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng Sản Việt Nam

Tiểu luận Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng Cộng Sản Việt Nam
TIỂU LUẬN
MÔN HỌC: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH
TÊN ĐỀ TÀI:
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
GIẢNG VIÊN HƯỚNG DẪN:
ThS. NGUYỄN TIẾN HỮU
Tháng 6/2012
TÊN ĐỀ TÀI:
TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
GIẢNG VIÊN HƯỚNG DẪN:
ThS. NGUYỄN TIẾN HỮU
Danh sách thành viên nhóm thực hiện:
STT
Họ và tên
MSSV
Chữ kí
1
Nguyễn Thắng Tú
2002036
2
Trần Phan Hữu Chánh
2001619
3
4
5
Ngày nộp báo cáo:  /  / 
Lời cảm ơn
Để hoàn thành bài tiểu luận này chúng tôi xin gửi lời cám ơn chân thành tới thầy giáo Nguyễn Tiến Hữu người đã giảng dạy trực tiếp cho chúng tôi bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh, thầy đã nhiệt tình giảng dạy truyền đạt cho chúng tôi những kiến thức vững chắc về tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh giúp cho chúng tôi có cái nhìn toàn diện và sâu sắc về tư tưởng vĩ đại của Người, tài sản tinh thần vô giá của Đảng và dân tộc ta. Chúng tôi cũng gửi lời cám ơn tới những thành viên đã thực hiện đề tài này.
Kính mong nhận được sự góp ý của thầy giáo để tiểu luận này được hoàn thiện hơn.
Mục lục
Lời mở đầu
Hồ Chí Minh là người sáng lập và rèn luyện Đảng Cộng Sản Việt Nam, Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động Việt Nam, nhân tố hàng đầu đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản là một tư tưởng lớn, hình thành ngay sau khi Người tìm thấy chủ nghĩa Mác – Lênin và lựa chọn cách mạng vô sản, từng bước phát triển và ngày càng hoàn thiện trong quá trình Người lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đang cộng sản Việt Nam là sự kế thừa và phát triển sáng tạo lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin về Đảng cộng sản trong điều kiện lịch sử cụ thể một nước thuộc địa, tàn tích phong kiến nặng nề, kinh tế nghèo nàn lạc hậu, trình độ khoa học kỹ thuật kém phát triển, giai cấp công nhân nhỏ bé, khác hẳn các nước tư bản phát triển. Đó là một trong những đóng góp to lớn của Người, làm phong phú thêm lý luận của chủ nghĩa Mác – Lê nin về Đảng cộng sản.
Những di sản tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản Việt Nam giữ vai trò quan trọng trong nhiệm vụ chỉnh đốn và đổi mới Đang hiện nay, làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là lực lượng lãnh đạo toàn xã hội, tiếp tục tiến lên dưới ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Vì những lý do trên, việc học tập và vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ có ý nghĩa rất quan trọng về lý luận, mà còn có ý nghĩa thực tiễn vô cùng to lớn.
CHƯƠNG I: CƠ SỞ HÌNH THÀNH TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Cơ sở lý luận
Từ thế kỷ XIX, Mác và Ănghen đã nghiên cứu sâu sắc sự phát triển của chủ nghĩa tư bản Tây Âu, nơi có sự phân hóa xã hội đạt đến cực điểm, với một mâu thuẫn cơ bản ngày càng phát triển gay gắt là mâu thuẫn giữa vô sản với tư sản. Các ông dành sự quan tâm đặc biệt vào vấn đề thành lập Đảng cộng sản ở các nước tư bản phát triển, nơi mà vấn đề dân tộc đã được giải quyết nhờ các cuộc cách mạng tư sản trước đó, nhằm tiến hành cách mạng vô sản, thiết lập chuyên chính vô sản.
Học thuyết Mác khẳng định sứ mệnh lịch sử thế giới của giai cấp công nhân. Giai cấp công nhân chỉ có thể trở thành một giai cấp “cho mình”, thực hiện vai trò lãnh đạo cách mạng vô sản khi tổ chức được một chính đảng cách mạng của riêng mình và cũng chỉ khi đó phong trào công nhân mới hoàn toàn trở thành một phong trào tự giác. Theo Mác, chừng nòa mà giai cấp công nhân chưa thành lập được một chính đảng của mình đối lập với các chính đảng hiện có của giai cấp tư sản thì chừng đó giai cấp công nhân chưa thể hành động với tư cách một giai cấp được. Sự thành lập và vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản là tất yếu nhằm mục tiêu “tổ chức những người vô sản thành giai cấp, lật đổ sự thống trị củ giai cấp tư sản, giai cấp vô sản giành lấy chính quyền”. Đảng cộng sản được thành lập phản ánh cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân đến thời kỳ tự giác. Theo học thuyết Mác – Lênin, Đảng cộng sản là Đảng của giai cấp vô sản, là đội tiên phong có tổ chức cao nhất, bộ tham mưu của giai cấp vô sản, lãnh đạo cuộc đấu tranh giai cấp, lật đổ sự thống trị của giai cấp tư sản, thiết lập chuyên chính vô sản.
Giai cấp vô sản tồn tại trong từng quốc gia dân tộc. trước khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử thế giới, giai cấp vô sản phải hành thành sứ mệnh lịch sử của dân tộc mình. Trong Tuyên ngôn của Đảng cộng sản, Mác – Ăng-ghen nêu rõ: “cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc”. Vì thế, “giai cấp vô sản mỗi nước trước hết phải giành lấy chính quyền, phải tự vươn lên thành giai cấp dân tộc, phải tự mình trở thành dân tộc, tuy hoàn toàn không như cái nghĩa giai cấp tư sản hiểu”. Điều đó có nghĩa là việc thành lập Đảng cộng sản phải được thực hiện trong phạm vi từng quốc gia dân tộc chứ không phải là trong từng khu vực của thế giới. Các quốc gia dân tộc, nhất là những quốc gia láng giềng có quan hệ với nhau về nhiều mặt, nhưng mỗi quốc gia đó có những đặc điểm riêng về truyền thống lịch sử, trình độ phát triển kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán, tâm lý dân tộc, cần phải thành lập ở mỗi quốc gia một đảng riêng để đề ra đường lối chính trị phù hợp với hoàn cảnh của từng nước.
Để lãnh đạo cách mạng, giai cấp công nhân phải có lý luận tiền phong. “Chỉ đảng nào có lý luận tiền phong hướng dẫn thì đảng đó mới làm tròn vai trò chiến sĩ tiên phong”. Nhưng theo Lê nin trong tác phẩm Làm gì, tự bản thân giai cấp công nhân không thể có ý thức xã hội dân chủ được, mà nhiều lắm mới chỉ có giai cấp ý thức công liên chủ nghĩa mà thôi. Ý thức xã hội chủ nghĩa chỉ có thể là bên ngoài đưa vào. Lúc đầu phong trào công nhân và ý thức xã hội chủ nghĩa tồn tại độc lập với nhau vì chúng có nguồn gốc phát sinh giống nhau. Giai cấp công nhân là sản phẩm của chế độ kinh tế - xã hội tư bản chủ nghĩa, còn chủ nghĩa xã hội khoa học lại là sản phẩm của sự nghiên cứu và phát minh khoa học. nếu phong trào công nhân không tiếp thu chủ nghĩa Mác- Lênin thì mãi nó dừng lại ở trình độ tự phát, không thể trở thành một phong trò tự giác được; ngược lại nếu chủ nghĩa Mác – Lênin không thâm nhập vào phong trào công nhân thì nó sẽ mãi dừng ở lĩnh vực lý luận, mà không thể trở thành lĩnh vực lý luận thực tiễn. vì thế mà hai yếu tố này cần có sự kết hợp với nhau, trong đó giai cấp công nhân là vũ khĩ vật chất của chủ nghĩa Mác – Lênin, còn chủ nghĩa Mác – Lênin là vũ khí tư tưởng của phong trào công nhân.
Sự kết hợp của chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân là quy luật chung cho sự ra đời của Đảng cộng sản trên thế giới. nhưng sự kết hợp đó không theo một khuôn mẫu giáo điều, cứng nhắc, mà nó có nét đặc thù do sự chi phối của những điều kiện lịch sử cụ thể, được thực hiện bằng con đường riêng biệt. Lênin chỉ rõ: Trong tất cả các nước, chỉ có sự kết hợp của chủ nghĩa xã hội với phong trào công nhân mới xây dựng được cơ sở vững chắc cho cả hai. Nhưng trong mỗi nước, sự kết hợp ấy lại là một sản phẩm của lịch sử, lại được thực hiện bằng con đường đặc biệt, tùy theo điều kiện không gian và thời gian.
Cơ sở thực tiễn
Đảng cộng sản ở các nước thuộc địa trước hết phải lãnh đạo cuộc đấu tranh dân tộc. vấn đề giai cấp ở thuộc địa phải đặt trong vấn đề dân tộc, đòi hỏi sự vận dụng sáng tạo lý luận Mác – Lênin về Đảng cộng sản ở thuộc địa.
Đến năm 1922, Việt Nam có 22 vạn công nhân, chiếm tỷ lệ khoảng 1% dân số. số lượng đó tuy không nhiều nhưng có một ý nghĩa hết sức qun trọng. Lực lượng đó là lực lượng tiên tiến sẽ nắm ngọn cờ tiên phong lãnh đạo phong trào cách mạng tại Việt Nam. Cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân Việt Nam bắt đầu ngay từ khi nó ra đời ngày càng phổ biến dưới quy mô lớn, ý thức giai cấp và chính trị rõ rang. Nhưng trước khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời thì giai cấp công nhân chưa nhận ra được sứ mệnh lịch sử của mình, còn thiếu một tổ chức lãnh đạo và một đường lối chính trị đúng đắn. sự phát triển của phong trào công nhân chính là cơ sở vật chất để truyền bá chủ nghĩa Mác – Leeni vào Việt Nam. Yêu cầu tất yếu khách quan phải có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản, đó là cơ sở thực tiễn quan trọng để hình thành Đảng cộng sản với nhiệm vụ giải phóng cho dân tộc mình.
Với thắng lợi của Cách mạng Tháng Mười Nga, chủ nghĩa Mác – Lênin trở thành hiện thực và có ảnh hưởng rộng rãi khắp nơi, dẫn đến sự ra đời của các Đảng cộng sản ở nhiều nước trên thế giới. Quốc tế cộng sản được thành lập (3-1919) với khẩu hiệu chiến lược: “Vô sản tất cả các nước và các dân tộc bị áp bức, đoàn kết lại! ”.
Chủ nghĩa yêu nước đã dẫn Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác – Lênin đến với chủ nghĩa Mác – Lênin và lựa chọn con đường cách mạng vô sản, con đường của cách mạng Tháng Mười Nga. Người bỏ phiếu tán thành quốc tế III và tham gia Đảng cộng sản Pháp (12-1920), trở thành một nhà yêu nước cộng sản.
Là đảng viên của Đảng cộng sản Pháp, cùng với việc tìm hiểu công tác xây dựng Đảng Cộng sản Liên Xô, Nguyễn Ái Quốc đã chuẩn bị những điều kiện về tư tưởng, chính trị và tổ chức cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam.
CHƯƠNG II: NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Đảng cộng sản là nhân tố hàng đầu đảm bảo mọi thắng lợi của cách mạng
Sự cần thiết phải có Đảng cộng sản để lãnh đạo cách mạng
Từ sau chiến tranh thế giới thứ nhất đến đầu năm 1930 đã có nhiều tổ chức chính trị với những hoạt động cứu nước sôi nổi mặc dù đấu tranh liên tục và anh dũng nhưng đều bị thất bại trong nhiệm vụ giành lấy độc lập dân tộc. nguyên nhân chủ yếu là các tổ chức đó chưa đưa ra được đường lối lãnh đạo đúng đắn, không tập hợp và phát huy sức mạnh của toàn dân tộc, không gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới.
Đảng là yếu tố quyết định thắng lợi
Người khẳng định: Trong thời đại hiện nay, giai cấp công nhân là giai cấp độc nhất và duy nhất có sứ mệnh là lãnh đạo cách mạng đến thắng lợi cuối cùng. Người khẳng định: “Đặc tính cách mạng của giai cấp công nhân là kiên quyết, triệt để, tập thể, có tổ chức, có kỷ luật đồng thời tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và giáo dục các tầng lớp khác vì vậy mà giai cấp công nhân giữ vai trò lãnh đạo.
Cùng với việc lựa chọn con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, Hồ Chí Minh khẳng định tính tất yếu phải có Đảng cộng sản. Người phân tích: “Kinh nghiệm thế giới và trong nước chứng tỏ rằng: những cuộc đấu tranh tự phát của nhân dân, thường không có mục đích rõ rang, kế hoạch đầy đủ, tổ chức chắc chắn. Kết quả là thất bại. muốn thắng lợi thì cách mạng phải có một đảng lãnh đạo”.
Hồ Chí Minh khẳng định: “Cần có sự lãnh đạo của một đảng biết vận dụng một cách sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể ở nước thì mới có thể đưa cách mạng giải phóng dân tộc đến thắng lợi và cách mạng xã hội chủ nghĩa thành công”.
Đảng cộng sản Việt Nam là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam
Đây là luận điểm mới của Hồ Chí Minh về sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam. Trong khi khẳng định quy luật chung ra đời của Đảng cộng sản, Người đánh giá cao phong trào yêu nước ở Việt Nam, xem nó như một thành tố hình thành nên Đảng cộng sản Việt Nam.
Ở Nguyễn Ái Quốc hai yếu tố phong trào công nhân và phong trào yêu nước không tách rời nhau mà hòa quyện với nhau, kẻ thù của giai cấp công nhân cũng là kẻ thù của cả dân tộc. vì thế quyền lợi của giai cấp và quyền lợi của dân tộc thống nhất với nhau. Muốn giải phóng giai cấp trước hết phải giải phóng dân tộc.
Chủ nghĩa yêu nước đã dẫn Nguyễn Ái Quốc đến với chủ nghĩa Mác – Lênin, ra sức chuẩn bị các điều kiện cho sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam để lãnh đạo cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, tự do cho nhân dân, hạnh phúc cho đồng bào. Phong trào yêu nước chông Pháp ở Việt Nam đầu thế kỷ XX thất bại đã đưa những trí thức yêu nước chuyển dần sang khuynh hướng chính trị vô sản, tiếp thu chủ nghĩa Mác – Lênin và những tư tưởng cách mạng của Nguyễn Ái Quốc, góp phần tích cực thúc đẩy quá trình hình thành Đảng cộng sản Việt Nam.
Hội Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên do Nguyễn Ái Quốc sáng lập năm 1925 là một điển hình cho sự thành công về sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào yêu nước. “Đảng kết hợp phong trào cách mạng Việt Nam với chủ nghĩa Mác – Lênin”.
Đầu năm 1930, khi phong trào công nhân và phong trài yêu nước Việt Nam đã kết thành một làn song cách mạng dân chủ vô cùng mạnh mẽ, đòi hỏi một tổ chức lãnh đạo thống nhất và một đường lối chính trị đúng đắn, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập và chủ trì hội nghị thành lập Đảng và thống nhất các tổ chức cộng sản thành Đảng cộng sản Việt Nam.
Đảng cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh sáng lập và rèn luyện là kết quả của sự sàng lọc nghiêm khắc của lịch sử đấu tranh dân tộc và lịch sử đấu tranh giai cấp ở Việt Nam dưới ánh sáng của thời đại mới, là sản phẩm của sự kết hợp chủ nghĩa Mác – Lênin với phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam trong những năm 20 của thế XX. Đó là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.
Đảng cộng sản Việt Nam là “đảng của giai cấp công nhân đông thời là đảng của dân tộc Việt Nam”
Vận dụng những quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lênin về công tác xây dựng Đảng kiểu mới cảu giai cấp công nhân, Hồ Chí Minh đã tích cực chuẩn bị về tư tưởng, chính trị cho việc thành lập Đảng cộng sản Việt Nam. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, lãnh đạo Đảng, Hồ Chí Minh đã bổ sung, và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin về công tác xây dựng Đảng. Người nêu ra luận điểm quan trọng là Đảng cộng sản Việt Nam là Đảng của giai cấp công nhân đồng thời là Đảng của dân tộc Việt Nam. Tại đại hội II của Đảng, Hồ Chí Minh khẳng định: Trong giai đoạn này, quyền lợi của giai cấp công nhân và nhân dân lao động và của cả dân tộc là một. Chính vì Đảng cộng sản Việt Nam là đản của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, cho nên nó phải là Đảng của dân tộc Việt nam.
Luận điểm nêu trên đã chỉ đạo cách thức tổ chức và hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam không chỉ thể hiện bản chất giai cấp công nhân, mà còn gắn bó máu thịt với dân tộc. Mọi hoạt động của Đảng không có lợi ích nào khác ngoài phụng sự giai cấp, phụng sự nhân dân. Chính vì vậy Đảng cộng sản Việt Nam được nhân dân thừa nhận và gọi một cách gần gũi là “Đảng ta”. Đó là một cội nguồn sức mạnh của Đảng.
Nói Đảng của giai cấp, đồng thời là của dân tộc song không có nghĩa là “Đảng toàn dân” không mang bản chất giai cấp mà đó là Đảng mang bản chất giai cấp công nhân. Sở dĩ có đặc trưng đó là vì khác hẳn các chính đảng khác của giai cấp bóc lột, giai cấp công nhân có lợi ích thống nhất với lợi ích của giai cấp cần lao và lợi ích của toàn dân tộc. theo Hồ Chí Minh bản chất giai cấp công nhân không dừng lại ở số lượng đảng viên xuất than từ công nhân, mà cơ bản là nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác – Lênin. Mục tiêu, đường lối của Đảng thực sự vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người. Đảng không chỉ kết hợp những người ưu tú trong giai cấp công nhân, mà còn kết nạp những người ưu tú trong giai cấp nông dân, trong đội ngũ tri thức và các thành phần khác đã được giác ngộ, tự giác đứng trên lập trường của giai cấp công nhân.
Đảng cộng sản Việt Nam phải lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm cốt
Trong tác phẩm Đường cách mệnh (1927) Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Đảng muốn vững thì chủ nghĩa làm nòng cốt, trong đảng ai cũng phải hiểu, ai cũng phải theo chủ nghĩa ấy. Đảng mà không có chủ nghĩa như người không có trí khôn, tàu không có kim chỉ nam. Bây giờ học thuyết nhiều, chủ nghĩa nhiều nhưng chủ nghĩa chân chính nhất chắc chắn nhất, cách mạng nhất là chủ nghĩa Mác – Lênin.
Theo Hồ Chí Minh, nếu không có lý luận dẫn đường, Đảng chỉ là một tập hợp ngẫu nhiên, rời rạc thiếu thống nhất và không có sức mạnh. Chủ nghĩa Mác – Lênin chính là học thuyết khoa học “chân chính nhất, cách mạng nhất” vì nó chỉ ra cho Đảng mục tiêu, con đường thực hiện sứ mệnh giải phóng giai cấp công nhân, nhân dân lao động và giải phóng dân tộc, xóa bỏ áp bức bất công, xây dựng một xã hội mới tốt đẹp.
Lấy chủ nghĩa Mác – Lênin “làm cốt” theo Hồ Chí Minh không có nghĩa là giáo điều, máy móc theo từng câu, từng chữ mà chính là nắm vững tinh thần của chủ nghĩa Mác – Lênin, nắm vững lập trường quan điểm và phương pháp của chủ nghĩa Mác – Lênin đồng thời tiếp thu những tinh hoa văn hóa của dân tộc và nhân loại, tham khảo những kinh nghệm các nước, vận dụng sáng tạo những vào hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để định ra chính sách và đường lối đúng đắn cho cách mạng. Với tinh thần độc lập tự chủ và sáng tạo, Hồ Chí Minh đã nêu lên một chuẩn mực cho mọi người cách mạng về sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin để giải quyết thành công những vấn đề mà cách mạng Việt Nam cũng như cách mạng thế giới đặt ra.
Đảng cộng sản Việt Nam phải được xây dựng theo những nguyên tắc của Đảng kiểu mới của giai cấp vô sản
Nếu khái quát những luận điểm của Hồ Chí Minh, có thể thấy Người đã đề cập những nguyên tắc xây dựng Đảng sau đây:
Một là tập trung dân chủ
Theo Hồ Chí Minh, dân chủ và tập trung là hai mặt có mối quan hệ gắn bó và thống nhất với nhau trong một nguyên tắc. dân chủ để đi đến tập trung, là cơ sở để tập trung, chứ không phải là dân chủ theo kiểu phân tán, tùy tiện, vô tổ chức. Tập trung là tập trung trên cơ sở dân chủ, chứ không phai tập trung quan lieu theo kiểu độc đoán chuyên quyền.
Về tập trung, Người nhấn mạnh: Phải thống nhất về tư tưởng, tổ chức hành động. do đó thiểu số phải phục tùng đa số, cấp dưới phục tùng cấp trên, mọi đảng viên phải chấp hành vô điều kiện nghị quyết của Đảng.
Còn dân chủ, như Người đã phân tích đó là “của quý báu nhất của nhân dân”, là thành quả của cách mạng. Người đã viết: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý.Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người.
Hai là tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách.
Theo Hồ Chí Minh, đây là nguyên tắc lãnh đạo của Đảng. Trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, Người đã phân tích rất rõ về nguyên tắc này: một người dù tài giỏi đến mấy cũng không thể thấy hết mọi mặt của vấn đề, càng không thể thấy hết được mọi việc, hiểu hết được mọi chuyện. vì vậy càng phải có nhiều người tham gia lãnh đạo. nhiều người thì nhiều kiến thức, người thấy mặt này, người thấy mặt kia, do đó hiểu được mọi mặt, nọi vấn đề.
Về cá nhân phụ trách, Người chỉ rõ việc gì đã được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng, kế hoạch đã được định rõ thì cần giao cho một người phụ trách, nếu giao cho một nhóm người thì cũng cần có một người phụ trách chính.
Đối với nguyên tắc này Người đã kết luận: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan, kết quả là hỏng việc.
Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn vô chính phủ. Kết quả cũng là hỏng việc.
Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách cần phải luôn đi đôi với nhau”.
Ba là tự phê bình và phê bình
Hồ Chí Minh rất coi trọng nguyên tắc này. Người coi đây là nguyên tắc sinh hoạt của Đảng, là luật phát triển của Đảng. Người đặt tự phê bình lên trước để mỗi đảng viên trước hết tự mình phải thấy rõ mình, để phát huy ưu điểm khắc phục nhược điểm. một người biết tự phê bình tốt thì mới đi phê bình người khác được.
Nhưng thực hiện tự phê bình và phê bình thật đúng đắn và nghiêm túc thật không phải chuyện dễ dàng. Muốn thực hiện tốt nguyên tắc này, đòi hỏi mỗi người phải trung thực, chân thành với bản than mình cũng như với người khác.
Bốn là kỷ luật nghiêm minh, tự giác
Hồ Chí Minh rất coi trọng việc xây dựng một kỷ luật nghiêm minh và tự giác trong Đảng để tạo nên sức mạnh to lớn của Đảng: Sức mạnh vô địch của Đảng là ở tinh thần kỷ luật tự giác, ý thức tổ chức nghiêm minh của cán bộ đảng viên. Nghiêm minh là thuộc về tổ chức Đảng, vì đó là kỷ luật đối với mọi cán bộ, đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng. Tự giác là thuộc về mỗi cá nhân cán bộ, đảng viên đối với Đảng, một tổ chức của những người tự nguyện đứng trong hàng ngũ để cùng chiến đấu cho độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kỷ luật này là lòng tự giác của Đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng.
Đoàn kết thống nhất trong Đảng
Trong cuộc đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ, toàn Đảng phải đoàn kết thành một khối vững chắc, toàn đảng phải thống nhất ý chí và hành động, mọi đảng viên phải bảo vệ sự đoàn kết thống nhất của Đảng như bảo vệ con ngươi của mắt mình.
Để xây dựng và đoàn kết thống nhất trong Đảng, Người thường nêu những yêu cầu như: phải thực hiện và mở rộng dân chủ nội bộ để cán bộ đảng viên có thể tham gia bàn bạc đến nơi đến chốn những vấn đề hệ trọng của Đảng; phải thường xuyên thực hiện tự phê bình và phê bình với tinh thần trung thực, chân thành, thẳng thắn, tự nghiêm khắc với mình và có tình thương yêu đồng chí; phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân với bao nhiêu thứ tệ nạn từ chủ nghĩa cá nhân mà ra: tham ô, lãng phí, quan lieu, bè cánh, cơ hội, dối trá, chạy theo chức, quyền, danh, lợi
Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Đảng lãnh đạo, dân làm chủ. Phải thường xuyên chăm lo củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với dân
Bất kỳ đảng phái nào muốn thực hiện được ý đồ chính trị của mình thì cũng đều phải huy động, tập hợp nhân dân. Nhưng sự khác nhau căn bản giữa phương pháp của Đảng cộng sản so với các Đảng tư sản là việc tập hợp quần chúng nhân dân nhằm thực hiện những công việc vì chính bản than quần chúng. Đảng cộng sản không có mục đích tự thân mà Đảng ra đời nhằm phục vụ nhân dân. Theo Hồ Chí Minh, sự lãnh đạo là nhằm “lấy tài dân, sức dân để làm những công việc có lợi cho dân”, chứ không phải vì lợi ích của người lãnh đạo. Mục tiêu lãnh đạo của Đảng chính là vì độc lập và tự do của dân tộc, hạnh phúc và dân chủ của nhân dân. Với ý nghĩa đó, sự lãnh đạo của Đảng đồng nghĩa là “đầy tớ” của nhân dân. Khi trở thành Đảng cầm quyền thì Đảng càng phải ý thức đầy đủ sâu sắc chức trách xã hội của mình. Nếu không thực sự là đầy tớ của nhân dân, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng sẽ rơi vào trạng thái quan lieu, do đó sẽ mất đi sức sống vốn có của nó. Dựa vào dân, gắn bó mật thiết với nhân dân là điều kiện tồn tại và phát triển của Đảng. Hồ Chí Minh yêu cầu cán bộ, đảng viên phải thường xuyên đi vào quần chúng nhân dân, tổng kết, đúc kết ý kiến của quần chúng nhân dân biến thành chủ trương của người lãnh đạo để quahy trở lại chỉ đạo quần chúng. Người cũng lưu ý: người lãnh đạo phải biết tôn trọng và lắng nghe ý kiến của nhân dân, nhưng tuyệt đối không theo đuôi quần chúng.
Từ khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời, do có đường lối đúng đắn và có sự gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng đã được nhân dân thừa nhận là Đảng duy nhất có vai trò lãnh đạo cách mạng Việt Nam và trong suốt tiến trình đi lê của cách mạng Việt Nam Đảng ta hoàn toàn xứng đáng với sự tin cậy ấy.
Hiện nay, đất nước ta đang bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, luận điểm Đảng vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân vẫn còn nguyên giá trị.
Đảng phải thường xuyên tự chỉnh đốn, tự đổi mới
Để xứng đáng là một Đảng cách mạng chân chính lãnh đạo sự nghiệp cách mạng to lớn của giai cấp và dân tộc, một Đảng “vừa là đạo đức, vừa là văn minh”, một Đảng tiêu biểu cho trí tuệ, danh dự, lương tâm của dân tộc và thời đại, Đảng phải thường xuyên chăm lo tới sự chỉnh đốn và đổi mới bản thân mình. Chỉnh đốn và đổi mới Đảng là nhằm làm cho Đảng trong sạch vững mạnh, vững mạnh về cả ba mặt chính trị, tư tưởng, đạo đức, làm cho đội ngũ cán bộ đảng viên không ngừng nâng cao phẩm chất và năng lực trước những yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng.
Đối với toàn Đảng, Người cũng chỉ rõ là Đảng sống trong xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên đều chịu ảnh hưởng của xã hội, cả cái tốt và cái xấu, cái hay và cái dở. Chỉ có thể phát huy được cái tốt, cái hay lọc bỏ cái xấu, cái dở bằng việc rèn luyện thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên, thường xuyên chú ý đến việc chỉnh đốn Đảng.
Người đặc biệt quan tâm đến vấn đề này trước những bước chuyển của cách mạng, vì đây là thời điểm thường có những bất cập, bên cạnh đó là những chao đảo, suy thoái có thể xảy ra.
Trước lúc đi xa, Hồ Chí Minh để lại những điều tâm huyết, căn dặn toàn đảng: ”Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân”.
Hồ Chí Minh nêu lên một luận điểm quan trọng: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi ngưởi yêu mến và ca ngợi, nếu long dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”. Luận điểm trên đây thực sự là một chân lý, không chỉ phản ánh đúng thực tiễn ở nước ta, mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Nó mãi mãi là lời cảnh tỉnh có ý nghĩa rất sâu sa đối với Đảng cộng sản, đối với mỗi đảng viên cộng sản.
CHƯƠNG III: VẬN DỤNG TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM TRONG CÔNG CUỘC XÂY DỰNG VÀ CHỈNH ĐỐN ĐẢNG HIỆN NAY
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng cộng sản là tư tưởng chỉ đạo cho việc xây dựng Đảng cộng sản Việt Nam thực sự là một đảng mácxít – Lêninnít chân chính, là Đảng của Hồ Chí Minh để làm tròn sứ mệnh lịch sử vẻ vang và trách nhiệm nặng nề trước dân tộc, đồng thời có những đóng góp tích cực vào phong trào cách mạng thế giới.
Về chính trị, đó là đường lối chính trị đúng đắn, bản lĩnh chính trị vững vàng trong mọi tình huống phức tạp, mọi bước ngoặt hiểm nghèo, mọi giai đoạn cách mạng khác nhau. Trên cơ sở kiên định mục tiêu lâu dài là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, Đảng biết tập trung giành thắng lợi cho từng bước đi lên cách mạng. Đó là đường lối đúng đắn, sáng suốt nhất quán về chiến lược, mềm dẻo về sách lược, linh hoạt về biện pháp đấu tranh, tập hợp được lực lượng của toàn dân, tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ quốc tế, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cách mạng.
Về tư tưởng, đó là tư tưởng cách mạng triệt để, tiến công, luôn đề phòng và kịp thời khắc phục những lệch lạc “tả - hữu”, chống cơ hội, xét lại, chống giáo điều bảo thủ, đồng thời dự báo các chiều hướng có thể xảy ra. Đó là tư tưởng khoa học lấy chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng, lấy thực tiễn Việt Nam làm mục tiêu, để vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng thời làm giàu thêm trí tuệ của mình bằng việc kế thừa và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, để giành được thắng lợi cách mạng.
Về tổ chức, đó là một tổ chức chính trị trong sạch, vững mạnh; một tổ chức chiến đấu kiên cường, khi tiến đánh thì trăm người như một; một tổ chức với đội ngũ cán bộ, đảng viên coi trọng việc tu dưỡng đạo đức, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, nâng cao năng lực, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, dám hy sinh xả thân vì sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Đó là một tổ chức trọng chất lượng hơn số lượng, lấy việc nâng cao vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng làm nhiệm vụ thường xuyên của mỗi cán bộ, đảng viên và của toàn Đảng.
Kết luận
Hồ Chí Minh là người sáng lập, đồng thời là người giáo dục và rèn luyện Đảng cộng sản Việt Nam trong gần 40 năm. Người đã thực sự dành nhiều tâm huyết cho đảng, xác lập nên một hệ thống các quan điểm, tư tưởng về Đảng cộng sản Việt Nam trên cơ sở vận dụng sáng tạo và phát triển tư tưởng của chủ nghĩa Mác – Lênin về Đảng cộng sản vào hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Có thể kể đến những sáng tạo của Bác về Đảng cộng sản Việt Nam là quan điểm về quy luật hình thành đảng; về sự thống nhất biện chứng giữa bản chất giai cấp công nhân với tính dân tộc và tính nhân dân của Đảng; quan niệm về Đảng cầm quyền và các yếu tố đảm bảo vai trò cầm quyền của Đảng.
Trong bối cảnh, điều kiện mới, đứng trước những cơ hội và thách thức cũng không nhỏ, Đảng ta vẫn kiên trì chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảng đã xác định nhiệm vụ phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, đồng thời xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo nền tảng tinh thần cho sự phát triển xã hội.
Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng về mọi mặt, nhằm làm cho Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh; phát huy thành quả đã đạt được, khắc phục, ngăn chặn, tiến tới đẩy lùi những hạn chế, yếu kém; để lấy lại niềm tin trong nhân dân, xứng đáng với vai trò người lãnh đạo duy nhất của cách mạng Việt Nam.
Bởi vậy, việc tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh về Đảng trong sạch, vững mạnh phải được quán triệt tới từng cơ sở đảng, từng cán bộ, đảng viên.
Tài liệu tham khảo
TS. Đinh Xuân Lý, Một Số Chuyên Đề Về Tư Tưởng Hồ Chí Minh, Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia.
Hội Đồng Trung Ương Chỉ Đạo Biên Soạn Giáo Trình Quốc Gia Các Bộ Môn Khoa Học Mác – Lênin, Giáo Trình Tư Tưởng Hồ Chí Minh, Nhà Xuất Bản Chính Trị Quốc Gia.

File đính kèm:

  • docxtieu_luan_tu_tuong_ho_chi_minh_ve_dang_cong_san_viet_nam.docx