1. Trang Chủ
  2. Hướng Dẫn
  3. Hướng Dẫn Tiểu Luận

Cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh & mẫu

Để viết bài tiểu luận hay trước tiên cần phải nắm chắc được cấu trúc bài tiểu luận chuẩn. Nhiều trường hay thầy cô hướng dẫn sẽ đưa ra những yêu cầu cho bài tiểu luận, cấu trúc bài tiểu luận cụ thể, bạn chỉ cần dựa vào những mẫu có sẵn đó để xác định cấu trúc bài tiểu luận. Nhưng nhiều trường không đưa ra quy định nào, nhiều bạn sẽ không biết cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh như thế nào để viết tiểu luận của mình. Vậy mời bạn cùng tham khảo cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh & mẫu bài tiểu luận mà TieuLuan.com chia sẻ dưới đây nhé.

Cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh & mẫu

I. Cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh

Một bài tiểu luận thường có cấu trúc gồm 3 phần chính và các phần phụ kèm theo, nhưng tùy theo mỗi trường sẽ có những quy định cấu trúc bài tiểu luận khác nhau. Dưới đây là cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh, đầy đủ nhất.

Cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh

  • Phần bìa: Bìa cứng, trang bìa
  • Phần nhận xét của giáo viên (trang này để các dòng trắng để giáo viên nhận xét, có trường yêu cầu, có trường không)
  • Phần lời cảm ơn
  • Phần mục lục
  • Phần mở đầu
  • Phần nội dung chính
  • Phần kết luận, kiến nghị, đề xuất
  • Phần danh mục tài liệu tham khảo
  • Phần danh mục từ viết tắt
  • Phần phụ lục

1. Phần bìa tiểu luận

1.1 Bìa cứng

Phần bìa chính (bên ngoài cùng tiểu luận) hay phần bìa cứng là trang bìa đầu tiên của bài tiểu luận, được in giấy màu cứng, thường trang bìa này có mẫu sẵn của trường. Bao gồm đầy đủ thông tin tên trường, tên khoa, tên đề tài, tên sinh viên, và giáo viên hướng dẫn, được sắp xếp bố trí hợp lý.

Trang bìa tiểu luận

1.2 Trang bìa

Trang bìa này hay chính là trang bìa phụ, chính là bản photo đen trắng của trang bìa chính, vì vậy nó có thiết kế và nội dung giống như phần bìa chính. Trang bìa này được đặt ngay sau phần bìa chính.

2. Lời cảm ơn

Lời mở đầu là đoạn đầu tiên của một bài tiểu luận, đây là một phần khá quan trọng của bài tiểu luận, mục đích là giới thiệu tới người đọc về chủ đề bài tiểu luận, lời cảm ơn thường là một đoạn văn dài, nằm trên một trang giấy A4.

3. Phần mục lục

Phần mục lục là phần cho người đọc thấy được lộ trình của từng phần trong bài tiểu luận, người đọc sẽ xác định vị trí thông tin cụ thể hoặc xem lại các phần quan trọng trong bài tiểu luận một cách nhanh chóng. Đơn giản hơn, phần mục lục này chính là tên các chương các tiểu mục đi cùng với số trang của các chương phần đó, để khi cần xem phần nào người đọc sẽ tìm đến ngay trang đó.

Phần mục lục

4. Phần mở đầu

4.1 Lý do chọn đề tài

Trong phần lý do chọn đề tài bạn cần phải đưa ra được câu trả lời cho các câu hỏi: Tại sao bạn lại chọn đề tài này để nghiên cứu? Tầm quan trọng, vai trò của đề tài liểu luận? Đề tài này sẽ đáp ứng được những yêu cầu nào của thực tiễn xã hội đặt ra?

4.2 Mục tiêu và mục đích nghiên cứu

Trong phần này, bạn cần đưa ra được mục tiêu và mục đích nghiên cứu đề tài này

  • Mục tiêu tổng quát: Là đích đến mà bạn muốn đạt được và có tính khái quát, có thể xem là yếu tố để phân loại đề tài nghiên cứu
  • Mục tiêu cụ thể: Là những mục tiêu nhỏ và cụ thể mà bạn đề ra để đạt được mục tiêu tổng quát
  • Mục đích nghiên cứu: Là kết quả, giải pháp mà bạn muốn hướng đến khi thực hiện đề tài cho bài tiểu luận

4.3. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu là những sự vật, sự việc hoặc con người có liên quan, tác động hay chịu sự tác động của đề tài bạn đang nghiên cứu. Đối tượng nghiên cứu có thể là một cá nhân, một tập thể, hay một sự vật, sự việc nào đó.

4.4. Phạm vi nghiên cứu

Trong phần phạm vi nghiên cứu bạn cần đưa ra giới hạn của nghiên cứu nằm trong một phạm vi nhất định, giới hạn về không gian, thời gian và lĩnh vực nghiên cứu. Để người đọc thấy được nội dung nghiên cứu sẽ bao gồm những gì, tập trung vào khoảng nào.

Phần mở đầu

4.5 Nhiệm vụ nghiên cứu

Phần này bạn cần đưa ra những công việc cụ thể, chi tiết mà các bạn cần thực hiện trong quá trình nghiên cứu đề tài để đạt được mục tiêu đề ra ban đầu.

4.6 Phương pháp nghiên cứu

Đưa ra những phương pháp nghiên cứu được sử dụng trong bài tiểu luận. Có nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau được chia thành 2 nhóm phương pháp, đó là phương pháp nghiên cứu lý thuyết và phương pháp nghiên cứu thực tiễn, bạn cần lựa chọn những phương pháp nghiên cứu phù hợp với đề tài của mình.

Phương pháp nghiên cứu lý thuyết là phương pháp dựa vào những số liệu có sẵn để kết luận cho đề tài nghiên cứu của mình, gồm các phương pháp:

  • Phương pháp phân tích – tổng hợp lý thuyết
  • Phương pháp giả thuyết
  • Phương pháp phân loại và hệ thống hóa lý thuyết
  • Phương pháp lịch sử
  • Phương pháp mô hình hóa

Phương pháp nghiên cứu thực tiễn là những phương pháp trực tiếp nghiên cứu, điều tra để hiểu rõ bản chất vấn đề, phương pháp này bao gồm:

  • Phương pháp điều tra
  • Phương pháp quan sát khoa học
  • Phương pháp thực nghiệm khoa học
  • Phương pháp nghiên cứu thực tiễn
  • Phương pháp khảo sát
  • Phương pháp chuyên gia
  • Phương pháp phân tích – tổng kết kinh nghiệm

4.7 Tóm lược nội dung chính

Tóm tắt tổng quát những nội dung chính của bài tiểu luận, bạn chỉ nên ghi ngắn gọn tất cả các ý tưởng chính trong bài tiểu luận, tóm tắt theo lời nói riêng cả bạn, chỉ chứa các ý tưởng mà không phân tích, giải thích hay diễn giải chi tiết.

5 Phần nội dung chính

Phần nội dung chính là phần quan trọng trong cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh, trong phần này là nơi trình bày nội dung trọng tâm của đề tài, chiếm nhiều nội dung và được thể hiện trong nhiều đoạn văn. Số lượng đoạn thân bài phụ thuộc vào mục đích và độ dài yêu cầu của mỗi nhiệm vụ đề tài đã chọn. Thường phần nội dung chính được chia thành 3 chương cụ thể như sau:

Chương 1: Lý thuyết chung/ Cơ sở lý luận

Bắt đầu phần nội dung chính của bài tiểu luận chính là các cơ sở lý thuyết liên quan đến đề tài bài tiểu luận. Tại đây bạn cần trình bày các khái niệm, những lý thuyết liên quan đến đề tài tiểu luận.

Các cơ sở lý luận được hiểu là các giả thuyết đã được kiểm chứng và khẳng định, muốn lý luận thì bạn cần phải có những phương pháp lập luận như: Phân tích, suy diễn, tổng hợp, quy nạp, làm cho lập luận của bạn logic và thuyết phục người đọc.

Chương 2: Thực trạng

Trong chương thực trạng, bạn cần đưa ra thực trạng của đề tài, phần này là nội dung quan trọng để bạn chứng minh được tính thực tiễn và cần thiết cho đề tài mà bạn đang nghiên cứu. Thực trạng của một vấn đề, một tình huống cụ thể luôn gồm 2 mặt là tích cực và tiêu cực, bạn nên đi sâu vào mặt tiêu cực, phân tích những hạn chế thực tại để tìm ra nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan hình thành nên vấn đề.

Phần nội dung chính

Chương 3: Giải pháp

Khi đã có những hạn chế, những mặt tiêu cực thì việc đưa ra những giải pháp để giải quyết, sửa chữa vấn đề một cách tốt nhất là điều cần thiết và quan trọng. Bạn có thể đề xuất một giải pháp bạn cho là tốt nhất hoặc nhiều giải pháp khác nhau cho vấn đề bạn đang nói đến.

Để viết giải pháp hay và ấn tượng đầu tiên bạn cần nói rõ lại vấn đề của đề tài sau đó thuyết phục người đọc rằng vấn đề rất quan trọng và cần có giải pháp giải quyết.

Tiếp theo bạn đề xuất ra giải pháp của mình, giải thích và phân tích rõ giải pháp của bạn, thuyết phục người đọc nhận thấy giải pháp của bạn khả thi và sẽ mang lại hiệu quả tốt, bạn cũng đưa ra những lý luận để thuyết phục người đọc rằng giải pháp của bạn là một giải pháp tốt, hơn hẳn các giải pháp đã từng áp dụng hoặc những giải pháp khác được đề xuất.

Chương 4: Kết quả nghiên cứu( nếu có)

Nếu bạn thực hiện các nghiên cứu về vấn đề của đề tài tiểu luận thì phần này bạn báo cáo các thông tin thu thập được, kết quả nghiên cứu của phương pháp bạn đã áp dụng vào đề tài. Phần này nêu ra những phát hiện đúng khi thực hiện nghiên cứu, không được đưa những thông tin sai lệch, bạn cũng cần lưu ý sắp xếp các kết quả theo trình tự logic để người đọc dễ hiểu.

6. Phần kết luận, kiến nghị, đề xuất

Phần kết luận giúp bạn bày tỏ quan điểm và suy nghĩ về đề tài, nhấn mạnh lại nội dung của cả bài tiểu luận, phần này giúp cho bài tiểu luận có được cấu trúc hoàn chỉnh và giúp bài tiểu luận liên kết chặt chẽ với nhau. Phần này là một phần quan trọng trong cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh. Trong phần này bạn sẽ trình bày các ý như sau:

  • Trình bày, đánh giá các kết quả nghiên cứu: Đưa ra các kết quả nghiên cứu đã đạt được và nhận xét về những thành quả nghiên cứu đó
  • Trình bày ngắn gọn đóng góp, chỉ ra giới hạn: Nêu lên những khó khăn mang tính khách quan trong quá trình bạn nghiên cứu đề tài tiểu luận, do đó sự đóng góp của đề tài là có giới hạn với sự phát triển của xã hội
  • Trình bày đề xuất: Đưa ra những đề xuất về việc áp dụng kết quả nghiên cứu của mình vào xã hội thực tiễn

Phần kết luận

Một số lưu ý khi viết phần kết luận, kiến nghị, đề xuất: Bạn không nên đưa ra ý tưởng mới, nội dung mới trong phần này, không nên đưa ra các trích dẫn trong phần kết luận, tránh sử dụng những ngôn từ rườm rà, dùng từ ngữ ngắn gọn, rõ ràng. Đặc biệt bạn cũng không nên lạm dụng các cụm từ liên quan đến kết thúc như: Tóm lại, để kết thúc, kết luận lại,… dễ gây lên sự nhàm chán và sáo rỗng.

7. Phần danh mục tài liệu tham khảo

Phần danh mục tài liệu tham khảo cũng là một phần quan trọng của một bài tiểu luận, phần này tập hợp danh sách những tài liệu mà bạn đã tham khảo và thu thập thông tin cho bài tiểu luận này của bạn. Phần này giúp khẳng định thêm giá trị của bài tiểu luận, không vi phạm lỗi “đạo văn”, làm tăng thêm sự chặt chẽ cho những lập luận của bạn, giảng viên (người đánh giá) sẽ thấy được sự nghiêm túc của bạn cho bài tiểu luận, đặc biệt bạn thể hiện được sự tôn trọng cho các tác giả, tác phẩm mà bạn có sử dụng tham khảo trong bài tiểu luận.

Tài liệu tham khảo

Một số lưu ý khi trình bày phần danh phục tài liệu tham khảo trong bài tiểu luận:

  • Phải ghi đầy đủ các thông tin cần thiết cho tài liệu tham khảo
  • Tùy theo từng loại tài liệu tham khảo sẽ có cách định dạng viết mục tài liệu tham khảo khác nhau. (Ví dụ: Đối với sách: Họ tên tác giả (năm xuất bản). Tên sách, Nhà xuất bản, Nơi xuất bản; Với những bài viết báo chí: Tên tác giả (ngày tháng năm xuất bản). Tên bài báo. Tên tờ báo, trang số; …)
  • Sắp xếp các tài liệu tham khảo lần lượt theo thứ tự ABC. Nếu tác giả là người nước ngoài, xếp thứ tự ABC theo họ. Nếu tác giả là người Việt Nam, xếp thứ tự ABC theo tên.

8. Phần danh mục từ viết tắt

Nếu trong bài tiểu luận của bạn có sử dụng các từ viết tắt thì phần danh mục từ viết tắt là phần quan trọng và bắt buộc phải có trong cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh. Vì có phần danh mục từ viết tắt, người đọc mới có thể hiểu được chính xác nghĩa của từ viết tắt, từ đó hiểu rõ hơn về nội dung của bài tiểu luận.

Một số lưu ý khi bạn sử dụng từ viết tắt trong bài tiểu luận:

  • Có thể viết tắt với những từ xuất hiện nhiều lần trong bài tiểu luận, nhưng không nên lạm dụng nhiều từ viết tắt gây khó khăn cho người đọc
  • Không nên viết tắt những cụm từ quá dài
  • Bảng danh mục từ viết tắt được sắp xếp theo thứ tự ABC

Danh mục từ viết tắt

9. Phần phụ lục

Đây là phần thông tin bổ sung, minh họa cho đề tài nghiên cứu của bài tiểu luận, đây không phải là phần thiết yếu của bài tiểu luận nhưng có thể hữu ích trong việc cung cấp một sự hiểu biết toàn diện hơn về vấn đề nghiên cứu.

Phụ lục thường nằm sau trang trích dẫn tài liệu, số trang của phần phụ lục không được nhiều hơn trang của phần nội dung chính bài tiểu luận. Nếu bạn sử dụng phiếu điều tra thì hãy đính kèm nguyên bản phiếu điều tra, kết quả điều tra trình bày ngắn gọn. Bạn cần chắc chắn rằng, nếu bỏ phần phụ lục thì người đọc vẫn có thể hiểu được nội dung bài tiểu luận.

Một số lưu ý khi viết phụ lục tiểu luận: Cần trình bày ngắn gọn nhưng phải đầy đủ thông tin, không được viết chung chung, làm người đọc khó hiểu hoặc hiểu sai ý. Tách riêng các trang phụ lục cho các số liệu, bảng, biểu mẫu, để thuận tiện theo dõi. Tất cả các biểu mẫu, phiếu điều tra đính kèm cần phải được định dạng chuẩn như định dạng bài tiểu luận.

II. Mẫu cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh

1. Mẫu cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh pháp luật đại cương

Đề tài: Vi phạm quyền tác giả ở Việt Nam

Mẫu cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh pháp luật đại cương

2. Mẫu cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh môn quản trị Marketing

Đề tài: Chiến lược Marketing sản phẩm Bánh Trung Thu của tập đoàn Kinh Đô

Mẫu cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh môn quản trị Marketing

3. Mẫu cấu trúc bài tiểu luận lịch sử Đảng

Đề tài: Điện Biên Phủ trên không - mười hai ngày đêm lịch sử

Mẫu cấu trúc bài tiểu luận lịch sử Đảng

4. Mẫu cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh triết học

Đề tài: Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần theo định hướng XHCN ở nước ta - Thực trạng và một số giải pháp cơ bản

Mẫu cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh triết học

5. Mẫu cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh văn học

Đề tài: Triết lý thân trong văn học trung đại việt nam qua một số tác phẩm tiêu biểu

Mẫu cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh văn học

Tải tất cả mẫu cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh tại đây:

mau-bai-tieu-luan-hoan-chinh.rar

Như vậy, TieuLuan.com đã chia sẻ với bạn cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh & mẫu tham khảo chi tiết. Khi nắm rõ được cấu trúc bài tiểu luận hoàn chỉnh bạn có thể dễ dàng viết tiểu luận hay dù trường không đưa ra mẫu cụ thể. Dù vậy, bạn cũng cần để ý thực hiện theo cấu trúc bài tiểu luận nếu trường bạn yêu cầu hay thầy cô hướng dẫn đưa ra. Hi vọng bài viết này sẽ giúp ích phần nào cho bạn trong việc định hướng bố cục, cấu trúc cho bài tiểu luận của mình. Cảm ơn bạn đã quan tâm và theo dõi bài viết này.

Viết bình luận